Trước nay, qua Làm lẽ, Nhạt tình, Gây dựng, Sống nhờ… xuất bản trước 1945 và Cách Mạng nhà quê, Rãnh cày nổi dậy viết trong thời kỳ Cách mạng tháng tám, ai nấy đều công nhận Mạnh Phú Tư là một cây bút hiện thực đặc sắc.
So với các cây bút hiện thực nổi tiếng khác, Mạnh Phú Tư có địa hạt riêng và nhất là một phương pháp riêng. Nguyễn Công Hoan sở trường về những mảnh sống trào lộng. Vũ Trọng Phụng thiên về những ung nhọt xã hội. Ngô Tất Tố tìm những bóng tối của cuộc đời. Nguyên Hồng quen với thế giới của bọn tội lỗi. Chỗ đứng để nhìn của Mạnh Phú Tư gần với Nam Cao hơn – không phải Nam Cao của Chí Phèo vì Chí Phèo dù sao cũng là một hiện tượng đặc biệt, Nam Cao của Sống mòn, của những cuộc đời bình thường hàng ngày.
Mạnh Phú Tư không tìm những đề tài, những cốt truyện kỳ dị, ghê gớm, khốc liệt gay cấn. Nhà văn dường như chẳng cần thám hiểm, săn tìm gì cả. Ông lấy ngay những sự việc mà ai cũng biết; cũng có thể đã chứng kiến. Ông không dắt độc giả đi du lịch đâu xa, đến những nơi bí mật kỳ lạ nào hết, mà ông đưa họ đi chơi trong cuộc sống chung quanh họ, ngay ở đường phố của họ, ngay trong nhà của họ không chừng. Và cuộc đi chơi ấy không buồn tẻ, chán phèo mà đầy hứng thú. Là vì người ta thường ít chịu quan sát kỹ cuộc sống, cũng biết nó có chuyện này chuyện nọ, nhưng vì chỉ nhìn qua loa, không xem xét kỹ, không mổ xẻ để tìm hiểu chiều sâu thẳm của nó, cho nên chỉ hiểu biết chung chung, không thấy gì đáng chú ý cả. Kịp đến khi Mạnh Phú Tư nhặt một mảnh đời rất bình thường ấy đặt dưới “Kính lúp nghệ thuật” cho xem, ta mới giật mình thấy cả một thế giới phức tạp không đơn giản như ta tưởng.
Trong tiểu thuyết, cốt truyện giữ vai trò quan trọng. Tác giả thường gia công xây dựng cốt truyện để tạo một sức cuốn hút mạnh. Tiểu thuyết của Mạnh Phú Tư thì lại dường như ít cần xây dựng cốt truyện. Dường như tác giả khoanh nguyên một quãng đời và cứ thế đưa vào tiểu thuyết, không sắp xếp, đạo diễn gì hết. Các sự việc cứ tự nhiên diễn ra như nó phải diễn ra. Tiểu thuyết của Mạnh Phú Tư không có những ngoắt ngoéo, những bất ngờ, những thủ thuật tâm lý đối với độc giả…, lối văn cũng đều đều bình dị không có những từ ngữ, những cách đặt câu gây ấn tượng. Vậy mà, đã mở một cuốn tiểu thuyết của Mạnh Phú Tư, độc giảkhó lòng mà gấp nó lại nếu chưa đọc hết. Ấy là vì sự quan sát rất kỹ, sự phân tích rất sâu, sự trình bày rất cặn kẽ của tác giả.
Câu chuyện của Nhạt tình là một truyện rất thông thường trong xã hội thời Pháp thuộc, thông thường đến mức chẳng ai cần chú ý. Một ông phán mê người vợ lẽ cô đầu hắt hủi ruồng bỏ vợ cả. Vợ cả phải đưa con về ở với mẹ, mẹ con làm ăn khổ sở nuôi nhau. Cô gái đầu vất vả quá lăn ra chết. Người con trai thứ hai vừa đi làm kiếm ăn vừa cố gắng học và thi đỗ thông phán. Cốt truyện có thể gọi là “nhạt phèo” như thế thôi. Nhưng Mạnh Phú Tư đã miêu tả thật trúng tủ một anh công chức hiền lành vì mê gái trở nên vũ phu như thế nào, sự điêu toa, gian manh của bọn cô đầu tranh chồng cướp của và về phía bên kia, người vợ hiền thục nhẫn nhục, người con gái hiếu hạnh nết na, người con trai ngoan ngoãn đức độ, người vú già thật thà trung hậu, người bạn gái tốt bụng, những tính cách đậm đà bản sắc dân tộc mà độc giả vừa thương vừa phục.
Mạnh Phú Tư cho ta chứng kiến một cảnh đời công chức “thường thường bậc trung” thời Pháp thuộc, nó lặng lẽ, cạn hẹp như vũng ao tù, nhưng lội xuống ta sẽ thấy bao nhiêu chuyện: trong vũng nước đục bùn ấy có bao nhiêu sinh vật đang nỗ lực sống, bao nhiêu số phận đáng thương. Qua một gia đình, người ta nghĩ đến hàng vạn gia đình tương tự…
Thời kỳ trước 1945, được tiếp xúc với văn hóa phương Tây người ta đã công kích kịch liệt chế độ gia đình Việt Nam. Sau 1945, gia đình lại bị lên án vì đồng bọn với chế độ phong kiến. Đối với những người bênh vực những cái hay của gia đình Việt Nam, người ta đánh giá là bảo thủ. Những ai là nạn nhân mà không vùng lên đập phá, chối bỏ gia đình, người ta coi là khiếp nhược, nô lệ. Những sự quá khích ấy đang được xem lại. Gia đình Việt Nam có những cái không hợp thời, nhưng cũng có nhiều truyền thống tốt đẹp phải duy trì. Những người đã thành nạn nhân của chế độ gia đình như bà Sinh, cô Huệ, anh Tài – không có những hành động như cô Loan (Đoạn Tuyệt) cô Tuyết (Đời mưa gió). Nhưng cô Loan, cô Tuyết gặt hái được những kết quả gì cho xã hội, cho bản thân? Bà Sinh, Huệ, Tài cũng có cách tự giải phóng cho cái gia đình trở thành cái hầm tối đối với họ. Bằng lao động, bằng sự giữ gìn nhân phẩm, họ đã tự cứu, đã tìm được con đường sống mà sự đổ vỡ vô ích không xảy ra, như thế chẳng hay hơn sao?
Nhạt tình là cuốn sách đáng đọc.
Giáo sư HOÀNG NHƯ MAI
***
eBook Tuyển Tập Văn Xuôi Mạnh Phú Tư gồm có:
Mạnh Phú Tư (1913-1959), tên thật là Phạm Văn Thứ, cùng chi với chi của tuyển thủ bóng đá nam quốc gia Phạm Như Thuần, quê ở xã Thanh Lang, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Ông là một tác giả văn xuôi nổi tiếng trước năm 1945, trong đó tác phẩm tiêu biểu là tiểu thuyết “Làm lẽ” được giải thưởng của Tự lực văn đoàn năm 1939. Sau Cách mạng tháng Tám, ông giữ chức Phó chủ tịch Uỷ ban hành chính huyện Thanh Hà. Ông tiếp tục viết văn, làm báo. Năm 1959, ông mất ở Hà Nội khi đang làm biên tập viên báo “Văn học”.
Tác phẩm chính:
Tài ngáp hai ba cái liền rồi hỏi mẹ:
– Sao mãi không thấy cậu về mợ nhỉ…?
Bà Sinh vẻ mặt buồn buồn bảo con:
– Nào tao biết đâu với cậu mày!
Câu nói vừa dứt, bà thở dài rồi tự bảo: “Nghĩ mà thêm chán. Nhà với cửa, chẳng còn ra sao cả!”
Tài thoảng nghe thấy câu nói của mẹ. Tuy cậu còn nhỏ – cậu mới lên bảy – nhưng cậu đã mang máng hiểu rằng câu hỏi của mình đã làm mẹ phải suy nghĩ, buồn nản. Cậu hơi hối hận. Như muốn cho mẹ khỏi phải nghĩ ngợi lan man, cậu đã thông minh tìm cách lảng sang chuyện khác. Cậu âu yếm bá vai mẹ rồi khoe lấy khoe để: Mợ ạ, hôm nay con làm tính đúng cả, thầy giáo cho “dix”. Bà Sinh không hiểu “dix” là thế nào, nhưng thấy con có vẻ ngộ nghĩnh cũng khen con:
– Gớm nhỉ! Con tôi giỏi quá!
Tài thấy mẹ như đã bớt vẻ buồn, mừng rỡ nhảy nhót trên sập liến thoắng đọc một bài thơ mới học ở nhà trường:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Bà Sinh nhìn con, nhưng không nói gì, cứ để mặc con đọc tiếp:
Một lòng thờ mẹ kính cha.
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Đến đó, thấy con ngừng, bà chắc con đã quên những câu sau bèn hỏi:
– Rồi làm sao nữa?
– Thưa mợ hết ạ.
– Người ta dạy rằng “một lòng thờ mẹ kính cha” thế Tài có kính cậu và mợ không?
Tài lại ôm chặt lấy cổ mẹ
– Có, con yêu cậu mợ lắm… Nhưng con yêu mợ hơn.
– Tại sao thế?
– Vì cậu cứ hay đi chơi cả đêm để mợ phải chờ.
Câu nói chất phác của Tài lại làm bà nghĩ lan man. Cái ngộ nghĩnh đượm vẻ vô tư lự ở cái tuổi thơ ấu của con giai như phản tượng với tâm hồn buồn rầu của bà lúc đó.
Tài lại ngáp. Bà giục con đi ngủ vì đã hơn mười giờ đêm. Tài lại nhảy nhót trên giường:
– Con chưa buồn ngủ. Con hãy còn tỉnh táo thế này cơ mà!
Nói xong, Tài nhảy mạnh hơn như để tỏ cho mẹ biết rõ rằng mình chưa buồn ngủ. Giữa lúc đó, Huệ, chị Tài ở trong buồng đi ra, giục em: “Chị buông màn cho Tài rồi đấy. Vào mà ngủ. Mười giờ hơn rồi còn gì! Học vệ sinh thì bảo không nên thức khuya mà bây giờ hãy còn nô nghịch mãi!”
Nghe lời chị, Tài rón rén từ trên giường bước xuống, rồi vào buồng trong đi ngủ. Huệ xếp mấy chiếc chén và khay trầu để trên giường, ngay chỗ mẹ ngồi, vào góc một chiếc bàn kê gần đó rồi bảo mẹ:
– Mợ hãy đứng xuống đất một tý, để con buông màn cho mợ ngủ.
Bà Sinh vẫn cứ ngồi yên chỗ cũ, thở dài:
– Thôi được, mày cứ đi ngủ trước đi. Bao giờ tao ngủ tao buông màn lấy cũng được.
Huệ biết ngay rằng mẹ lại cố thức để chờ cha mình. Nhìn thấy cái vẻ mặt gầy còm, buồn nản của mẹ, nàng bỗng đem lòng thương mẹ và có chút ác cảm với cha. Nàng hơi xẵng tiếng nói với mẹ:
– Mợ lẩn thẩn quá! Biết bao giờ cậu về mà chờ mới được chứ! Chẳng làm gì mà tối nào mợ cũng thức đến một hai giờ đêm cho gầy cả người đi!
Trong lời trách móc đó, bà Sinh cảm thấy rõ tình thương của con đối với mình hơn là sự vô lễ, nên bà không những chẳng hề mắng con mà lại còn ra ý nể nang. Bà khẽ bảo con: “Mày cứ nói thế chứ! Hôm nào thì tao cũng thức đến chừng hơn mười một giờ là cùng!”
– Thì mới đêm hôm qua chứ lâu la gì! Con nghe thấy rõ ràng đồng hồ đánh một giờ mà mợ vẫn còn ngồi ở góc giường này – Nàng đưa tay trỏ một góc giường rồi lại nói tiếp: – Con thấy mợ mệt quá, hết tựa lưng vào tường lại nắm tay đấm lưng bình bịch.
Thấy con nói đúng sự thực quá, bà Sinh lẳng lặng, Huệ lại giục mẹ đứng dậy để nàng buông màn. Bà đành chiều ý con. Bà vừa đặt chân xuống đất vừa nói:
– Lúc mà đã không ngủ được thì mày nhốt tao vào trong lồng tao cũng không ngủ được nữa là trong màn.
– Mợ cứ nghe con, tắt đèn rồi đi vào giường nằm là dần dần sẽ ngủ đi được.
Nàng nhanh nhẹn dắt diềm màn xuống dưới chiếu, rồi lấy gối bỏ trong giường. Nàng sai vú già thắp ngọn đèn dầu con để vào một góc bàn rồi nàng tắt đèn điện vào buồng trong đi ngủ. Sắp bước chân lên giường nàng còn giục mẹ:
– Mợ đi ngủ đi.
Thấy con cứ giục giã mãi, bà phát gắt nói to:
– Thì mày cứ mặc tao, việc gì mà phải rối lên thế! Ai khiến mày. Có dễ ai cũng dễ ăn dễ ngủ như mày được hay sao?
Câu nói cuối cùng như để thổ lộ cái buồn chán, nỗi lo nghĩ trong lòng bà hơn là để mắng lại con.
Đã mấy tháng nay, rất ít khi chồng bà ở lại nhà. Ngày nào cũng vậy, bữa cơm chiều xong, ông lại quần áo ra đi. Thường thường vào quãng một hai giờ đêm mới về. Có khi đi suốt đêm, rồi sáng sau đi thẳng ngay tới sở cho tới trưa mới lại trở về ăn cơm. Bà có hỏi han vì lẽ gì, ông chỉ nói là đi xem chiếu bóng hoặc đánh tổ tôm tại nhà một người bạn.
Cái lối vắng nhà đó từ trước tới nay chưa hề có. Bà đem lòng suy nghĩ. Mới đầu bà cũng tin lời chồng. Nhưng dần dần bà nghiệm thấy rằng không phải là đi xem chiếu bóng hoặc đánh tổ tôm. Bà nghĩ:
– Có thực như thế, thì mỗi tháng chỉ độ một hai lần thôi chứ! Sao lại tuần lễ bảy ngày thì tới bốn, năm ngày vắng nhà.
Từ đó bà đem lòng ngờ vực là chồng đã dan díu với một người nào. Bà ra công dò xét. Đã mấy lần, chờ cho chồng ra đi được một lúc bà lẽo đẽo theo sau ngay, cố trốn lẩn để chồng không nhìn thấy rồi dò la cho dễ. Lần thứ nhất, bà thấy chồng vào nhà một người bạn. Bà ngồi ở một hàng xén gần ngay đó. Bà chờ mãi không thấy chồng ra, bà tin ngay là đã thành bàn tổ tôm. Bà yên lòng ra về. Lần thứ hai bà đi theo cũng lại thấy chồng vào nhà quen. Sau hai lần đó, bà tin rằng chồng bà chỉ mê man bài bạc thôi. Cái mê hám đó tuy không làm hài lòng bà nhưng đã khiến bà bớt được sự lo lắng rằng chồng bà đã đa mang thêm vợ con riêng. Một hai lần bà gặp chồng đi chơi quanh ngoài phố với ông Tùng. Bà bớt hẳn lo nghĩ, vì bà biết ông Tùng là người cùng làm một sở với chồng mà lại đứng đắn không chơi bời. Bà đã quen thân với ông vì cái nhà bà đang ở là thuê của ông và tháng tháng ông vẫn tới thu tiền.
Song bà Sinh cũng chỉ bớt lo được một dạo bởi lẽ ông Sinh cứ đi chơi tối luôn luôn… Sự ngờ vực lại trở lại trí óc bà; nhất là bà mới được một người quen kể chuyện rằng ông chỉ tới đó chơi cho đến chừng mười giờ thôi, rồi lại đi chơi chỗ khác và không khi nào ngủ lại nhà người đó. Bà lại bắt đầu dò xét, nhưng cũng chẳng có hiệu quả gì. Chẳng lẽ bà lại đi hỏi dò từng nhà quen xem chồng bà có lại đó chơi không và tới vào giờ nào rồi ra về vào lúc nào. Tuy có giận chồng thực nhưng lòng tự trọng đã can ngăn bà hạ mình làm việc đó. Đêm nay chẳng biết là đêm thứ mấy mươi bà thui thủi ngồi một mình bên ngọn đèn hoa kỳ để chờ chồng. Bà muốn rằng chồng sẽ biết đến lòng tận tâm của bà và nhất là sự ngóng trông của bà trong đêm khuya rồi đem lòng thương đến bà mà tự sửa, sống lại cuộc đời cũ. Bà cũng muốn chờ đợi như thế để hòng có dịp rồi khuyên ngăn chồng. Nhưng đã bao lâu, bà uổng công chờ đợi các dịp đó. Bà ngồi chờ chán buồn ngủ rồi đi ngủ. Chẳng hề thấy bóng chồng về. Hoặc chồng có về thì vừa mới đặt chân vào tới nhà đã mắng át ngay bà:
– Sao không đi ngủ, lại cứ chờ đợi người ta làm gì!
Không để bà nói xen một câu, ông nói dồn ngay:
– Vui chúng vui bạn thì đánh dăm ba hội tổ tôm chứ ai đi ăn trộm ăn cướp gì mà phải đợi với chờ rồi lại than thân là khổ với sở.
Bà nhớ rõ rằng lần nào chồng bà cũng có những câu nói như vậy, hay gần giống như vậy và lần nào chồng bà cũng có cái bộ dạng cau có, làm bà rất khó chịu. Cứ nghĩ rằng cố chịu thức suốt đêm để mở cửa cho chồng mà lại bị chồng gắt gỏng ra vẻ hắt hủi như vậy, bà đã thấy trong lòng uất ức đến cực điểm. Rồi lại những tiếng nói lãnh đạm mà bà thấy chồng thường dùng ít lâu nay như tiếng “ai” hay “người ta”, lại càng khiến bà bực tức, luôn luôn phải suy nghĩ. Trước sự thay đổi về cách cư xử của chồng đối với mình, bà chỉ biết thở dài, giữ kín nỗi buồn riêng trong lòng. Thỉnh thoảng Huệ có dò la hỏi bà xem có chuyện gì, bà chỉ buồn buồn bảo con:
– Chuyện gì! Hình như cậu mày có vợ lẽ giấu giếm ở đâu chứ còn chuyện gì?
Đồng hồ thong thả đánh mười hai tiếng. Các đồng hồ của những nhà gần đấy cũng liên tiếp nhau đánh chuông. Mỗi cái có một thứ tiếng riêng. Có khi len lẫn nhau có khi tách hẳn. Trong đêm khuya yên lặng bà nghe rõ thấy tiếng đó vang ra mồn một. Tất cả nhà đã ngủ. Tiếng ngáy đều đều của Tài từ trong buồng đưa ra yếu ớt như một thứ tiếng từ xa lại, bị luồng gió đánh bạt. Chỉ có những tiếng tíc tắc của chiếc đồng hồ treo trong góc tường là rõ rệt, bật hẳn lên.
Bà Sinh đã thấy người mỏi mệt, xương sống nhức và hai vai nặng trĩu. Bà ngáp mấy cái liền, dựa lưng vào thành ghế, nhưng vẫn còn thấy mỏi. Bà chắc rằng hôm nay cũng như đêm qua chồng bà chẳng về, có cố thức ngồi chờ cũng vô ích, bà mở màn vào giường.
Nằm thẳng người, gối đầu trên chiếc gối bông bà thấy gân cốt như nở giãn. Một cảm giác rất dễ chịu khiến bà không còn thấy mệt nhọc nữa. Bà tưởng rằng đặt mình xuống giường, tất sẽ ngủ ngay được. Nhưng bà vẫn còn trằn trọc mãi. Và bà lại liên miên nghĩ ngợi. Bà nghĩ đến những điều bà đã thường nghĩ tới trong ban ngày. Và ít lâu nay, bà chỉ quanh quẩn ra vào thơ thẩn như người không hồn. Mọi công việc bà bỏ mặc người vú già và Huệ; bà chẳng hề muốn trông nom tới. Cái buồn nản luôn luôn gặm nhấm trí óc, cõi lòng bà, khiến bà không còn thiết tha đến một điều gì. Cả đến Tài mà bà vẫn thường nâng niu âu yếm nay bà cũng như quên hẳn đi, coi như không có đứa con giai đó. Bà chỉ quan tâm đến một người: chồng bà. Vì bà đã hiểu rằng nếu người làm trụ cột đó trong gia đình mà thành ra chơi bời, rồi vợ nọ con kia thì cả nhà sẽ sa vào cái cảnh khổ sở thương tâm. Đã bao nhiêu gia đình, vì người cha ham mê ngườỉ vợ lẽ rồi ruồng bỏ vợ cả, ruồng bỏ cả đàn con phải lâm vào những cảnh đau thương. Bà đã được biết những người đó, bà thương họ và bà lại ghê sợ cho chính bà. Bà nơm nớp sợ rằng sau này bà sẽ không tránh được cái khổ đó. Bà lo cho chính bà thì ít, bà lo cho hai đứa con bà thì nhiều. Bà thường tự bảo: “Con gái thì phải tìm cách gả chồng, mà con giai thì phải lo liệu cho nó ăn học, còn thi cử rồi cũng phải kiếm vợ cho nó. Bỗng dưng mà tay không ra đứng đường thì rồi lấy gì mà lo liệu cho chúng nó!”
Cái ý nghĩ ấy đã làm bà buồn phiền mất ăn mất ngủ. Và bao giờ nó tới óc bà, bà lại thì thầm cầu nguyện: “Lạy trời, lạy phật, đừng có để mẹ con tôi phải đến cái đận ấy”. Cứ mỗi lần bà thốt ra lời cầu nguyện đó, bà lại tin rằng không lẽ nào bà lại sẽ phải sống khổ sở, và không có lý nào chồng bà lại ruồng bỏ bà được. Từ trước đến nay, trong gia đình, bà vẫn giữ địa vị một người vợ hiền, và một người mẹ tận tâm. Càng đi ngược lại những ngày đã qua bà lại tự hiểu rằng mình không hề có điều gì đáng tự trách. Bà chẳng dám khoe là giỏi giang hơn mọi người đàn bà, nhưng cứ so sánh kỹ càng, bà còn hơn nhiều người đàn bà khác, việc nhà bỏ bừa bỏ bãi, không hề chăm nom gì tới.
Bà đi lấy chồng từ năm mười tám tuổi. Và bắt đầu từ cái tuổi đó cho tới năm hai mươi bốn, ròng rã sáu năm trời bà đã phải chịu không biết bao nỗi khó nhọc; bởi lẽ gia đình chồng bà không được dồi dào đồng tiền cho lắm. Ở vào cái thời còn là con gái, bà cũng có nhan sắc. Mấy ông phán, ông tham và nhiều gia đình giàu có trong tỉnh muốn hỏi. Nhưng người mẹ sợ rằng gả vào những chỗ chức tước, nhiều tiền của rồi người ta sẽ khinh nghèo mà hành hạ con gái chăng. Vì vậy mẹ bà đã gả bà cho một nơi quen, cùng tỉnh cùng nghèo như gia đình bà. Sự không chênh lệch ấy, mẹ bà tin rằng sẽ có lợi cho cặp vợ chồng. Khi bà bước chân về nhà chồng thì chồng mới thi đỗ sơ học Pháp Việt và vào trường Bưởi theo học. Chồng bà mồ côi cha ngay từ thuở nhỏ nên cả nhà chỉ quanh quẩn có một đứa ở, người mẹ chồng với bà. Khi mới lấy nhau thì còn ở Kiến An, mọi món tiền chi tiêu trong nhà và tiền học của chồng đều trông mong vào cái cửa hàng xén khá to dọn ngay ở một phố lớn nhất trong tỉnh. Được gần một năm sau công việc buôn bán ở Kiến An không được phát đạt, người mẹ chồng bèn thu xếp về quê ở để trông nom gần chục mẫu ruộng đã tậu được trong thời kỳ buôn bán có lãi nhiều. Hoa lợi của mấy mẫu ruộng không đủ chi tiêu trong nhà và không đủ cho chồng bà ăn học, bà lại phải xoay cách cân gạo bán cho khách buôn. Vì quê bà về ở là một huyện lỵ nhỏ, huyện Kim Thành cách ga xe lửa có hơn hai cây số nên công việc cân gạo cũng dễ dàng. Thường thường một tháng ba hay bốn kỳ bà tải gạo đi Hải Dương hoặc Hải Phòng bán tại bến chợ Sắt. Nhờ sự siêng năng, tháo vát và nhất là cái đức tính tằn tiện của bà, trong nhà cũng bớt túng bấn. Năm chồng bà lên học năm thứ hai thì người mẹ chồng mất. Một mình bà phải cáng đáng lo liệu mọi việc ma chay cho được yên ổn. Cách đó mấy tháng thì bà đẻ Huệ. Thế là trơ trọi chỉ có một mình bà phải vật lộn lo liệu đủ mọi cái để nuôi con trong nhà và nuôi chồng ăn học cho tới lúc thi ra. Chồng bà cũng có mấy người anh họ giàu và đã đi làm có lương cao, có thể giúp được bà trong lúc thiếu quẫn đó; nhưng bà không muốn phiền lụy đến một người nào. Và những người ấy đối với chồng bà cũng ra vẻ lãnh đạm, gần như muốn xa lánh nên bà đã không muốn nối tình thân thiện. Thực là những năm khó nhọc mà có lẽ không bao giờ bà quên được. Bà bắt đầu được an nhàn đôi chút từ năm chồng thi đỗ Thành Chung rồi vào làm Tòa Sứ. Mới đầu bổ về Phúc Yên. Bà thu xếp công việc nhà rồi cùng con gái đi theo chồng, ở Phúc Yên mấy năm thì phải đi Sơn Tây chừng ba bốn năm cho đến bây giờ đổi về Nam Định đã được hơn hai năm.
Từ ngày chồng đi làm là bắt đầu những ngày êm ấm của bà. Cái cảnh chồng một vợ một không có chú, bác, cô, dì nào dính dáng tới để xảy ra chuyện này, chuyện khác không hay cho gia đình đã nhiều lần khiến bà sung sướng, thầm ơn mẹ đã không tham lam những nơi giàu sang để gán gả mình, mà chỉ cầu lấy sự thân yêu lẫn nhau. Đôi vợ chồng đã cùng qua những ngày túng thiếu nên khi nhàn hạ càng thương yêu nhau hơn. Thực không còn cảnh gia đình nào đầm ấm hơn nữa. Ngày ngày người chồng đi làm, bà ở nhà trông nom, thu vén việc nhà và săn sóc đến con cái. Ngày hai buổi đi làm về, chồng bà chỉ quanh quẩn trong nhà, xem báo, hoặc bàn bạc về các việc chi tiêu trong nhà để cố tằn tiện số tiền lương hàng tháng. Cái cảnh sống êm đềm, đầy thân yêu đó đã có ngay từ khi chồng bà mới được bổ đi làm. Cảnh gia đình lại vui sướng thêm khi bà đẻ Tài. Cả ngày bà thấy chồng nô giỡn với đứa con giai, không còn muốn rời nó ra. Trước sự vui vẻ đó mà nghĩ đến những ngày vất vả đã qua, bà cũng thấy ấm áp cõi lòng, bà thấy cả thân thể như rung động bởi một nguồn vui sống, hăng hái. Thực không khác một kẻ đang ở một nơi ẩm thấp, giá rét được vùng vẫy ở một nơi khoáng đạt đầy ánh nắng dịu.
Nhớ lại cái thời qua đó và so sánh với cái cảnh chơi bời đi suốt đêm của chồng trong mấy tháng nay, bà Sinh lại càng lo sợ, buồn rầu. Bà cố suy nghĩ để tìm được mưu kế mà khuyên răn chồng trở lại con đường cũ. Và suy nghĩ mãi bà vẫn chỉ thấy có hai cách: Một là ngọt, hai là xẵng, rồi “làm cho ra chuyện, muốn sao thì sao”. Chỉ có thế. Không cách nọ tất phải dùng cách kia. Càng suy nghĩ bà càng thấy rõ rằng bất cứ bằng cách nào, rồi câu chuyện cũng cần phải “cho vỡ lẽ”, chứ bà không muốn sống trong sự mập mờ mãi như thế này được.
Đồng hồ đánh một giờ. Bà cố lắng tai nghe. Ngoài cửa vẫn không có một tiếng động. Chắc hẳn rằng chồng bà đêm nay lại không về. Bà thở dài:
– Hai đêm liền!
Bà lại suy nghĩ lan man, dần dần người mệt lả rồi bà ngủ thiếp lúc nào không rõ.
Ông Sinh đã thoát. Ông vẫn không quên rằng vợ mình vẫn tìm cách dò la, nên bao giờ cũng vậy, trước khi tới nhà người vợ lẽ, ông hay dùng cái lối rẽ qua vào nhà một người bạn hay một người nào quen uống nước, nói chuyện có khi mất tới hai, ba giờ ông mới ra đi. Nếu chẳng dùng cái mưu kế đó thì ông lại lang thang qua hết phố này sang phố khác rồi mới đến chỗ nhà riêng. Ông đã biết được rằng vợ ông vẫn dò la, vì một buổi tối bất ngờ ông đã nhìn thấy người vợ theo sau: Ông vừa qua một cửa hàng xén, bày bừa bộn những hàng mới sang: nào giây lưng da, nào mùi-xoa và cà-vạt mới, đủ các màu. Ông dừng lại nhìn và trong khi quay trước, quay sau, ông nhác thấy bà Sinh vừa dừng chân ở đầu phố, có lẽ vì đã nhìn thấy ông đứng lại. Từ ngày đó, ông bắt đầu giữ gìn để vợ không biết được đường lối và cũng để nói dối vợ cho dễ, mỗi khi bà hỏi han câu nọ câu kia.
Ông đã đi thoát. Vừa tới nơi, mở cửa bước vào, ông đã thấy Nga ăn mặc chỉnh tề, kem phấn hẳn hoi ngồi chờ ở phòng khách. Nàng đon đả chạy ra, cười cười nói nói, bá vai ông Sinh rồi cố lấy giọng giọt ngào:
– Em chờ anh mãi.
Trả lời câu nói đó, ông Sinh chỉ mỉm cười rồi ôm chặt đầu Nga trên ngực, hôn liền hai cái. Mùi thơm của nước hoa và phấn làm ông thấy rộn rực trong người bởi những cảm xúc mới lạ. Cửa ngoài đã đóng chặt. Nga rót một chén nước to đặt trên bàn và cất tiếng mời:
– Anh uống nước.
Nàng lại vừa cười vừa nhìn chồng nói thêm:
– Nước chè mạn ướp sen, em gửi mua tận Phú Thọ về cơ đấy.
Ông Sinh vui mừng, nâng chén nước uống một hớp to và tấm tắc khen:
– Ngon thật! Kể ra mình cũng sành ăn, sành uống đấy!
Nga lộ ra vẻ sung sướng trên nét mặt. Hai người cùng đắc chí, lẳng lơ nhìn nhau. Nga vào nhà trong mang bộ pỵjama cho chồng thay rồi cả đôi đưa nhau vào trong buồng nằm trên một chiếc giường tây kiểu mới; người nọ gối lên cánh tay người kia thì thầm nói chuyện. Tiếng cười len tiếng nói. Sự vui vẻ, đầm ấm như bao phủ cả người và vật trong gian phòng.
Mời các bạn đón đọc Tuyển Tập Văn Xuôi của tác giả Mạnh Phú Tư.