Chiến tranh đi liền với đau thương, mất mát, biết bao người thân trong gia đình Việt Nam đã không còn có mặt trong ngày vui chiến thắng.
Gia đình Út Teng là một trong số đó. Chứng kiến cái chết đau đớn của ba trước tội ác của Mỹ ngụy, Út Teng âm thầm nuôi chí trả thù cho người cha thân yêu.
Và cứ như thế, Út Teng lớn lên trong không khí đấu tranh sôi sục của cả Sài Gòn. Tình thương ba đã dẫn em đi theo con đường cách mạng tự lúc nào. Em theo một đơn vị đặc công nước, chiến đấu anh dũng bên những người đồng đội của cha
***
Đại tá, nhà văn Chu Lai có tên khai sinh là Chu Văn Lai, sinh ngày 5 tháng 2 năm 1946, tại xã Hưng Đạo, huyện Phù Tiên, tỉnh Hưng Yên, hiện ở Hà Nội. Ông là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (từ năm 1980).
Ông là con trai của nhà viết kịch Học Phi. Trong chiến tranh Việt Nam ông công tác trong đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị rồi trở thành chiến sĩ đặc công hoạt động trong vùng Sài Gòn. Sau 1973, ông về làm trợ lý tuyên huấn Quân khu 7. Đến cuối năm 1974 ông tham dự trại sáng tác văn học Tổng cục Chính trị và sau đó học tại Trường Viết văn Nguyễn Du khóa 1. Sau khi tốt nghiệp, ông biên tập và sáng tác cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nhà văn Chu Lai còn viết một số kịch bản sân khấu, kịch bản phim và tham gia đóng phim.
Chu Lai là một trong những nhà văn quân đội có tên tuổi trong nền văn học sau 1975. Đã từng một thời khác áo lính, ông rất thành công với đề tài chiến tranh. Và tiểu thuyết là thể loại mà Chu lai đã khẳng định được tài năng và phong cách của mình. Nắng Đồng Bằng là một trong những tác phẩm để đời của nhà văn khi viết về đề tài chiến tranh với câu chuyện và những phận người đầy gai góc. Người lính trong Nắng đồng bằng không chỉ biết có chiến đấu vì lý tưởng, biết đấu tranh, giành giật sự sống trước bom đạn, trước kẻ thù mà cũng có những suy tư, tính toán thiệt hơn… nhưng cuối cùng họ vượt qua tất cả để góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc.
Chính Chu Lai từng bộc bạch “Cuộc đời có thể xô đẩy người lính, quăng quật người lính nhưng người lính vẫn bật lại để sống xứng đáng với màu xanh áo lính”. Có thể nói mỗi trang văn của Chu Lai là một câu chuyện của những cái tận cùng, cố gắng hướng đến cái tận cùng, nỗi khổ niềm vui, hy vọng và tuyệt vọng, can đảm và yếu hèn, tất cả đều được nổi lên một cách đậm nét và hết sức chân thực.
Một số tác phẩm của tác giả Chu Lai:
Thực ra tên nó là Ròng, út Ròng! Nhưng người ta cứ hay gọi nó là Teng, út Teng! Lớn lên một chút bắt đầu nhận biết được điều này, nó tò mò hỏi má. Má nó hơi ngớ ra, ngúc ngoắc cái đầu một chút rồi cười à: “Ôi! Thằng nhỏ không hỏi thì tôi cũng quên phứt rồi! Ròng, con ạ! Đúng ra ba đặt tên con là Ròng. Má sanh ra con ở trên ghe, vào một buổi nước ròng tới đáy, ba con phải lội bộ đẩy má đi cả nửa ngày trời mới tới cái chòi có bà đỡ nhưng không kịp… Con ra đời giữa con nước ròng, vậy đó”. “Thế sao tụi bọn nó cứ kêu con tên Teng?”. Nó định hỏi nữa nhưng thấy má nó có vẻ tất bật định đi đâu, nên thôi. Vả lại, nó nghĩ, Ròng có cái cớ kêu Ròng, chắc Teng cũng có cái cớ kêu Teng, phải tự hiểu lấy thôi. Hôm sau ra sông gặp thằng Đảm, bạn chí cốt của nó, nó tuyên bố đầy vẻ trịnh trọng: “Mầy biết tại sao tao tên Teng không mầy? Tại vì tao hay toòng teng đeo chiếc giỏ xách ra sông kiếm cá hoài đó mầy. Cũng như, mầy tên Đảm, chắc là hồi má mầy sanh mầy, bả…”. Nói tới đây, nó tịt vì chưa kịp nghĩ ra được cái lý do gì mà bạn nó tên Đảm cả. Hai đứa nhe răng cười, thằng Teng cười to nhất. Vậy là nó vẫn chưa thành người lớn. Người lớn gì mà có thế cũng không biết.
Rồi nó cũng quên chuyện đó ngay. Ròng hay Teng cũng đều dính dáng đến sông hết trọi. Gọi tên gì cũng được, kể cả tên Sông, tên Nước, tên Cá, tên Tôm… Ngon lành hết. Miễn là ngày ngày, má cứ cho nó ra sông với thằng Đảm là được rồi.
Cả hai đứa năm này đều chưa đầy mười ba tuổi. Nhưng có lẽ do chạy nhảy, bơi lội nhiều nên chân tay mau dài ra, rắn lăn lẳn và da dẻ thì hồi nào cũng cóc cáy. Hai đứa thuộc loại bơi lội giỏi nhất ấp. Con sông Sài Gòn to rộng là thế, lắm sóng là thế mà ngày nào hai đứa cũng lội qua lội lại như không. Thằng Teng da xanh trắng, có vẻ hoạt hơn một tí, bơi lặn, nói năng cũng khá hơn bạn, nhưng thằng Đảm lại nhiều mẹo mực bắt tôm, bắt cá hơn và da thì đen bóng. Ba thằng Đảm là dân sông nước, cả đời lênh đêng với đăng, với vó mà. Còn ba của thằng Teng… Lâu lắm nó không nhìn thấy mặt ba nó. Phải đến mấy năm rồi ấy! Tất nhiên là nó hỏi, cũng như tính nó thường hay hỏi làm nhiều khi má nổi đoá lên, nhưng riêng hỏi về ba thì má lại nhỏ giọng đi, ánh mắt nhìn nó dịu dàng hơn: “Ba con đi rồi! Đi xa lắm!… Ráng ngoan, lớn lên chút nữa, con sẽ gặp ba”. Bà Năm ở kế bên lại có lần bô bô nói giữa chỗ đông người: “Thằng cha mầy đi lấy vợ nhỏ rồi, nhắc tới làm gì cho mất công!” Lúc khác, vắng vẻ, bả gọi nó vào cho cái kẹo mè xửng: “Đừng nhắc nhiều đến ba nữa nghe con… Đừng nhắc nhiều má con nó buồn”. Không hiểu phải quấy ra sao, từ đó thằng Teng không nhắc đến ba nữa, song từ ký ức nó vẫn nghĩ đẹp về ba nó. Nó chỉ nhớ láng máng ba nó người cao nhưng ốm, tóc cắt ngắn, bàn tay to toàn mùi thuốc rê hay vỗ vỗ vào má nó và tiếng nói khàn khàn ấm ấm. Hồi ấy, mỗi đêm ba về, nó đều bị dựng dậy và hai cánh tay to tướng của ba cứ ôm riết nó vào lòng tới muốn nghẹn thở luôn. Từ người ba, nó thấy mùi thơm thơm nồng nồng của sông nước. Ba chắc từ sông về? Nó chấc mẩm thế và càng nép chặt vào bộ ngực có cái mùi quen thuộc đó hơn. Những đêm như thế, ba nói chuyện với má rất lâu, lâu lắm, tiếng ba rì rầm thoảng nhẹ như tiếng gió thổi vào vườn chuối ở sau nhà. Gần sáng ba đi, mắt má mọng nước nhìn ba nhưng ba lại nhìn nó. Gặp mắt ba mênh mang như mặt sông mùa nước. Khiến nó rộn rạo cả người. Nó thương ba nó lắm! Má cũng thương ba lắm! Thế tại sao ba nó lại bỏ má con nó đi với bà nhỏ? Bỏ đi lâu năm rồi! Lâu đến nỗi nó không còn nhớ mặt ba ra sao nữa. Nó không tin ba nó là người như thế. Bà Năm ác với má, bà Năm đặt điều ra thế thôi. Không đừng được nó lại mang điềunày hỏi má. Má tái mặt đi, giọng nói tắc tắc như đang nhai cục cơm to: “Bà Năm nói… Nói đúng đó con! Ba con đi lấy vợ nhỏ rồi! Lấy xa lắm. Thôi! Con ở với má cũng được. Má thương con, thương con nhiều…” Nếu thế thì nó tin. Má đẻ ra nó nói cơ mà. Nhưng bằng nhạy cảm của tuổi nhỏ, của đứa con quen hơi ben tiếng người cha, lắm khi nó cứ ngờ ngợ. Nếu thế thì má phải ghét ba, phải la ba như cô Bẩy ở đầu ấp chớ. Cô Bẩy ấy à? Mỗi lấn nhắc đến chú Bẩy bỏ cô đi Sài Gòn với gái là mắt cô lại long lên, tiếng nói át cả tiếng ca – nông nổ trên chi khu. Còn má, nhắc đến ba, cặp mắt má trông khác lắm, giống cái lúc gần sáng hồi nào ba từ giã má con nó ra sông. Ra sông, nó chắc thế. Nó cho rằng: tất cả những người tốt bụng, những người nó quý yêu đều sinh ra từ sông, và nếu có đi đâu thì cũng chỉ về sông thôi. Sông đối với nó là cả một thế giới bí hiểm, là những chuyện cỏ tích hấp dẫn tới mụ người mà hồi bà nội còn sống nội thường kể cho nó nghe. Nhưng… lòng nó chợt thắt lại: nếu ba không thương má, ba bỏ đi như chú Bẩy thì ba cũng phải thương nó chớ! Nó có tội gì đâu. Nó chỉ biết thương ba, đêm đêm mong ba gõ cửa lách vào nhà và mang theo cả gió lạnh, cả cái vị thơm thơm nông nồng của dòng sông thân thộc. Nó có ghét ba đâu! Có lỗi gì với ba đâu! Nghĩ thế, tủi thân,nó lại rơm rớm nước mắt. Sáng dạy, thấy đuôi mắt con đọng nước, má vội siết nó vào lòng và lập rập nói cái gì không rõ, chỉ thấy hơi thở nóng hổi phả vào gáy nó.
Sáng nay thằng Đảm nhử Teng ra sông bắt cu đinh (một loài ba ba ở sông). Teng thích chí lắm. Gì chứ bắt cu đinh là Teng chịu liền. Mùa này cu đinh rời mí nước bò lên kiếm mồi lổm ngổm đầy ruộng lậu, tha hồ mà rượt. Một chú cu đinh cỡ vừa, mang ra chợ bán cho tiệm ăn ông ba tàu Sáng Lố cũng được vài trăm mang về cho má. Một buổi bắt cật lực cũng phải được ít nhất ba con. Ba con là gần một ngàn bạc. Thế là má vui rồi, sớm sớm má đỡ tất bật lo gạo mắm cho hai bữa cơm trong ngày nữa. Teng thương má lắm! Từ ngày không dòm thấy ba, Teng dồn hết tình thương cho má. Má lắc đầu: “Con thương má thì con ráng đi học tiếp, đừng để cái dốt nó làm hèn người đi. Ba ngày trước…” Nhưng Teng thích ra sông hơn đi học. Học cũng thú nhưng ngày nào cũng phải đi qua thấy mấy cái đồn trong chi khu, nhìn thấy tụi lính ăn nhậu, chửi tục, hù doạ trẻ con, trêu chọc các thím,các chị qua lại, là Teng không ưng rồi. Vả lại trong lớp sao lắm con nhà phách lối thế. Học thì dốt mà mặt cứ vênh lên. Ông già tụi nó người thì có tiệm ăn, tiệm vàng ngoài chợ, người thì đứng chân trong hội đồng, trong ban đại diện, trong quận cảnh sát… Tóm lại toàn một thứ con nhà khó xài cả. Tính Teng lành, xởi lởi với bạn bè, nhưng thằng con nhà nào bỉ mặt khinh Teng là Teng muốn ục liền. Tháng trước Teng đã thoi sưng mặt thằng con trai nhà trưởng ấp ví nó dám sấc láo gọi thằng Đảm là con nhà mất giống. Lão hiệu trưởng bắt Teng đứng dang nắng một ngày. Uất quá! Hôm sau Teng đốt sách, bỏ học ở nhà. Thấy Teng nghỉ, thằng Đảm cũng thôi học luôn. Ngày đầu má khóc, má lại nhắc đến ba. Ngày sau, ngày sau nữa thấy Teng không chuyển, má làm mặt giận. Teng lầm lì không nói thêm câu gì nữa, cứ lủi thủi ra sông tối mịt mới về. Dần dà má hiểu tâm trạng của Teng lại càng thương Teng hơn. Đáp lại lòng má, tối tối Teng kiếm sách đến nhà Đảm tự học thêm. Hai đứa hì hụi học với nhau đến khuya mới lọ mọ ra về. Thấy thế, má Teng bắt đầu cười: “cái tính thằng Teng kỳ quá bà Năn à! Y hệt cái tính… Nói là làm, mà làm cái gì cũng phải kỳ được. Sau này rồi khổ thế đấy”. Nói “khổ đấy” mà mắt má lại sáng lên. Cấm nó nhắc tới ba mà động một chút má đều kêu tên ba! Người lớn sao kỳ quá! Tuy vậy về chuyện ba, nó láng máng cảm thấy có cái gì không bình thường, nhưng trẻ con không thích phân tich chi li, nó tạm chấp nhận cái đã.
Mời các bạn đón đọc Út Teng của tác giả Chu Lai.