Thám tử Kỳ Phát là bộ truyện đã làm nên danh tiếng của “Vua truyện trinh thám Việt Nam” – Phạm Cao Củng. Giống như Sherlock Holmes, Kỳ Phát luôn đề cao lý trí, lấy suy luận làm phương cách phá án.
Series Thám tử Kỳ Phát gồm 5 cuốn:
Mặc dù học tập và ảnh hưởng từ truyện trinh thám phương Tây, nhưng Phạm Cao Củng đã sáng tạo nên những câu chuyện thấm đẫm đời sống Việt Nam, tính cách Việt Nam. Phá án theo phương pháp suy luận diễn dịch kiểu Sherlock Holmes, song nhân vật của Phạm Cao Củng mang đậm những phẩm chất được ưa chuộng ở phương Đông: trọng nghĩa khí, coi thường tiền bạc, không hành động vì thù lao, luôn tôn trọng tình cảm, đạo đức.
Đám cưới Kỳ Phát: Một buổi sáng, Kỳ Phát tình cờ nhìn thấy Thanh Ngọc trên sân ga và bị hút hồn ngay bởi đôi mắt huyền của giai nhân. Theo chân nàng lên chuyến tàu định mệnh, rồi nhận lấy chiếc va ly duyên nợ, Kỳ Phát bị cuốn vào một vụ án ly kỳ và rắc rối. Liệu cuộc gặp gỡ có phải mối lương duyên tốt đẹp? Kỳ Phát sẽ có một đám cưới hạnh phúc, hay ẩn tàng sau đó là âm mưu thâm độc cùng những cạm bẫy chết người?
Nhà sư thọt: Một ông già dở người bị đẩy xuống giếng, tuy giàu có ức vạn nhưng chỉ để lại chiếc két rỗng không. Một nhà sư thọt lẻn đến hiện trường đào bới lúc nửa đêm.
Liệu ông ta có liên quan đến cái chết của nạn nhân và số của cải bị giấu? Kỳ Phát phải làm thế nào để tìm ra hung phạm và những uẩn khúc được giấu kín suốt nhiều năm?
Chiếc tất nhuộm bùn: Ngay từ nhỏ, Kỳ Phát đã chứng tỏ được óc trinh thám và khả năng suy luận tài ba. Từ một chiếc tất nhuộm bùn, chàng đã khám phá ra việc mẹ kế tư thông với nhân tình, gói ghém nữ trang toan bỏ trốn. Song không ngờ, bà ta lại vu cho chàng tội ăn cắp, khiến chàng phải chịu tủi nhục, bị mọi người khinh ghét.
Tuổi thơ xa mẹ, nếm chịu nhiều đắng cay, Kỳ Phát luôn mong muốn được biết tung tích của mẹ. Nhưng đau đớn thay, chàng lại gặp mẹ trong hoàn cảnh vô cùng trớ trêu. Và câu chuyện hai mươi năm về trước dần được hé lộ…
Vết tay trên trần: Đọc được mẩu tin trên báo về một vụ giết người, Kỳ Phát lập tức đến hiện trường để tra án. Nạn nhân bị đâm chết trong buồng kín, trên trần nhà có những vết tay nhỏ. Trong khi đó, lời khai của các nhân chứng lại hoàn toàn khác nhau: con trai nạn nhân nói bị một bóng đen bóp cổ, còn lão bộc lại thoáng thấy một bóng trắng đi vào nhà.
Vậy, ai là chủ nhân của những vết tay trên trần? Liệu Kỳ Phát có tìm ra hung thủ và động cơ giết người của hắn?
Kỳ Phát giết người: Một hôm, nhận được thư của Cúc, Kỳ Phát vội vàng tới gặp tình cũ. Chồng Cúc mới qua đời, đứa con trai tên Hoàn lại bị bắt cóc, khiến cho nàng vô cùng hoang mang, đau đớn. Cùng lúc đó, một cậu bé tên Hoàn khác cũng mất tích. Kỳ lạ là trong cả hai vụ, hai gia đình đều bị trộm đột nhập nhưng chỉ mất mấy đôi đũa.
Ai là kẻ chủ mưu đứng sau tất cả mọi chuyện? Kỳ Phát phải làm gì để tìm được con trai Cúc? Bí mật nào ẩn giấu đằng sau hai vụ bắt cóc và những đôi đũa bị đánh cắp?
Mời các bạn đón đọc Vết Tay Trên Trần của tác giả Phạm Cao Củng.