Nhắc đến tác giả Thomas Friedman, hẳn độc giả Việt Nam sẽ nghĩ ngay đến các tác phẩm nổi tiếng của ông như: Thế giới phẳng; Chiếc Lexus và Cây Oliu; Nóng, phẳng, chật… Thế nhưng ít ai biết rằng “Từ Beirut đến Jerusalem” lại chính là cuốn sách đầu tiên làm nên tên tuổi Thomas L. Friedman cũng như mang đến cho ông giải Pulitzer. Thomas Friedman viết tác phẩm đầu tay “Từ Beirut đến Jerusalem” trong những năm 80 của thế kỷ trước và đã đoạt giải Nation Book Award cho hạng mục phi hư cấu, khi ông còn là phóng viên thường trú khu vực Trung Đông của tờ New York Times. Từ Beirut đến Jerusalem là một cuốn sách phi-hư cấu bán chạy bất ngờ ở Mỹ. Cho đến nay nó vẫn tiếp tục được tìm đọc, đặc biệt là được các độc giả là anti-fan của Thomas Friedman tìm đọc. Trái với các cuốn sách kiểu Thế giới phẳng, Chiếc Lexus và cây Olive bị rất nhiều độc giả khó tính coi là ba hoa khoác lác, rỗng tuếch và thông thái rởm, cuốn sách đầu tay này của Friedman được đánh giá cao: viết rất tốt, đọc hấp dẫn, đặc biệt là câu chuyện không bị cài cắm như các cuốn sách khác của tác giả này, thay vào đó là các câu chuyện thực, đắng lòng và chua xót của Trung Đông, đặc biệt là mối quan hệ Israel và Palestine. Thomas Friedman, lúc đó còn trẻ và chưa cố tỏ ra thông thái, bộc bạch ngay trong những chương đầu của cuốn sách: “Cuốn sách chính là con đường từ Beirut tới Jerusalem mà tôi đã rong ruổi, bằng cách này hay cách khác, suốt thời trưởng thành của mình. Đó là một con đường khác thường, hài hước, thi thoảng có bạo lực và thường là không thể lường trước được”. Đến muộn nhưng rất may mắn, cuốn sách này đến Việt Nam muộn hai mươi năm, nhưng lại đúng lúc độc giả Việt Nam bắt đầu quan tâm nhiều đến Trung Đông, tới Israel, Liban, Syria. Họ không chỉ quan tâm đến sự phát triển thần kỳ của Israel, hay các xung đột chính trị ngoại giao ở Liban, Syria, hay quyền lực của các nhà nước Arab giàu có, hay lịch sử lâu đời và đẫm màu sắc tôn giáo của vùng đất này, hay vai trò của Mỹ, Châu Âu với Trung Đông… Các độc giả Việt Nam quan tâm đến tất cả. Và cuốn sách rất dày này của Thomas Friedman đề cập đến hầu như tất cả.*** Mới đây, khi đáp chuyến xe bus tới phố King George ở Jerusalem, tôi không chú ý lắm tới người phụ nữ trẻ ở phía sau xe bus đang ngồi cạnh một người Do Thái Haredi [cực kỳ chính thống] vì anh ta đội chiếc mũ đen, mặc áo khoác đen, với bộ râu dài, còn cô ta thì đi đôi xăng đan, mặc váy không tay, hợp thành một phần trong khung cảnh điển hình với những người lính đang trong kỳ nghỉ phép, một bà già đội chiếc mũ kiểu quý bà, những chiếc ba lô năm năm có lẻ, và một giáo sĩ nhìn như người Mỹ đang đến muộn một buổi lễ. Chỉ sau khi người phụ nữ trẻ nhẹ nhàng bảo người Haredi làm ơn đóng cửa sổ lại thì tôi mới rời mắt khỏi tờ báo và thấy anh ta đáp lại khá thẳng thừng rằng “Cô làm ơn may tay áo dài ra được không?” “Thưa ông,” người phụ nữ đáp lại, giọng cô cao vút lên cùng với sự phẫn nộ, “cửa sổ mở ra đang làm phiền tôi!” Người Haredi dường như lúng túng. “Thưa cô, những cánh tay để trần đang làm phiền tôi,” anh ta đáp lại. Gương mặt người phụ nữ giờ đây trở nên dữ tợn và kiên quyết khi cô ta chậm rãi nhấn từng âm tiết trong miệng và bắn nó tới tai của tất cả mọi người trên xe bus: “Tay của tôi hay tay của ông nhỉ?” Rabbi Shlomo Riskin đăng trên Jerusalem Post, 20/5/1988 Quay trở lại những năm 1930 ở Quảng trường Mughrabi của Tel Aviv, nơi thường có một chiếc đồng hồ to không có kính chắn trên bề mặt. Huyền thoại kể rằng một hôm Thị trưởng Meir Dizengoff yêu cầu tháo chiếc đồng hồ đó ra. Khi các cư dân trong vùng hỏi ông là tại sao, Thị trưởng Dizengoff trả lời là vì bất cứ người Do Thái nào đi ngang qua chiếc đồng hồ có thể vặn lại nó theo đồng hồ đeo tay của người đó. Chẳng lâu sau khi đến Jerusalem thì tôi được nghe câu chuyện đó, nhưng tôi hiểu được về tính xác thực của nó như thế nào thì chỉ sau khi sống ở đất nước này một thời gian. Tôi phát hiện ra với tất cả lý do mà tôi đã liệt kê ra trong chương trước, người Israel không thể quyết định được điều gì dân tộc họ nên chịu đựng không chỉ về mặt chính trị mà còn về mặt tinh thần nữa. Trên thực tế, điều đáng kinh ngạc nhất về nhà nước duy nhất của người Do Thái trên thế giới là nó được xây dựng, và cùng nhau nắm giữ, bất chấp thực tế là có những bất đồng cơ bản và sâu sắc giữa các công dân của mình về một người Do Thái chính xác là gì và một nhà nước Do Thái nên đặc trưng cho kiểu sống nào của người Do Thái. Tôi thường gặp nhiều người Do Thái đến từ Mỹ và Tây Âu, họ nói với tôi rằng họ đến Israel để “tìm kiếm” chính bản thân họ như một người Do Thái. Tôi luôn bảo với họ rằng Israel chắc hẳn là một nơi khó hiểu nhất trên thế giới để làm điều đó. Ở nơi đó bạn sẽ đánh mất chính bản thân mình như một người Do Thái, bởi vì nếu bạn không biết mình là ai trước khi đến, bạn có thể lạc lối hoàn toàn trong mê cung của những lựa chọn được trình ra ngay sau khi bạn đặt chân lên vùng đất này. Giống như phần lớn những người Do Thái lai Mỹ, tôi đã lớn lên trong đạo Do Thái mà không hề có vùng đất nào – giống như những người Do Thái sống trong đạo Do Thái đã rèn tập khi bị người La Mã trục xuất khỏi Palestine hai nghìn năm trước. Đó là một đạo Do Thái quanh quẩn nơi giáo đường, lòng vòng theo các kỳ nghỉ, và quanh những cuộc gặp mặt cộng đồng. Nói một cách hóm hỉnh thì người Do Thái ở trong cộng đồng Do Thái phân biệt với người Do Thái khác chỉ qua cách họ liên hệ tới lễ nghi, đó là, cho dù họ rèn tập đạo Do Thái theo lối Chính thống, Thủ cựu, hay là Đổi mới – Chính thống vẫn được tuân theo nhiều nhất và Đổi mới thì ít nhất. Không như vậy ở Israel. Người Do Thái ở Israel không phân biệt bằng các nhánh của giáo đường cũng như cách họ liên hệ tới vùng đất của Israel và tới nhà nước. Sự kết nối trở lại của dân tộc Do Thái với vùng đất và cao ốc của họ trong một nhà nước hiện đại ở đây mở ra một sự thiết lập mới mẻ hoàn toàn của các lựa chọn để xác định bản thân một người là người Do Thái – vài người trong số đó hoàn toàn không được biết đến trong cộng đồng Do Thái. Vô số những lựa chọn này có thể phân ra thành bốn luồng tư tưởng chính. Luồng đầu tiên và rộng lớn nhất được hình thành từ những người Israel thế tục và không theo lệ cổ, như Shimon Peres và Yitzhak Shamir – là những người thực sự xây dựng lên nhà nước Israel mới. Những người theo Chủ nghĩa Phục quốc thế tục tới Israel phần nào vì một cuộc nổi dậy chống lại ông cha mình và đạo Do Thái định hướng giáo đường Do Thái chính thống ở khu định cư được thực hiện ở Đông Âu. Với những người theo Chủ nghĩa Phục quốc thế tục, quay trở lại vùng đất Israel, xây dựng một xã hội và quân đội hiện đại, và thực hiện các kỳ nghỉ của người Do Thái như những kỳ nghỉ mang tính dân tộc trở thành một thay thế cho buổi lễ kỷ niệm và niềm tin tôn giáo. Họ nói rằng, ở Israel, bầu trời là của người Do Thái, bóng rổ của người Do Thái, nhà nước của người Do Thái, và sân bay cũng của người Do Thái nốt, vậy thì ai còn cần phải tới giáo đường nữa? Với họ, đến vùng đất Israel và trở thành “bình thường” đồng nghĩa với từ bỏ các lễ nghi tôn giáo như đặc điểm nhận dạng cho người Do Thái của họ. Khoa học, công nghệ, và biến cả sa mạc xanh tươi thành Torah mới của họ. Những người Do Thái thế tục này chiếm khoảng 50% dân số Do Thái của Israel, gửi con cái tới các trường học thế tục do nhà nước nắm giữ, được thuyết phục rằng họ là làn sóng của tương lai và rằng người Do Thái trong truyền thống hạn hẹp là một hồi chết chóc trong lịch sử người Do Thái. Họ sẵn sàng cho phép bất cứ người Do Thái nào trên thế giới muốn sống trong nhà nước mới của họ trở thành một công dân ngay lập tức, vì họ chắc chắn rằng giữa thế hệ có mối liên hệ với vùng đất mà những người Do Thái chính thống cực đoan này đang sống trong những khu ổ chuột tự xây ở châu Âu hay ở Jerusalem sẽ vứt bỏ áo khoác và mũ đen của họ và gia nhập vào cuộc cách mạng của Chủ nghĩa Phục quốc. Hơn tất cả, những người theo Chủ nghĩa Phục quốc tự hỏi mình, tại sao người Do Thái muốn tái tạo một khu Do Thái Ba Lan thời trung cổ trong một nhà nước Do Thái hiện đại. Không chỉ một người Do Thái thế tục nói với tôi rằng khi họ còn là một đứa trẻ, bố họ đã đưa họ tới Mea Shearim, khu vực người Do Thái chính thống cực đoan của Jerusalem, và nói với họ đại khái là: “Hãy ngắm nghía những người này chừng nào có thể. Họ là di tích của quá khứ, là loài khủng long trong nền tảng lịch sử. Giờ hãy chiêm ngắm họ đi, vì đến thế hệ khác, họ không còn nữa.”