Cinque Terre

Vết Chân Tự Ngã Trên Đường Về Không

Tác giả :
Thể Loại : Tiểu Thuyết Trung Quốc
PDF Đọc Online


Cõi nhân gian âu là sự phóng chiếu của tâm thức nghiệp báo, song cũng là sự hiện tướng trong màn hình chân như. Khoa học hiện đại thật sự ngạc nhiên khi nhìn thấy lỗ hổng thời gian và đang dần hoài nghi về không gian, như chính thời-không từng xuất hiện và biến mất trong giấc mơ qua sự thể nghiệm ở mỗi chúng ta. Trần ai huyễn mộng – chân lý này phải bậc triệt ngộ mới thể nhập thông qua thiền-tuệ, ngoài ra không cách gì chứng biết dẫu khoa học có phát triển đến ngưỡng như những nền văn minhtrước trái đất từng hoại diệt chăng nữa. Con người sinh ra hữu ý hay vô tình đều đã nương vào ánh sáng mặt trời mà lớn lên như chính niềm ân sủng vô biên của Phật pháp. Đức Phật là bậc thấu triệt quy luật vận hành của vũ trụ nhân sinh và thuyết lại y nguyên không chút sáng tạo. Mà trước hết Kinh điển luôn dạy những căn cốt của triết lý nhân sinh. Ấy là nhân quả báo ứng tơ hào không sai, luân hồi lục đạo xoay vần theo nghiệp báo; ai nỗ lực hành pháp đúng theo lộ trình Giới – Định – Tuệ, dẫu họ ở địa vị thấp hèn nhất vẫn đồng cơ hội chạm đến chiếc chìa khóa mở Kho tàng Phước-Trí vốn sẵn nơi Tâm; xem như bảo vệ thành công Luận án kiếp người. Trong nỗ lực bước đầu chập chững hành theo Kinh điển, vẫn biết những gì chia sẻ ra trong cuốn sách nhỏ này, xét riêng về bản thân là tự chướng ngại và đang tiếp tục làm tổn thương người khác. Với lòng chân thành hết mực, cúi mong quý bạn đọc thứ tha cho những dấu vết tự ngã sâu nặng của tác giả ẩn hiện trong từng dòng chữ lẽ ra im lặng vẫn hơn. *** Nhà văn Nhụy Nguyên tên thật là Trần Nguyên Sỹ Quê quán: Phù Lưu – Lộc Hà – Hà Tĩnh Hiện công tác tại Tạp chí Sông Hương Tác giả từng viết đều ở các thể loại: thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, tùy bút, tiểu luận. *** Thời mạt quá trọng nghi lễ, khiến cho việc hành chuyên môn giảm xuống. Không ai muốn phủ nhận việc thi hành một số lễ trước lúc người quá cố về chín suối. Người có đạo lực, họ có thể hướng dẫn linh hồn vững tin bước vào con đường sáng ở kiếp sau. Việc tụng kinh sẽ động viên hương linh thêm phần chính niệm. Đến là bậc chứng Thành nếu siêu độ thì người được nhận cũng chỉ sinh lên cõi trời Đao Lợi là cùng. Như tôi chưa hề soi thấu kiếp mình, việc tụng kinh sám hối giùm ai với tâm vọng động ngã chấp không chừng lại khiến linh hồn thêm phần hoang mang lầm lạc. Suốt đời tâm hiểm, lúc chết đâu dễ “nhờ ai” có thể giải nghiệp! Có chăng ở phút hấp hối, nếu họ nhận diện lỗi lầm, hướng nương theo Hương bát nhã, tịnh tâm niệm Phật và được nhiều người cùng hộ niệm may ra Phật lực hút khỏi Ta bà. Ở Tây Tạng hiện vẫn tồn tại tục điểu táng, có khi họ chặt khúc người chết cho chim ăn; ở sông Hằng có tục thủy táng (để người tu thấy được sự vô thường của xác thân. Ngay trong nước, cùng sự chết song ở một số nơi thuộc miền Bắc thường đưa đám trong vòng ba ngày kể cả ngày mất, còn ở phía Nam có nơi người chết để vài tuần, thối rữa… trên mặt đất! Phật giáo khai thị chí lý điều này: chỉ cần thật yên tĩnh trước, trong và sau lúc mất ít nhất 8 tiếng, sau đó mới đụng chạm đến người quá cố; tốt hơn thì trước lúc mất khuyên họ đừng tơ vương cõi trần quyến thuộc mà trụ tâm niệm Phật cầu vãng sinh Cực lạc. Làm trọn điều này còn lo chi đến ngày giờ tốt xấu. Sao khổ chủ đợi cho kỳ được ngày giờ tốt nhất mới táng người quá cố thân yêu, trong lúc người dương hoàn toàn có thể giúp bằng cách làm thật nhiều việc thiện hồi hướng cho người âm. Đó là điều có ích nhất mà họ sẽ nhận được từ chúng ta. Trong xã hội phong kiến Ấn Độ, nguyên thủy Phật không đề xướng đi cúng mà chỉ đến giảng pháp, thụ trai tại gia nếu được mời. Phát sinh việc này cũng chưa hẳn sai.