Từ những năm tháng hoạt động ở Pháp, Hồ Chí Minh phê phán chế độ cai trị thực dân và nhận thấy sự cần thiết ban hành hiến pháp nói riêng, pháp luật nói chung nhằm ghi nhận, đảm bảo quyền tự do, dân chủ của nhân dân và hạn chế sự lạm quyền của nhà nước. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Người xác định một trong những nhiệm vụ cấp bách của chính quyền cách mạng, chỉ sau nhiệm vụ giải quyết nạn đói, nạn dốt là nhiệm vụ tổng tuyển cử bầu Quốc hội, để Quốc hội thay mặt nhân dân soạn thảo hiến pháp dân chủ. Trên cương vị là người đứng đầu Đảng và Nhà nước, Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo soạn thảo hai bản Hiến pháp năm 1946, 1959 đặt nền móng vững chắc cho nền lập hiến Việt Nam. Đặc biệt với bản Hiến pháp năm 1946, cho đến nay vẫn được coi là mẫu mực trên nhiều phương diện về lập hiến và lập pháp.
Trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh về lập hiến, trong gần 35 năm đổi mới, nền lập hiến Việt Nam đã đạt được thành tựu hết sức to lớn. Hiến pháp năm 2013 là kết quả của sự kế thừa, vận dụng và phát triển các quan điểm về lập hiến của Hồ Chí Minh trong điều kiện hiện nay. Tuy vậy, lý luận và thực tiễn xây dựng hiến pháp ở Việt Nam hiện nay vẫn đang còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, giải quyết.
Nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn sâu sắc, toàn diện về tư tưởng lập hiến Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Tư tưởng Hồ Chí Minh về lập hiến: Nội dung và giá trị của TS. Lê Thị Hằng.
Nội dung cuốn sách được kết cấu gồm 3 chương:
Chương I: Cơ sở, quá trình hình thành và phát triển tư tưởng lập hiến Hồ Chí Minh.
Chương II: Nội dung tư tưởng lập hiến Hồ Chí Minh.
Chương III: Giá trị tư tưởng lập hiến Hồ Chí Minh.
Mặc dù đã cố gắng trong quá trình biên tập, xuất bản song nội dung cuốn sách khó tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc để cuốn sách được hoàn thiện hơn trong lần xuất bản sau.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách với bạn đọc.
Tháng 10 năm 2020
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT