Vốn là học sinh của một trường chuyên cấp hai tại thành phố lớn, Anri đột ngột phải chuyển về học ở một ngôi trường vùng quê vào mùa hè. Những tưởng sẽ mất nhiều thời gian để làm quen với cuộc sống nơi đây, nhưng cô bé lập tức yêu bầu không khí khoáng đạt và dễ chịu của ngôi trường mới, khác hẳn với ngôi trường trước kia, đặc biệt là những ô cửa luôn để mở…
Và cũng chính nơi đây, Anri đã có được những tình bạn thật đẹp cùng những rung động trong trẻo đầu đời…
TỪ KHUNG CỬA SỔ LỚP 7D của nữ tác giả Atsuko Asano sẽ đánh thức những kí ức quý giá về thời thanh xuân hoa mộng trong mỗi chúng ta…
***
Asano Atsuko sinh năm 1954 ở Okayama. Bà đạt giải Văn học Thiếu nhi Noma với “Battery” giải của Hiệp hội tác giả sáng tác văn học Nhật Bản với “Battery II” ngoài ra loạt truyện “Battery” cũng đạt giải Văn hóa Xuất bản Thiếu nhi của shogakukan. Năm 2011, bà đạt giải Văn học lãng mạn Shimase lần thứ 18 với “Tamayura” (Thoáng chốc). Bà là một tác giả đa dạng về thể loại, từ văn học thiếu nhi cho đến văn học đại chúng, tiếu thuyết lịch sử, tiểu thuyết thế thao. Trong các tác phầm tiêu biếu, ngoài các truyện dài tập như “Trăng của Di Lặc”, “Anh đào Dạ Xoa”, “Hồng chín cây”, “Con đường bình minh”, “Bày vì sao trài đông”, “Làm tổ trên đất” của loạt truyện “Di Lặc”, loạt truyện “No. 6”, loạt truyện “The MANZAI”, “Sáng chói”, còn có “Tựa như quầng lửa”, “Bầu trời của sân”, “Tỉnh mộng”…
Nhóm bốn người bạn thân thiết Ijima Anri, Ichii Kazuma, Satodate Miho, Maehata Hisakuni đã lên lớp 9. Một bức tường mới dựng lên phía trước, bốn cô cậu thiếu niên đang đối mặt với ngưỡng cửa chuyển cấp và sẵn sàng tiến bước về phía ước mơ của mình. Mời các bạn tiếp tục đón đọc cuốn tiểu thuyết khắc họa thời thanh xuân của Asano Atsuko, vẽ nên lứa tuổi mười lăm vừa trăn trở với nỗi lo về tương lai, về môi trường mới, vừa trưởng thành trong sự chở che của gia đình, bạn bè.
Gió thổi.
Những cành anh đào nở rộ rì rào đung đưa.
Vô vàn cánh hoa rơi rụng. Chúng phất phơ bay lên cao như đang chơi đùa với gió trước khi biến mất ở một phương trời xa xăm nào đó. Một khung cảnh làm người ta sinh ra ảo giác rằng cả gió và hoa đều đang bị hút về phía bầu trời.
– Ghét quá đi!
Vừa khua khoắng chiếc chổi tre, Satodate Miho vừa trề môi. Suốt từ nãy đến giờ cô đã bĩu môi không biết bao nhiêu lần.
– Quét hoài quét mãi mà chả hết. Làm vệ sinh ngoài trời mùa này đúng là kinh khủng nhất trần đời. Nói thật, tớ thấy phiền chết được ấy.
– Vậy sao? Tớ lại thích quét dọn ngoài trời hơn.
Anri trả lời và quét cánh hoa. Từng cánh từng cánh mỏng tang, tưởng như trắng một màu trong suốt, nhưng khi gom với nhau lại chuyển sang màu hồng nhạt.
Trong trường trung học cơ sở Ashiwara số I có rất nhiều cây anh đào. Chúng được trồng cả ở hai bên cổng trường, sau bãi đỗ xe lẫn sân trong. Hàng cây anh đào cũng chạy dài như đường viền bao bọc rìa phía Tây của sân trường.
Ngôi trường nằm trên một con dốc thoai thoải đầy ắp cỏ hoa này cứ như bị chôn vùi trong hoa anh đào vậy. Mùi hương thoang thoảng ngọt ngào len lỏi vào từng ngóc ngách trong phòng học, nếu vô tình mở cửa sổ thì vô số cánh hoa sẽ ùa vào cùng làn gió.
Anri ngừng quét, ngước lên nhìn hoa anh đào. Những đóa anh đào nở rộ lấp lánh trên nền trời xanh trong quang đãng.
Thật đẹp làm sao.
Cô suýt buông ra một tiếng thở dài.
Nếu là Ichii, cậu ấy có muốn vẽ những đóa anh đào này không nhỉ?
Không biết từ lúc nào, Anri bắt đầu nghĩ về Ichii Kazuma. Cô tự thấy ngượng ngùng với suy nghĩ ấy. Không muốn bị Miho trông thấy gương mặt đỏ dừ như cà chua chín của mình, Anri càng ngửa mặt lên.
– Từ năm ngoái tớ đã thấy hoa anh đào ở đây nở đẹp tuyệt rồi. Với cả, chẳng phải ngắm hoa cũng là sự kiện trong tháng Tư của trường sao? Năm ngoái tớ thấy bất ngờ cực kì luôn.
– Hả, thế á? Các trường khác không tổ chức ngắm hoa à?
– Ừ. Chắc là không đâu. Tớ chẳng thấy ai nói gì về chuyện này cả.
Lòng đen trong mắt Miho đảo qua đảo lại.
– Ra thế. Tớ sinh ra ở Ashiwara, lớn lên ở Ashiwara. Bố và mẹ tớ cũng đều học ở trường trung học cơ sở Ashiwara số I, nên tớ không biết gì về những trường khác. Tớ cứ tưởng việc đó rất đỗi bình thường cơ. Nhưng nếu biết về thế giới bên ngoài như Anri thì sẽ thấy khác nhỉ.
– Ôi trời. Thế giới bên ngoài nào chứ? Miho lại nói quá rồi.
– Tớ nghĩ vậy thật mà. Khi nói chuyện với Anri, tớ nhận ra, a, hóa ra có thể nghĩ như vậy, thì ra có cách nhìn như thế… Ừm, còn có câu thành ngữ cái gì rơi khỏi mắt í.
– Vảy cá rơi khỏi mắt?*
– Phải phải, cảm giác như vảy cá rơi khỏi mắt vậy. Cảm tưởng như những thứ đã đông cứng trong đầu bỗng dưng tan chảy. Cho nên…
Miho im lặng trong chốc lát, môi vẫn mím, cô bé dùng lòng bàn tay đỡ một cánh hoa đang rơi xuống, nắm lấy nó rồi quay về phía Anri.
– Cho nên, Anri chuyển trường về đây là một niềm hạnh phúc lớn lao đối với tớ. Thực sự hạnh phúc vô cùng.
– Miho…
– À há! Nghe như tớ lại vừa bày tỏ ấy nhỉ.
Không rõ có phải vì xấu hổ hay không, Miho bắt đầu hăm hở quét và gom cánh hoa lại. Anri nắm chặt lấy cán chổi.
Cô rất vui trước lời bày tỏ của Miho.
Dù đồng giới hay khác giới, lời bày tỏ “Tớ thích cậu” vẫn luôn là thứ làm trái tim con người xao xuyến. Ý nghĩ mình làm ai đó hạnh phúc cũng mang lại hạnh phúc cho chính bản thân Anri.
– Miho, cảm ơn cậu.
– Hử? Cậu nói gì cơ?
Chẳng biết Miho không nghe thấy thật hay giả bộ, cô vẫn tiếp tục khua chổi thật lực. Thế rồi, cô vờ than thở.
– Ai đó phải làm gì với cây anh đào này đi chứ. Mùa xuân là cánh hoa, mùa hè đến sâu bướm, mùa thu thì lá rụng. Chỉ khổ người phụ trách dọn vệ sinh thôi.
– Nhưng hoa anh đào đẹp đấy chứ. Trường học ngập tràn hoa anh đào cũng khá tuyệt mà. Từ xưa trường mình đã nhiều hoa anh đào như thế này rồi à?
Anri chuyển trường tới Ashiwara vào học kì hai năm lớp bảy. Trường cấp hai dân lập mà cô theo học trước đó tọa lạc ở vị trí gần như là trung tâm thành phố nên chẳng có lấy một cây hoa nào ấy chứ đừng nói tới anh đào. Và dĩ nhiên sự kiện ngắm hoa cũng không có luôn.
Miho dừng tay, lắc đầu hai lần.
– Không phải từ xưa đâu… Ừm, theo những gì tớ nghe được thì hiệu trưởng đời thứ năm hay thứ sáu gì đó cực kì thích hoa anh đào, nên vừa nhậm chức một cái là thầy lập tức hăm hở đi trồng cây anh đào khắp trường luôn.
– Ồ, thầy hiệu trưởng thích hoa anh đào à? Nghe cũng hay đấy. Chắc hẳn đó là một thầy giáo rất tốt bụng nhỉ.
Thấy Anri gật đầu nói vậy, Miho bèn cười ranh mãnh. Khóe môi nhếch lên hết cỡ, nhìn gian không chịu được.
– Chuyện đó thì… cậu nhầm rồi.
– Ớ? Nhầm là sao?
– Phải nói là nhầm to ấy chứ. Nghe đồn thầy hiệu trưởng đó ác như ma, thầy sẽ dùng hình phạt hết sức hết sức tàn khốc với những học sinh chống đối giáo viên hay không tuân thủ nội quy trường.
– Hình phạt tàn khốc?
– Đúng vậy. Nào là quật kẻ phạm lỗi bằng roi đến mức rách cả da, bắt chạy trên sân với độc bộ đồ lót cho đến khi gục ngã, dội hàng chục gáo nước lên đầu dù đang mùa đông. Thậm chí trong số học sinh chịu hình phạt có người đã chết bởi những hình phạt hà khắc ấy đấy.
– Chết á? Như vậy chẳng phải thành to chuyện rồi?
– Bây giờ thì đúng. Nhưng ngày xưa quản lí lỏng lẻo lắm. Có điều sau đó thầy hiệu trưởng bị vong hồn đứa trẻ đã chết ám, rồi một ngày nọ, thầy ấy biến thành cái xác lạnh ngắt dưới gốc cây anh đào. Chấm hết.
– Miho, cậu đừng dựng chuyện thế chứ.
– Hì hì, nhưng thú vị phải không?
– Hừm… cũng không đến mức đó. Đến giữa chừng là đọc vị được đoạn tiếp theo rồi. Cảm giác hơi bị thiếu bước ngoặt một chút.
– Oa, Anri, cậu có cần nói toạc ra như thế không?
Miho cất tiếng cười. Anri cũng cười theo.
– Mà nè, lên lớp chín mà chúng mình vẫn được chung lớp, may thật. Khi nhìn bảng xếp lớp hôm khai giảng, tớ còn vô tình giơ nắm đấm lên cơ. Như thế này này. Bắt đầu tái hiện lại cảnh!
Nói xong, Miho vung nắm đấm lên cao.
– Phải đấy. Chủ nhiệm cũng vẫn là cô Funaki. Lớp 9B chắc sẽ ổn ra trò.
9B. Đó là lớp mới của Anri và Miho. Ichii Kazuma và Maehata Hisakuni học lớp C kế bên.
Miho, Kazuma, Hisakuni.
Nếu mượn lời của Miho thì việc gặp gỡ ba người bạn này là “hạnh phúc lớn lao” đối với Anri. Ở cùng ba người họ, lúc nào cô cũng vui vẻ, không hề mệt mỏi. Cô hoàn toàn chẳng cần để tâm lựa chủ đề nói chuyện cho khớp, đọc vị không khí xung quanh, hay chú ý để không buột miệng nói ra những điều mình nghĩ.
Cô có thể nói thẳng nói thật, ghét thì bảo là ghét, khổ sở thì kêu khổ sở, vui thì nói là vui. Đương nhiên cũng có lúc vô tình làm tổn thương đối phương hay xảy ra trục trặc, nhưng mỗi lần như thế, Anri đều vượt qua được. Đó là bởi đối với Anri, ba người họ là những người bạn không gì có thể thay thế, là những người mà cô chẳng muốn đánh mất từ sâu thẳm trong tim.
Anri muốn giữ gìn điều đó. Cô muốn giữ gìn quãng thời gian được ở bên ba người bạn này.
Không phải quan sát sắc mặt của nhau hay vì giữ ý mà giấu giếm những điều mình muốn nói, mà là nói ra suy nghĩ của bản thân trong khi vẫn dành cho nhau sự quan tâm chân thành. Truyền đạt suy nghĩ của bản thân và lắng nghe suy nghĩ của đối phương, đó mới chính là giữ gìn.
Có phải không nhỉ?
Biết đâu như thế lại là nhầm lẫn. Có thể đó chỉ là do cô cả nghĩ thì sao.
Trước đây Anri sợ điều đó vô cùng. Suy nghĩ khác biệt hay có cảm xúc lệch lạc so với bạn bè đều làm cô sợ hãi vô cùng. Cô có cảm giác mình toàn bị bạn bè nói: “Anri nghĩ ngợi nhiều quá rồi.”, “Phải phải, cậu nên thoải mái, cởi mở hơn một chút.”, và toàn thân cô như căng cứng lại.
Bây giờ cô đã có thể nghĩ rằng dù nhầm lẫn cũng không sao cả. Miễn đó là điều bản thân cảm nhận, suy nghĩ, tâm niệm, dù có khác người thì vẫn nên gạt bỏ nỗi sợ hãi để nói ra. Nghĩ được như vậy, Anri có thể hít thở dễ dàng hơn. Tựa như lồng ngực cô được mở rộng ra và căng tràn không khí trong lành, tươi mới.
– Anri này!
– Ừ?
– Tranh của Kazu thì sao?
– Ừm, tớ không biết nữa.
Anri trả lời một cách mơ hồ. Kazuma tham gia câu lạc bộ mĩ thuật. Ước mơ của cậu ấy là tương lai tiếp tục tiến bước trên con đường hội họa. Cậu ấy nói rằng muốn vẽ tranh suốt đời, dù dưới hình thức nào đi chăng nữa.
Cậu ấy cừ quá, Anri thầm thán phục. Một người còn chưa tròn mười lăm tuổi đã nhìn ra con đường để đánh cược cả cuộc đời thì thật đáng nể. Bề ngoài Kazuma có vẻ hiền lành, nhưng bên trong lại có ý chí mạnh mẽ và kiên định. Đối với Anri, ý chí đó vô cùng rực rỡ.
Tuy nhiên, dạo này Kazuma đang rơi vào giai đoạn trì trệ. Bức tranh chân dung vẽ Anri hình như mãi vẫn không tiến triển theo đúng ý cậu.
Anri đã hứa rằng sau giờ học, nếu nhận được lời nhờ vả của Kazuma và không bận việc gì, cô sẽ làm người mẫu cho cậu. Trước đây cô cũng đã làm mẫu mấy lần tại phòng học lớp 7D – phòng học bỏ trống nay đã thành kho chứa đồ, đồng thời là nơi Anri và Kazuma lần đầu gặp mặt. Nhưng gần đây, Kazuma không nói gì hết.
Hôm trước, cậu ấy đã lẩm bẩm xen lẫn những tiếng thở dài.
– Có vẻ như tác phẩm tớ vẽ ra và thứ bản thân muốn vẽ là hai thứ hoàn toàn khác biệt. Vậy nên tớ chẳng hiểu bản thân muốn vẽ bức tranh như thế nào nữa. Cứ đà này thì không vẽ được gì là điều đương nhiên chăng?
Tuy giọng điệu có phần hơi tự mỉa mai của Kazuma làm Anri lo lắng, nhưng cô không thể nói được gì. Kazuma muốn vẽ tranh một cách nghiêm túc, không phải như một môn học hay một thú vui. Mà nghiêm túc vẽ là như thế nào thì Anri lại chẳng hiểu được. Chính vì thế, cô không thể tùy tiện thốt ra lời an ủi hay động viên.
Miho nói như bông đùa.
– Kazu cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ thế nào ấy. Nói khác đi thì là đau khổ, ủ dột, tựu chung lại là đang gặp rắc rối.
Tuy tỏ vẻ như đang đùa, nhưng cô thực sự lo lắng.
– Kiểu tính cách nghệ sĩ như thế, hễ chán nản là kéo dài dai dẳng lắm. A, ha-ha-ha-hắt xì!
Miho phát ra một tiếng hắt hơi rất đáng yêu. Hình như có cánh hoa chui vào mũi cô. Những cánh hoa trắng rơi trên tóc, trên vai, tựa như những hình họa tiết. Anri vỗ bộp hai tay vào nhau.
– Nè, hay mình tổ chức ngắm hoa đi?
– Ngắm hoa á?
– Bốn đứa tụi mình cùng đi ngắm hoa nhé? Vào Chủ Nhật tới.
– A, ý hay đấy. Dù cưỡng ép cũng phải lôi Kazu đi bằng được.
Miho lại cười ranh mãnh.
Gió thổi, hoa anh đào rơi rụng, cơn bão hoa anh đào ôm lấy hai cô gái.
Mời các bạn đón đọc Từ Khung Cửa Sổ Lớp 7D – Tập 2 của tác giả Atsuko Asano & Phương Anh (dịch).