Tôi có ý dẫn ra đây một số sự việc mà bất cứ một nhà thực vật học nào cũng biết. Tôi không thực hiện bất kỳ một phát minh nào, và sự đóng góp khiêm tốn của tôi chung quy lại là vài ba những quan sát, hơn nữa là những quan sát có tính sơ đẳng thôi. Đương nhiên, tôi không có ý định liệt kê tất cả các biểu hiện trí tuệ mà chúng ta tìm thấy ở thực vật. Những biểu hiện này nhiều vô kể và liên tục không ngừng, đặc biệt giữa những loài hoa mà ở chúng tích tụ sự khát khao của đời sống thực vật vươn tới ánh dương quang và trí tuệ.
Nếu có những loài cây và hoa vụng về và không may mắn, thì cũng không có một loài nào hoàn toàn bị mất đi sự khôn khéo và tài ứng biến. Tất cả đều ráng sức đạt cho được thiên chức của mình. Tất cả đều thực hiện cho được cái khát vọng kiêu hãnh chiếm lĩnh và khuất phục mặt đất, bằng cách phát triển đến vô cùng cái dạng thức tồn tại mà chúng là đai diện. Để đạt được mục đích này cay cối, do định luật sức hút chôn chân chúng vào đất, buộc phải chiến thắng muôn vàn gian khó, hơn cả những khó khăn ngăn cản sự sinh sôi nảy nở của các loài động vật. Bởi vậy phần lớn các loài thực vật đều dùng đến sự tinh khôn, những phương kế, nhờ vào cấu trúc viên đạn và bẫy dò mà xét về cơ khí học, đạn đạo học, hàng không học và những nghiên cứu về các loài côn trùng, thì chúng thường vượt trội hơn những sáng chế và hiểu biết của con người.
Việc vẽ lên bức tranh về những phương cách chung nhất của sự thụ phấn ở các loài thực vật sẽ là thừa: hoạt động của các nhị và noãn, sức hấp dẫn nhờ mùi hương, sự mời gọi nhờ giúp đỡ của những bông hoa hòa sắc rực rỡ, sự tạo ra mật hoa hoàn toàn vô ích với bông hoa chỉ với một mục đích duy nhất là lôi cuốn, níu kéo một “cô nàng giải phóng” lả lướt, một “nữ thông tín viên” tình yêu, một chàng ong, một cậu ruồi, một nàng bướm đêm hay ngày phải trao gửi cho bông hoa nụ hôn của người tình phương xa, vô hình, chôn chân ở một chỗ…
Trong thế giới thực vật, mà mới thoạt nhìn chúng ta có cảm tưởng như yên bình và hiền lành biết bao, tràn ngập một tinh thần tuân phục và tĩnh mịch, thực ra có sự quật khởi chống lại số phận bộc lộ rõ với độ căng thẳng ráo riết và sự kiên trì tột độ. Cơ quan nuôi dưỡng quan trọng nhất của cây – bộ rễ – trói chặt nó vào đất.
Nếu trong số các quy luật lớn đè nén chúng ta khó có thể chỉ ra được quy luật nào trong số chúng đè nặng lên đôi vai của chúng ta hơn cả, thì đối với các loài thực vật không còn nghi ngờ gì nữa: nặng nề nhất là quy luật bắt cây cỏ phải chịu số phận bất động từ khi nảy mầm sống cho đến lúc chết.
Và năng lượng của tư tưởng kiên định xuất hiện từ cảnh tăm tối của những chiếc rễ cây để cây thêm chắc khỏe và hoa mãn khai khoe sắc là một cảnh tượng tuyệt trần không gì sánh nổi. Toàn bộ nghị lực thể hiện trong một nỗi niềm khát khao thường trực, trong khát vọng vươn cao chiến thắng cái định mệnh trầm trệ thâm u, đánh lừa, phá bỏ, vượt lên cái quy luật u ám nặng nề, vượt thoát cảnh tù túng, phá vỡ môi trường chật hẹp, sáng chế hoặc nhử đến cho mình một đôi cánh, chạy trốn cảnh cầm tù xa hết mức có thể, chiến thắng cái không gian mà định mệnh đã đã giam hãm nó ở trong đó. Và việc cây cỏ đạt được điều này thật hết sức kỳ lạ, cứ như thể việc chúng ta thực hiện được việc sống bên ngoài thời gian mà chúng tạ bị định mệnh của mình trói buộc vào, hay thâm nhập được vào một vũ trụ thoát khỏi những quy luật nặng nề nhất của vật chất. Chúng ta còn thấy rằng hoa đã cho con người một tấm gương phi thường về tinh thần bất khuất, lòng dũng cảm, tính kiên trì bền bỉ và tài ứng phó. Nếu như trong cuộc đấu tranh với những nhu cầu chế ngự chúng ta, ví dụ như, trong cuộc đấu tranh với những nỗi khổ đau, với tuổi già hay với cái chết chúng ta sử dụng một nửa nguồn nghị lực, mà bất cứ một cây hoa nhỏ bé nào trong khu vườn nhà chúng ta đã phát huy, thì có thể cho rằng, số phận của chúng ta đã khác biệt rất nhiều với số phận hiện giờ.
Cái nhu cầu được chuyển động này, cơn đói không gian khoáng đạt này của phần lớn các loài cây cỏ bộc lộ đồng thời ở hoa và trái. Điều này dễ dàng giải thích được đối với trái cây, mà ở nó bất luận thế nào, chúng ta cũng phát hiện thấy ít tính kinh nghiệm giả tạo hơn và ảnh hưởng nhỏ nhất của sự tiên đoán. Trái với những gì được nhận thấy trong thế giới động vật, và do quy luật có tính định mệnh về sự bất động tuyệt đối, kẻ thù đầu tiên và độc hại nhất của hạt cây hóa ra lại là thân cây ruột thịt. Trước chúng ta là một thế giới lạ thường, nơi cha mẹ không có khả năng di chuyển biết rằng, mình phải chịu tình cảnh chết đói hay buộc phải bóp chết lứa hậu sinh của mình.
Bất kể một hạt giống nào rơi xuống gốc cây hay cỏ sẽ chết hoặc phải chịu cuộc sống lay lắt đáng thương. Vì thế mà có sự nỗ lực to lớn gạt bỏ khỏi bản thân mình cái gánh nặng và chiếm lĩnh lấy không gian. Vì thế mà có những trái đạn lạ thường để phát tán, reo rắc hạt giống, để có chuyến bay lượn trong không trung cho những hạt giống mà chúng ta thấy được ở khắp mọi nơi, trong khu rừng hay ngoài đồng cỏ. Nhân đây chúng ta thử điểm qua một vài trường hợp thú vị nhất trong số chúng: chiếc cánh quạt bay hay đôi cánh nhỏ ở cây phong, cái lá á bao ở cây gia, cái máy bay ở cây cúc gai, bồ công anh, những dây xoắn nổ bung của cỏ tai tượng, cái máy gieo hạt kỳ lạ của cây mướp đắng (Momordica), một loài cây thuôc họ nhà bí, những chiếc móc bám nhỏ xíu của loài cây hoa ưa khô, cùng với cả ngàn cơ chế bất ngờ và đáng kinh ngạc khác, vì thế, có thể nói, chẳng có một loại hạt giống nào lại không tự mình nghĩ ra một cách thức hoạt động nào đó để thoát khỏi sự tăm tối trong lòng mẹ để ra với ánh dương quang.
Người nào không nghiên cứu thực vật học, người đó sẽ khó mà tin được rằng, có biết bao nhiêu sự sáng tạo được loan truyền nhờ toàn bộ thế giới cỏ cây làm vui mắt chúng ta này. Bạn hãy thử nhìn, thí dụ như, cái nồi hạt giống nhỏ, năm cái nắp van xả của cây bóng nước, năm cái kim hỏa của thiên trúc quỳ v.v. Bạn đừng quên khi có dịp xem xét gần hơn cấu trúc của một quả cây anh túc bình thường mà ta có thể thấy ở bất cứ một cửa hàng thuốc nào. Cái quả mập tròn hiền lành ấy được cấu tạo với một sự tính toán xứng đáng với những lời khen cao nhất. Nó, như chúng ta đã biết, chứa trong mình hàng nghìn cái hạt đen nhỏ li ti. Vấn đề là làm thế nào để vãi những cái hạt ấy khéo léo hết mức có thể và xa hết mức có thể. Nếu như khoang chứa chúng chưa vỡ bung ra hay bị bục ra ở phía dưới, thì những hạt bột đen quí giá sẽ tạo nên một đốm đen ở gốc cây. Nhưng những hạt giống chỉ có thể rơi ra từ những kẽ hở ở phía trên của lớp vỏ.
Khi đã chín, lớp vỏ bọc này treo trên cái cuống nhỏ của mình và khi có một làn gió nhẹ nhất thoảng qua thôi, nó sẽ vung hạt giống ra một khoảng rộng, giống hệt động tác của một người gieo hạt giống.
Liệu có cần nói đến hay không về những hạt giống đã thấy trước được khả năng phát tán chúng nhờ vào các loài chim và để dụ chim đến, chúng ẩn mình ở tận cùng của lớp vỏ bọc ngon ngọt, như cây tầm gửi, đỗ tùng, thanh lương trà v.v. đã làm.
Trong cấu trúc như thế ẩn chứa bao nhiêu là trí tuệ, bao nhiêu là sự hiểu biết cái cứu cánh, đến độ ta sợ khăng khăng một mực về mọi sự việc này, vì sợ lặp lại những sai lầm ngây thơ của Bernarden de Saint Pierre. Tuy nhiên những bằng chứng này không thể giải thích theo một cách khác được. Lớp vỏ ngọt này cũng cần cho hạt giống như hoa cần mật để quyến rũ đàn ong. Chim ăn quả vì nó ngọt, và đồng thời nuốt những cái hạt mà diều mề của nó không tiêu hóa được. Chim bay đi và dần dần trả những hạt giống đã được giải phóng khỏi vỏ bao và đã săn sàng vươn ra những cái rễ thoát khỏi những mối nguy hiểm của nơi chốn thân thương.
Maurice Maeterlinck sinh tại Ghent trong một gia đình Pháp khá giả, bố làm công chứng, mẹ là con gái một luật sư giàu có. Sau khi tốt nghiệp luật tại Đại học Ghent vào năm 1885, Maeterlinck đi Paris. Năm 1886, ông gia nhập Đoàn Luật sư Ghent, viết thơ, ký, phê bình cho các báo và tạp chí như La Jeune Belgique, La Wallonie…
Năm 1886 ông in truyện ngắn đầu tiên Le massacre des innocénts (Cuộc tàn sát những kẻ vô tội); năm 1889 ông xuất bản tập thơ đầu tiên và vở kịch đầu tiên, được nhà phê bình Octave Mirbeau của báo Le Figaro hết lời khen ngợi. Từ đó ông bỏ nghề luật sư. Trong những năm tiếp theo, ông viết hàng loạt vở kịch cổ tích, tượng trưng, kịch rối…
Năm 1895 Maeterlinck cưới vợ là Leblan – diễn viên tham gia đóng các vở kịch của ông và năm 1896 sang Paris sinh sống. Maeterlinck ủng hộ nghệ thuật thuần túy, là một trong những đại diện tiêu biểu của trường phái tượng trưng cả trong thơ ca lẫn sân khấu, trong các tác phẩm của mình mở ra một thế giới đầy màu sắc, mộng ảo chống lại số phận khắc nghiệt.
Năm 1909 ông viết xong vở kịch L’Oiseau Bleu (Con chim xanh), một kiệt tác của sân khấu kể về những cuộc phiêu lưu kiếm tìm hạnh phúc qua hình tượng con chim xanh và đã trở thành một điển cố văn học biểu tượng cho hạnh phúc tình yêu cũng như đã được dựng lên trong nhiều phim.
Maurice Maeterlinck là người làm vườn rất giỏi. Ông dành 20 năm nuôi ong và nghiên cứu về loài ong không khác gì các nhà ong học. Ngoài tác phẩm Đời ong là một khảo luật triết học về đời sống loài ong, nhưng tác phẩm này đã truyền cảm hứng cho nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau như ballet, xiếc, thơ, nhạc… Trong cuốn sách Thông thái và số phận, ông mở đầu bằng một câu cũng về loài ong: ‘Loài ong làm việc trong bóng tối mà đức hạnh thì không phô trương’. Kiến thức về ong của ông không thua các nhà nghiên cứu”.
Maurice Maeterlinck dùng ngòi bút để nói về ngọn lửa tâm linh, không chỉ cháy lên trong đời sống con người mà còn ở thế giới thực vật: những loài hoa, loài rong dưới nước hay trên bờ, loài kiến, mối, để từ đó kể những câu chuyện về sức sống bí ẩn, truyền từ đời này sang đời khác của vạn vật.
Bộ ba khảo luận triết học, Thông thái và số phận (1898), Đời ong (1901) và Trí tuệ của hoa (1910) có thể chia thành ba chủ đề: con người, côn trùng (ong) và thực vật (hoa). Dù đọc theo thứ tự nào cũng thấy một sơ đồ hình chóp, từ cỏ cây, đến con người và ngược lại, từ vị trí người nhìn xuống. Thiên nhiên là một điều vĩ đại, bầu sữa lớn đã nuôi xanh Trái đất hàng triệu năm. Con người không phải chủ nhân của địa cầu, sự hiểu biết của con người có hạn, thậm chí ngô nghê trước những điều huyền diệu trong cuộc sống.
Maeterlinck viết như một nhà hiền triết, xuyên chiếc thấu kính xuống những thứ con người đã bỏ sót hoặc chưa thấu tỏ, ông không phải nhà khoa học mà là một triết gia. Bởi thế, ngoài việc giải mật những điều kỳ diệu của cuộc sống, ông mong muốn một sự nhìn lại của mỗi người về thế giới.
Mời các bạn đón đọc Trí Tuệ Của Hoa của tác giả Maurice Maeterlinck.