TỰA
“Traduttore, traditore” (“Dịch là phản”). Biết thế mà vẫn dịch. Biết thế mà vẫn “phản bội”, đôi khi không phải một mà hai lần : nhiều truyện ở đây đã đến với độc giả từ một bản không phải là nguyên tác ! Nếu không may bị chất vấn, chắc đương sự chỉ có thể chống chế bằng một luận cứ : tôi không nuôi cao vọng dịch hay và sát, chỉ mong dịch sao cho thoát !
Tôi vẫn mơ cho Miêng một ngày mai. Như một tác giả, chứ không phải dịch giả. Tôi thường trách Miêng mất quá nhiều thời giờ cho việc dịch thuật, xao lãng chuyện sáng tác. Nhưng làm sao có thể ngăn một người muốn luôn luôn sống chân thật, trọn vẹn với tình cảm của mình ? Làm sao có thể cản một con tim xúc động trước những chuyện người, rất người, quá người này, để vượt trên mọi rào chắn ngôn ngữ và văn hoá, cùng chia sẻ với các nhân vật trong truyện một cảnh ngộ hoặc khôi hài, hoặc thơ mộng, hoặc trớ trêu, hoặc bi đát… – nghĩa là loại hoàn cảnh có thể buộc mỗi người trong chúng ta lộ nguyên chân tướng ?
Từ mọi phía, những đầu óc tỉnh thức nói với chúng ta : văn chương bây giờ chỉ còn là một trò chơi ngôn ngữ. Và tất nhiên, trong cái trò chơi ấy, thì dịch văn kẻ khác là loại trò chơi dại dột vào bậc nhất đối với người cầm bút – trừ phi để kiếm tiền. Cứ tưởng tượng một hoạ sĩ, thay vì say mê sáng tạo những hình thể, màu sắc độc đáo của mình, lại mải miết sao vẽ các hoạ phẩm của những bậc thầy đã nổi tiếng ! Giới thiệu các nhà văn đã thành danh, dù ở mức độ quốc tế hay quốc gia, đều là một chuyện thừa tương tự ; và cũng tương tự, nó chỉ có thể làm rõ thêm khoảng cách, trong tư thế tác giả, giữa kẻ dịch và người được dịch.
Thật ra, văn chương bao giờ chẳng là một trò chơi ? Ngay từ khi mới xuất hiện. Chỉ có luật chơi là thay đổi tùy nơi, tùy thời. Song điều may mắn là trước bất cứ một trò chơi gì, luật chơi nào, người ta vẫn có thể bày tỏ một thái độ : “chơi thật” hoặc “chơi chơi”. Nếu “chơi thật” là đầu tư tất cả tâm trí vào đấy, vì và chỉ vì trân trọng một khiá cạnh nào đó của văn chương, dù biết trước mọi thua thiệt, dù phải lội ngược thời trang, thì Miêng đã chơi rất thật.
Hãy đọc tập truyện dịch này với tất cả sự nghiêm khắc cần thiết về mặt ngôn từ và kỹ thuật chuyển ngữ. Nhưng hãy khoan thai bước vào những cảnh ngộ trong truyện với tất cả tấm lòng, để cùng chia sẻ với các tác giả và người dịch, để sống với những nhân vật trong truyện, một chút gì nòi tình chúng ta hằng gọi là nhân tính.
Paris 09/2000
Hồi mười lăm tuổi – cái tuổi hãy còn vô tư – bà đã được hứa hôn với con trai cả cụ Kim, bậc danh giá trong làng. Trước lễ cưới ít lâu, người con trai té cây chết. Cụ Hàn bố, cứ nhắc nhở là” trung thần bất sự nhị quân “, tôi trung không thờ hai chúa, cho nên “tiết phụ bất tòng nhị phu”, gái tiết không thờ hai chồng : kết luận, cụ ra lệnh con để tang chồng ba năm tròn. Mãn tang, cụ gửi con về nhà chồng dĩ nhiên chẳng còn chồng nữa. Cô gái lớn lên và già ở đó, goá bụa và trinh trắng, đầy phẩm hạnh, mòn nhẵn với thời gian như viên sỏi bị nước mài dũa, cho đến năm vào tuổi bảy mươi.
Từ khi nào chỉ có trời mới biết, bà Hàn coi đàn ông là đồ vật bẩn thỉu. Bây giờ cũng vậy, tuy đã thất tuần, bà rất nhạy cảm trước mùi đàn ông và bày tỏ vẻ ghê tởm bằng cách nhíu mày. Ai mà có mùi mồ hôi thì được bà mời tránh xa, khỏi phải màu mè.
Bà cũng không thích trẻ con, có lẽ tại thói quen lâu ngày của cuộc đời đơn độc. Từ lâu, bà con trong họ đã vận động thu xếp để bà nuôi một trong những đứa cháu, nhưng bà không nhận.
Trẻ nhỏ – tụi nó đánh hơi thần kỳ – cũng không ưa gì “bà cô” thiếu ngọt ngào này. Một hôm, mấy đứa cháu gái đòi bà kể chuyện…
– Ngày xưa, có nhiều chuyện ghê gớm xảy ra…
– Chuyện gì vậy bà ?
– Ban đêm, họ bắt cóc mấy bà goá.
– Thiệt hả bà ? Mà ai bắt cóc họ vậy ?
– Mấy tụi lưu manh…
– Mà tại sao chớ ?
– Ðể hiếp họ.
– “Hiếp” là gì bà ?
– À cái đó, tụi con không cần biết, tụi con… Ban đêm bà rất sợ, bà run…
– Bà ? Mà tại sao lại là bà ?
– Bởi vì họ ưa bắt cóc những cô xinh xắn.
– Nhưng bà là bà cô già mà ?
– Thời đó bà rất xinh. Bà phải bôi lọ lên cho thành xấu xí đi.
– Thiệt hả bà ?
Bà lại kể cùng câu chuyện này cho các cháu gái trong dịp khác. Mới đầu thì chúng còn hỏi tới hỏi lui vì tò mò. Nhưng rồi cứ nghe hoài một chuyện, thét chúng nản, cảm thấy bị bà dùng làm thính giả bất đắc dĩ, chán ngắt, nên tìm cách tránh.
Bà Hàn than phiền là tụi con gái thời nay đứa nào cũng xảo trá vô dụng, rồi rút về phòng nằm dài. Phòng bà luôn luôn ngăn nắp. Bà thường trực tự lau chùi dẫu tìm ra người làm không khó khăn gì. Vì sống một mình, bà bị ám ảnh về mục vệ sinh ngăn nắp, cho chính bà và người chung quanh.
Toàn thị tộc họ Hàn kính trọng bà, niềm kính trọng lớn theo đối với những người có tuổi. Bà là người lớn tuổi nhất trong họ, lại nữa bà là con cháu của chi phái cả họ Hàn.
Tuy đã già nhưng tuổi tác không đánh dấu mấy trên mặt bà. Tầm vóc bề thế của bà làm người ta không chú ý mấy đến lời bà phàn nàn. Thời son trẻ chắc bà không có cái đẹp tế nhị và mong manh. Và thường như ở những người đàn bà không hề sinh nở, lưng bà không còng, mắt không xếp nếp, mũi và tai vẫn giữ được vẻ thanh tú. Vết nhăn trên mặt không sâu lắm và gân bàn tay hãy còn mềm mại.
Khi buồn chán, bà thường đi thăm cô em dâu họ xa ở làng dưới.
Cô “em dâu” này, bà Phúc, cũng goá nhưng không còn trinh. Hồi mười bảy tuổi bà đã có chồng, là em bà con của bà Hàn. Người chồng mới mười hai tuổi. Hai năm sau, ông chết vì bệnh dịch.
Người đàn bà goá sống với bố mẹ chồng trong gần hai mươi năm trời. Khi ông bố chồng trút hơi thở cuối cùng, bà cất một túp nhà tranh ở làng dưới để canh tác đất đai. Mặc dù trẻ hơn bà Hàn bốn năm tuổi, nhưng trông bà Phúc lại già hơn chị họ. Nếp nhăn hằn sâu trên khuôn mặt da màu đồng và tay gân guốc như đàn ông.
Khi bà Hàn ở nhà bà Phúc và bà này muốn cắt trái bí, bà Hàn cầm phụ một tay. Hay khi bà Phúc ngồi vào xa bắt đầu kéo sợï, bà Hàn giúp quấn chỉ vào trục. Và nếu bà Phúc mỏi muốn nằm nghỉ thì bà chị họ cũng nằm bên cạnh chốc lát. Bà Hàn chẳng bao giờ quên tự hỏi tại sao cô em dâu họ mặc dầu chỉ có một thân một mình, chẳng phải lo cho ai, lại có thể để căn phòng bừa bộn đến thế.
Một hôm bà Hàn ghé thăm bà Phúc, nằm lại chơi một lát, và dầu trời không lạnh, bà cũng bị cảm. Gia đình cho người đi hốt thuốc Tàu ở ông lang cách đấy hai cây số.
Mời các bạn đón đọc Tuyển Tập Truyện Dịch của tác giả Miêng.