Từ Điển Triết Học Kant

Từ Điển Triết Học Kant

Tác giả:
Thể Loại: Triết Học
Nguồn: https://thuviensach.vn
PDFĐỌC ONLINE

Từ Điển Triết Học Kant – dịch phẩm của tập thể yêu thích triết học: là tập hợp, giới thiệu và giải thích hầu hết những thuật ngữ cơ bản của triết học Kant, mang lại một bảng lược đồ về bộ khung khái niệm sẽ trở thành nền tảng của triết học cổ điển Đức. Điểm đặc biệt của bộ từ điển này mỗi mục từ gắn liền với một danh sách những thuật ngữ có liên quan tạo nên một mạng lưới, trong đó đạt được trọn vẹn các tầng nấc ý nghĩa. Khi thấy thích hợp, mục từ cũng xem xét số phận của khái niệm sau Kant, qua đó cho thấy vị trí then chốt của Kant giữa truyền thống và hiện đại, và lý do tại sao triết học Kant gây ảnh hưởng to lớn và hầu như không thể tát cạn lên nền văn hoá hiện đại.*** Ngày nay, thuật ngữ triết học hay có nguồn gốc triết học thâm nhập sâu vào các ngành khoa học nhân văn, khoa học xã hội và cả khoa học tự nhiên. Tính giao thoa, liên ngành và chất lượng lý thuyết được khái niệm hóa đang gia tăng không ngừng khiến cho các loại sách công cụ như từ điển, từ vựng, sách tra cứu v.v.. trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, học tập và tra cứu ấy bằng tiếng Việt lại càng cấp thiết, nhưng lại rất khó khăn, vì công việc này đòi hỏi nỗ lực biên soạn vượt khỏi năng lực của một cá nhân, đó là chưa nói đến trở ngại lớn nhất là việc phiên dịch kịp thời và thỏa đáng các thuật ngữ có nguồn gốc nước ngoài. Nhằm góp phần nhỏ vào công cuộc này, NXB Tri thức và Công ty văn hóa Phương Nam, từ khá lâu, đã có ý định tổ chức biên soạn một bộ từ điển triết học Tây phương. Khi nhận sự ủy thác khó khăn này, chúng tôi thấy rằng trong ba bộ phận hợp thành (từ điển các thuật ngữ triết học; từ điển các triết gia và các trường phái triết học; từ điển các tác phẩm triết học tiêu biểu, thiết tưởng bộ phận thứ nhất (từ điển thuật ngữlà cần thiết hơn hết, do đó, cần bắt tay làm trước. Tuy nhiên, ai cũng biết rằng phần lớn các thuật ngữ triết học đều có một lịch sử, và trong số đó, không ít thuật ngữ, khái niệm đã làm nên lịch sử! Lịch sử này thường rất lâu dài và phức tạp; nội dung và ý nghĩa của mỗi khái niệm biến chuyển tùy theo cách hiểu và cách sử dụng – có khi trái ngược hẳn nhau – của các triết gia và các trường phái triết học. Vì thế, việc biên soạn một từ điển thuật ngữ triết học, dù ở dạng phổ thông, cũng khó có thể quá vắn tắt, ngắn gọn, thoát ly khỏi lịch sử của thuật ngữ, nếu không muốn gây nên những sự hiểu lầm đáng tiếc cho người sử dụng. Nhưng, một từ điển, để tiện dụng, cũng không thể quá rườm rà và chi ly. Để tránh khỏi thế “lưỡng nan” ấy, song song với quá trình biên soạn một từ điển thuật ngữ có tính tổng hợp và tương đối ngắn gọn, chúng tôi thấy cần thiết phải có một số bước chuẩn bị, nhất là trong điều kiện còn quá thiếu sách công cụ bằng tiếng Việt như hiện nay. Trước hết, chúng tôi chọn lọc và lần lượt giới thiệu hệ thống thuật ngữ của một số triết gia quan trọng, có ảnh hưởng quyết định đến tiến trình hình thành thuật ngữ triết học Tây phương. TỪ ĐIỂN TRIẾT HỌC KANT do Howard Caygill biên soạn, thuộc tủ sách “ The Blackwell Philosophers Dictionaries” là dịch phẩm đầu tiên trong việc chuẩn bị ấy. Tủ sách giá trị này còn cung cấp một loạt “Từ điển” chuyên sâu về hệ thống thuật ngữ của các đại triết gia như Descartes, Hobbes, Locke, Rousseau, Hegel, Wittgenstein v.v…, bên cạnh nhiều tủ sách khác về triết học cổ đại và các triết gia đương đại. Theo dự kiến, bản dịch TỪ ĐIỂN TRIẾT HỌC HEGEL của Michael Inwood cũng thuộc tủ sách Blackwell này sẽ sớm được ra mắt trong thời gian tới. Khi nắm vững được bộ khung khái niệm của các đại triết gia và các thời kỳ triết học chủ yếu, ta có tạm đủ chất liệu cho một từ điển thuật ngữ triết học được chắt lọc. Quan niệm rằng việc biên soạn một bộ từ điển triết học Tây phương là một việc làm dài hơi, chúng tôi mong nhận được sự kiên nhẫn, thông cảm và giúp sức của bạn đọc, khi chúng tôi chọn cách làm có vẻ nghịch thường: chuẩn bị phần chuyên sâu trước phần phổ thông. Cách làm này tuy khá vất vả và chậm chạp, nhưng hy vọng có thể phục vụ tốt hơn cho mục đích tìm hiểu cặn kẽ một lĩnh vực đặc thù, rất phức tạp và trừu tượng là triết học, cũng như, với sự cố gắng và cẩn trọng, đề nghị cách phiên dịch những thuật ngữ thuộc nhiều truyền thống và trường phái khác nhau, vốn không bao giờ dễ dàng nhận được sự tán đồng rộng rãi. Trong công việc này, chúng tôi được thừa hưởng bao nỗ lực và thành tựu của những bậc đi trước, với tất cả lòng biết ơn sâu xa của những kẻ hậu học. Là kết quả đầu tay của một tập thể những anh chị em yêu thích triết học đến với nhau trong một “lớp học tự nguyện”, bản dịch này ghi dấu những kỷ niệm khó phai của một tình bạn và một sự hợp tác chân tình, đầy say mê trong bước đầu tiên của con đường vạn dặm. Tập thể dịch giả mong nhận được sự chỉ giáo của các bậc cao minh; những khuyết điểm, sai sót không thể tránh khỏi trước hết thuộc về trách nhiệm của người chủ trương và hiệu đính.