Tận cùng khổ đau đến ngời sáng tâm hồn
• “Phương thuốc tự nhiên” đến từ tình yêu thương và sự tha thứ sẽ giúp xoa dịu những nỗi đau và chữa lành chứng trầm cảm.
• Chứng trầm cảm có thể là một sự khởi đầu thiêng liêng dẫn vào hành trình giác ngộ
Những tổn thương, mất mát, nỗi thống khổ, hay sự trầm cảm là những điều mà không ai trong chúng ta muốn đón nhận, nhưng lại không thể tránh khỏi trong cuộc đời. Tuy nhiên, Marianne Williamson – tác giả của cuốn sách – khẳng định “Trầm cảm có thể là một sự khởi đầu thiêng liêng dẫn vào hành trình giác ngộ”.
Cuốn sách được xem là sự suy tư về nỗi đau của con người, căn nguyên của chứng trầm cảm, và đặc biệt là sự siêu việt mà nó mang lại cho chính chúng ta. “Từ nước mắt đến nụ cười là cuốn sách đào sâu vào gốc rễ của chứng trầm cảm. Sau đó, sẽ giúp bạn nắm bắt được những giải pháp để vượt qua chúng và tiếp tục tiến về phía trước. Đây là một cuốn sách lý tưởng dành cho tất cả chúng ta” – nhà sáng lập Spirituality & Health bình luận về cuốn sách.
Cuốn sách mở đầu bằng câu chuyện về cuộc đời của Jonathan – người từng đứng ở đỉnh cao của cuộc đời, đã rơi xuống vực thẳm sâu hoắm và đen tối khi đánh mất gia đình, nhà cửa, tiền bạc, và cả sự nghiệp. Những bất trắc ấy đã khiến Jonathan rơi vào chứng trầm cảm, và buộc phải tham gia những buổi trị liệu của bác sĩ tâm lý để tìm thấy sự chữa lành. Từng là một người cao ngạo và tự mãn, giờ đây, Jonathan đã phải rơi lệ, chịu cúi đầu và khiêm nhường trước người khác để mong cầu sự giúp đỡ.
Nếu Jonathan đã phải rất khổ sở mới có thể thốt lên rằng “Tôi mất hết tất cả rồi”, thì tác giả – cũng chính là bác sĩ tâm lý của anh – lại nhẹ nhàng xoa dịu bằng câu nói của một nhà sư: “Cốc phải cạn thì mới có thể rót đầy”. Đôi khi mọi chuyện phải trở nên tồi tệ rồi mới bắt đầu tốt lên. Thế nên, nhiều lúc cuộc sống của chúng ta trở nên trống rỗng lại là một điều tốt đẹp, Marianne Williamson chia sẻ.
“Từ nước mắt đến nụ cười” được chia thành 12 phần chính:
1. Phó thác nỗi buồn
2. Xuyên qua bóng tối, vào ánh sáng
3. Chống lại sự tê dại
4. Vũ trụ diệu kỳ
5. Văn hóa muộn phiền
6. Tha thứ
7. Thiên đường quan hệ, địa ngục quan hệ
8. Thay đổi chính mình, thay đổi thế giới
9. Ánh sáng của Đức Phật
10. Ánh sáng của Moses
11. Ánh sáng của Chúa Jesus
12. Nước mắt tới hân hoan
Xuyên suốt cuốn sách, Marianne Williamson hướng mọi người đón nhận và trưởng thành từ những nỗi đau thay vì né tránh như cách mà chúng ta hay làm. Nữ tác giả tin rằng: càng phủ nhận những tổn thương, chúng ta càng kéo dài nỗi đau do chúng gây nên. “Chừng nào còn chưa được chữa lành, những vết thương ấy còn tiếp tục đưa cuộc sống của chúng ta đi theo những hướng bất lợi”.
Những “phương thuốc tự nhiên” giúp bạn đọc đối diện và vực dậy khỏi những tổn thương mà Marianne Williamson đã nói đến trong cuốn sách bao gồm: Cho phép được buồn, Thoát khỏi quá khứ, Tha thứ cho chính mình, Nhân từ
Đặc biệt, với cương vị là một nữ chính trị gia và nhà lãnh đạo tâm linh, thông qua tác phẩm của mình, Marianne Williamson còn đem đến cho độc giả kiến thức về hành trình giác ngộ. Cuốn sách chứa đựng những đoạn kinh ngắn, được sử dụng trong đạo Phật, Công giáo, và đạo Chúa để chữa lành những tổn thương và tìm thấy sự thanh tịnh trong tâm hồn.
Với lối văn súc tích, dễ hiểu cùng những câu chuyện đời thường xen kẽ, “Từ nước mắt đến nụ cười” đã chạm đến trái tim của nhiều bạn đọc, đặc biệt là những ai đang phải đương đầu với những mất mát, tổn thương, và sự trầm cảm. Cuốn sách đã nhanh chóng có mặt trong danh mục những tựa sách bán chạy nhất tại Mỹ ngay khi vừa mới phát hành.
Về tác giả
Marianne Williamson là một tác giả, diễn giả, nhà hoạt động chính trị và lãnh đạo tâm linh nổi tiếng trên toàn thế giới. Đặc biệt, cô là một trong những ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ thuộc đảng Dân chủ năm 2020. Tính đến nay, Marianne Williamson là tác giả của 14 cuốn sách, với hơn 3 triệu bản được bán ra trên thị trường, trong đó có 4 cuốn lọt vào danh mục sách bán chạy nhất theo The New York Times. Sách của Marianne Williamson chủ yếu bàn về những giá trị tinh thần và tình yêu thương con người, giúp độc giả khám phá bản thân và vượt lên trên những nghịch cảnh để tìm thấy niềm vui và sự an yên trong cuộc sống.
***
Trong một thế giới vồn vã, quay cuồng và đầy ngổn ngang này, bạn và tôi, có lẽ chúng ta đều có nhiều hơn một lần bị những nỗi khổ đau ăn mòn tâm trí. Có phải bạn đã từng có những suy nghĩ như “Tại sao mình phải chịu đựng những thứ này?”, “Vì cớ gì mà mình lại đau khổ đến như vậy?”, “Giá trị thực sự của mình nằm ở đâu?”, “Mình là ai?”,… cứ quanh quẩn và giày vò trí óc bạn mỗi ngày? Tôi muốn nói với bạn rằng, bạn không chỉ có một mình thôi đâu. Ai trong mỗi người chúng ta trên trái đất này, cũng đều có những lúc mà nỗi đau của sự tồn tại dường như vượt quá sức chịu đựng. Và vì lẽ đó, ai cũng đều có một niềm khao khát, có thể là một niềm khao khát cháy bỏng, đối với tình yêu và cả hạnh phúc. Nếu bạn là một người đang mang trên mình nhiều vết thương tinh thần, một trái tim không lành lặn chứa đầy vết xước đến rỉ máu, hay bạn đang khao khát vươn tay chạm tới thứ ánh sáng phía cuối đường hầm tăm tối, khao khát tìm một hướng đi giải thoát cho thực tại khốn khổ của mình, tôi nghĩ bạn nên tìm đọc cuốn sách Từ nước mắt tới nụ cười – Tận cùng khổ đau đến ngời sáng tâm hồn của tác giả Marianne Williamson. Bạn có thể tìm thấy ở đây một số mảnh ghép mà bạn chưa từng biết. Một bí ẩn. Và, có thể, là một phép màu.
Con người ta dường như luôn bị những nỗi lo sợ chi phối trong cuộc sống hàng ngày. Trong khi một sự thật hiện hữu rằng, không ai có thể thật sự chi phối được chúng ta ngoài chính linh hồn sâu thẳm bên trong mỗi người. Khi thứ dịch bệnh Covid ám ảnh cả thế giới bùng phát trở lại ở Việt Nam một lần nữa, nỗi lo sợ mới lại được hình thành, quẩn quanh những âu lo trong cuộc sống thường nhật của mỗi người. Chúng ta có hàng tá lý do cho phép nỗi sợ hãi, muộn phiền hiện diện: lo không thể về được quê của mình, sợ công việc đang làm sẽ có sự thay đổi, lo thu nhập bị ảnh hưởng, sợ mình có thể bị mắc bệnh,… Nỗi sợ càng lớn bao nhiêu, thứ tâm bệnh tà ác ta rước thêm vào người càng nhiều bấy nhiêu. Bạn muốn thoát ra khỏi mớ cảm xúc và suy nghĩ hỗn độn ấy chứ? Cuốn sách Từ nước mắt đến nụ cười – Tận cùng khổ đau đến ngời sáng tâm hồn của tác giả Marianne Williamson có thể sẽ trở thành một sự động viên tinh thần, giúp bạn không còn cảm thấy một mình trên cuộc hành trình vượt qua những khổ đau và nỗi lo hãi trong cuộc sống chìm nổi này. Và tôi nghĩ, cuốn sách này đặc biệt dành tặng cho những người đang cố gắng đấu tranh hằng ngày với căn bệnh trầm cảm ẩn sâu bên trong mình.
Về tác giả và cuốn sách
Marianne Williamson là một người phụ nữ tài giỏi. Bà vừa là một nhà hoạt động chính trị và là một nhà lãnh đạo tâm linh. Đồng thời, bà cũng chính là tác giả của 14 cuốn sách nổi tiếng, trong đó có bốn cuốn đã được lọt vào danh mục sách bán chạy nhất của The New York Times. Bà là người sáng lập ra Project Angel Food, một tổ chức phi lợi nhuận cung cấp hơn 12 triệu bữa ăn tình nguyện phục vụ cho những người bị AIDS ở nhà và cả các bệnh nhân đang hàng ngày đấu tranh với căn bệnh hiểm nghèo đe dọa đến tính mạng khác. Bên cạnh đó, bà cũng là người đồng sáng lập của Liên minh Hòa bình, một tổ chức giáo dục và vận động cơ sở phi lợi nhuận hỗ trợ các dự án xây dựng hòa bình. Bạn thấy đấy, Marianne quả là một người phụ nữ đa tài. Nhưng tôi hiểu bà đã phải cố gắng đến mức nào để có thể tiếp tục đi con đường của bản thân. Suy cho cùng, trên đường đi của mỗi người, chí ít thì ai cũng có đôi lần phải nếm trái đắng nhỉ?
… Có một số người bị nỗi đau đớn tận cùng đè nặng, khó thể nào nguôi ngoai, dù chỉ một chút nhỏ nhoi. Ta chìm mỗi lúc một sâu hơn trong giếng nước mắt của chính mình, chìm vào bóng tối thăm thẳm dường như không đáy. Ta tự hỏi tất cả những đau đớn này đến từ đâu. Và ta tự hỏi nó có bao giờ kết thúc?
Nếu bạn, hoặc một người nào đó mà bạn yêu thương, đang phải trải qua khoảng thời gian như thế – khi việc thở thêm một hơi nữa, sống thêm một ngày nữa, dường như cũng là quá sức – Thì tôi rất vui vì bạn đọc cuốn sách này.
Tôi biết khổ sở là gì, vì tôi đã hai lần bị chẩn đoán trầm cảm. Tôi đã trải qua bi kịch cá nhân và cái chết của những người thân yêu. Tôi đã phải chịu đựng sự phản bội và thất vọng. Hơn một lần, tôi cảm thấy mất hết mọi cơ hội hạnh phúc từng có. Tôi đã ở quá gần với đau khổ, không chỉ trong cuộc sống của chính tôi, mà còn cuộc sống của nhiều người khác mà tôi đã gặp trong sự nghiệp của mình. Không gì giúp bạn nhìn rõ được nỗi khổ của người khác hơn khi chính bạn cũng phải chịu khổ. Tôi biết khuôn mặt của trầm cảm mà, tôi biết rõ!
Nhiêu đó thôi cũng đủ khiến tôi nghĩ rằng bạn nên đọc cuốn sách này. Một người đã từng trải qua trầm cảm, đã chiến đấu và đánh bại được nó, hẳn cũng có thể dẫn dắt và giúp đỡ bạn tự đánh bại được tâm bệnh trong chính mình. Bạn không hề chiến đấu đơn độc một chút nào.
Cuốn sách trọn vẹn 293 trang được chia thành 12 chương nhỏ:
Phó thác nỗi buồn
Xuyên qua bóng tối, vào ánh sáng
Chống lại sự tê dại
Vũ trụ diệu kỳ
Văn hóa muộn phiền
Tha thứ
Thiên đàng quan hệ, địa ngục quan hệ
Thay đổi chính mình
Ánh sáng của Đức Phật
Ánh sáng của Moses
Ánh sáng của Jesus
Nước mắt tới hân hoan
Cuốn sách Từ nước mắt đến nụ cười là một sự suy tư tinh thần về nỗi đau khổ của con người, cả về căn nguyên và sự siêu việt của nó. Bên cạnh đó, cuốn sách còn chạm đến bề mặt chiều sâu tinh thần của sự sáng suốt trong các giáo lý tôn giáo và tâm linh vĩ đại với hy vọng đến được nơi đang bị che khuất đằng sau những tấm màn phủ giáo điều cùng những hiểu lầm từ xa xưa. Xuyên suốt cuốn sách, các bạn sẽ thường xuyên được nhìn thấy “Chúa Trời”. Chúa Trời mà tác giả nhắc đến trong cuốn sách này không phải chỉ là Chúa Trời trong thiên chúa giáo nói riêng, mà đó còn là từ dùng để chỉ các Đấng Thiêng Liêng của mọi tôn giáo nói chung.
Xã hội này đã rước trầm cảm đến bằng cách coi thường tình yêu. Chúng ta đã bán linh hồn của mình cho một mớ hầm bà lằng. Sự tồn tại của con người không chỉ là một tình tiết ngẫu nhiên, chẳng vì mục đích nào ngoài việc tất cả chúng ta đều nên có được những gì mình muốn. Nhìn nhận theo cách đó, không có lớp phủ tinh thần, cuộc sống của chúng ta dường như không còn ý nghĩa tối thượng, trong khi linh hồn khao khát ý nghĩa chẳng khác nào cơ thể thèm khát oxy. Khi không có một khung sườn tinh thần, chúng ta biết các cơ chế của cuộc sống nhưng lại hầu như không hiểu được. Và bởi không hiểu cuộc sống, chúng ta sống sai. Và bởi sống sai, chúng ta gây đau khổ – cho bản thân và cho người khác.
Hành trình thiêng liêng của Đức Phật bắt đầu khi Ngài thấy đau khổ lần đầu tiên; Moses xúc động trước những thống khổ của người dân Israel; và Chúa Jesus chịu khổ trên cây thập giá. Nhưng vấn đề không chỉ đơn giản là Đức Phật thấy nỗi khổ, mà là Ngài đã vượt qua nó bằng sự giác ngộ của mình. Vấn đề không chỉ đơn giản là người Do Thái bị bắt làm nô lệ, mà là họ đã được giải cứu và dẫn đến miền Đất Hứa. Vấn đề không chỉ đơn giản là chúa Jesus bị đóng đinh, mà là ngài đã được hồi sinh. Sự đau khổ của con người chỉ là vế đầu của phương trình, điều quan trọng hơn là những gì xảy ra sau khi Chúa Trời cho ta thấy bàn tay của Người.
Tận cùng khổ đau
Xã hội càng hiện đại, áp lực cuộc sống càng đè nặng lên đôi vai của mỗi người. Gánh nặng ấy không chỉ đến từ những lo toan cuộc sống hàng ngày, mà nó còn đến từ những áp lực của đời sống tinh thần, nặng nề hơn, và đáng sợ hơn. Bạn có thể dễ dàng thấy được những con số thống kê về tỷ lệ người tự tử vì trầm cảm hàng năm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đa phần trong số đó đều là những người còn rất trẻ. Phải chăng người trẻ của hiện đại đang thiếu đi sự đề kháng với áp lực? Nhiều người nghĩ rằng đó là những hành động nông nổi và bồng bột của giới trẻ. Bạn có thể dễ dàng bắt gặp được câu nói của những người lớn tuổi như “ngày xưa còn khổ hơn gấp nhiều lần mà còn chịu được đó thôi”. Nhưng sự thật thì có thật sự là như vậy hay không? Khi người trẻ chọn tử tự là cách để giải thoát nỗi buồn, theo bạn, đó là điều đáng lên án hay là điều đáng được cảm thông?
Cơ hội lớn nhất cho sự sống còn của loài người trong thế kỷ 21 không nằm ở việc mở rộng tầm hiểu biết về thế giới bên ngoài mà là đào sâu thêm thế giới bên trong chúng ta. Điều đó áp dụng cho mỗi cá nhân, và cũng áp dụng cho toàn thể.
Chừng nào còn chưa làm được điều đó, thì ta còn buồn bã. Cơ thể của chúng ta, các mối quan hệ của chúng ta, sự nghiệp của chúng ta, chính kiến của chúng ta sẽ tiếp tục là ngọn nguồn đau khổ trong khi đáng ra nên là nguồn vui. Ẩn trong tất cả các giáo lý tâm linh vĩ đại là chìa khóa để xoay chuyển cục diện. Khi tìm thấy và xoay chìa, chúng ta sẽ ngạc nhiên bởi những gì ẩn giấu đằng sau cánh cửa đã bị khóa trái với Chúa Trời. Không phải là không có hy vọng, chỉ là chúng ta chưa nhìn thấy nó mà thôi. Không phải là không có sức mạnh, chỉ là chúng ta chưa thỉnh cầu. Không phải là không có tình yêu, chỉ là chúng ta chưa sống với tình yêu.
Nhìn thấy được những điều này, cuộc sống của chúng ta bắt đầu thay đổi. Tâm trí của chúng ta được đánh thức. Phép màu xảy ra. Và cuối cùng trái tim ta vui sướng.
Các bạn có tin vào phép màu không nhỉ? Tôi thì tin vào phép màu lắm. Đôi khi chúng ta hay bỏ quên một điều diệu kỳ của tuổi thơ, đó là chúng ta tin vào phép màu, tin vào những câu chuyện thần tiên cổ tích đầy màu sắc và âm thanh của hạnh phúc. Hẳn là bạn đã từng xem bộ phim hoạt hình Disney nổi tiếng có tên “Lọ Lem” rồi nhỉ? Bạn có còn nhớ lời bài hát trong bộ phim đó không? Tôi xin được tạm dịch một câu trong lời bài hát đó mà tôi nhớ mãi: “Dù bạn có phải chịu đau khổ tới mức nào, nếu bạn tiếp tục giữ niềm tin, giấc mơ sẽ trở thành sự thực”.
Khả năng ta phải đau lòng luôn tồn tại; nó là một phần trải nghiệm của con người. Ở đâu có tình yêu, ở đó có hạnh phúc. Nhưng nơi nào mối ràng buộc của tình yêu tan vỡ, nơi đó có nỗi đau. Nếu thế giới bị chi phối bởi nỗi sợ, và vì vậy chống lại tình yêu theo nhiều cách khác nhau, thì làm sao trái tim chúng ta lại không thể bị xé toạc ra bởi nỗi đau của việc chỉ đơn giản là ta đang sống?
Khi đã sống đủ lâu, bạn sẽ hiểu. Nó đến với bạn, và bạn sống với nó một cách yêu kiều. Bạn học cách nhận đòn và biết rằng đó chỉ đơn giản là một phần của cuộc sống. “Chào ông bạn cũ bóng tối, tôi lại đến nói chuyện với ông nữa đây” không chỉ là lời bài hát của Simon và Garfunkel, nó mô tả một thái độ chấp nhận rằng tuần này, tháng này, hoặc thậm chí năm này có thể khó khăn đấy, nhưng bạn biết bạn sẽ vượt qua. Và theo một cách nào đó, con người mà chúng ta sẽ trở thành bởi vì đã sống qua khoảng thời gian đó là một người còn sống động hơn – và có lẽ đẹp hơn – con người lúc trước. Theo lời của Elisabeth Kubler-Rose: “ Nếu che chắn hẻm núi khỏi những cơn bão, bạn sẽ không bao giờ nhìn ra được vẻ đẹp thực sự của những dấu phong hóa.”
Cuốn sách này cho tôi nhận thấy được rằng tâm bệnh đến với mỗi người bởi lẽ tâm hồn chúng ta thiếu thốn sự yêu thương, đặc biệt là thiếu thốn sự yêu thương đối với chính bản thân mình. Có nhiều người nghĩ rằng mình đang yêu thương mình, nhưng thực ra, đó có thể lại là sự ích kỷ. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta yêu thương những người thân xung quanh, nhưng cách yêu thương của ta liệu có phải là đúng? Điều đó giống như trong cuốn Yêu của Osho đã chỉ ra, rằng cái cách mà cha mẹ yêu thương con đã không đúng như nhiều cha mẹ đang nghĩ rồi. Nếu bạn đã trót rơi vào vũng bùn lầy lội và tăm tối của tâm bệnh, bạn có muốn thoát ra khỏi nó không?
Mời các bạn đón đọc Từ Nước Mắt Đến Nụ Cười – Tận Cùng Khổ Đau Đến Ngời Sáng Tâm Hồn của tác giả Marianne Williamson.