Là cuốn đầu tiên được nữ hoàng truyền hình Oprah Winfrey chọn để khởi đầu cho Câu lạc bộ sách Oprah. Cuốn sách đã được dịch ra hơn 14 thứ tiếng. Trong thẳm sâu tâm hồn với tựa gốc The deep end of the ocean là một trong những cuốn tiểu thuyết nổi bật nhất của Jacquelyn Mitchard, đưa bà từ một nhà báo trở thành một trong những tiểu thuyết gia hàng đầu thế giới. Cuốn sách kể về một gia đình nhỏ ở bang Illinois. Beth, một người vợ, một người mẹ trẻ dường như luôn cảm thấy quá sức khi phải cùng lúc làm cả hai việc: chăm sóc ba đứa con và theo đuổi đam mê nhiếp ảnh. Trong một dịp gia đình đi du lịch, Beth vô tình để lạc mất Ben – đứa con trai thứ của cô và cũng là đứa mà cô yêu thương nhất trong ba đứa con mình. Từ đó, cô bắt đầu bước vào cuộc sống đầy bi kịch với nỗi tuyệt vọng trong cuộc tìm kiếm Ben kéo dài ròng rã những năm tiếp theo sau đó. Cuốn tiểu thuyết với một cốt truyện xuất sắc và giọng kể tài tình đã chiếm được tình yêu của bao trái tim độc giả. Trên tất cả, đây đích thực là một câu chuyện về tình yêu: tình yêu lớn lao mà Beth dành cho các con đã giúp cô nhận ra cô không chỉ có mình Ben mà còn có Vicent và đứa con gái nhỏ; tình yêu chồng vợ đã khiến chồng cô chấp nhận lặng lẽ ở bên cô suốt 9 năm, cùng cô chờ đợi không mệt mỏi, không một lời oán than; tình yêu anh em đã khiến Vicent dũng cảm đối mặt với quá khứ để giúp em trai mình lấy lại ký ức bị mất… Trong thẳm sâu tâm hồn đã gửi đến hàng triệu độc giả thông điệp lớn nhất của cuốn sách: tình yêu thương dù bị giấu kín tận nơi sâu thẳm nào đó của tâm hồn, vẫn sẽ có ngày được nhìn thấy, và chính nó sẽ cứu vãn mọi thứ, hàn gắn mọi thứ đổ vỡ và đau khổ. Tạp chí People từng viết nhận xét về cuốn sách: “Một câu chuyện xúc động với cảm giác hồi hộp của một cuốn tiểu thuyết ly kỳ, chạm đến nơi lắng sâu nhất của tình gia đình thiêng liêng gắn bó.”*** Jacquelyn Mitchard là một nhà báo, đồng thời là tác giả best seller của New York Times. Bà được biết đến với những tác phẩm như The most wanted (được đề cử giải Britain’s Orange Prize for Fiction, tác phẩm Cage of stars (được đề cử giải Britain’s Spread The Word Prize…*** Tháng Mười Một, 1995 Tất cả là mười năm, mười năm tròn, từ buổi sáng tháng Tám nóng như thiêu đó khi Beth bỏ cái phong bì đầy những hình vào ngăn kéo cho đến buổi chiều thu lành lạnh khi cô lấy nó ra đặt từng tấm một trên bàn làm việc của mình. Thật vậy, mười năm và biết bao thay đổi. Mùa hè vừa qua đã đánh dấu một năm tròn kể từ khi Beth biết những gì đã xảy ra cho Ben, con trai cô. Và nếu cô tính cả chập chùng những hình ảnh của tất cả các diễn biến sau đó thì thật ra phải là gần mười một năm. Chỉ mới cách đây vài tuần thôi, vào tháng Mười, một câu truyện với cái tít “Phần kết cho Ben” đã xuất hiện trên trang nhất tờ USA Today – một nỗ lực trễ tràng cả “một năm sau” dựa trên vài lời trích đã xưa lắc xưa lơ từ vài người ít ỏi vẫn muốn trả lời cho báo giới. Nhưng đó không phải là câu chuyện gợi cho Beth nhớ đến mấy bức hình. Chỉ đơn giản là một sáng nọ cô thức giấc và biết. Cô muốn nhìn thấy chúng. Ngày hôm đó trời mưa suốt, một ngày tháng Mười Một u ám lạnh lẽo. Đã nhiều năm nay mưa vẫn làm Beth sợ, khiến cô phải tập trung vào một loạt những công việc quen thuộc hằng ngày. Nhưng hôm đó thậm chí mưa cũng không ngăn cản cô được. Có thể nói là cô đang vội, như thể việc nhìn vào mấy tấm hình đó sẽ đặt một dấu chấm hết vào cuối một câu đã được viết thật dài trên trang giấy. Beth đặt mấy tấm hình xuống, chỉ có mười sáu tấm – một cuộn phim ngắn, vì Pat đã dùng cái máy chụp ảnh Instamatic nhỏ nhắn rẻ tiền đó, cái máy ảnh luôn làm Beth xấu hổ. Cô úp chúng xuống, giống như một phụ nữ già ngồi chơi xếp bài một mình nơi cửa sổ. Rồi cô nhắm mắt lại và sờ vào từng tấm một. Nó không rung lên. Không có chút điện áp nào. Cô chỉ cảm nhận được đó là giấy Kodak, thật láng với một lớp bụi mỏng. Chẳng có gì huyền bí. Beth thở phào nhẹ nhõm. Tất cả những năm tháng đó. Dấu niêm phong vẫn còn nguyên, giống như những mép giấy vẫn dính vào nhau, với dấu mực đã hoen mờ hiển thị ngày tháng trên đó, một lời tiên tri thật đáng kinh ngạc. Ngày mùng ba tháng Sáu, và cái năm. Mùng ba tháng Sáu, một ngày thứ Bảy, vì Pat đã bỏ cuộn phim ở tiệm rửa ảnh vào đúng ngày cô đi dự buổi họp lớp. Khi anh nhớ ra để đi lấy ảnh thì đã là cuối mùa hè đầu tiên, Pat vừa đi vào nhà vừa khóc nức nở và đưa chúng cho Beth, như thể anh mong cô sẽ ôm lấy anh, an ủi anh bằng một cách nào đó để có thể chịu đựng được cái chứng tích ấy. Thay vì thế, cô chỉ ép cái phong bì đựng ảnh thật chặt giữa hai bàn tay rồi đem chúng đến bàn làm việc của mình. Beth chưa hề biết chính xác tại sao, nhưng cứ như thể việc cô luôn biết vị trí của những bức ảnh đó là điều quan trọng lắm, dù đôi khi nó cũng làm cô rất khó chịu. Ví dụ có những lần Beth thoáng thấy chiếc phong bì khi cô mở ngăn kéo ra để lấy mấy cái kẹp giấy hay mấy tờ nhãn có địa chỉ của cô. Beth làm việc đó thật nhanh, như ngày xưa cô luôn phải hít một hơi thật sâu trước khi chạy qua bức tranh của Goya vẽ Kronos đang trệu trạo nhai một đứa bé mà không hiểu vì sao bà ngoại Kerry của cô cứ treo mãi trên tường cầu thang. Lần nào cô cũng có chính xác cái cảm giác ngộp thở đó khi cô đóng ngăn kéo lại để không nghĩ đến cái hình ảnh gớm guốc kia nữa. Nhưng đôi khi cô vẫn nhìn cái phong bì, và vài lần cô còn thật sự lấy mấy ngón tay phủi bụi cho nó nữa. Và khi họ đã chuẩn bị hành lý xong xuôi để đi Chicago thì Beth còn cố ý bước đến ngăn kéo như thể cô sẽ lấy những bức ảnh đó ra ngắm. Nhưng cô đã không làm thế. Lúc đó cô thấy còn quá sớm. Quá sớm để ngắm, quá sớm để vứt chúng đi. Và còn những vật dụng khác của Ben nữa, những thứ mà Beth đã dần dà thu thập đủ can đảm để vứt đi hay gói lại đem cất. Vào những ngày mưa, những ngày ngột ngạt, cô thậm chí đã đập vỡ tan tành vài món trong những vật dụng đó – một hộp nhạc, một khung đựng hình bằng gốm được trang trí với những khối gỗ xinh xinh dành cho trẻ nhỏ. Cô chưa từng nghĩ mình sẽ làm thế với những tấm ảnh. Xét cho cùng thì Beth là một nhiếp ảnh gia; đối với cô những bức ảnh là những lá bùa. Nhưng cô cũng có cảm giác rằng đến một lúc nào đó cô sẽ yêu quý những bức ảnh, đặc biệt là bức cuối cùng trong cuộn phim, với cái hàng hiên nhà cô. Bước chân đơn giản của thời gian, hay tôn giáo, hay sự nhẫn nhục, sẽ biến nó thành niềm vui ngọt ngào lẫn đắng cay của cô, một bức ảnh của Ben lần cuối cùng cô thấy thằng bé – à, cũng không phải lần cuối cô thấy nó, mà là lần cuối cô thấy nó đúng với bản chất của nó, thằng con trai đơn giản, đang hớn hở tươi cười, đứa con không bao giờ xuất hiện trong những giấc mơ của cô, dù cô thường vừa khóc vừa cầu xin để được thấy nó, với ý nghĩ rằng ít nhất thì cô cũng không phải sợ nó trong giấc ngủ của mình. Và vì thế, một ngày nào đó, có lẽ khi cô gần đất xa trời và biết chắc rằng mình sẽ nhanh chóng bị lãng quên, sẽ không phải kéo lê cuộc đời thêm nữa, cô mới muốn ngắm những bức ảnh đó thường xuyên, có lẽ là hằng ngày. Vì thế cô đã muốn giữ chúng luôn bên mình. Nếu không cô sẽ mất chúng. Chỉ vài tuần sau buổi họp lớp, cô nhận ra ngay rằng mình bắt đầu đánh mất mọi thứ rất dễ dàng, chìa khóa, ngân phiếu, tiền nong cứ tuột khỏi tay cô như thể chúng có cuộc sống sinh học riêng vậy. Trong bếp, khi mở túi đựng thực phẩm ra hay khi xếp quần áo để đem bỏ giặt, Beth thường đứng đờ ra mà không thể nào nhớ được túi nào là bột ngũ cốc hay cái nào là khăn trải giường. Cô dần phải chấp nhận đó là một dị tật suốt đời sau một tai nạn. Chỉ khi nhìn lại tiến trình của nó thì Beth mới có thể thấy sự khiếm khuyết của mình là một chọn lựa chủ tâm, không phải một màn sương tạm thời sẽ mau tan biến khi cô hồi phục trở lại và nhìn mọi việc rõ ràng hơn. Sự khiếm khuyết đó là do cô tự tạo ra, từng bước từng bước một. Cô buộc mình phải nhớ lại những lề thói học đường đã phôi pha, và chỉ cần một kỷ niệm về Ben, hay về ngày hôm đó, cũng có thể phá tung được những vỏ bọc bên ngoài. Beth biết mình không thể chịu đựng được những suy nghĩ đó; và không thể hồi phục như xưa mà không nhớ về chúng. Vì thế giờ đây khi nhìn lại, dường như cô đã chọn lựa để không hồi phục. Thay vào đó, cô cố sống trong tình trạng hiện tại quanh cái miệng núi lửa mỏng manh, di chuyển thật nhẹ nhàng và tránh những điều đối với cô chẳng khác gì một trận tuyết lở. Beth đã cố giải thích với chồng cái trận tuyết lở đó và nhu cầu phải xua tan nó đi nhưng anh vẫn không hiểu được. Cô đã gắng hết sức và càng cố thì càng giống như một kẻ ngốc khi nói cho anh biết về những người mắc bệnh đó – hội chứng Korsakov – căn bệnh chia nhỏ trí nhớ ra thành nhiều khoảng thời gian. Những bệnh nhân như thế, phần lớn là những người nghiện rượu, có thể đi gặp bác sĩ hay một nhân viên công tác xã hội và, trong nhiều phút, nói chuyện rất thông minh về thời tiết, về sức khỏe của họ, những câu chuyện trên trang nhất của một tờ báo đang trải ra trên bàn làm việc. Nhưng nếu vị bác sĩ hay người nhân viên nọ rời khỏi phòng, thậm chí chỉ một phút thôi, thì những nạn nhân của hội chứng Korsakov sẽ không nhớ họ đã từng gặp một người nào như thế cả. Và quá trình tự giới thiệu sẽ phải lặp đi lặp lại nhiều lần.
Nguồn: https://thuviensach.vn