Ở Việt Nam, nếu nói đến các bậc tiên tri thì trước hết phải kể đếnTrạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Những câu chuyện về tài tiên tri của Trạng chủ yếu là còn lại dưới hình thức các giai thoại đó gồm ba loại chính: khi trạng còn sống, sau khi trạng mất, những suy diễn của người sau.
Nhiều người trong chúng ta từ khi còn nhỏ đã được nghe những lời đồn đại về Sấm Trạng Trình với một vẻ đầy huyền bí cao siêu. Vậy Sấm Trạng Trình là gì? Từ những năm 30 của thế kỷ này, câu chuyện sấm bắt đầu rộ lên sau cuộc khởi nghĩa bất thành do nhà cách mạng Nguyễn Thái Học lãnh đạo với những câu:
Tan tác KIẾN kiều AN đất nước
Xác xơ CỔ thụ sạch AM mây
LÂM giang nổi nóng sóng mù THAO cát
HƯNG địa tràn dâng HÓA nước đầy…
mà người ta cho là có gắn với những nơi xảy ra cuộc khởi nghĩa.
Sau cuộc Đại chiến thế giới thứ hai thì nói đến đoạn:
Long vĩ xà đầu khởi chiến tranh
Can qua xứ xứ khổ đao binh
Mã đề dương cước anh hùng tận.
Thân Dậu niên lai kiến thái bình.
Năm 1945, hai triệu đồng bào ta chết đói rồi Cách mạng Tháng Tám thành công lại thấy lan truyền hai câu:
Mười phần chết bẩy còn ba
Chết hai còn một mới ra thái bình.
Vậy trong những câu gọi là Sấm Trạng Trình thì đâu là sự thực? Có đúng là của Trạng viết ra không?…
Về nhà thơ có nhiều đóng góp trong việc xây dựng nền văn thơ chữ Nôm của ta hồi thế kỷ thứ 16, nhiều tài liệu, sách vở đã được biên soạn. Tuy nhiên không chỉ vì đã đỗ Trạng Nguyên lại được phong tước Trình Tuyền hầu, Lại Bộ Thượng thư… mà cụ được nhân dân ta yêu mến gọi là Trạng Trình. Cái tên gọi với hàm ý sâu xa đầy kính phục đó còn là do những lời đoán định tiên tri, đặc sắc của cụ trong cuộc sống thường nhật cũng như thời cuộc lúc bấy giờ. Về phương diện này, giới nghiên cứu Việt Nam đã bỏ qua một thời gian khá dài thiếu quan tâm đúng mức. Theo tác giả Phạm Đan Quế thì từ năm 1954 đến 1992-thời điểm cuốn sách Giai thoại và sấm ký Trạng Trình ấn hành lần đầu tiên, vẫn chưa có một cuốn sách riêng về sấm Trạng. Vì vậy, quyển sách này là một đóng góp rất đáng quí của tác giả để phần nào giải đáp những thắc mắc còn tồn tại xoay quanh Trạng Trình. Dù còn hạn chế về tư liệu nhưng khi đọc tác phẩm này, độc giả có thể thấy được sự nỗ lực của ông để trình bày vấn đề một cách khoa học.