Truyện ngắn thế giới chọn lọc là một tuyển tập những truyện ngắn hay, nổi tiếng trên thế giới. Mỗi câu chuyện một sắc màu đưa người đọc phiêu du qua những miền văn hóa khác. Một bức tranh cuộc sống muôn màu và giàu tính nhân văn, một bản hợp ca bi- hoan trước những số phận… Con người, dù là ai và ở đâu thì cũng cùng chung một khát vọng về sự tự do, tình yêu và hạnh phúc. Với bút pháp độc đáo, cấu tứ mới lạ, những câu chuyện trong tuyển tập cho bạn chạm vào nỗi buồn sâu thẳm của con người với nhiều hy vọng.
Một tập truyện đa thanh
(Đọc “Truyện ngắn thế giới chọn lọc” của dịch giả Trà Ly, NXB Văn hóa – Văn nghệ năm 2014).
Dịch giả Trà Ly chia sẻ, khi gửi nhà xuất bản 72 truyện dịch, ông có ý nghĩ vui vui rằng, năm đó ông 72 tuổi và cố ý chọn truyện của 27 nước, ghi tên tập truyện là “Truyện ngắn hay năm châu”. Vì những tính toán cần thiết cho ấn bản về kinh doanh, nhà xuất bản chỉ in 34 truyện với cái trên. Nhưng nội dung cũng chia bốn phần cụ thể tác gia các châu: Á, Âu, Phi, Mỹ – rất tiện cho bạn đọc tiếp nhận chất đa thanh từ một cuốn sách.
Đúng là thật nhiều giọng điệu, phong cách, chất văn hóa nhiều quốc gia, châu lục. Ở châu Á, bên cạnh các nền văn hóa lớn Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, còn có Singapore, Indonesia, Mianma, Thái Lan. Châu Âu có các mảng Tây Âu, Bắc Âu, Đông Âu: Anh, Pháp, Italia, Đức, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Rumani, Hunggari, Ba Lan, Nga. Rồi Mỹ, Nam Phi… Trong đó, không thiếu những tên tuổi lừng danh trên văn đàn thế giới: R. Tagore, Akutagawa, Mạc Ngôn, Azit Nexin, M. Gorki, Edgar Allan Poe, O. Henry… và cả những nhà văn đương đại nổi tiếng.
Có lẽ thú vị nhất trong dịch phẩm nhiều sắc diện này là Akutagawa – một tài năng kiệt xuất của văn chương Nhật đầu thế kỷ XX. Cuộc đời ngắn ngủi của văn hào này (1882-1927) với khoảng 140 truyện ngắn, bài phê bình văn học, thủ lĩnh trường phái Tân hiện thực của Nhật đã để lại một ảnh hưởng rất lớn cho văn chương xứ Phù Tang.
Am hiểu sâu sắc văn hóa Trung – Nhật truyền thống và tiếp cận văn hóa Phương Tây thời Minh Trị Thiên Hoàng đã giúp Akutagawa, dù viết ở đề tài nào, cũng thể hiện khả năng trực giác nhạy bén, sắc sảo, và trên hết là ý thức chống lại các chủ nghĩa quân phiệt, chủ nghĩa quốc gia, đề cao tinh thần tự do và khơi gợi cuộc hướng về chủ nghĩa nhân văn mà tầng lớp cần lao là đối tượng chính. “La Sinh môn” – truyện ngắn được chọn dịch của ông trong tập truyện – một tác phẩm được chuyển thể sang phim ảnh đình đám, là một ví dụ.
Nói “La Sinh môn” và Akutagawa thú vị nhất, bởi tên tuổi và tác phẩm nhà văn này từng được các cây bút nhiều thế hệ ở Nhật ngưỡng mộ. Và việc được nhận “Giải thưởng Akutagawa” dành cho các cây bút trẻ Nhật, từ khi ra đời (năm 1935) đến nay, chưa bao giờ không là niềm hạnh phúc lớn của người viết văn. Ngoài ra, còn bởi trong văn học dịch Việt Nam, Akutagawa chưa phổ biến nhiều. Ít nhất, tập truyện dịch đã đáp ứng một phần mảng độc đáo này mà không phải bạn đọc nào cũng đọc được nhiều qua văn chương mạng.
Ngoài những tên tuổi lớn, cái độc đáo của tập truyện dịch là hầu hết các tác phẩm được dịch giả chọn dịch thường ngắn gọn, có tứ truyện lạ, bất ngờ.
Ở “Cô gái trên tàu hỏa”, đến cuối truyện, người đọc mới biết cô mù, nhưng những trao đổi của cô và người phụ nữ cũng mù về vấn đề thời tiết, phong cảnh thật hồn nhiên, yêu đời – cái đằm sâu nhân hậu của truyện thật xúc động.
“Trăng khuyết” là tình huống tréo ngoe khi chính người mẹ lừa con gái đánh tráo cô dâu là mình để chiếm chàng rể, chuyện tưởng phi lý mà vẫn có sức thuyết phục.
“Những chiếc bình cổ” của tác giả Thái Lan vận dụng tinh thần Phật giáo rất nhuần nhuyễn khi xây dựng tư tưởng lòng tham đối diện với thuyết có – không, còn – mất.
Azit Nexin vẫn trào phúng sâu cay với “Cây đèn đường và con phố của chúng tôi” và “Tôi tự sát như thế nào”. “Lương y” của Mạc Ngôn đầy chuyện lạ về y thuật những thầy thuốc xưa.
Trong tuyến này, “Lời nguyền ma thuật của chiếc bình cổ” của Hoàng Hán Minh khá bất ngờ ở chi tiết cuối, khi tình yêu mãnh liệt của đôi trai gái đã hóa giải được lời nguyền.
Chuyện như không “Tôi là kẻ cắp” lại thú vị ở chi tiết “lấy cắp chính mình”! “Kết cục ngoài ý muốn”, “Chủ nhân tòa biệt thự”, “Chai sâm banh đầu đời”, “Kết cục bất ngờ”, “Sức mạnh của thiên tài”… cũng là những bất ngờ thú vị như thế. Những mảng nhỏ đời sống có khi cười vui, khi cười ra nước mắt được các tác giả lảy ra sắc ngọt nhưng đọng lại nhiều dư vị trong bạn đọc.
Lại có những truyện rất xúc động về tình thương người mẹ, người cha dành cho con cái, về tình người: “Tiếng hát đêm Nô-en”, “Muguida”, “Chiến tích của người mẹ”. “Vận may”, “Kaliusa” và “Hai sự kiện khó quên” là những bài học về ứng xử. Các tác giả Mỹ Edgar Poe, O. Herny, A. Gedeng, Kate Chopin rất biến ảo các vấn đề tâm lý tội phạm và pháp luật, tâm lý đời sống tình cảm…
Có thể nói tập sách là những mảng màu vô cùng phong phú, sinh động mọi miền, tạo nên các cung bậc cảm xúc khác nhau cho người đọc. Khi cảm thương chia sẻ, lúc cười xòa thú vị, lại cũng có lúc lặng trầm chiêm nghiệm hay gật gù tán thưởng.
Cùng với chất đa thanh của mấy chục tác giả các châu lục mà dịch giả Trà Ly công phu sưu tầm, lựa chọn, chính văn dịch rất sáng, rất có nghề và nhiều dụng công của ông đã góp phần quan trọng cho thành công của tập truyện. Một ví dụ, với “Trăng khuyết”, nguyên bản là “Vầng trăng chưa tròn”, Trà Ly đã mạnh dạn dùng từ vừa hợp cách nói của người Việt vừa nêu bật được nội dung truyện hơn.
Dịch giả Trà Ly đã có hơn chục đầu sách xuất bản. “Vốn liếng” dịch xong của ông còn ngần ấy bản thảo đã hoàn thành, trong đó, có hai bộ tiểu thuyết bề thế “Con quạ” của Cửu Đan và “Bạch Lộc nguyên” của Trần Trung Thực. Hơn hai mươi năm miệt mài với từng con chữ, bằng sự cẩn trọng và tình yêu văn chương, ông đã chuyển đến bạn đọc những trang văn hay mà “Truyện ngắn thế giới chọn lọc” là một minh chứng.
Tuyết Nhung
Mời các bạn mượn đọc sách Truyện Ngắn Thế Giới Chọn Lọc của tác giả Nhiều Tác Giả & Trà Ly (dịch).