Tin Vào Chính Mình (Louise L. HaySách Tả-truyện có chép một câu rằng: « Trên có bậc lập đức, dưới có bậc lập công sau có bậc lập ngôn; tuy mất đã lâu mà tiếng vẫn còn: toàn là những người bất hủ ». Nước ta có đức Trần Hưng-Đạo là bậc lập đức, vua Lê Lợi và vua Gia Long là bậc lập công, ông Phan phu-Tiên đời Trần và một vài ông sứ thần nữa là bậc lập ngôn. Vậy thì hạng người làm sách để dạy đời là một hạng trong ba hạng người bất hủ ấy. Ông Trương-vĩnh-Ký có thể liệt vào hạng người đó, vì không những Hán học uyên thâm, Pháp học uyên bác, ông lại còn tinh thông về các thứ chữ ở Viễn-đông như chữ Cao-mên, chữ Xiêm, chữ Lào, chữ Ấn-độ: thực là một nhà bác-ngữ uẩn-súc, nước ta chưa từng có bao giờ. Chỉ một quyển sử Nam chép bằng chữ Pháp và mấy quyển truyện nôm dịch ra quốc-ngữ, cũng đủ nổi tiếng là một nhà « lập ngôn bất hủ », thế mà ông lại còn làm biết bao nhiêu là sách, trong quyển của ông Lê Thanh – mà tôi giới thiệu ở đây – có kê đủ cả. Những sách ấy hiện vẫn có giá trị, quyển nào cũng có ý đủ, văn hay; không phải là người có thiên tài học vấn thì không sao viết nổi. Những truyện nôm như truyện Kiều truyện Phan Trần, mà ông dịch ra quốc-ngữ đầu tiên, tất cũng có chữ sai, nhưng không nên vin vào đấy mà phê-bình, vì chữ-nôm của ta là một thứ chữ không có tự-điển, mỗi người viết một cách, khó lòng đọc cho đúng ngay: thử lấy một quyển nôm nào chưa ai dịch ra quốc-ngữ mà đọc xem, có lắm chữ không tài nào đọc nổi, thế mới biết cái tài học của Trương-vĩnh-Ký đáng tôn trọng, đáng kính phục biết bao nhiêu. Về Hán-văn ông có dịch bộ Tứ thư và quyển Minh tâm bảo giám ra quốc-ngữ, kể cũng có công với Hán học khi gần tàn, và tỏ ra là một nhà nho gồm cả văn học Âu Á, mà vẫn giữ được tính cách người Đại-Nam. Không những làm sách, dịch sách mà thôi, ông lại còn giúp việc triều đình, hợp tác với ông Paul Bert; trong quyển sách này, ông Lê Thanh chép rõ cả. Ông Lê Thanh có đến tận quê hương ông Trương-vĩnh-Ký, xem những gia-thư của ông và trích-lục trong sách này. Tôi xem đoán nào ông Lê Thanh soạn cũng tinh-tế lắm, có nhiều đoạn mới chưa ai thuật lại bao giờ, nên tôi dám chắc rằng những người yêu sử nước nhà và yêu văn nước nhà đọc quyển này sẽ được như ý. Cả những bạn thanh-niên nữa vì sách này là sách tiểu-sử chép những sự-nghiệp lừng-lẫy của một nhà « lập ngôn bất hủ » của nước ta, một tay cự-phách trong văn-học đã nổi tiếng là một nhà sư-phạm biết treo một bức gương sáng cho ta soi chung.Ứng-hòe NGUYỄN-VĂN-TỐ *** TRÊN con đường Sài-gòn, Chợ-lớn, bên tay phải, một miếng đất vuông vắn, xinh xẻo, có cái bề ngoài của một biệt thự. Du khách qua đọc mấy dòng chữ la-tinh đắp trên tường ngôi nhà bát-giác xây ở giữa, cảm thấy một rung động kín đáo, dừng bước cầu nguyện cho một linh hồn. đây là chỗ an nghỉ của nhà học giả Việt nam. Trương-vĩnh-Ký. Cửa lúc nào cũng mở rộng du khách bước vào. Nhà bát-giác là mộ phần, trong cùng vườn, một ngôi nhà còn mới dựng theo một lối kiến trúc rất cổ, tàng trữ tất cả những cái có một quan-hệ lịch sử với Trương tiên-sinh. Tôi đã đến đây hàng tháng, trong những chồng sách đã cũ, đống giấy đã nát tìm kiếm tài liệu để viết tập tiểu-sử tiên-sinh. Hôm nay cầm bút bắt đầu tập tiểu-sử này, tôi bâng-khuâng, ngần-ngại, muốn đặt bút xuống chờ một lúc khác có nhiều cảm hứng hơn. Bây giờ chắc tôi không làm được việc gì vừa ý, những ý tưởng hiện tôi có, nếu lôi đặt trên giấy, sẽ không tỏ được một phần những điều tôi muốn viết. Cái hình ảnh của Trương tiên-sinh tôi sẽ phác ra đây có phải đâu hình ảnh linh-động mà tôi đã dò được theo từng nét trong những chồng sách, tập giấy kia. Phải mời các ngài, đi với tôi đến tận nơi cùng tôi đi sâu vào những tập thư, quyển nhật ký… gần mục nát, phải được đặt trước các ngài một chồng giấy mỏi mệt hơn nửa phần bị gián nhấm, mọt đục chỉ còn lờ mờ ít dòng chữ và mùi mực nhạt. Các ngài mới có thể tìm thấy những nét tinh tế của cái tâm hồn mà từ trước đến nay hễ nói đến là người ta cho là khó hiểu. Còn gì có thể gợi cho người ta biết một tâm hồn hơn là những bức thư gửi cho người thân, những trang nhật ký ở trong ấy tất cả việc lớn nhỏ, những mẩu tư tưởng, những niềm tâm sự… Hơn một lần, nghiêng mình trên trang di-cảo vàng úa, tôi cảm thấy tâm hồn tôi săn lại, khi thấy, bằng những dòng chữ rời rạc, tiên-sinh ghi những nỗi lo phiền, buồn tủi… tôi đã cảm thấy lạnh trong tâm hồn khi đọc mấy chữ mà trên ấy tôi nhận thấy sự đau đớn nhiều hơn sức mạnh, tôi được biết rằng, vì quá tận-tụy cho nhà, cho nước, cho văn chương, tư tưởng mà tiên-sinh đã phải giả đắt bằng cả cái sức khỏe và sau cùng cả cái đời của tiên-sinh. Nhưng có phải ai cũng có cái may mắn được đến đấy để tìm cái tôi đã tìm và để có những cảm giác tôi đã có đâu 1. Nghĩ vậy tôi đành làm công việc theo sức lực của tôi. Mong các ngài sẽ rộng lượng đối với sự hèn yếu của ngòi bút tôi, thêm vào đây cả sự gay go của thời đại này nữa.
Nguồn: https://thuviensach.vn