Về Nhà

Về Nhà

Tác giả:
Thể Loại: Văn Học Việt Nam
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com
PDFĐỌC ONLINE

“Về nhà” là cuốn sách quan trọng nhất, “là lý do để viết bộ sách này”. Không còn loay hoay với những câu hỏi như trong đời, đâu là việc chính, đâu là việc phụ, hay sống để làm gì, cuốn sách kể lại những nhân duyên đầu tiên – kỳ quặc, lạ lùng, đáng sợ hay vui vẻ – đã đưa chị trở lại căn nhà đích thực của mình – ngôi nhà bên trong thân và tâm, “nơi tất cả các ham muốn ghi nhận, ghi nhớ, ghi chép, suy luận, tư duy, kết nối, so sánh đều dừng bặt”.
Cũng giống như hai cuốn trước, “Về nhà” được viết từ những ghi chép tỉ mỉ của tác giả về mọi việc xảy đến trong cuộc sống, và được chị tự biên tập cắt đi chỉ còn một nửa.

Bắt đầu lại từ đâu? Đây là câu hỏi thường trực của mùa hè 2010 sau khi tôi từ Chicago chuyển tới California. Ly hôn là một cánh cửa mà ngay sau ly hôn, như người loanh quanh trên ngưỡng cửa, bạn không chắc bạn vừa bước ra hay vừa bước vào. Bạn thậm chí không chắc bạn bước ra khỏi cái gì và bước vào cái gì.

Nhưng ngã ở đâu, bạn phải đứng lên ở đó. Một tuần sau khi tới San Jose, trong tình trạng tỉnh táo mà mê muội đặc thù của thời hậu ly hôn, tôi thuê nhà, nhận phòng làm việc, gặp đồng nghiệp mới, đăng ký ô tô, đổi bằng lái, mở tài khoản ngân hàng, làm tất cả giấy tờ để ổn định cuộc sống, rồi tất bật về Hà Nội giảng một khóa học ngắn về công tác xã hội với trẻ em và gia đình. Lớp học có gần trăm học viên, phần lớn là giảng viên các trường đại học hoặc cán bộ các bộ, sở, tổ chức phi chính phủ – đa phần hiểu biết hơn tôi về chính sách đối với trẻ em tại Việt Nam. Buổi đầu tiên lên lớp, tôi nhận thấy trong 98 học viên của lớp có một thành viên đặc biệt: một nhà sư mà các học viên gọi là “thầy Đạo.”

Có thể bạn thích sách  Theo Giòng

Học viên trong lớp nói rằng thầy trụ trì một ngôi chùa ở ngoại thành Hà Nội.

“Chùa ở trong làng cổ, đẹp lắm cô ạ. Hôm nào cô vào chơi.”

Một buổi chiều, sau khi tan lớp, học viên rủ tôi đến thăm chùa. Từ trường, chúng tôi đi xe máy ra ngoại thành rồi men theo bờ sông qua một cây cầu xuống con đường đất nhỏ. Xe chạy trên đường đất hẹp dọc sông rất lâu, băng qua các làng cổ để tới một cổng sắt nhỏ dẫn vào ngôi chùa sát bờ sông. Bước qua cổng là khoảng sân rộng lát gạch đỏ có rất nhiều cây nhãn rợp bóng. Đập vào mắt tôi là hàng chục bức tượng Phật lớn bằng xi măng, mỗi tượng cao hơn hai mét, sắp hai hàng song song, chạy từ cổng về phía sau chùa. Khuôn mặt, trang phục, cách ngồi, và dáng tay của các tượng Phật này không hề giống các tượng tôi từng nhìn thấy. Phật ngồi trên tòa sen, đội mũ năm cánh, tóc dài dưới vành mũ, mắt dài nhìn hướng xuống dưới, bàn tay phải thì nắm lấy ngón trỏ của bàn tay trái ở phía trước ngực. Hàng tượng chạy ra sau chùa, ở đó là cánh đồng lớn xanh mướt và những bụi tre. Mặt trời lúc này bắt đầu xuống, hắt ánh nắng rạng rỡ lên hàng tượng Phật.

Từ bé, tôi đã luôn cảm mến cảnh chùa nhưng gia đình tôi không theo tôn giáo nào nên một năm tôi chủ yếu đi chùa vào dịp Tết chứ chưa từng tham gia lễ bái, không biết các phong tục, nghi lễ, cũng chưa từng đọc kinh. Với tôi, đạo Phật chỉ lờ mờ trong các khái niệm phổ thông như Phật Bà Quán Âm, A Di Đà Phật, Tây phương cực lạc, Phật tổ Như Lai, nhân quả, hòa thượng, Niết Bàn mà tôi chủ yếu học từ… Tây du ký. Tôi đinh ninh rằng Phật (mà ở Việt Nam còn gọi là Bụt) cũng giống Chúa hay Allah – tức một đấng quyền năng mà người ta kêu cứu khi cùng đường. Tôi thậm chí đinh ninh “A Di Đà Phật” không phải tên một vị Phật mà là câu chào thông thường của người tu hành vì trong phim Tây du ký, rõ ràng Đường Tăng gặp ai cũng chắp tay cúi đầu “A mi thò phò!.”

Có thể bạn thích sách  Truyện Ngắn Nguyễn Quang Sáng

Lần đến chùa này là lần đầu tôi đến một ngôi chùa làng và cũng là lần đầu tôi nói chuyện trực tiếp với một nhà sư. Học viên lớp tôi đều gọi thầy Đạo là “thầy”, “sư phụ”, “cụ” hoặc “cụ chùa”, xưng con; thầy Đạo thì gọi mọi người là cô, chú, và xưng “thầy” hoặc “tôi”. Tôi không biết phải xưng thế nào nên cứ theo phép lịch sự và… dân chủ.