VÕ TRƯỜNG TOẢN Cụ Võ Trường Toản người tỉnh Gia-định, huyện Bình-dương. Khi Tây-sơn dấy binh, cụ ở ẩn dạy học. Nhiều danh-thần triều Gia-long như Ngô tùng Châu, Trịnh hoài Đức, Lê quang Định, Ngô nhân Tịnh đều là học-trò cụ. Hơn nữa, chính cụ đã gây nên cái học-phong sĩ-khí cho những thế-hệ sau tốt-đẹp. Từ những học-trò đỗ cao, quan sang, cho đến những người như Nguyễn đình Chiểu, Huỳnh mẫn Đạt, Phan văn Trị sở dĩ đã giữ tròn tiết-tháo cơn nước nhà bị xâm-lăng, đều là người có chịu ảnh-hưởng của cụ. Trong lúc chúa Nguyễn-phúc Ánh chống Tây-sơn, khắc-phục được Gia-định rồi, thường triệu cụ Võ đến bàn-luận việc nước. Chúa Nguyễn muốn phong quan-tước cho cụ, cụ nhất định chối-từ, chỉ khuyên đào-luyện tinh-thần đoàn hậu-tấn. Chúa Nguyễn rất khen và tiếc không được dùng tài cụ. Năm nhâm-tí 1792, cụ mất tại làng Hòa-hưng (Gia-định. Chúa Nguyễn truy tặng huy-hiệu « Gia-định xử-sĩ Sùng-đức Võ tiên-sinh », lấy hiệu ấy khắc vào mộ chí, và một đôi liễn truy điệu: « Triều hữu huân danh bán thuộc Hà-phần cựu học; Đẩu nam phong giáo, tề khâm Nhạc-lộc dư uy ». Cụ Võ mất, không có con-cái chi cả 1, nhưng mọi người đều mến-mộ ân-đức cụ, các học-trò đều tôn-kính cụ như cha. Cho đến về sau, khi Nguyễn Ánh lên ngôi, các vị thượng-thư trong sáu bộ cũng có đôi liễn truy-niệm: « Sinh tiền giáo-huấn đắc nhân, vô tử như hữu tử; Một hậu thinh danh tại thế, tuy vong dã bất vong ». Nghĩa: « Lúc sống dạy-dỗ được người, không con cũng như có con; Chết đi tiếng-tăm còn để, mất mà chẳng mất ». Cụ Võ phẩm người xuất chúng, cho nên cụ Phan-thanh Giản khi ngồi trấn đất miền nam, tưởng đến cái cao đức của người xưa, dầu không là học trò cụ Võ cũng kính cụ Võ như bậc sư-bá mà hết lòng tôn-trọng, sùng-bái. Và về sau, khi ba tỉnh miền đông (Biên-hòa, Gia-định, Định-tườngthuộc Pháp, cụ Phan cũng không quên đến nắm xương sót của cụ Võ. Ba tỉnh miền đông mất rồi, cụ Phan không muốn cho xương tàn của bậc sư-nho nằm trong phần đất bị xâm-lăng, cụ mới cùng với đốc-học tỉnh Vĩnh-long là Nguyễn Thông tỏ với hiệp-trấn An-giang là Phạm hữu Chánh, giao cho tú-tài Võ gia Hội lo việc cải táng hài-cốt cụ Võ. Đến ngày 28 tháng 10 năm Tự-đức thứ 18 (ất-sửu 1865, nắm xương tàn của cụ Võ được dời về chôn-cất lại ở làng Bảo-thạnh là quê-hương cụ Phan. Rồi hai năm sau, ngày 28 tháng 3 năm đinh-mảo 1867, chính tay cụ Phan-thanh Giản soạn một bài văn bia, định khắc dựng ở mộ cụ Võ. Nhưng buổi bấy giờ tình-hình trong nước đã bị liên quân Pháp-Y làm rối quá nhiều, cho nên thợ khắc chưa rồi thì đến tháng bảy năm này, vì thất luôn ba tỉnh phía tây mà cụ Phan có nhiệm-vụ giữ-gìn, phải ngậm-ngùi tử tiết 2. Thế là công-việc dựng bia cho cụ Võ bị ngưng trong một thời-gian. Về sau, ông Trương-ngọc Lang đứng ra lo việc mướn thợ khắc bia, đến rằm tháng tám năm nhâm-thân (1872mới rồi. Và sợ người sau lầm-lẫn, ông Trương ngọc lang còn cho khắc thêm mấy chữ « Tiền nhâm-tí chí nhâm-thân cộng bát-thập-nhất niên ». Nghĩa: Khi cụ Võ mất là năm nhâm-tí 1792 đến năm nhâm-thân 1872 mới dựng bia xong, cộng 81 năm (tính theo ta. Bài văn bia ấy như sau: VĂN BIA CỦA PHAN-THANH GIẢN DỰNG Ở MỘ VÕ TRƯỜNG TOẢN