Macxim Gorki (1864 – 1934là nhà văn vĩ đại của giai cấp vô sản, là ngọn cờ đầu của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Trong cuộc đời hoạt động văn học gần nửa thế kỷ, ông đã để lại một sự nghiệp chói lọi, một di sản sáng tác khổng lồ, nó là niềm tự hào của nhân dân Nga và của cả loài người tiến bộ. Truyện ngắn Macxim Gorki có sự kết hợp hài hoà yếu tố lãng mạn và hiện thực. Ở đó có sự gắn bó máu thịt của ông với nhân dân và đất nước qua các giai đoạn cách mạng. Tuyển tập truyện ngắn M.Gorki chọn lọc những tác phẩm tiêu biểu nhất của ông về thể loại này, bao gồm cả những truyện mà yếu tố lãng mạn chiếm ưu thế ( Makar Tsudra, Bà lão Idecghin, Bài ca chim ưng, Bài ca chim báo bão; những truyện mà yếu tố hiện thực chiếm ưu thế ( Emeliên Pilai, Lão Arkhip và bé Liônka, Kẻ phá bĩnh, Vợ chồng Orlôp, những truyện mà yếu tố hiện thực và lãng mạn gần như ngang bằng, đến mức khó xếp hẳn vào loại nào (Tseakas, Hai mươi sáu anh chàng và một cô gái…. Trong truyện ngắn Macxim Gorki bộc lộ niềm khao khát tự do và ca ngợi ý chí hào hùng, bất khuất của con người, phơi bày tính chất tàn bạo của chế độ xã hội – chính trị trước cách mạng, cái chế độ giết chết mọi cái có sức sống trong con người; quá trình trăn trở, tự ý thức đầy gian khổ của các tầng lớp “dưới đáy” để vươn tới sự đổi đời; đề cao và thi vị hoá lao động: phê phán lối sống và tâm lý ươn hèn của tầng lớp trí thức tiểu tư sản và tư sản; những truyện ngắn triết lý, những truyện có tính chất tự thuật…*** Tập truyện ngắn này gồm có: *** Tôi được nghe kể những câu chuyện này ở gần Ackeman, trên bờ biển xứ Betxarabi. Một buổi tối, làm xong công việc hái nho thường ngày, toán thợ Mônđavi, trong đó có tôi cùng làm, đi về phía bờ biển, còn tôi và bà lão Idecghin ở lại dưới bóng lá dày đặc của những gốc nho, ngả mình trên mặt đất, lẳng lặng nhìn bóng dáng những người đi về phía bờ biển đang tan dần trong sương đêm xanh thẳm. Họ vừa đi vừa cười, hát. Đàn ông nước da màu đồng hun, ria đen và lồng bồng, tóc xoăn, dày rậm, xõa đến vai, mặc áo vét ngắn và quần rộng; đàn bà, con gái thì vui vẻ, uyển chuyển, mắt xanh thẫm, da cũng sạm nắng. Tóc họ đen nhánh và mượt như tơ, buông xõa. Gió ấm và nhẹ lùa vào tóc họ, làm những đồng tiền bện trong tóc kêu leng keng. Gió ào tới từng đợt lớn đều đặn, những đôi khi, nó dường như nhảy qua một vật gì vô hình và thốc mạnh, làm cho tóc những người đàn bà bay tung lên, phấp phới quanh đầu họ như những cỗ bờm kỳ dị. Những lúc như thế, nom họ có vẻ quái dị hoang đường. Họ mỗi lúc một rời xa chúng tôi, còn đêm tối và trí tưởng tượng dường như làm cho họ càng đẹp hơn. Có người nào chơi vĩ cầm … một cô gái hát giọng trầm dịu dàng, có tiếng cười vui vẻ … Không khí nhiễm đầy mùi hơi biển gay gắt và khí bốc nồng đậm của đất thấm đẫm nước mưa từ lúc gần tối. Lúc này, trên trời vẫn còn những mảng mây xốp nhẹ bay lang thang, hình thù và màu sắc kỳ dị, chỗ thì đường nét mềm mại như những luồng khói lam và xanh tro đang cuồn cuộn bốc lên, chỗ thì hằn rõ như những tảng đá đen mờ đục hoặc nâu. Giữa các mảng mây, những mảnh trời xanh ngời lên thứ ánh sáng dịu dàng, lấm tấm những vì sao óng ánh như vụn vàng. Tất cả những cái đó: âm thanh và mùi vị, mây và người đều đẹp và buồn lạ lùng, như mở đầu cho một câu chuyện cổ tích huyền diệu, mọi vật đều như ngừng sinh trưởng, chìm dần vào cõi chết. Tiếng nói ồn ào càng ra xa càng lặng đi, biến thành một tiếng thở dài não ruột. -Sao anh không đi với họ? – Bà lão Idecghin hất hàm hỏi. Thời gian đã làm cho lưng bà lão cong gập xuống, cặp mắt xưa kia đen láy đã mờ đục và lúc nào cũng đẫm lệ. Giọng nói khô khan của bà lão nghe đến kỳ lạ, như tiếng xương va nhau lục cục. -Tôi không thích. – Tôi trả lời bà lão. -Ôi chao … Bọn người Nga các anh vừa sinh ra đã già lão. Lúc nào cũng càu quạu như quỷ sứ ấy … Con gái vùng tôi nó sợ anh đấy … Vậy mà anh trẻ khỏe thế kia … Trăng đã lên. Vành trăng to tròn, đỏ như máu, dường như từ giữa lòng thảo nguyên ngoi lên, chốn thảo nguyên xưa kia đã ngốn bao nhiêu thịt người và uống bao nhiêu máu người, và hẳn là vì vậy mới trở nên màu mỡ và phì nhiêu như thế này. Bóng lá giống như những hình thêu ren, trùm lên người chúng tôi như một tấm lưới. Bên trái, bóng mây nhuốm ánh trăng xanh lướt trên thảo nguyên, mây trở nên trong hơn và sáng hơn. -Xem kìa, Larra đang đi đấy! Tôi nhìn về phía bàn tay run run với những ngón tay cong cong đang trỏ: ở đấy có những bóng mây đang lướt qua, rất nhiều bóng và một trong những bóng ấy tối và đậm hơn những bóng khác, lướt nhanh hơn, và thấp hơn – đó là bóng của một mảng mây trôi gần mặt đất hơn và nhanh hơn các mảng khác. -Có ai đâu! – Tôi nói. -Anh mù hơn cả một bà lão như tôi. Xem kìa, hắn đen thẫm, đang chạy qua thảo nguyên đấy thôi! Tôi lại nhìn và chẳng thấy gì, ngoài một bóng tối. -Một bóng tối đấy chứ! Tại sao cụ gọi nó là Larra? -Nó đấy! Bây giờ nó như một bóng tối, mà nhất định phải thế thôi! Nó đã sống hàng nghìn năm nay, mặt trời làm khô quắt than thể và máu xương nó, gió thổi tan tác hình hài nó. Chúa có thể hành hạ con người để trừng phạt tội kiêu ngạo của nó như thế đấy! -Cụ kể cho tôi nghe câu chuyện ấy xảy ra như thế nào đi! – Tôi nài bà lão kể, vì cảm thấy trước rằng đây là một trong những truyền thuyết tuyệt diệu của thảo nguyên. Và bà lão kể lại câu chuyện cổ tích ấy.” Từ bấy đến nay, đã bao nhiêu nghìn năm trôi qua rồi. Ở một miền xa, xa lắm, mãi bên kia biển, nơi mặt trời mọc, có một xứ có con sông lớn, ở đấy mỗi lá cây ngọn cỏ đều tỏa bóng rợp đủ cho con người tránh nắng, vì xứ ấy nắng dữ lắm! Đất đai xứ ấy mới phì nhiêu làm sao! Ở đấy có một bộ lạc hùng cường, họ chăn gia súc, dùng sức mạnh và lòng dũng cảm để săn thú dữ, và sau cuộc săn, họ ăn uống linh đình, ca hát và đùa bỡn với các cô gái. Có lần, trong bữa tiệc, một cô trong đám thiếu nữ, một cô gái tóc đen, hiền dịu như đêm tối, bị một con đại bàng từ trên trời sà xuống quắp đi. Những mũi tên bọn đàn ông bắn vào chim đều lả tả rơi xuống đất, nom thực thảm hại. Thế là họ đâm bổ đi tìm cô gái, nhưng không sao tìm thấy. Rồi họ quên cô đi, như vẫn lãng quên mọi việc trên đời”. Bà lão thở dài và im lặng. Giọng nói sin sít của bà khiến tôi tưởng như đó là lời than vãn của tất cả những thế kỷ bị quên lãng nay nhập vào lồng ngực bà và hiện lên thành bóng dáng của những hồi ức. Biển dịu dàng họa lại đoạn mở đầu của một trong những truyền thuyết cổ xưa, có lẽ đã được sáng tạo trên vùng biển này.
Nguồn: https://thuviensach.vn