Khi cuộc nội chiến Hoa Kỳ gần kết thúc, những tay súng cuồng tín của Câu lạc bộ Súng ở Baltimore rất nhàn rỗi. Một ngày đẹp trời, chủ tịch Impey Barbicane đưa ra một đề xuất được chào đón một cách nhiệt tình. Đó là việc liên hệ với Mặt trăng bằng cách phóng một quả đạn khổng lồ bằng một khẩu pháo khổng lồ! Trong khi dự án đáng kinh ngạc này đang được thực hiện, một người Paris, Michel Ardan, gửi điện báo cho Barbicane: “Hãy thay thế quả đạn hình cầu bằng quả đạn hình nón. Tôi sẽ ngồi vào trong đó”…
Với các nhân vật được xây dựng hoàn hảo, sự hài hước luôn hiện hữu, Từ Trái đất đến Mặt trăng là một trong những tác phẩm vĩ đại của Jules Verne, một trong những dự đoán táo bạo nhất của ông.
Tác phẩm được Thanh Yên dịch từ bản dịch tiếng Anh.
Jules Gabriel Verne sinh ngày 8 tháng 2 năm 1828 tại Pháp và được coi là cha đẻ của thể loại Khoa học viễn tưởng.
Để theo đuổi việc viết văn, Jules Verne đã bỏ học luật, nghề cha ông định hướng. Cuốn tiểu thuyết đầu tay thành công Năm tuần trên khinh khí cầu (1863) đã mở đầu cho hàng loạt các tác phẩm nổi tiếng về sau của Jules Verne như Cuộc Thám Hiểm Vào Lòng Đất (1864), Hai vạn dặm dưới biển (1870), 80 Ngày Vòng Quanh Thế Giới (1873)… Các tác phẩm của ông được dịch khắp nơi trên thế giới.
Jules Verne mất ngày 24 tháng 3 năm 1905. Sau khi ông qua đời, nhiều tiểu thuyết chưa in của ông vẫn được tiếp tục xuất bản.
– Ông là nhà văn Pháp nổi tiếng, được coi là người khai sinh ra thể loại văn học Khoa học viễn tưởng.
– Tác phẩm của ông được dịch nhiều thứ ba trên thế giới và được chuyển thể thành phim nhiều lần.
– Danh tiếng ấy chắc hẳn đã là đẹp đẽ lắm rồi. Tuy nhiên ông còn xứng đáng được nhiều hơn thế. Và thật không công bằng khi chúng ta kể lại lịch sử văn học của thời đại này mà không đặt tiểu thuyết gia có lẽ là có tính sáng tạo bậc nhất vào một vị thế đúng đắn.
– Ông đã dùng phòng thí nghiệm và kính viễn vọng để viết tiểu thuyết phiêu lưu. Ông không chỉ ghi lại quá trình các nhà bác học tạo nên những phát minh lớn, mà còn tiên đoán chúng. Đọc những tác phẩm cùa ông, ta có thể nhận thấy những mâu thuẫn vì trong số những ý tưởng khoa học còn có những kiến phát chưa thể xác minh. Và bỗng dưng năm sau, hoặc vài năm sau, những giả thuyết mà ông đặt ra mà đôi khi thậm chí ông còn không tin, đã trở thành sự thật, một cách hoàn toàn chính xác. Những nhà bác học đã hoàn toàn đồng tình với ý tưởng của ông, hay nói cách khác, ông đã đi trước họ!..
– Trước đây, người ta vẫn đặt câu hỏi liệu khoa học thực sự có đi ngược hướng với trí tưởng tượng văn chương hay không. Các nhà triết học thì đồng tình, lules Verne chứng minh điều ngược lại qua hành động. Ông dùng chất liệu khoa học để xây dựng nên những câu chuyện hấp dẫn, những cuộc phiêu lưu lôi cuốn.
Trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ, hay còn gọi là cuộc chiến tranh giữa các tiểu bang (1861-1865), tại thành phố Baltimore, bang Maryland đã xuất hiện một câu lạc bộ mới và có sức ảnh hưởng ngoài mong đợi của những người sáng lập. Nó nổi lên cùng với nguồn năng lượng đến từ những tham vọng quân sự đang lớn dần giữa các nhóm chủ tàu, chủ hiệu và thợ cơ khí. Các nhà buôn thuần túy bỏ bàn tính để trở thành đại úy, đại tá và tướng lĩnh mà chưa hề có mặt dù chỉ một ngày ở Trường đào tạo West Point; thế mà, họ vẫn mau chóng sánh ngang với những kẻ đồng cấp nơi lục địa già và cũng như những kẻ kia, giành được thắng lợi nhờ các khoản chi vô tội vạ vào đạn dược, tiền bạc và con người.
Nhưng lĩnh vực trong đó người Mỹ đặc biệt bỏ xa người châu Âu là khoa học chế tạo đại bác. Không phải vũ khí của họ có độ hoàn hảo cao hơn mà đơn giản chỉ là họ tạo ra các kích thước lớn hơn; lớn chưa từng thấy, thậm chí lớn tới mức xưa nay chưa từng thấy. Có người còn bạo mồm nói rằng kể cả mãi mãi về sau… Ở các khoản bắn quét, phóng, xiên, hay lia, hoặc bắn thẳng, người Anh, Pháp và Phổ chẳng có gì cần học hỏi; nhưng súng đại bác, bích kích pháo và súng cối của đám người này chỉ là thứ súng lục bỏ túi nếu so với những cỗ máy ghê gớm của pháo binh Mỹ.
Sự thật này chẳng làm bất ngờ ai. Người Yankee, dù đây là theo cách gọi coi thường của người miền Nam trong thời kỳ nội chiến dành cho dân Bắc Mỹ, thì chính họ, những thợ cơ khí đầu tiên trên thế giới, là các kỹ sư – cũng như người Ý là nhạc công còn người Đức là các nhà siêu hình học bẩm sinh. Chẳng gì nghiễm nhiên hơn, thế đấy, việc nhìn họ ứng dụng tài hoa ấn tượng của mình vào khoa học chế tạo đại bác. Chứng kiến sự kỳ diệu của các loại súng Parrott, Dahlgren và Rodman, thì lục địa già với những súng Armstrong, Palliser và Beaulieu vang lừng tên tuổi một thời đã buộc phải cúi đầu trước những kình địch ở bên kia Đại Tây Dương.
Giờ đây khi một người Mỹ có kế hoạch hành động, anh ta sẽ trực tiếp tìm một anh Mỹ thứ hai để bàn bạc và mời hợp tác. Nếu có ba, họ sẽ chọn ra một thủ lĩnh. Khi có bốn, họ sẽ chỉ định người quản lý hồ sơ và văn phòng sẵn sàng hoạt động. Nếu có năm, họ sẽ tiến hành mọi nghi lễ cần thiết để cho ra đời một câu lạc bộ. Chính là cái câu lạc bộ nói trên. Mọi thứ diễn ra tại Baltimore. Nhà sáng chế ra loại đại bác mới ủng hộ các thợ đúc và thợ khoan. Từ đó hình thành nên cốt lõi, nền tảng cho sự ra đời Câu lạc bộ Súng. Rồi, chỉ vẻn vẹn một tháng sau ngày thành lập, câu lạc bộ đã có tới 1.833 hội viên hợp thức và 30.565 hội viên thông tấn.
Một điều kiện được coi như yếu tố tiên quyết đối với mỗi ứng viên khi gia nhập câu lạc bộ này, là phải đã hoặc đang thiết kế, hoặc (ít hay nhiều) từng hoàn thiện một khẩu đại bác; hoặc, nếu không đại bác, chí ít cũng là loại súng ngắn nào đó. Ấy thế mà, nghe nói, chỉ các tay sáng chế ra súng lục ổ quay, súng cạc bin khạc lửa và các vũ khí tương tự cỡ nhỏ, mới gặp ít soi xét nhất. Riêng lính pháo binh luôn được xếp hạng ưu trong điều khoản chiếu cố.
Quy ước để tổ chức các quý ông này, theo một trong những diễn giải khoa học nhất và cũng mơ hồ nhất, của Câu lạc bộ Súng, là “tương ứng với số lượng súng của họ và tỷ lệ thuận với bình phương khoảng cách đạt được khi đạn bắn ra”.
Khi Câu lạc bộ Súng được thành lập, tương lai về các thiên tài phát minh của người Mỹ thật quá dễ mường tượng. Vũ khí quân sự của họ đạt tới tầm vóc khổng lồ, còn đạn của họ, vượt mọi giới hạn quy chuẩn, thỉnh thoảng chẳng may cắt đôi vài khách bộ hành vô tội. Những sáng chế này, trên thực tế, bỏ xa các thiết bị nhút nhát của pháo binh châu Âu lại phía sau.
Cũng là lẽ công bằng khi nói thêm rằng những người Yankee này, dũng cảm như họ từng thể hiện, đã không hạn chế chính mình trong các học thuyết và công thức, nhưng đã phải trả giá đắt, bằng chính bản thân, cho các sáng chế của họ. Trong số họ có đủ các cấp sĩ quan, từ trung úy tới cấp tướng; quân nhân thuộc mọi lứa tuổi, trong đó có người vừa mới gia nhập ngành vũ khí cho tới những người đã già đi cùng xe chở pháo. Phần còn lại của nhiều người được tìm thấy trên chiến trường và dòng tên viết in hoa trong Cuốn sách Danh vọng của Câu lạc bộ Súng, nhiều người khác tỏa ánh vinh quang mang theo những dấu tích của lòng dũng cảm không thể bàn cãi. Nạng đỡ, chân gỗ, tay giả, móc thép, hàm cao su, sọ bạc, mũi bạch kim, đều được tổng kết lại; và nhà thống kê xuất sắc Pitcairn tính toán rằng, suốt thời gian hoạt động của Câu lạc bộ Súng, cứ bốn người thì một thiếu đôi tay toàn vẹn và sáu người thì một không có đôi chân đủ đầy.
Tuy nhiên, những pháo thủ can đảm này chẳng dành chút chú ý đặc biệt nào tới những thừa thiếu nhỏ nhoi này, mà chỉ cảm thấy niềm tự hào dâng tràn khi thông báo kết quả gửi về từ trận chiến: Con số tử vong gấp mười lần lượng đạn tiêu hao.
Một ngày nọ, ấy vậy mà lại là ngày u buồn! Hòa bình được ký kết giữa những kẻ sống sót sau cuộc chiến; tiếng gầm rú của đạn pháo dần vơi, súng cối trở nên câm lặng, bích kích pháo bị bịt kín miệng trong thời gian không hạn định, đại bác, với những họng súng rầu rĩ, bị kéo vào kho… những hồi ức đẫm máu cũng lu mờ; cây bông mọc sum suê trên những cánh đồng được bón phân cẩn thận, tất cả đồ tang lễ được xếp sang một bên, cùng với nỗi đau thương; còn Câu lạc bộ Súng bị đẩy xuống trạng thái trì trệ vô thời hạn.
Dăm ba nhà lý luận cấp cao thâm căn cố đế quay lại với việc sửa đổi các trù tính về luật súng đạn. Họ khăng khăng lật lại vấn đề về đạn pháo khổng lồ và bích kích pháo ngoại cỡ. Nhưng thiếu thực tiễn, mớ lý thuyết này có giá trị gì? Và như vậy, các phòng trong câu lạc bộ trở nên vắng ngắt, những người phục vụ ngủ gà gật nơi tiền sảnh, báo chí mốc meo trên bàn, tiếng ngáy vọng ra từ góc tối, còn hội viên của Câu lạc bộ Súng, khi xưa ầm ĩ trong cả phiên họp lẫn giờ giải lao, nay tụt xuống im ắng vì thứ hòa bình tai họa này và buông bỏ toàn bộ bản thân vào những giấc mơ về một nền pháo binh thuần khiết.
“Thật là tệ hại!” Tom Hunter nói khi chiều tối, trong lúc đang mau chóng tôi cacbon cặp chân giả trong lò sưởi phòng hút thuốc.
“Chẳng có gì để làm!” anh nói, giọng hằn học. “Chẳng có gì để trông mong! Cái loại tồn tại ghê tởm này! Đến khi nào súng ống lại đánh thức chúng ta dậy buổi sáng bằng tiếng nổ dễ chịu của nó đây?”