Uyên ngồi thu gọn trên giường, cằm chống lên cánh tay tì trên cửa sổ, nhìn trời đang mưa. Trận mưa dai dẳng kéo dài suốt hai tiếng đồng hồ vẫn chưa chịu dứt hẳn! Ý định ra phố của Uyên đành hoãn lại vì cho dù trời có quang tạnh, Uyên cũng rất ngại ngùng khi phải đặt chân xuống những vũng nước trống chẳng có thẩm mỹ tí nào.
Trận mưa đầu mùa đối với Uyên thật dễ thương vì dù sao nó cũng xa vắng Uyên bẵng đi hàng mấy tháng trời. Những buổi chiều thanh thản như hôm nay, Uyên thích ngồi thu mình ở một góc giường nhìn những giọt nước mưa trắng xóa rớt đều trên mặt đường tạo thành một âm thanh nghe ray rứt, nhức buốt tim gan.
Mặt đường bóng loáng như vừa được tắm gội sạch sẽ. Chỉ có từ đầu con hẻm vào đây – đoạn đường khoảng mười lăm thước – là trông bẩn thỉu, lụt lội một cách thảm hại. Người dễ tính đến đâu đi chăng nữa cũng phải bực mình. Cũng may nhà Uyên chỉ cách mặt đường có mười lăm thước. Giá mà ở tít trong cùng hẻm thì thật không còn gì khổ bằng.
Tiếng lội nước bì bõm của vài người trong hẻm đi ra khiến Uyên liên tưởng đến âm thanh quái đản của một cuốn phim kinh dị mà đã có một lần Uyên được xem.
Trẻ con trong xóm bắt đầu túa ra nghịch ngợm trên vũng nước đục ngầu bẩn thỉu mà Uyên vẫn thường gọi đùa la “piscine công cộng”. Thế giới hồn nhiên của tuổi ấu thơ! Chúng chưa có đủ trí khôn để ý thức được rằng thế nào là vệ sinh.
Mùi cống rãnh xông lên làm Uyên khó chịu. Uyên đưa tay hất nhẹ những sợi tóc phủ xòa trước mặt ra đằng sau; thật vô tình, Uyên nhìn thấy vẻ đẹp của mình trong gương chiếc tủ dựng sát tường, ngay đầu giường Uyên.
Uyên nổi tiếng là đẹp nhất trường. Chức “hoa khôi” mà bạn bè đặt cho Uyên quả không ngoa chút nào. Uyên sung sướng và thầm hãnh diện mỗi khi được ai ca tụng vẻ đẹp của mình. Mái tóc cắt ngắn hợp với khuôn mặt trái xoan, đôi mắt bồ câu tròn đen láy, sống mũi cao, đôi môi xinh xắn, đỏ mịn, tất cả hợp lại tạo cho Uyên một nét đẹp tự nhiên, lộng lẫy.
Có thể nói rằng Uyên là một đứa con gái sung sướng nhất, hạnh phúc nhất trên đời. Vừa đẹp, vừa học giỏi lại được sinh ra trong một gia đình khá giả. Duy chỉ có một điều khiến Uyên buồn và cảm thấy mình chưa hoàn toàn hạnh phúc đó là Uyên không có anh chị em chi cả.
Bố mẹ chỉ có độc nhất một mình Uyên vì thế Uyên được chiều chuộng hết mực, muốn gì được nấy. Nhưng tất cả đối với Uyên đều trở nên vô nghĩa. Uyên không ham thích bất cứ một thứ gì ngoài một ước muốn duy nhất: Uyên cũng có đông em như tất cả những đứa bạn cùng lớp. Ước muốn thật tầm thường nhưng đối với gia đình Uyên đó là cả một vấn đề.
Bố mẹ Uyên khổ tâm không ít mỗi khi Uyên nhắc đến chuyện này. Nhưng biết làm sao hơn khi số trời đã định cho gia đình Uyên như vậy.
Căn nhà không lấy gì làm to tát nhưng Uyên có cảm tưởng nó rộng lớn vô cùng. Nhất là những buổi như hôm nay. Bố Uyên thì ngày nào cũng như ngày nấy, đi làm từ sáng sớm và mãi đến chiều tối mới về. Hàng ngày chỉ có hai mẹ con ở nhà, nếu buồn, Uyên lân la đến gần mẹ, gợi hết chuyện này sang chuyện khác để căn nhà bớt lặng lẽ hơn.
Thỉnh thoảng có một hôm mẹ đi vắng – như hôm nay chẳng hạn – Uyên không biết làm gì hơn là ngồi ủ rũ, nghe cô đơn về vây hãm.
Mẹ Uyên có việc phải về nhà bác Uyên ở Bảo lộc từ sáng sớm. Hình như hôm nay là ngày giỗ bà ngoại Uyên thì phải. Còn lại một mình ở nhà, Uyên cảm thấy buồn và lo sợ phập phồng bởi cái không khí vắng vẻ trong nhà.
Uyên định khoác áo thả bộ ra phố, đi chơi cho khuây khỏa, định bụng đến giờ tan sở Uyên mới trở về. Nhưng chưa kịp thực hành ý định thì trời đổ mưa như trút nước, Uyên đành ngồi bó gối trên giường nhìn trời vu vơ.
Trời tạnh hẳn sau một trận mưa dài gần ba tiếng. Uyên nhìn đồng hồ: đã bốn giờ hơn. Thế là sắp hết một buổi chiều. Uyên uể oải đứng dậy, quơ chân tìm đôi dép dưới gầm giường, bước xuống nhà.
Uyên đứng ở chân thang gác, phân vân không biết phải làm gì để giết nốt thì giờ còn lại. Cuối cùng Uyên bước trở ra phòng khách, ôm cây đàn guitar vào lòng, vừa đàn vừa hát những bản nhạc sinh hoạt của phong trào du ca. “Hy vọng đã vươn lên.trong màn đêm.” Tiếng hát của Uyên hòa nhịp với tiếng đàn thật hùng hồn, lôi cuốn như đang thúc bách mọi người cùng vùng dậy khai phá, xây dựng lại quê hương đổ nát, điêu tàn.
Uyên hát thật hăng say như chính Uyên đang châm những ngọn lửa soi đường trong lòng dân chúng. Uyên hát quên mệt như chính Uyên đang tham dự công tác của đoàn thanh niên sinh viên học sinh Nguồn sống.
Trẻ con trong xóm nghe Uyên hát, ngưng đùa nghịch, bu quanh cửa sổ cất tiếng hát theo. Uyên vui lây với cái không khí nhộn nhịp bất ngờ đó.
Tiếng đàn vừa dứt cùng lúc có tiếng gõ cửa, Uyên hỏi vọng ra:
– Ai đó?
– Ngy đây!
Nghe tiếng đáp, Uyên mừng quýnh, quăng vội cây đàn trên lòng salon, chạy ra mở cửa cho Ngy.
– Hèn gì trời mưa to!
Ngy ngạc nhiên:
– Hử?
Uyên cười:
– Hôm nay mày đến nhà tao thành thử trời mưa to quá.
Ngy đập vào vai bạn:
– Con quỉ! Làm gì mà nhộn thế?
– Buồn quá lôi đàn ra gãy chơi!… Vào nhà đã nào.
Ngy theo Uyên bước vào:
– Tao tưởng mày đang sinh hoạt chứ!
Uyên thu dọn báo chí trên bàn:
– Ừ mà cũng đang sinh hoạt thật.
– Sinh hoạt với ai?
– Lũ trẻ con trong xóm.
Ngy mỉm cười, ngó dáo dác:
– Bác gái đâu rồi?
– Mẹ tao có việc về Bảo lộc từ sáng sớm.
– Hèn gì mà nhà cửa vắng quá.
– Tao “hãi” nhất cái không khí này. Định đi chơi thì trời mưa.
– Cũng may!
– May cái gì?
– Nhờ trời mưa to tao mới gặp mày!
Cả hai cùng cười. Ngy là bạn cùng lớp thân nhất của Uyên. Bạn bè gọi Ngy là “cây gạo” vì Ngy rất siêng học, ít đi chơi; khi nào có việc gì cần lắm mới thấy Ngy xách xe ra đường.
Trong lớp Ngy, Uyên và Diễm Hương là ba đứa học trò giỏi nhất nên được thầy cô cưng không thể tưởng.
Chỉ còn không đầy một tháng nữa là đến hè. Năm nay không phải là năm thi nên trông các cô có vẻ thảnh thơi chứ không bận rộn, hồi hộp như các đàn chị. Sang năm Ngy và Uyên thi Tú Tài I nên cả hai đang dự định xin phép gia đình cho đi chơi một chuyến thật xa trong dịp hè này cho thỏa chí. Mùa hè này là cơ hội đi chơi lần cuối đối với Uyên vì kể từ năm tới, cả hai sẽ thi cử liên miên, không có năm nào là năm không phải thi cả.
Uyên đang dự định rủ Ngy lên Đà lạt vì thành phố này vẫn có tiếng là đẹp, mộng mơ và là nơi dừng chân lý tưởng nhất của du khách. Thành phố Đà lạt không có gì xa lạ đối với Uyên nhưng Uyên vẫn thích đặt chân đến vì Uyên yêu nó kinh khủng và hình như nó có một sức lôi cuốn Uyên mà Uyên không thể cưỡng lại được.
– Nghĩ gì đấy Uyên?
– Tao đang nghĩ đến thành phố Đà lạt.
– Mày sốt ruột lắm hả?
– Ừ! Ba tuần nữa đâu có là bao mày nhỉ!
– Thoáng cái đến ngay.
– Mày xin phép hai bác chưa?
– Rồi!… Mày định bao giờ đỉ
– Khoảng đầu tháng bảy.
– Lãnh thưởng xong chuẩn bị đi liền?
– Ừ! À mà Ngy này! Mày nhắc tao mới nhớ. Hôm nào phát thưởng?
– Mười tám tháng sáu.
– Chắc chắn không?
– Chắc!
– Ai bảo mày thế?
– Cô Nguyệt.
– Mày đến nhà cô Nguyệt?
– Ừ!
– Có xem điểm cho tao không?
– Khỏi nói. Tao đến cộng điểm dùm cô mà!
Uyên nôn nóng:
– Toàn niên tao hạng mấy?
Ngy trêu Uyên:
– Từ từ! Đi đâu mà gấp vậy?
Uyên nhăn nhó:
– Con quỉ! Nói mau đi. Tao đang hồi hộp gần chết đây này.
Ngy hắng giọng:
– Khoan! Tao chưa nói vì mày chưa làm tròn bổn phận.
Uyên cáu sườn hỏi gắt:
– Bổn phận gì?
– Bổn phận tiếp khách.
Uyên suy nghĩ khoảng nửa phút:
– À, ừ quên mất! Xin lỗi nghe!
Nói xong Uyên chạy vào nhà pha nước, một lát sau Uyên trở ra với hai ly sirop cam trên tay. Uyên hỏi:
– Mãi nói chuyện tao quên mất. Mày đến tao có việc gì không?
Ngy cầm thìa khoắng ly nước:
– Thiện chí!
Uyên chăm chú:
– Nói đi!
– Ở nhà cô Nguyệt về, ghé qua mày báo tin vui.
– Tin gì?
– Năm nay tao với mày lại đồng hạng.
Uyên mừng quá, vỗ tay đôm đốp:
– Hạng nhất hả?
– Ừ!
Uyên nhìn Ngy, ánh mắt thật vui:
– Tao vui quá Ngy ơi!
Ngy đáp:
– Tao cũng vậy!
Điều mà Uyên vẫn hằng trông đợi đã đến như ý muốn của Uyên. Nếu kết quả không đúng như lời Ngy nói thì không còn gì để mà buồn hơn. Chẳng những một mình Uyên buồn mà cả bố mẹ cũng buồn không ít, vì từ lâu bố mẹ vẫn hằng mong muốn Uyên phải là một đứa học trò giỏi nhất lớp, không thua một ai cả.
Có những tháng Uyên đứng thứ hai – sau Ngy – đem phiếu điểm về trình bố mẹ ký, Uyên buồn và lo kinh khủng! Nhưng bố không mắng Uyên và cũng chẳng tỏ vẻ buồn phiền gì mà bố chỉ khuyến khích Uyên tháng sau nên cố gắng hơn tí nữa thôi.
Những lần như vậy Uyên buồn lắm nhưng biết sao hơn khi sức học của Uyên chỉ đến ngần ấy trong khi Ngy cũng là một học trò xuất sắc, thông minh không kém gì Uyên.
Tuy vậy, chưa bao giờ Uyên và Ngy tỏ vẻ ganh ghét lẫn nhau. Những tháng Uyên đứng nhất, Ngy cũng buồn vô cùng nhưng không phải vì thế mà tình bạn hai đứa sứt mẻ. Uyên có cảm tưởng hình như có đôi lúc Uyên đã nhường Ngy và ngược lại Ngy cũng vậy.
Trong lớp, ai cũng nghĩ rằng Uyên và Ngy chỉ đối với nhau bằng một tình bạn giả tạo ngoài mặt chứ thật ra trong lòng cả hai đang ganh ghét lẫn nhau. Uyên cũng không buồn lên tiếng cãi chính bởi vì có nói chắc cũng chẳng ai tin, cứ im lặng là hơn hết. Chính Ngy cũng đã có lần nói cho Uyên nghe như vậy và cả hai tự nhủ “ai muốn nói gì thì nói, miễn mình đối xử với nhau thành thật và thương mến nhau thật lòng thì thôi”.
Chuông đồng hồ điểm sáu tiếng. Ngy uống cạn ly nước, đứng dậy:
– Thôi! Tao về.
Uyên giữ bạn:
– Ở chơi tí nữa đã.
– Không được! Tao xin phép mẹ tao đi đến 6:15 thôi.
– Bây giờ mới có 6:00 giờ.
– Ừ! Mới có 6 giờ! Mười lăm phút từ đây về nhà là vừa đúng.
– Con khỉ!
Uyên tiễn bạn ra cửa. Ngy đùa:
– Trời mưa đến nhà mày tao có cảm tưởng như là đi vào con đường lên “thiên thai”.
Uyên cười:
– Ừ! Chỉ có mỗi con hẻm là kém thẩm mỹ.
Ngy tiếp:
– Người đẹp thường hay ngự trị ở những xóm bùn lầy nước đọng như thế này.
Uyên bẽn lẽn:
– Tao mà đẹp khỉ gì?
Ngy nguýt:
– Thôi đi cô.
Ngy đạp máy xe, trước khi đi còn quay lại nói một câu:
– Mai nhớ cài thêm cái nơ trên đầu cho nó nổi nghe.
– Để làm gì vậy?
– Lãnh bảng danh dự mà!
Uyên cười, nhìn theo bóng bạn cho đến khi chiếc xe mất hút ngoài đường cái.
Sau khi khóa cửa cẩn thận, Uyên quay vào thu dọn ly tách và xuống bếp lo cơm nước buổi chiều.
Hôm nay chỉ có hai bố con ở nhà, bố đề nghị dắt Uyên vào Chợ Lớn ăn cơm Tàu nhưng Uyên từ chối vì Uyên muốn chính tay Uyên nấu cho bố ăn.
Uyên để ý thấy bố thích ăn món canh chua cá lóc; vì thế hôm nay Uyên nhất định trổ tài nấu món này thật ngon để bố khen Uyên rối rít mới được.
Lúi húi dưới bếp đến gần nửa tiếng, Uyên mới làm xong món cá, sau khi đặt nồi canh lên bếp, Uyên rửa tay sạch sẽ và bước trở lên nhà.
Nhìn đồng hồ, Uyên giật mình thầm hỏi: “Sao hôm nay bố lại về trễ vậy kìa?” Thường thì mọi hôm bố về khoảng 6:20, hôm nào trễ lắm là 6:25. Bây giờ gần 7 giờ rồi mà vẫn chưa thấy bố về! “Hay là có chuyện gì?” Uyên vội vàng xua đuổi những ý nghĩ không hay ra khỏi đầu và mở TV xem để quên đi những nỗi lo sợ đang ám ảnh Uyên.
Thời gian vẫn nặng nề trôi. Kim đồng hồ càng di chuyển thì nỗi lo sợ càng đến với Uyên thật dồn dập. Nóng lòng không chịu được, Uyên tắt TV ra đứng tựa cửa ngóng bố.
Uyên sống trong sự hồi hộp đó đến hai mươi phút mới thấy bóng bố xuất hiện ở đầu hẻm. Uyên mừng muốn khóc nhưng niềm vui chợt tắt khi Uyên thấy khuôn mặt bố buồn thật buồn và Uyên linh cảm hình như có chuyện gì không may đến với bố.
Trống ngực Uyên đập thình thịch, bố nhìn Uyên, Uyên nhìn bố. Tự dưng Uyên câm nín, không thể nói hoặc hỏi bố được một lời.
Bố dìu Uyên vào nhà, đặt Uyên ngồi trong lòng salon rồi bố ngồi xuống cạnh Uyên. Bố vẫn lặng thinh, ôm đầu Uyên áp vào ngực bố; nước mắt Uyên ứa ra, không hiểu Uyên khóc vì lo sợ hay khóc vì sung sướng khi được bố vuốt ve, thương yêu!?
Mãi đến mấy phút sau, Uyên mới mở miệng hỏi bố được một câu:
– Có chuyện gì vậy bố?
Bố không trả lời câu hỏi của Uyên mà bố chỉ kêu lên:
– Con!
Uyên giật mình, đôi mắt mở tròn nhìn bố:
– Bố! Chuyện gì vậy bố? Sao bố buồn vậy bố?
Uyên nhìn thấy đôi mắt bố đỏ ngầu như sắp khóc. Phải nuốt nước bọt đến đôi ba lần, bố mới nói lên tiếng, giọng nghẹn ngào:
– Mẹ con, chết rồi!
– Mẹ!?
Uyên chỉ kịp hét lên một tiếng ngắn ngủi rồi ngất đi trong lòng bố.
Mời các bạn đón đọc Từ Một Buổi Chiều của tác giả Nguyễn Sỹ Nguyên.