Được soạn thảo nghiêm túc và tôi luyện kỹ càng trong nhiều thập niên giảng dạy ngôn ngữ Việt tại các đại học Mỹ (khởi thủy tại Columbia vào năm 1953 và kết thúc tại Southern Illinois vào năm 1990), VIETNAMESE / TIẾNG VIỆT KHÔNG SON PHẤN của Giáo sư Nguyễn Đình-Hòa là một cuốn sách giáo khoa thượng đẳng. Với mười một chương sắp xếp theo thứ tự rành mạch, hai phụ bản, một thư tịch liệt kê 210 nguồn khảo cứu của các tác giả khắp năm châu viết về tiếng Việt, và một “index” hơn 13 trang, cuốn sách là một đóng góp uyên bác hiếm quý cho thế giới bên ngoài muốn tìm hiểu về cấu trúc tiếng Việt. Bằng một lối viết trong sáng vui tươi và với những thí dụ đầy tình tự dân tộc, tác giả đã miêu tả những nét chính yếu và đặc thù của âm pháp (phonology), từ pháp (morphology) và cú pháp (syntax) tiếng Việt qua các nguyên lý của khoa ngôn ngữ học hiện đại. Trong lời tựa, tác giả cho biết ông giữ lập trường “bảo thủ” (conservative) của trường phái “miêu tả” (descriptive school) khi soạn thảo cuốn sách, nhưng tôi thấy cần phải nói thêm rằng khảo hướng của ông cũng rõ nét “chiết trung” (eclectic). Khảo hướng chiết trung rất lành mạnh và cần thiết để duy trì được một cái nhìn quân bình trong bộ môn ngôn ngữ học, và đó cũng là đường lối của tác giả các sách giáo khoa được tán thưởng như cuốn CHINESE của Jerry Norman (Cambridge University Press, 1988) hoặc cuốn THE STRUCTURE OF GERMAN của Anthony Fox (Oxford University Press, 1990). Thật vậy, tác giả đã miêu tả cấu trúc của “tiếng Việt không son phấn” qua các bình diện “lịch sử” (historical), “công năng” (functional), “so sánh” (comparative), “tương phản” (contrastive), “pháp vị” (tagmemic), “ngữ dụng” (pragmatic), “biến tạo” (transformational), và “đại đồng” (universal). Kiến thức chuyên môn quảng bác cũng như kinh nghiệm thâm sâu về giảng dạy ngôn ngữ đã giúp tác giả thành công trong nỗ lực áp dụng khảo hướng chiết trung khi soạn thảo cuốn sách giáo khoa này, để giúp cho người đọc có được một cái nhìn quân bình về cấu trúc tổng thể tiếng Việt. Có hai điểm son nữa của cuốn sách có tính cách sư phạm, mà người sử dụng sẽ trân quý, cần được nêu ra: (1) Nội dung cuốn sách được trình bầy một cách “giáo khoa”, có nghĩa là theo một dàn bài lớp lang, chặt chẽ, dễ theo dõi cho người đọc; (2) Vì cuốn sách nhắm vào người ngoại quốc chưa giỏi tiếng Việt, các câu thí dụ bằng tiếng Việt đều được chuyển sang tiếng Anh từng chữ tương đương một, rồi mới dịch sang tiếng Anh. Chẳng hạn câu “Xe đạp của tôi phanh không ăn” được chuyển từng chữ một thành “Bike of me – brakes no eat” và dịch thành “My bicycle has brakes that don’t work” (trang 220). Điều này giúp người ngoại quốc hiểu nghĩa các từ tương ứng trong hai ngôn ngữ, đồng thời thấy được sự khác biệt khá ngoạn mục về vị trí các từ trong câu (word order) giữa cú pháp tiếng Việt (một ngôn ngữ đơn lập) và cú pháp tiếng Anh (một ngôn ngữ biến cách). Và cũng vì nhiều độc giả cuốn sách không phải là những chuyên viên ngữ học, tôi chỉ tiếc là cuốn sách đã không có một danh sách (glossary) liệt kê và định nghĩa những từ chuyên môn về ngữ học được dùng trong cuốn sách, mặc dù tác giả đã cố gắng giải thích một số từ này rất cặn kẽ trong sách, như “âm vị” (phoneme) ở trang 12, “tiếp tố” (affixation) ở trang 59, vân vân. Trong những đoạn kế tiếp dưới đây, tôi sẽ nêu lên một vài nét chính yếu đáng lưu ý trong nội dung từng chương của cuốn sách giáo khoa này.
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com