Việt – Thanh Chiến Dịch là phần II trong một chuỗi biên khảo lịch sử bao gồm:
– Quyển I: Bối cảnh lịch sử cuối thế kỷ XVIII
– Quyển II: Việt-Thanh chiến dịch
– Quyển III: Thanh – Việt nghị hòa: Tiến trình công nhận triều đại Quang Trung
– Quyển IV: Phái đoàn Đại Việt và lễ Bát tuần khánh thọ của vua Cao Tông
– Quyển V: Bang giao Thanh – Việt triều Quang Trung
– Quyển VI: Bang giao Thanh – Việt triều Cảnh Thịnh
Tuy chỉ kéo dài khoảng 1/4 thế kỷ, nhưng giai đoạn này có những biến đổi mãnh liệt vượt qua ranh giới quốc gia hay chủng tộc. Chúng ta thấy có liên minh của vua Lê với các nhóm thiểu số vùng thượng du, của chúa Nguyễn với Xiêm La, Chân Lạp, người Lào vùng Trấn Ninh, Vạn Tượng và nhất là với các thế lực Âu châu. Chính lực lượng Tây Sơn cũng không phải là một sức mạnh thuần Việt mà có sự tiếp sức của người Thượng, người Hoa và nhiều nhóm người Chăm. Họ cũng có những tiếp xúc kỹ thuật, mua bán với Tây phương nhưng còn nhiều giới hạn. Sự can thiệp của Thanh đình tuy khuấy động những tập hợp đó trong một thời gian ngắn nhưng sau khi lớp băng mỏng thiên triều – phiên thuộc giữa Trung Hoa và Tây Sơn bị xóa mờ thì kết cấu khu vực trở lại như cũ, tranh chấp địa phương lại bùng nổ trước khi có thể ổn định, đồng nhất và chặt chẽ.
***
Tình hình miền Bắc nước ta cuối thế kỷ XVIII mỗi lúc một thêm tồi tệ. Sau khi quân Trịnh thua ở Phú Xuân chính quyền Ðàng Ngoài càng lúc càng chông chênh khiến cho Nguyễn Huệ đem quân ra thẳng Bắc Hà mà không gặp một lực lượng phòng ngự nào đáng kể. Trước đây vua Lê vẫn dựa vào chúa Trịnh trong mọi việc hành chánh và quân sự, đến nay khi họ Trịnh bại vong, quả thực chỉ còn cái nước trống không như vua Lê đã thú nhận.
Miền Bắc vào những năm cuối cùng của nhà Lê là một khu vực nghèo khổ, nhiều nơi mất mùa, đói kém. Theo lá thư của Lefro gửi cho Bandin thì “… mùa này tháng Mười (âm lịch) năm 1788 đã bị mất vì đại hạn vào mùa hè năm trước. Gạo cũ còn lại của mùa trước thì bị vơ vét vào kho lương địch thành thử ngay cả lái buôn cũng chết đói [có cả bệnh dịch nữa] …” [1] Người dân lại bị tham quan nhũng nhiễu, sưu cao thuế nặng nên có làng chết mất đến một nửa hay ba phần tư, những người còn lại thì đều bị bắt lính cả.
Những tỉnh địa đầu như Thanh Nghệ còn bi đát hơn. Tình hình đó không phải chỉ một vài tháng mà kéo dài nhiều năm khiến chúng ta hiểu được rằng trong hoàn cảnh nhiễu nhương, người dân gần như không còn biết gì đến những thay đổi thượng tầng mà chỉ mong đợi một chính quyền ít hà khắc.
Theo số liệu do Li Tana thu thập và phỏng đoán, vào đầu thế kỷ XIX, 11 đạo ở miền Bắc có tổng cộng 9,445 xã 578,400 suất đinh. [2] Cũng theo Li Tana, dân số miền Bắc ước lượng khoảng từ 5 đến 6 triệu người (tr. 171) trong khi dân số miền Nam chỉ chừng non 1 triệu (tr. 159 – 160). Những con số này dĩ nhiên không tuyệt đối chính xác nhất là ở Ðàng Trong một số đông các sắc tộc thiểu số vốn dĩ thần phục chúa Nguyễn trên danh nghĩa nhưng giữ sinh hoạt kinh tế, văn hoá riêng, sống du canh di chuyển luôn luôn nên không có con số rõ rệt. Cũng vì thế, quân đội của chúa Nguyễn có thể chỉ bằng 1/4 quân chúa Trịnh như giáo sĩCristophoro Borri miêu tả[3] nhưng quân số của Tây Sơn lại lớn hơn nhiều, ngoài lực lượng trú phòng họ thường điều động được nhiều vạn quân mỗi khi có chiến tranh.
***
Thật sự đây là một quyển sách rất hay, với một góc nhìn vô cùng khách quan, tác giả đã giúp ta hiểu thêm nhiều điều về vua Quang Trung và triều đại Tây Sơn.
Từ những chi tiết rất nhỏ nhặt như cách dùng người, dùng binh đa dạng từ dân tộc thiểu số, người Hoa lưu vong; cho đến các loại hỏa khí, cách thức hành quân, vây đồn của vua Quang Trung và thậm chí là cả những tranh chấp, mưu toan, đấu đá lẫn nhau trong nội bộ Tây Sơn (3 anh em Nguyễn Huệ).
Đây là một quyển sách rất đáng đọc, cung cấp một góc nhìn toàn vẹn và khách quan về Nguyễn Huệ. Khác hẳn với cách nói lấp liếm, thậm chí là phóng đại trong SGK sử hiện nay về Quang Trung.
Xuyên suốt chiều dài lịch sử, nước ta đã phải trải qua biết bao nhiêu lần xâm lược của các nước lớn, biết bao nhiêu chiến thắng vẻ vang đánh đuổi kẻ thù, bảo vệ, gìn giữ nền độc lập tự do. Đó là những gì ông cha ta phải trả qua để cho chúng ta có được một cuộc sống như ngày hôm nay. Vậy thật đáng xấu hổ khi chúng ta không hiểu biết đầy đủ về lịch sử nước nhà. Đó là sự tự hào, lòng tự tôn dân tộc. Cuốn sách này đây, sẽ giúp ta hiểu hơn về những gian khó, những sự tài ba, tinh hoa của Quang Trung cũng như đồng bào, nhân ta thời đó khi đánh đuổi quân Thanh xâm lược. Đây quả thật là một trong những cuốn sách hay giúp ta hiểu biết, tự hào hơn về cội nguồn dân tộc Việt Nam, một dân tộc luôn kiên cường, bất khuất trong chiến tranh, luôn hỏa hỏa, bình dị khi hòa bình. Mong các bạn sẽ thích và mua đọc tác phẩm này.
Mời các bạn đón đọc Việt – Thanh Chiến Dịch của tác giả Nguyễn Duy Chính.
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn