Lịch sử Việt Nam có từ rất lâu đời. Nhà nước Việt Nam cũng hình thành từ rất sớm với một bộ máy quan lại luôn được cải tổ theo sự phát triển của xã hội. Nhiều chức quan mới được đặt thêm trong lúc không ít những chức quan cũ bị bãi bỏ. Có những chức quan tồn tại rất nhiều đời nhưng địa vị, quyền hạn thi không ngừng thay đổi. Trong những triều đại vua chúa xưa có những sách “chỉ”, “biểu”, “hội điển”, “thông khảo”, “thông điển”, v.v… chép lại quan chế các đời nhưng hầu như đều sơ lược, khó hiểu, và thường chỉ chép một triều một đại. Có thể nói, không có sách nào chuyên khảo về quan chức đủ cho ta biết rõ ràng về nguồn gốc, chức quyền, địa vị, tính chất, hệ thống, đổi thay của các chức quan trong lịch sử, khiến cho việc đọc sử, học sử của chúng ta ngày nay gặp rất nhiều khó khăn. Ở nước ta khó khăn càng nhiều vì sử sách tham khảo quá thiếu thon.
Chúng tôi đã từng nhận được không ít thư từ khắp nơi hỏi về chức tước của quan lại thời xưa. Dù là một Viện chuyên nghiên cứu về lịch sử, chúng tôi cũng không khỏi lúng túng khi trả lời.
PGS.TS. Đỗ Văn Ninh – một cán bộ làm việc nhiều năm tại Viện Sử học, đã bỏ nhiều công sức tìm hiểu về chức quan trong lịch sử Việt Nam, đặc biệt là chức quan trong lịch sử cổ trung đại. Ban đầu, việc tìm hiểu chỉ để phục vụ việc nghiên cứu những vấn đề khác, nhưng khi tư liệu đã tích lũy được tương đối phong phú thì vấn để “chức quan” trở thành đề tài chuyên khảo, được liệt vào một hạng mục đề tài nghiên cứu của Viện Sử học.