Nhân vật của Trí nhớ suy tàn mơ hồ hơn rất nhiều sau từ “em”, đó là chỗ mạnh của Nguyễn Bình Phương. Chẳng ai biết cô “em” sắp hai mươi sáu tuổi ấy tên là gì, làm việc ở cơ quan, nhưng cơ quan nào, công việc gì cũng chẳng rõ… Mối quan hệ giữa “em” với Tuấn và Vũ cũng mờ nhạt hơn mối quan hệ của “vous” với Henriette và Cécile… Chính sắc thái mù mờ có dụng ý kỹ thuật ấy – không loại trừ do “trí nhớ suy tàn” – tạo nên sức cuốn hút đông đảo bạn đọc nhập thân vào với “em”. Thiếu gì những độc giả tiểu thuyết là các cô gái trạc tuổi như “em”, có công ăn việc làm ở một cơ quan nào đó, có đủ loại bạn học ngày xưa, bạn bè hiện nay, có những chuyện linh tinh đời thường như “em”, có những mối tình vui buồn, với những băn khoăn day dứt như “em”…Một truyện tiểu thuyết tình cảm Việt Nam đặc sắc của Nguyễn Bình Phương,(GS.Phùng Văn Tửu)
NXB Riveneuve, Pháp xuất bản cuốn Trí nhớ suy tàn cuối tháng 1 vừa qua. Tác phẩm do Emmanuel Poisson chuyển ngữ với tên Un autre ciel (Một bầu trời khác).
Riveneuve giới thiệu cuốn tiểu thuyết là một trong những tác phẩm đặc trưng nhất của tác giả, người tiên phong của thế hệ viết văn mới. Đây là tác phẩm thứ hai của Nguyễn Bình Phương được xuất bản tại Pháp, sau Thoạt kỳ thủy (do Danh Thành dịch) năm 2014.
Trí nhớ suy tàn là tiểu thuyết thứ năm, tác phẩm dung lượng ngắn nhất trong 9 tiểu thuyết đã xuất bản của Nguyễn Bình Phương. Tác phẩm ra mắt năm 2000 bởi NXB Thanh Niên, được tái bản bởi NXB Văn học (2006) và NXB Tổng Hợp (2013).
Trí nhớ suy tàn được coi là tiểu thuyết đặc sắc của Nguyễn Bình Phương. GS Phùng Văn Tửu đánh giá về tác phẩm: “Nhân vật của Trí nhớ suy tàn mơ hồ hơn rất nhiều sau từ ’em’, đó là chỗ mạnh của Nguyễn Bình Phương. Chẳng ai biết cô ’em’ sắp hai mươi sáu tuổi ấy tên là gì, làm việc ở cơ quan, nhưng cơ quan nào, công việc gì cũng chẳng rõ…”
Theo GS Phùng Văn Tửu, chính sắc thái mù mờ có dụng ý kỹ thuật ấy – không loại trừ do “trí nhớ suy tàn” – tạo nên sức cuốn hút đông đảo bạn đọc nhập thân vào với “em”.
“Thiếu gì những độc giả tiểu thuyết là các cô gái trạc tuổi như ‘em’, có công ăn việc làm ở một cơ quan nào đó, có đủ loại bạn học ngày xưa, bạn bè hiện nay, có những chuyện linh tinh đời thường như ’em’, có những mối tình vui buồn, với những băn khoăn day dứt như ‘em’”, Phùng Văn Tửu viết.
PGS.TS Phùng Gia Thế đánh giá Trí nhớ suy tàn là những trang viết giàu chất thơ nhất của Nguyễn Bình Phương, thể hiện sinh động những vùng “hiện thực mờ”, vùng khuất lấp và cả sự thánh thiện trong cõi sâu thẳm mịt mù của con người.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương là một trong những cây bút cách tân hàng đầu của văn học Việt Nam hiện nay. 9 tiểu thuyết của ông đã được xuất bản gồm: Bả giời, Vào cõi, Những đứa trẻ chết già, Người đi vắng, Trí nhớ suy tàn, Thoạt kỳ thuỷ, Ngồi, Mình và họ, Kể xong rồi đi. Ông còn là tác giả của các tập thơ: Lam chướng, Khách của trần gian, Xa thân, Từ chết sang trời biếc, Thơ Nguyễn Bình Phương, Buổi câu hờ hững, Xa xăm gõ cửa.
Nguyễn Bình Phương đang là Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội – một tạp chí văn chương hàng đầu hiện nay.
Dịch giả Emmanuel Poisson là Giáo sư Lịch sử Việt Nam tại Đại học Paris Diderot. Ông còn là nhà nghiên cứu, với công trình Quan và Lại ở miền Bắc Việt Nam. Bên cạnh đó, ông đã chuyển ngữ các tác phẩm của Phong Điệp, Nguyễn Việt Hà và một số tác giả Việt sang tiếng Pháp.
Nguyễn Bình Phương, nguyên quán Hà Nội, sinh tại Thành phố Thái Nguyên. Tốt nghiệp trường Viết văn Nguyễn Du khóa IV. Từng đóng quân và làm báo tại biên giới phía Bắc, từng làm biên kịch tại Đoàn Kịch nói Quân đội, làm biên tập tại Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân. Hiện công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Mời các bạn đón đọc Trí Nhớ Suy Tàn của tác giả Nguyễn Bình Phương.