Quyển một này sẽ gồm hai phần. Phần đầu giới thiệu ca dao nhi đồng Việt-Nam, và phần hai giới thiệu ca dao nhi đồng quốc tế.
Trẻ nhỏ Việt nào mà chẳng thuộc, không ít thì nhiều, vài bài ca dao mà các em cảm thấy thích thú. Ca dao đã đóng góp một phần không nhỏ vào đời sống tươi vui hồn nhiên của các em. Hầu hết trò chơi của các em đều là ca dao.
Trường Sư-Phạm Saigon niên khoá 1968-69 thày trò chúng tôi đã có dịp bàn nhiều về môn này mà chúng tôi gọi chung là Văn-Chương Nhi-Đồng gồm ca dao, ngụ ngôn, truyện thần thoại, truyện cổ tích, v.v… Quyển một dành riêng cho ca-dao.
Bàn về tác dụng của ca dao nhi đồng, nữ giáo sinh Lý-Đức-Mỹ lớp Đệ Nhất-5 niên khoá 1968-69 trường Sư Phạm Saigon có ghi :
« Khi đọc những ca dao nhi đồng, bao giờ chúng ta cũng cảm thấy mình như trẻ lại, và những ảnh tượng xa xưa của thời thơ ấu tự nhiên xuất hiện, nó dàn cảnh trước mắt ta, gây cho ta một cảm giác lâng lâng yêu đời, và để lại trong lòng ta một nuối tiếc về thời vàng son của tuổi trẻ mà chẳng bao giờ ta còn trở lại được nữa.
Tuy thời gian mang đi mất tuổi thơ ngây hồn nhiên, nhưng cũng chính thời gian làm cho sự hiểu biết trưởng thành và nhờ đó ta hiểu được và tìm về tuổi thơ với tất cả chân tình trìu mến. Và nhất là vào những lúc nhàn hạ, bỗng dưng tự đáy lòng ta dường như thoát ra tiếng hát trong trẻo ngây-thơ đáng yêu vô cùng. Tiếng hát ấy mang hồn ta ra khỏi cái thực tại đầy ưu-tư mệt-nhọc đang bám sát người ta. Thế là ta hoà mình với trẻ và cùng nô đùa với chúng. Trong giây phút tươi trẻ lại này, ta không còn là chính ta nữa, mà là một đứa bé như muôn ngàn đứa bé đang cười rỡn trên khắp vùng quê hương ; ta cũng bầy trò, cũng hành động như chúng thôi ; và chính ta cũng không hiểu tại sao ta lại có thể làm được như thế khi mà thực tế dằng-dặc ưu-tư luôn-luôn níu kéo ta lại với nó.
Xét cho kỹ, ta được tận hưởng những giây phút có thể nói là thần tiên ấy là do trí khôn ngoan của ta đã biết tích trữ những tinh hoa : tinh hoa đó chính là những bài hát thơ ngây sống mãi muôn đời, vì chỉ những gì người ta thích, cái đó mới gây được hạnh phúc mà thôi ».
Nữ giáo sinh Nguyễn-thị-Vãng lớp Đệ Nhị x cũng ghi như sau :
« Tự ngàn xưa trên mảnh đất hiền hoà này, những bà mẹ, những người chị thường vẫn cất cao giọng ngọt-ngào ru ngủ con thơ, em thơ bằng những câu hát êm đềm có ngụ ý về luân lý, phong tục trẻ trung, hồn nhiên, đôi khi có tính cách trữ tình lãng mạn. Những bài hát câu hò đó thấm vào giấc ngủ của trẻ Việt như mưa xuân tưới thấm đất mầu và kho tàng thi ca của ta như hoa lá mùa xuân kia phồn thịnh biết chừng nào. Há chẳng đã có người cho rằng mỗi người Việt là một thi nhân, và tình yêu gia đình, tổ quốc, dân tộc và nhất là tình mẫu tử thiêng-liêng thể hiện trong văn chương Việt Nam thật đã dạt-dào và sâu đậm hơn bất cứ dân tộc nào trên thế giới.
Khi lớn lên ai mà chẳng thấy lòng xúc động khi nghe những câu đồng dao ngộ-nghĩnh, những bài hát trò chơi của trẻ em ! Trong dịp đó tâm hồn ta tìm về thời thơ ấu trọn vẹn, đó là thuở vàng son đầy nắng ấm và hoa hồng, nụ cười điểm trên môi ta lúc bấy giờ nhuộm trọn màu thánh thiện vô tư.
Ôi ! tuổi ngọc thực đã xa vời, nhưng tiếng hát mẹ hiền ngày nào vẫn còn vang mãi. Những kỷ niệm thời thơ dại đã sống lại bởi dư âm của bài đồng dao êm-đềm trong ký ức. Âm thanh sâu thẳm đó đã tháp cho ta đôi cánh thiên thần bay ra khỏi vùng ưu tư thực tại để đến một cõi nào có toàn trăng sao, hoa bướm, với một lũ trẻ áo màu rực-rỡ, ngày tháng tung-tăng ».
Chính vì trẻ Việt đã sớm được hưởng trọn vẹn tác dụng nhiệm-mầu của ca dao ngay từ thuở trứng nước, giữa bầu không khí đùm bọc của gia đình như vậy, nên vấn đề chỉ còn đặt lên là chúng ta sẽ sử dụng những bài đồng-dao ra sao đây ở nhà trường. Vấn đề sẽ được đề cập tới kỹ càng hơn ở cuối bài này.
Mời các bạn đón đọc Tuyển Tập Văn Chương Nhi Đồng Quyển 1: Ca Dao Nhi Đồng của tác giả Doãn Quốc Sỹ.