“Tu La Đạo” là câu chuyện về năm ngày tương tàn của tổ chức sát thủ Truyền Kỳ…
“Tu La Đạo” là một trong Lục Đạo Luân Hồi. Lục Đạo Luận Hồi là sáu nẻo luân hồi của chúng sinh, bao gồm: Thiện Đạo, Tu La Đạo, Nhân Đạo, Súc Sinh Đạo, Ngạ Quỷ Đạo và Địa Ngục Đạo.
Bộ Phi Yên đặt tên tác phẩm là Tu La Đạo với mục đích khái quát hóa những vật vã, đấu tranh của con người để tiến sang một cảnh giới tự do, thanh thản, thoát khỏi đớn đau và lầm lạc. Đây cũng là hòn đá móng để cô xây dựng bộ sáu tác phẩm “Nhân gian lục đạo”, diễn tả bước đường chìm nổi và quá trình tự hoàn thiện của con người.
Tại một thị trấn nhỏ có cái tên chết chóc, bỗng đâu xuất hiện mười hai người như bước ra từ sự tích, thực hiện một nhiệm vụ trái ngang và thảm khốc. Tuy cùng tên với các nhân vật truyền kỳ, nhưng thay vì tươi tắn, đường hoàng, cao thương như trong sách, mười hai người đều ủ rũ, u ám, có nhiều nhược điểm và khủng hoảng tinh thần. Học đóng vai quấy rối bị giật dây, đón nhận những kết cục đáng sợ theo đúng sự sắp xếp của kẻ khác. Bất cứ việc gì họ làm đều có người can thiệp.
Trong trò chơi đẫm máu này, ai là quân cờ, ai là kỳ thủ? Ai là hình nộm, ai đứng sau màn? Chưa đến đoạn cuối, kết cục không thể nào đoán được…
– Thông qua ngòi bút của Bộ Phi yên, các nhân vật truyền kỳ đã tái hiện trên nhân gian với hình vóc mới, vận mệnh mới và những trăn trở rất đời. Mười ba nhân vật là mười ba câu truyện, mời ba bí mật, dệt nên một tấm ảnh dày mà mỗi hồi trôi qua mới đỡ dần được một nan tre. Chưa đến dòng cối, không tài nào đoán được kết cục… chẳng khác gì một cuốn Mật mã Da Vinci mang chất võ hiệp phương Đông. – Chu Chi Vũ, Trưởng ban biên tập NXB Thế kỷ XXI.
– Tu La Đạo lấy cảnh từ Truyền Kỳ, lấy tình từ Cựu Ước, cảnh đẹp và thể lệ vượt xa Bùi Hình, ý tình thì rùng rợn và định mệnh hơn hẳn Ibrahim – Gs. văn học Trình Hiếu Đông, Tạp chí Kim Cổ Truyền Kỳ.
– Cũng giống Cổ Long, Bộ Phi Yên không chỉ xây dựng tình tiết, không chỉ kể chuyện, không chỉ khiến trái tim người đọc căng ra như dây đàn, mà còn khiến người ta động lòng suy niệm về nhân sinh – Kênh đọc sách Sina.
Tu La Đạo là câu truyện về năm ngày tương tàn của tổ chức sát thủ Truyền Kỳ, sân khấu cho nó là một thị trấn nhỏ bé hiền hoà mang cái tên rùng rợn có tính định mệnh: Tu La. Trận tương tàn này khởi đầu bằng cảnh một người cháy rụi trong lửa, và kết thúc bằng cảnh ba người khác cũng cháy rụi trong lửa. Nhưng cảnh cháy đầu tiên đẩy con người vào cõi Tu La, nơi đỏ lòm máu me và chiến trận, còn cảnh cháy cuối cùng lại đưa chân người về cõi Nhân Đạo, với đủ mọi phiền oán thường tình.
Tuy vậy trước và sau năm ngày ấy, cũng như trong suốt năm ngày ấy, những số phận con người, những biểu hiện đa dạng về nhân cách cũng như những diễn biến phức tạp của nội tâm cứ lồng ghép, đan xen và móc nối lẫn nhau, tạo nên một tấm lưới mắt dày của cuộc sống, khiến người đọc phải ngẫm nghĩ, phải cảm thán, phải liên tưởng không biết bao nhiêu ngày cho nguôi.
Đọc Tu La Đạo chúng ta dễ dàng nhận thấy tác phẩm được xây dựng từ hai lớp truyện trải song song, nhiều đoạn áp khít vào nhau, nhưng đến cuối người ta thấy rõ ràng hai mép viền của chúng thò ra tách biệt.
Lớp truyện thứ nhất, cũng là lớp truyện đập vào mắt người đọc đầu tiên, mang tên Bộ Phi Yên, là câu truyện truyền kỳ mới hơn và sinh động hơn hẳn Truyền Kỳ của Bùi Hình thời xưa, với tác giả là Truyền Kỳ chủ nhân, đề tài là tấm tranh ghép bằng mười hai sinh mạng, mười hai công phu và mười hai tâm hồn của các môn nhân, phương tiện thể hiện không phải là bút hay giấy mà là hội hoạ sống, với tấm toile là Tu La trấn, với màu pha là máu và lửa, với ngòi bút là tài năng tuyệt vời của chủ nhân.
Lớp truyện thứ hai tên là Tu La Đạo, tác giả là nhà văn Bộ Phi Yên, là câu truyện truyền kỳ của văn học võ hiệp hiện đại với hình thức thể hiện mới lạ, chứa đựng trong từng sợi đan là lòng đam mê sáng tạo và tuyên ngôn dũng cảm của người làm nghệ thuật.
Hình thức thể hiện của Tu La Đạo tương đối độc đáo, phần lớn mỗi hồi đều gồm hai văn bản. Văn bản chính là nội dung truyện, là truyền kỳ được tạo tác từ ngòi bút Bộ Phi Yên; văn bản phụ là tóm lược truyền kỳ tương ứng với nhân vật được nhắc đến trong văn bản chính, là tác phẩm của người soạn sách thời xưa, cộng với lời bình của người làm sách ngày nay (tức Bộ Phi Yên). Có ý kiến cho rằng văn bản phụ làm gián đoạn mạch truyện của văn bản chính, nhưng cá nhân tôi cho rằng đó là nét độc đáo đầu tiên của Tu La Đạo. Qua việc tiếp cận song song hai văn bản, người đọc như thấy nụ cười đầy ẩn ý của tác giả: đúng là tôi sử dụng gợi ý từ người xưa, nhưng ngoài cái tên trùng ra, đố bạn tìm thấy bóng dáng của sự mô phỏng ở bất cứ đâu đấy? Đây là minh chứng rõ rệt cho khả năng làm mới hoàn toàn những điều tưởng chừng đã cũ, khả năng xây dựng tương lai từ quá khứ xa xưa mà cha ông để lại cho chúng ta.
Đọc Tu La Đạo, tôi có cảm giác chơi trò xếp hình mà không có tranh mẫu, các mảnh rời đầy ra đấy, nhưng không biết xếp vào chỗ nào, tự nhiên tôi cảm thấy bị thách thức, trở nên háo hức muốn khám phá như trẻ thơ, không cần biết con đường dưới chân dẫn đi đâu, chỉ biết là tìm mọi cách tiến lên phía trước, trong lúc bất tri bất giác, bị cuốn theo nhân vật, theo sự kiện, trí óc không ngừng hoạt động để đoán xem điều gì đang chờ đón mình. Đó là chỗ độc đáo thứ hai của tác phẩm.
Chỗ độc đáo thứ ba là tả nhân vật quá khéo. Tuy Truyền Kỳ chủ nhân được coi như nhân vật chính, chưởng quản sinh mệnh, nắm quyền sinh quyền sát của các môn đồ, nhưng dưới bóng đen định mệnh bao trùm cũng như trong kế hoạch tàn sát dày đặc tinh vi của bà ta, không một nhân vật nào mờ nhạt cả. Truyện rất ngắn, có nhân vật sống được từ đầu đến cuối như Nhiếp Ẩn Nương, có nhân vật chỉ sống được ba hồi như Hoắc Tiểu Ngọc, hai hồi như Vương Tiên Khách, Bùi Hàng, thậm chí không sống được hồi nào như Nam Kha thái thú, nhưng hầu như không một ai mờ nhạt cả. Mỗi người được xử lý theo một bút pháp khác nhau. Truyền Kỳ chủ nhân chỉ đứng hẳn ra trong hai hồi cuối, nhưng tà áo u ám của bà thì phủ trùm qua khắp các không gian. Vương Tiên Khách chỉ thoáng xuất hiện, nhưng nhắm mắt lại người ta cũng thấy được cảnh y vận bộ áo sang trọng, ngồi bên lò lửa húp bát canh ngon, một mẫu người đặc sắc biết hưởng thụ tuyệt vời. Hoắc Tiểu Ngọc số phận bi thảm, tác giả đã khéo léo nhấn mạnh bằng cách đặt y vào cảnh đêm dài tăm tối. Hồng Nương bị mất trí nhớ, sống ngây thơ như trẻ con, nhưng sâu trong tiềm thức vẫn có một tiếng nói thầm mách bảo cho cô sự thật, thế là tác giả khoác lên mình cô đầy dụng ý chiếc mũ bảo bối, nhưng dưới mũ lại đính kim thức tỉnh con người.
Chỗ độc đáo thứ tư không nằm ở lớp truyện thứ nhất, mà ở lớp truyện thứ hai, đó là tư tưởng sáng tác của Bộ Phi Yên. Cuối năm 2006, tiểu thuyết Mạn Đà La của Bộ Phi Yên đoạt giải Ba cuộc thi Văn học Võ hiệp Xưa & Nay, trong lễ trao giải, cô đã nói, tác phẩm của cô là tác phẩm hướng tới thời đại, hướng tới tư tưởng vô vi tiêu dao của Đạo gia, nó không đề cao những anh hùng cứu nước như Quách Tĩnh, cứu dân như Hồ Phỉ, những điều ấy Kim Dung đã làm tốt lắm rồi. Tác giả trẻ là tác giả phải hướng tới cái mới, tới thế giới bay bổng của mình, đừng nên cày cuốc trên mảnh đất đã bị khai thác cằn khô của tiền nhân nữa, vì vậy cô cho nhân vật của mình tự do lạc bước giang hồ, không bị bó buộc trong một bối cảnh hay vòm không lịch sử nào hết.
Điều để lại ấn tượng mạnh nhất cho độc giả có lẽ là tinh thần hi sinh vì nghệ thuật của Truyền Kỳ chủ nhân. Vì một ham muốn tạo ra cái mới, cái ưu việt mà bà ta sẵn sàng huỷ diệt tất cả mọi thứ quý báu của cuộc đời mình. Nhưng nó cũng phần nào lên án cái cực đoan và điên rồ của nhiều người làm nghệ thuật. Cảnh Nhiếp Ẩn Nương thoát chết và rời khỏi Tu La trấn khiến tôi liên tưởng đến cái kết bộ phim Stranger than Fiction của Marc Forster. Mặc dù đã nghiên cứu đủ mọi phương cách chết hoàn mỹ cho Harold Crick, nhưng cuối cùng Karen Eiffel vẫn để anh sống, tác phẩm kết thúc khác đi, không thể nào bất hủ như bà mong muốn nữa, nhưng đồng thời với điều đó, một tác phẩm đẹp hơn, nhân văn hơn đã xuất hiện, đó là cuộc sống và hạnh phúc con người. Đúng, nghệ thuật nào cũng không đẹp bằng nghệ thuật vị nhân sinh, về con người, cho con người và vì con người!
Mời các bạn đón đọc Tu La Đạo của tác giả Bộ Phi Yên.