“Quá đát.”
“Gần đất xa trời.”
“Xế chiều.”
“Hưu trí.”
Những ngôn từ này cho thấy một sự ngộ nhận dai dẳng rằng tuổi tác là một trải nghiệm tiêu cực và tuổi già êm đẹp chẳng có gì khác ngoài việc làm chậm tiến trình suy thoái tất yếu của thân và tâm. Thật là sai lầm. Một số tặng phẩm quý giá nhất trong cuộc sống chỉ có thể đến bằng tuổi tác: Sự uyên bác, chẳng hạn, và sự tinh thông biết bao địa hạt kinh nghiệm khác của con người đều đòi hỏi hàng chục năm học hỏi. Tuổi tác là lúc con người đầy ắp những kinh nghiệm tích cực, và tuổi cao niên cũng là lúc để khai thác và thể hiện tiềm năng tích cực lớn lao mà mỗi chúng ta đều có, nhằm tiến hóa, thương yêu và hạnh phúc.
Tất nhiên, tuổi tác cũng mang lại những thách thức và tổn thất…”
Cuốn sách Trí Não Bất Bại (The Mature Mind) của tiến sĩ Gene D. Cohen là cuốn sách đầu tiên công bố một cách súc tích các khám phá đầy bất ngờ về não bộ và tuổi tác, mang lại tin vui thật sự cho những ai quan tâm đến hoạt động trí não, nhất là những người cao niên. Bằng lối mô tả thật cô đọng và đặc sắc về các thành tựu mới nhất của ngành thần kinh học, cùng với những câu chuyện minh họa lý thú và các ca nghiên cứu điển hình, ông đã giúp độc giả thay đổi hoàn toàn cái nhìn về tuổi tác và trí não, hiểu được bản thân và những người xung quanh, và có thể tự đề ra các chiến lược để hoàn thiện cá nhân.
Trước tiên, tôi muốn cám ơn sự hỗ trợ và kiên nhẫn đầy ân cần từ gia đình tôi trong thời gian tôi soạn sách này. Thực tế là trong suốt mười tháng này tôi đang hồi phục sau khi bị gãy xương đùi và phải giải phẫu hai lần, điều đó càng khiến cho cho sự ủng hộ của gia đình trở nên bội phần quý giá. Vợ tôi, Wendy Miller, và con gái tôi, Eliana, thật phi thường trong thời gian qua, và con trai tôi, Alex, cùng vợ, Kate, và hai cháu gái của tôi – Ruby và Lucy – cũng là một sự cổ vũ tuyệt vời từ nơi xa, ở Camden, Maine.
Tôi cũng muốn cám ơn những lời khuyên, sự trợ giúp và khích lệ vô giá mà Teresa Barker dành cho tôi trong quá trình lên kế hoạch, phác thảo sơ bộ và soạn thảo cuốn sách. Tôi cũng hết sức biết ơn Stephen Braun, người đã cộng tác rất chặt chẽ với tôi để giúp bản thảo cuối cùng đi đến đích, góp phần cực kỳ quan trọng trong việc bản thảo đạt chất lượng và kịp thời hạn.
Tôi cũng rất biết ơn Gail Ross, đại diện xuất bản của tôi, người đã nỗ lực để kết nối tôi với Basic Books và tiếp tục hỗ trợ để mọi việc diễn ra suôn sẻ. Và tôi cũng biết ơn rất nhiều với Howard Yoon, người đã làm việc cần mẫn với Gail trong suốt quá trình này. Cảm ơn Jo Ann Miller, biên tập viên sách của tôi tại Basic Books, người đã làm việc chặt chẽ với tôi, luôn luôn nhanh nhẹn và tận tình trả lời các câu hỏi, giải quyết vấn đề và thúc đẩy công việc.
Xin gửi lời tri ân sâu sắc đến các nhà bảo trợ những cuộc nghiên cứu chủ chốt tôi mô tả trong sách này. Tổ chức Atlantic Philanthropies (USA) Inc. đã hỗ trợ Nghiên cứu Hưu niên Thế kỷ 21. Cùng với Quỹ Helen Bader, họ cũng hỗ trợ biên soạn và đánh giá danh mục sách thiếu nhi đã chọn (để trẻ em có cái nhìn tích cực về sự lão hóa).
Nghiên cứu Tính sáng tạo và Cao niên đã được hỗ trợ bởi sáu nhà bảo trợ, dẫn đầu bởi Quỹ Bảo trợ Nghệ thuật Quốc gia (NEA). Năm nhà bảo trợ kia là Trung tâm Dịch vụ Sức khỏe Tâm thần thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ, Viện Sức khỏe Tâm thần tại Viện Y tế Quốc gia, AARP, Quỹ Stella và Charles Guttman và Quỹ Nghiên cứu Âm nhạc Quốc tế. Về cuộc nghiên cứu này, xin đặc biệt cám ơn Paula Terry, cán bộ dự án tại NEA. Sau khi cuốn sách Thời sáng tạo của tôi ra đời, Paula, người đứng đầu Văn phòng Chương trình Tiếp cận và điều phối các dự án về lão hóa tại Quỹ Bảo trợ Nghệ thuật Quốc gia, đã đọc và quan tâm đến phần tóm tắt của cuộc nghiên cứu về tác động của sự biểu đạt sáng tạo đối với sức khỏe ở tuổi cao niên. Quỹ bảo trợ này từ lâu đã cam kết đưa toàn bộ các loại hình nghệ thuật đến với những người không đủ điều kiện tiếp cận, gồm cả người lớn tuổi. Nhận thấy phần dữ liệu ít ỏi ấy đã đề cập đến tác động của các chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp đối với người lớn tuổi, Paula đã khuyến khích tôi soạn định hướng cho một cuộc nghiên cứu và nộp đề xuất cho Quỹ.
Tôi cũng xin cám ơn Quỹ Small-Alper Family đã đóng góp cho quá trình biên soạn cuốn sách này.
Cuối cùng, tôi muốn bày tỏ sự tri ân đặc biệt với các đồng nghiệp của tôi tại ba địa bàn nghiên cứu trong Nghiên cứu Tính sáng tạo và Cao niên mà tôi đã dẫn dắt. Jeanne Kelly, thuộc Trường Âm nhạc Levine, giữ vai trò giám đốc nghệ thuật khu vực Washington, D.C., một phần của cuộc nghiên cứu. Jeff Chapline, người đứng đầu Trung tâm Cao niên và Thanh niên trong Nghệ thuật (CEYA), chỉ đạo khu vực San Francisco. Susan Perlstein, người đứng đầu tổ chức Người cao niên Chia sẻ Nghệ thuật (ESTA), chỉ đạo khu vực Brooklyn và chia sẻ các phát hiện quan trọng của Nghiên cứu về Tính sáng tạo và Cao niên với Trung tâm Quốc gia về Cao niên Sáng tạo (NCCA), mà bà cũng là người lãnh đạo, để thúc đẩy việc đưa các kết quả nghiên cứu vào ứng dụng thực tiễn trong các chương trình nghệ thuật cộng đồng trên cả nước. Làm việc với những đồng nghiệp tuyệt vời này giống như được đứng trong một đội hình lý tưởng.
Trở ngại lớn nhất đối với hành trình khám phá không phải là sự dốt nát – mà là ảo tưởng về sự hiểu biết.
• Daniel J. Boorstin
“Quá đát.”
“Gần đất xa trời.”
“Xế chiều.”
“Hưu trí.”
Những ngôn từ này cho thấy một sự ngộ nhận dai dẳng rằng tuổi tác là một trải nghiệm tiêu cực và tuổi già êm đẹp chẳng có gì khác ngoài việc làm chậm tiến trình suy thoái tất yếu của thân và tâm. Thật là sai lầm. Một số tặng phẩm quý giá nhất trong cuộc sống chỉ có thể đến bằng tuổi tác: Sự uyên bác, chẳng hạn, và sự tinh thông biết bao địa hạt kinh nghiệm khác của con người đều đòi hỏi hàng chục năm học hỏi. Tuổi tác là lúc con người đầy ắp những kinh nghiệm tích cực, và tuổi cao niên cũng là lúc để khai thác và thể hiện tiềm năng tích cực lớn lao mà mỗi chúng ta đều có, nhằm tiến hóa, thương yêu và hạnh phúc.
Tất nhiên, tuổi tác cũng mang lại những thách thức và tổn thất. Nữ diễn viên Bette Davis từng có câu châm biếm nổi tiếng, “Tuổi tác không dành cho những ai yếu đuối”. Mắt có thể mờ, tai có thể ngễnh ngãng, bạn bè có thể lìa trần hoặc không thể đi lại. Tất cả những điều này đều là sự thật, nhưng không phải toàn bộ sự thật. Từ xưa đến nay, khoa học và văn hóa trong xã hội phương Tây tập trung hoàn toàn vào những mặt tiêu cực của sự lão hóa và phớt lờ mặt tích cực. Đã đến lúc phải có một mô hình tốt đẹp hơn, đích thực hơn và giàu cảm hứng hơn – không phải một nhãn quan màu hồng, mọi thứ đều tuyệt vời, mà một cái nhìn chân thực để ghi nhận thực tế khó khăn của tuổi tác đồng thời tôn vinh những lợi ích, niềm vui và thành quả nó mang lại. Với cuốn sách này, tôi muốn phá vỡ ảo tưởng “kiến thức” về lão hóa dựa trên lý luận sai lầm, thiếu nghiên cứu và định kiến về bệnh tật và bệnh lý. Quan điểm tích cực của tôi về quá trình lão hóa xuất phát từ kết quả tiên tiến trong nghiên cứu khoa học cũng như kinh nghiệm của riêng tôi trong vai trò bác sĩ tâm thần, với hơn 35 năm điều trị cho những người cao niên và gia đình của họ.
Các kết quả nghiên cứu mới nhất rất đáng khích lệ và quan trọng. Việc chối bỏ hoặc xem thường tiềm năng tích cực của quá trình lão hóa sẽ khiến người ta không nhận thức được trọn vẹn tài năng, trí tuệ và cảm xúc của chính mình. Khi ta kỳ vọng tuổi tác sẽ đến cùng với một sự tiến hóa, sự tiến hóa ấy sẽ được vun đắp. Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài để làm chuyển biến nhận thức này, nhưng tôi hy vọng cuốn sách này sẽ là chất xúc tác mạnh mẽ để tạo nên sự thay đổi theo chiều hướng đó.
Khoa học mới, những chân trời mới
Một số nghiên cứu thú vị nhất hậu thuẫn cho quan niệm tích cực về lão hóa được lấy từ các nghiên cứu gần đây về não bộ và trí tuệ. Phần lớn các nghiên cứu lão hóa được tiến hành trong thế kỷ 20 đều nhấn mạnh việc cải thiện sức khỏe cho cơ thể lão hóa. Kết quả là tuổi thọ và sức khỏe tổng thể được cải thiện đáng kể trong thực tế. Nghiên cứu lão hóa vào đầu thế kỷ 21, ngược lại, đã diễn ra với trọng tâm nhấn mạnh rõ nét vào việc cải thiện sức khỏe tinh thần. Hàng chục kết quả nghiên cứu mới đã làm đảo lộn quan niệm cho rằng não cao tuổi không còn sức tiếp thu. Kết quả chỉ ra rằng não cao tuổi không những tiếp thu tốt mà thật ra, đối với nhiều công việc trí óc, còn tốt hơn cả não bộ trẻ tuổi.
Thông tin trọng đại ở đây là não bộ linh hoạt hơn và thích ứng hơn rất nhiều so với những gì mọi người từng nghĩ. Não không những giữ nguyên khả năng tạo ký ức mới, vốn đòi hỏi khởi tạo các kết nối mới giữa các tế bào não, mà còn sinh ra những tế bào não hoàn toàn mới – một phát hiện choáng váng và đầy hứa hẹn. Chúng ta cũng biết được rằng não bộ lớn tuổi có thể xử lý thông tin một cách rất khác so với não bộ trẻ tuổi. Những người lớn tuổi có thể sử dụng cả hai bán cầu não để làm việc trong khi những người trẻ tuổi chỉ sử dụng một bên. Nhiều công trình khoa học cũng khẳng định cơ chế “càng dùng càng tốt”: Trí óc phát triển mạnh mẽ hơn khi bị thách thức, hệt như cơ bắp được luyện tập thì cường tráng. Nhưng não bộ không phải là bộ phận duy nhất có tiềm năng lớn lao hơn ta tưởng. Tính cách, tính sáng tạo và “các thể” tâm lý của ta vẫn tiếp tục phát triển suốt đời. Điều này giờ đây nghe thật hiển nhiên, nhưng suốt nhiều thập kỷ các nhà khoa học nghiên cứu hành vi con người đã không đồng tình quan điểm này. Thật ra, trước cuối thế kỷ 20, người ta không mấy chú ý đến sự phát triển tâm lý trong nửa sau cuộc đời, và mỗi khi quan tâm, họ thường rút ra những kết luận sai lầm. Ví dụ, Sigmund Freud, người có ảnh hưởng lớn đến lý thuyết tâm lý học, đã nói thế này về người cao niên: “Vào khoảng 50 tuổi, như một quy luật, các tiến trình trí não thiếu độ đàn hồi, vốn là nền tảng của trị liệu. Người già không còn đào luyện được nữa”.
Trớ trêu thay, Freud khẳng định điều này vào năm 1907, khi ông 51 tuổi, và một số tác phẩm vĩ đại nhất của ông đã được viết sau tuổi 65. Chưa hết, Oedipus Rex của Sophocles, kiệt tác mà Freud dựa vào để hình thành lý thuyết phân tâm học tiên phong của mình, được viết khi kịch tác gia Hy Lạp này 71 tuổi.
Freud không phải là người tiên phong duy nhất nói sai về lão hóa. Jean Piaget, người đã có công lớn giúp chúng ta hiểu về sự phát triển nhận thức, đã kết thúc phần mô tả của ông về quá trình phát triển trí tuệ bằng khái niệm ông gọi là “thao tác hình thức”, loại tư duy trừu tượng vốn trưởng thành trong những năm niên thiếu. Theo Piaget, sự phát triển này dừng lại vào đầu độ tuổi trưởng thành và sau đó bắt đầu một tiến trình suy thoái chậm.
Ngay cả nhà tâm lý học phát triển vĩ đại Erik Erikson, một trong những vị thầy dạy tôi tại Đại học Harvard, cũng chú ý rất ít đến sự phát triển ở tuổi cao niên. Erikson vạch ra tám giai đoạn phát triển tâm lý và định nghĩa mỗi giai đoạn như một vấn đề, hoặc xung đột, phải giải quyết. Thế nhưng chỉ duy nhất một giai đoạn của ông đề cập đến sự phát triển sau tuổi trưởng thành – được gọi là “thời kỳ trưởng thành,” kéo dài đến 50 năm! Tác phẩm kinh điển của ông mang tên “Bản thể và chu trình sống” đề cập chỉ một trang cho mỗi giai đoạn trong hai giai đoạn cuối của đời người. Erikson được ghi nhận là một trong những nhà tư tưởng có uy tín đầu tiên khẳng định rằng có một dạng phát triển tâm lý diễn ra trong suốt cuộc đời. Ông thừa nhận công trình của mình về lão hóa là không đầy đủ, và đã mời gọi các sinh viên tiếp tục đi vào lĩnh vực này. Cuốn sách này một phần cũng là sự đáp lại của tôi đối với lời kêu gọi Erikson nêu ra cách đây mấy thập kỷ.
Bốn giai đoạn
Trong cuốn sách này, tôi trình bày một kiến giải mới về sự phát triển tâm lý ở nửa sau của đời người. Quan điểm mới này giải thích nhiều điều về tuổi cao niên, và cơ bản là tư tưởng cấp tiến và lạc quan về tiềm năng con người có thể phát triển, sáng tạo và viên mãn về cảm xúc trong suốt cuộc đời. Dựa trên các nghiên cứu với hơn 3.000 người lớn tuổi, các cuộc phỏng vấn chuyên sâu và câu hỏi khảo sát được tiến hành nhiều lần trong nhiều năm, tôi đã xác định được bốn giai đoạn phát triển ở tuổi cao niên: tái đánh giá ở tuổi trung niên, khai phóng, đúc kết và encore [vẫn tiếp diễn].
Con người bước vào và đi qua những giai đoạn này bởi tác động của những động lực, ham muốn và sự thôi thúc trồi sụt trong suốt cuộc đời. Tôi gọi những động lực này là “Động lực Nội tại” và đã chứng kiến nó ở hàng ngàn đối tượng lớn tuổi tham gia các dự án nghiên cứu và lâm sàng của tôi. Động lực Nội tại là nhiên liệu thúc đẩy sự phát triển; nó vận hành phối hợp với những biến đổi trong não bộ cao tuổi mà tôi khảo sát trong chương 1. Tôi quan niệm các giai đoạn này linh hoạt và năng động hơn so với quan niệm của Erikson vì tôi nhận ra rằng khi lớn tuổi, mọi người rất khác nhau về mọi mặt, và không một hệ thống cứng nhắc nào chính xác cho tất cả. Các giai đoạn tôi đưa ra là có thật – tôi đã nhìn thấy chúng hiển lộ – nhưng mọi người trải nghiệm chúng theo những cách khác nhau và đôi khi theo một trình tự hơi khác với những gì tôi trình bày.
Giai đoạn đầu tiên, tái đánh giá ở tuổi trung niên, là thời điểm thăm dò và chuyển tiếp. Đây hoàn toàn không phải “khủng hoảng tuổi trung niên” – khái niệm mà nghiên cứu hiện nay cho thấy đã bị thổi phồng và phần lớn chỉ là một sự ngộ nhận trong văn hóa. Chỉ 10% những người tôi phỏng vấn cho biết họ gặp khủng hoảng tuổi trung niên. Thay vào đó, tôi thấy trong giai đoạn này, từ khoảng 40 đến 65 tuổi, người ta trải qua một cuộc tái đánh giá sâu sắc, và thường tự vấn: Lâu nay tôi đang ở đâu? Giờ tôi đang ở đâu? Tôi sẽ đi về đâu? Với hầu hết mọi người, giai đoạn này không phải một cuộc khủng hoảng mà là một cuộc tìm kiếm – ước muốn tìm được lãnh địa mới, giải đáp được những câu hỏi sâu xa và tìm kiếm những gì xác thực và mang ý nghĩa trong cuộc sống.
Tiếp theo giai đoạn tái đánh giá ở tuổi trung niên là giai đoạn mà tôi gọi là khai phóng: Giai đoạn ta cảm thấy muốn thử nghiệm, đổi mới và giải thoát bản thân khỏi những sự kiềm tỏa hoặc bó buộc trước đó. Mong ước này thường chồng lấp với thời điểm tái đánh giá ở tuổi trung niên và sau đó tiếp diễn mạnh mẽ suốt từ cuối độ tuổi 50 và 60 sang đến 70. Trong thời gian này, não bộ chúng ta trải qua những biến đổi sinh lý quan trọng, trong đó có việc sinh sôi các kết nối mới giữa các tế bào não và vận dụng cân bằng hơn hai bán cầu não. Đây là lúc người ta thường nảy sinh ý niệm: “Nếu không phải lúc này thì lúc nào?”.
Giai đoạn đúc kết, từ độ tuổi cuối 60 sang 70 và 80, là thời kỳ tổng kết, giải quyết, và đánh giá. Một trong những thành quả chung của giai đoạn tự đúc kết này là ước muốn đáp trả – cho gia đình, bạn bè và xã hội. Hoạt động tình nguyện và tham gia từ thiện, vốn thịnh hành ở những người cao niên và kéo dài cho đến độ tuổi 80, là hai biểu hiện có thể thấy của giai đoạn này.
Đối với giai đoạn cuối, tôi dùng từ “encore”, mượn từ tiếng Pháp, để diễn tả nghĩa “một lần nữa”, “vẫn” và “tiếp tục”. Giai đoạn này không phải là vũ điệu bế mạc, mà là ước muốn dấn bước, bất chấp nghịch cảnh hoặc mất mát. Nhu cầu duy trì sức sống này có thể dẫn đến những biểu hiện mới về sáng tạo và hoạt động xã hội, khiến cho thời kỳ này đầy rẫy bất ngờ.
Khi mọi người hiểu được các giai đoạn này của nửa đời về sau và cơ chế hoạt động của chúng, tôi thấy họ trở nên tràn đầy động lực và nhiệt huyết. Khi thoát khỏi những ảo tưởng quá tiêu cực về tuổi tác, người ta thường được khích động bởi nhiệt huyết mới, hướng đi mới hoặc mục đích mới.
Trí thông minh tiến hóa
Trong sách này, tôi giới thiệu một khái niệm mới, trí thông minh tiến hóa, mà tôi cho là lợi ích lớn nhất của não bộ/trí óc cao niên. Trí thông minh tiến hóa là mức độ biểu hiện của mỗi người về năng lực thần kinh, cảm xúc, trí tuệ và tâm lý độc nhất của mình. Nó cũng là tiến trình mà những yếu tố này được hợp nhất tối ưu trong não bộ trưởng thành. Cụ thể hơn, trí thông minh tiến hóa phản ánh sức mạnh tổng hợp thành thục của nhận thức, trí tuệ cảm xúc, sự phán đoán, kỹ năng xã hội, kinh nghiệm sống và ý thức. Tất cả chúng ta đều thông minh về mặt tiến hóa ở một mức độ nào đó và, cũng như với trí tuệ, chúng ta có thể chủ động thúc đẩy sự tăng trưởng của nó. Khi ta trưởng thành, trí thông minh tiến hóa được thể hiện dưới dạng sự uyên bác, óc đánh giá, quan điểm và tầm nhìn. Trí thông minh tiến hóa cao cấp được chia làm ba dạng tư duy và lý luận đặc trưng, và hình thành muộn hơn giai đoạn “thao tác hình thức” của Piaget[1] nên được gọi là “thao tác hậu hình thức” (postformal operations): Tư duy tương đối (nhận thức rằng kiến thức có thể là tương đối chứ không tuyệt đối); tư duy biện chứng (khả năng phát hiện và luận giải sự mâu thuẫn của những quan điểm đối nghịch và dường như không thể tương thích); và tư duy hệ thống (có khả năng nhìn thấy bức tranh bao quát hơn, phân biệt được giữa rừng và cây).
Ba dạng tư duy này “cao cấp” theo nghĩa rằng chúng không tự nhiên có được ở tuổi trẻ; chúng ta thích câu trả lời của mình phải đen hoặc trắng, đúng hay sai. Và chúng ta thường thích có câu trả lời bất kỳ hơn không có gì cả. Phải mất thời gian, kinh nghiệm và nỗ lực để có được lối tư duy linh hoạt và tinh tế hơn. Khả năng chấp nhận sự bất định, thừa nhận rằng những câu trả lời thường mang tính tương đối, và gác lại phán xét để đánh giá cẩn thận các luận điểm đối nghịch là một chỉ dấu đích thực của trí thông minh tiến hóa. Trong cuốn sách này, tôi sẽ chỉ cho bạn cách trau dồi trí thông minh tiến hóa để từ đó gặt hái thành quả.
Hai nghiên cứu mới
Tôi có hân hạnh dẫn dắt hai cuộc nghiên cứu đột phá về tuổi cao niên kể từ năm 2000; một xem xét diện mạo mới của giai đoạn hưu niên và một xét đến những lợi ích tích cực của sự sáng tạo ở người lớn tuổi. Cả hai cuộc nghiên cứu đã mang lại những kết quả bất ngờ – và đáng khích lệ. Nghiên cứu về hưu niên của tôi cho thấy từ “nghỉ hưu” lỗi thời ra sao. Với hầu hết mọi người hiện nay, độ tuổi sau 65 hoàn toàn không phải để “nghỉ ngơi”. Chẳng phải mọi người đều không chịu nghỉ ngơi và tận hưởng cho bản thân, nhưng hầu hết những người tôi phỏng vấn đều xem đoạn đời này như cơ hội lớn để theo đuổi các hoạt động và sở thích mà trước đây họ không có thời gian. Rất khác với tinh thần thoát ly khỏi đời sống xã hội và và văn hóa (như đã được mặc nhiên công nhận bởi các nghiên cứu có uy tín trước đây), thời “hưu niên” giờ đây lại dẫn đến sự tham gia sâu rộng hơn, những mối quan hệ tâm đắc hơn, sự mở mang thêm về trí tuệ, và nhiều niềm vui hơn.
Cuộc nghiên cứu kia của tôi khảo sát những tác động về tinh thần, thể chất và cảm xúc khi tham gia một chương trình nghệ thuật cộng đồng. Một lần nữa, tôi và các đồng nghiệp đã có những khám phá bất ngờ. Trái ngược với ngộ nhận của xã hội, sự sáng tạo chẳng phải là độc quyền của tuổi trẻ. Nó có thể bừng nở ở bất kỳ lứa tuổi nào – và thực tế, nó có thể nảy nở sâu sắc và phong phú hơn ở người lớn tuổi vì họ được bồi đắp bởi kho tàng kiến thức và kinh nghiệm rộng lớn. Như tôi sẽ giải thích sau, việc tham gia bất kỳ chương trình nghệ thuật nào, gồm cả nghệ thuật phi thị giác như âm nhạc, múa và sân khấu, đều có thể cải thiện sức khỏe, quan điểm và khả năng hồi phục của bạn.
Hai nghiên cứu này hàm chứa những ẩn ý quan trọng, cho các cá nhân và cả những người chịu trách nhiệm hỗ trợ sức khỏe và phúc lợi cho người cao tuổi. Kết quả từ nghiên cứu về tính sáng tạo của chúng tôi, chẳng hạn, là hết sức quý giá với các giám đốc chương trình tại các trung tâm người cao niên. Tương tự, kết quả từ nghiên cứu về hưu niên – rằng nhiều người lớn tuổi đang tìm công việc bán thời gian, sẽ là thông tin đáng quan tâm với giám đốc nhân sự trong các công ty và tổ chức phi lợi nhuận. Khi trình bày các kết quả nghiên cứu, tôi hy vọng sẽ đưa ra được một định hướng giúp cải thiện sự hỗ trợ của xã hội và mang đến cơ hội học tập cho tất cả những người lớn tuổi.
Niềm hy vọng của tôi
Năm 1971, khi tôi bước vào lão khoa, đó là một lĩnh vực nghiên cứu tương đối mới, còn thiếu thốn và chập chững với các định kiến và quan niệm sai lạc. Cách đây chưa lâu, vào những năm 1960 và 1970, nhiều chuyên gia vẫn coi tuổi già là căn bệnh: Họ tin rằng tâm và thân tự khắc sẽ trục trặc, như một chiếc xe sau nhiều năm sử dụng.
Đến giữa những năm 1970, các quan điểm này bắt đầu thay đổi bởi ngày càng có nhiều bằng chứng thực tế về lão hóa và dân số lớn tuổi bắt đầu tăng vọt. Chính phủ liên bang bắt đầu chi hàng triệu đô-la cho nghiên cứu mới thông qua hai chương trình lớn: Viện Quốc gia về Lão hóa và Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Tâm thần Cao niên, mà với cuộc nghiên cứu sau, tôi đã may mắn là giám đốc đầu tiên. Các nhà nghiên cứu bắt đầu hiểu rằng bản thân lão hóa không phải là một bệnh; nó chỉ đơn thuần là một quãng đời mà nhiều bệnh bỗng bộc lộ – những cái gọi là các vấn đề liên quan đến tuổi tác. Trọng tâm mới này đã thúc đẩy lĩnh vực lão khoa và cho một cái nhìn cân bằng hơn về tuổi già. Các nhà nghiên cứu thấy những người lớn tuổi khỏe mạnh vẫn duy trì năng lực tinh thần và cảm xúc mạnh mẽ và thường chỉ suy giảm dần dần về thể lực.
Hơn 30 năm sau đó, mức tài trợ cho nghiên cứu về lão hóa đã tăng từ 50 triệu đô-la một năm lên hơn 1 tỉ đô-la hiện nay. Tuy nhiên, bất chấp quỹ thời gian và tài chính dồi dào, các nghiên cứu thường vẫn tập trung vào các vấn đề của tuổi già. Ngay cả cuốn sách quan trọng gần đây, Tuổi cao niên viên mãn (Successful Aging), của John Rowe và Robert Kahn, cũng trình bày mục tiêu nhằm giảm thiểu suy thoái chứ không nhìn nhận tiềm năng to lớn để phát triển tích cực ở nửa đời về sau. Mặc dù Rowe và Kahn đã đúng khi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì sức khỏe, chức năng tâm thần, và sự tham gia tích cực trong đời sống, họ không trình bày khả năng cải thiện những khía cạnh này theo tuổi tác.
Cuốn sách này trình bày một mô hình mới của tiến trình lão hóa, một mô hình mà tôi hy vọng rốt cục sẽ thay thế những quan niệm và giả định tiêu cực hiện nay. Mô hình này nhìn nhận tiềm năng, bên cạnh các vấn đề liên quan đến lão hóa. Nó định vị lại tiến trình lão hóa như một chuỗi giai đoạn phát triển để thật sự thúc đẩy sự tiến hóa, ngược với quan niệm lão hóa là một sự suy thoái tất yếu. Cuốn sách này cho thấy ta có thể nâng đỡ và trau dồi năng lực sẵn có của mình ra sao để thay đổi tích cực. Tôi thật lòng hy vọng nó sẽ thúc đẩy sự đối thoại về chủ đề này bằng cách truyền đi thông điệp đầy hứa hẹn về các giá trị và năng lực của trí não cao niên.
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn