Trạng Quỳnh – Trạng Quỷnh là một bộ truyện tranh thiếu nhi nhiều tập của Việt Nam, tập truyện đầu tiên mang tên Sao sáng xứ Thanh được Nhà xuất bản Đồng Nai phát hành giữa tháng 6 năm 2003.
Ban đầu, tác phẩm được đặt là Trạng Quỳnh (từ tập 1 đến tập 24), còn từ tập 25 trở đi thì đặt tên là Trạng Quỷnh.
Tác phẩm được thực hiện bởi tác giả Kim Khánh. Bộ truyện được phát hành bởi Nhà xuất bản Đồng Nai. Trung bình một tháng thì hai tập truyện Trạng Quỳnh – Trạng Quỷnh (tranh đen trắng) được phát hành. Truyện lấy bối cảnh cả 2 Đàng thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, nếu xét riêng theo bố cục bộ truyện, thì thời gian này ở Đàng Ngoài vào những năm Bảo Thái dưới thời Hoàng đế Lê Dụ Tông và Nhiếp chính Định Nam Vương Trịnh Căn, Đàng Trong dưới thời Đức Tộ Quốc Công Minh Vương Nguyễn Phúc Chu, những sự kiện xảy ra trong truyện không chính xác tuyệt đối với những gì xảy ra trên thực tế. Tác phẩm này ban đầu kể lại về cuộc đời của Trạng Quỳnh – một người có tính cách trào phúng dân gian Việt Nam.
Trong truyện này, Trạng Quỳnh vốn thông minh từ trong bụng mẹ. Trước khi cậu sinh ra, một lần bà mẹ ra ao giặt đồ, bỗng nhìn thấy một con vịt, bà mẹ liền ngâm câu thơ, và lập tức có tiếng đối đáp lại trong bụng vịt. Bà cho rằng đó là điềm lạ, nghĩ rằng bà sẽ sinh ra một quý tử, hiểu biết hơn người, sẽ là người có tiếng tăm. Thời gian trôi qua, bà hạ sinh một bé trai, tư dung thông minh lạ thường, đặt tên là Quỳnh. Từ nhỏ, Quỳnh đã tỏ ra thông minh, học đâu nhớ đấy. Cậu ước mơ sau này sẽ làm ông trạng. Mặt khác, cậu cũng khá quậy, thường ở bẩn. Cậu gặp chuyện gì cũng có thể giải quyết, đối đáp rất giỏi. Ngay cả thầy và chúng bạn cũng khâm phục về tài trí của cậu. Khi cậu trưởng thành, người ta bảo nhau rằng cậu ấy vẫn nghịch ngợm, nhưng điều đặc biệt là cậu không nghịch bằng hành động mà bằng trí thức của mình. Một ngày nọ, cậu bỗng gặp Quỷnh – đứa con nuôi của quan thái y sau này, rất quậy, đang bị một người chủ đuổi đánh. Từ đó, cậu đặt cho Quỷnh là Quỷnh “tai to” và nhận cậu làm tiểu đồng. Sau đó, Quỷnh cũng đã trở nên thông minh như cậu.
Tuy nhiên, điều đáng buồn là Quỳnh đã bị Định Nam Vương mời ăn một bữa cơm ‘báo thù’, cậu được chúa mời ăn toàn thịt, nhưng đó lại có độc, riêng về phần chúa thì chỉ ăn rau vì không có độc. Cậu về nhà bảo với vợ nếu thấy cậu úp sách lên ngực thì thôi, còn nếu úp lên mặt thì cậu đã đi rồi, và hãy chờ trong 3 ngày đừng làm ma chay mà chỉ mở tiệc mừng, khi nào nghe tin chúa băng hà hãy làm đám ma, để giống như Quỳnh nằm đọc sách trên võng, mà không biết rằng cậu đã chết. Tin lọt đến tai chúa Trịnh. Chúa liền thử những món thịt đã cho Quỳnh ăn thì chúa trúng độc băng hà, nên có câu “Trạng chết, Chúa cũng băng hà”, Khi cậu chết, gia đình và dân làng đều thương tiếc. Sau khi cậu mất, Quỷnh đã quyết tâm để trở thành một người thông minh, sáng dạ giống như cậu Quỳnh đời trước. Cậu thường hay giúp người, trừ bạo, nhưng đôi khi còn nghịch ngợm.