Tôi chẳng nhớ rằng mình đã để ý đến Thiền tự bao giờ chỉ biết chắc rằng những ý tưởng nhuốm màu Thiền đã nhật tích nguyệt lũy thấm dần vào tôi như những giọt nước rơi liên tục làm lõm phiến đá.
Xưa có lần nghe chuyện kể ngài Tuê-Trung đời Trần tu mà vào tiệc vẫn ăn thịt cá. Em gái ngài là Khâm-Từ ngạc nhiên hỏi: “Anh đã tu Thiền mà còn ăn mặn làm sao thành Phật được?” Ngài cười đáp “Phật là Phật, anh là anh, anh chẳng cần làm Phật, cũng như Phật chẳng cần làm anh!…” Lời nói thật hồn nhiên phá chấp. Lần khác nghe kể chuyện ngài Đạt-ma Huệ-Năng nói gánh nước bổ củi cũng là Thiền (Vận thủy bon sai, công phu đệ nhất). Gần đây tôi đọc cuốn Nẻo Về Của Ý của Nhất-Hạnh cũng có đoạn tác giả viết quét nhà, lau cầu tiêu mà lòng thơ-thới, mà hồn phơi-phới tức thị cũng là Thiền rồi. Mở đầu đoạn này – tôi còn nhớ – Nhất Hạnh tả một thằng bé con vừa ngồi ăn cơm với quả trứng luộc vừa ngắm trời mưa và đã gợi tả được trạng thái vô tư, thơ thới – trạng thái Thiền – của thằng bé con nhà nghèo đó. Trên các sách báo, gặp bất kỳ đoạn nào, bài nào nói về Thiền tôi cũng đọc, rồi cái gì hợp với mình thì nhớ (nhiều khi chỉ nhớ mang-máng) còn cái gì rơi vào quên lãng ắt là những cái vô bổ với tạng mình. Tôi vẫn nghĩ một cách rất chủ quan rằng thái độ đọc Thiền như vậy mới thật là… Thiền.
Mùa hạ 1967 tại Tallahassee, thủ phủ tiểu bang Florida, tôi được một người bạn Mỹ yêu đạo Phật tặng cho cuốn sách Thiền xinh xinh mang nhan đề Zen Buddhism của nhà xuất bản The Peter Pauper Press, Mount Vernon, New York, 1959. Lần đó tôi được đọc những giai thoại nhỏ dí-dỏm về Thiền giữa màu sắc bừng sáng của những loại hoa cúc, hải đường, azalea của miền Nam, phảng phất mùi hương thanh thanh của hoa magnolia, đôi khi dưới bóng rừng ngợp màu rêu, loại rêu ngan ngát tím bao phủ lấy các cành cây và rủ xuống như tơ liễu. Phần lớn những dụ ngôn, giai thoại về Thiền các bạn đọc sau đây đều kể lại theo bản in này. Đó là những truyện có tác dụng “tập thể dục” cho trí thức, giúp ta tự khám phá thấy cái bất lực thê thảm của lý trí đơn thuần.
Thực là một thái độ ấu trĩ đến khôi hài khi chúng ta hăm hở muốn định nghĩa Thiền, nhưng với những ai chợt hồn nhiên hỏi tôi “Thiền là gì?” thì tôi cũng hồn nhiên trả lời: “Theo kinh nghiệm bản thân của tôi: Thiền là một trạng thái Niết-bàn tại thế.”
Thực ra yếu tính Thiền là một siêu lý, một siêu lộ, một sự phá chấp được đẩy đến tuyệt đối để chân tướng thực tại tự bừng nở trong thực nghiệm tâm linh của ta.
Khi đã thấm nhập hương Thiền thái độ dễ hiểu nhất là thái độ thức-tỉnh nóng-bỏng tự động phá chấp y như chiếc lò xo có khuynh hướng ruỗi ra khi bị ép. Nhất định không chịu để lý trí nhốt mình chung thân trong nhà tù khái niệm!
Dòng đời như dòng sông, không một sích na nào ngừng trôi chảy, nô lệ cho lý trí đơn thuần ham cắt xén, thì chỉ thấy được cái ngưng đọng, cái chết. Những khái niệm con đẻ của lý trí chật hẹp và khô cứng kia làm sao chụp được dòng thực tại không ngừng triền miên trong thế tương sinh tương lập.
Con cá thảnh thơi bơi lội giữa lòng trùng dương khác xa với cái nhìn, với kiến thức của con cá trong một giây phút nào đó vùng quẫy được lên cao khỏi mặt nước và tìm hiểu đại dương bằng cái nhìn – dù là cái nhìn bao quát – của nó lúc đó.
Chân lý gói ghém trong mỗi truyện Thiền đúng như que diêm chỉ xòe lên soi sáng một lần. Cùng một câu hỏi, đừng hy vọng có hai câu trả lời lần lượt như nhau.
Mỗi chúng ta là một que diêm sống, không ai sống hộ ta, ta phải tự sống lấy, tự chiêm nghiệm lấy Thiền. Que diêm khi tắt đi, chút khói xanh để lại. Rồi chính chút khói xanh đó cũng tan loãng nốt và biến hẳn như vết chân gió xóa trên bãi cát. Tuy nhiên cũng nên chụp lấy chút ít khói xanh còn trong giây phút phiêu lãng đó, bởi dù cho khái niệm không chuyên chở được thực tại nhưng người ta vẫn có thể nương vào khái niệm để tìm tới thực tại. (Vì vậy mà tôi viết tập Vào Thiền này.)
Nào chúng ta hãy thực tế vào Thiền, làm quen với phá chấp, học hỏi phá chấp. Với những tiêu đề Vào Thiền, Lời Thiền, Đạo Thiền v.v. xin ai chớ ngạc nhiên khi thấy chúng chợt hư ảo đi và lẫn lộn ranh giới.
Có ai túm giữ được nước trong vốc tay đâu. ? !
Mời các bạn đón đọc Vào Thiền của tác giả Doãn Quốc Sỹ.