Trà hoa nữ (tiếng Pháp: La Dame aux camélias) là một tiểu thuyết của Alexandre Dumas con (1824 – 1895) viết năm ông 23 tuổi và được xuất bản lần đầu vào năm 1848, là cuốn tiểu thuyết bán tự truyện dựa trên mối tình ngắn ngủi của tác giả và kỹ nữ Marie Duplessis.
Trà hoa nữ là một câu chuyện đau thương về cuộc đời nàng kỹ nữ yêu hoa trà có tên là Marguerite Gautier. Nội dung Trà hoa nữ kể về mối tình bất thành của anh nhà giàu Duval với cô kỹ nữ Marguerite, một đề tài tưởng đâu là quen thuộc, nhưng bằng ngòi bút sắc sảo cộng với tình cảm bao dung mà tác giả muốn truyền tải, truyện được độc giả đón nhận không ngần ngại, dù là giới quý tộc, cái giới bị hạ thấp hơn cả cô kỹ nữ trong truyện. Mặc dù Marguerite sống bằng nghề kỹ nữ nhưng trái với nghề của mình, Marguerite là người có tâm hồn và cá tính; nàng có lòng vị tha, biết hi sinh bản thân mình cho người mình yêu. Marguerite Gautier trong chuyện được viết dựa trên hình mẫu của Marie Duplessis, người yêu của chính tác giả.
Dumas Davy De La Pailleterie (sau này là Alexandre Dumas) sinh năm 1802 tại Villers Cotterêts trong khu Aisne, ở Picardy, Pháp. Ông có hai chị gái là Marie Alexandrine (sinh năm 1794) và Louise Alexandrine (1796 – 1797). Cha mẹ ông là bà Marie Louise Élisabeth Labouret, con gái của một chủ nhà trọ và ông Thomas Alexandre Dumas.
Ông Thomas Alexandre được sinh ra tại thuộc địa Saint Domingue của Pháp (nay là Haiti), là con lai ngoài giá thú của Hầu Tước Alexandre Antoine Davy De La Pailleterie, một quý tộc Pháp, Cao Ủy Trưởng về pháo binh trong khu thuộc địa với Marie Cessette Dumas, nữ nô lệ da đen có nguồn gốc từ Afro Caribbean. Không ai biết rõ bà được sinh ra tại Saint Domingue hay ở Châu Phi (dù thực tế bà đã có một tên họ bằng tiếng Pháp nên có lẽ bà là người thiểu số Creole) và cũng không biết rằng cội nguồn của bà là ở đâu.
Được cha đem về Pháp và cậu bé Thomas đã sống tự do một cách hợp pháp tại đây, Thomas Alexandre Dumas Davy theo học một trường quân đội và gia nhập quân ngũ khi còn thiếu niên. Khi trưởng thành, Thomas Alexandre lấy tên của mẹ là Dumas làm họ sau khi cắt đứt quan hệ với cha. Dumas được thăng cấp tướng năm 31 tuổi, người lính đầu tiên có gốc gác Afro Antilles đạt được cấp bậc này trong hàng ngũ quân đội Pháp. Ông đã tham gia trong Chiến Tranh Cách Mạng Pháp. Ông trở thành Tổng Chỉ Huy Trưởng trong Quân Đội Pyrenees, người đàn ông da màu đầu tiên đạt được cấp bậc đó. Dù là một vị tướng dưới trướng của Napoléon Bonaparte trong các chiến dịch ở Ý và Ai Cập nhưng Thomas Dumas không còn được tín nhiệm vào năm 1800 nên đã yêu cầu nghỉ phép để quay về Pháp. Trên đường về, tàu của ông phải dừng lại ở Taranto thuộc Vương quốc Napoli, tại đây ông và những người khác bị giữ làm tù binh. Trong hai năm bị giam giữ, sức khỏe ông đã bị yếu đi. Tại thời điểm Alexandre Dumas được sinh ra, cha ông bị suy kiệt nặng nề. Ông Thomas qua đời vì ung thu năm 1806 khi Alexandre lên 4. Người mẹ góa phụ Marie Louise không đủ sức lo cho việc học hành của con trai nhưng Dumas tập đọc mọi thứ trong khả năng và còn tự học tiếng Tây Ban Nha. Những câu truyện kể của mẹ về lòng dũng cảm của người cha trong các trận đánh đã truyền cảm hứng cho trí tưởng tượng sinh động của cậu bé. Mặc dù trở nên nghèo túng, gia đình vẫn có danh tiếng lỗi lạc của người cha để lại và thứ hạng quý tộc để trợ giúp con cái thăng quan tiến chức. Năm 1822, sau khi triều Bourbon phục hưng, Alexandre Dumas 20 tuổi chuyển đến Paris. Ông đã có được một vị trí trong văn phòng thuộc Cung Điện Hoàng Gia của Công Tước Orléans – Louis Philippe.
Ông lớn lên với sự chăm sóc và giáo dục của mẹ Dumas học hành chểnh mảng, khi học xong ông làm thư ký cho một phòng công chứng, và bắt đầu viết những vở kịch đầu tiên cùng với một người bạn, Tử Tước Adolphe Ribbing De Leuven. Nhưng những tác phẩm đầu tay đó thất bại.
Năm 1823, nhờ viết chữ đẹp, ông được tới làm việc cho Công Tước Orléans với công việc giao gửi hàng ở Paris. Dumas tiếp tục viết kịch và cuối cùng cũng tìm được thành công với vở diễn Henri III và triều đình tại nhà hát Comédie Française, công diễn lần đầu ngày 10 tháng 2 năm 1829. Sự nghiệp văn chương của ông tiếp tục thành công, đặc biệt trong hai thể loại ông ưa thích: Kịch và tiểu thuyết lịch sử.
Alexandre Dumas là một nhà văn có sức sáng tác mạnh mẽ. Ông để lại khoảng 250 tác phẩm, gồm 100 là tiểu thuyết, số còn lại là 91 vở kịch, rồi bút ký, phóng sự, hồi ký. Dumas có cả một đội ngũ cộng sự, đặc biệt là Auguste Maquet, người góp phần vào nhiều thành công của Dumas. Trong những tiểu thuyết của ông, nổi tiếng hơn cả là Ba Người Lính Ngự Lâm, còn được dịch Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ (Trois Mousquetaires) và Bá Tước Monte Cristo (Le Comte de Monte Cristo) năm 1844.
Đương thời, Dumas bị chê trách là người ham ăn, ham chơi. Ông thường xuyên thết đãi thịnh soạn bạn bè, người thân, công chúng hâm mộ, với những bữa tiệc sang trọng khiến ngay cả Paris cũng loá mắt, trầm trồ. Ông còn để lại một công trình đặc biệt: Cuốn Đại Từ Điển Ăn Uống, mà ông muốn được hậu thế coi là đỉnh cao sự nghiệp văn chương của mình. Trong đời mình Dumas kiếm được 18 triệu franc vàng, song ông luôn luôn nợ nần, nhiều lần trốn nợ, thậm chí ra nước ngoài, những năm cuối đời, phải đến tá túc ở nhà con.
Ông mất năm 1870 ở Puys, vùng Dieppe. Thi hài của ông được chuyển về Điện Panthéon năm 2002, bất chấp ý nguyện cuối đời của ông: “Trở về bóng đêm của tương lai cùng nơi tôi ra đời” (rentrer dans la nuit de l’avenir au même endroit que je suis sorti De La vie du passé), “nơi một nghĩa địa đẹp (Villers Cotterêts) trong mùi hoa của rào quanh…” (dans ce charmant cimetière qui a bien plus l’air d’un enclos de fleurs où faire jouer les enfants que d’un champ funèbre à faire coucher les cadavres)
• Các Tác Phẩm
Người ta chỉ tạo nên nhân vật sau khi đã nghiên cứu kỹ con người. Cũng như, người ta chỉ nói được tiếng nước ngoài sau khi đã học hỏi nghiêm túc tiếng nói đó.
Tôi chưa đến tuổi để đi vào sáng tạo. Tôi xin chỉ làm công việc của người kể chuyện.
Xin bạn đọc tin chắc với tôi: chuyện này là một chuyện có thật. Tất cả những nhân vật trong đó, trừ vai chính, đều còn sống.
Vả chăng, ở Paris vẫn còn có chứng cho hầu hết những sự việc tôi thu thập ở đây. Những nhân chứng đó có thể xác nhận hoặc bổ sung cho câu chuyện, nếu ghi nhận của tôi còn thiếu sót. Nhờ một trường hợp đặc biệt, chỉ riêng tôi mới có thể viết laị sự việc đó. Bởi vì tôi là người độc nhất nắm được những chi tiết cuối cùng của nó. Thiếu những chi tiết này, không thể nào kể lại câu chuyện một cách đầy đủ và thú vị được.
Tôi xin cho biết tất cả những chi tiết đến với tôi như thế nào.
Ngày 13 tháng 03 năm 1847, tôi đọc được ở đường Lapphit một yết thị lớn màu vàng, thông báo một cuộc bán đấu giá những động sản và những đồ vật hiếm đắt tiền. Cuộc đấu giá này được thực hiện sau khi người chủ đã chết. Trên yết thị không ghi tên người chủ là ai. Nhưng cuộc bán đấu giá sẽ bắt đầu vào ngày 16, từ trưa đến năm giờ chiều, tại đường Anti, nhà số 9.
Yết thị còn cho biết trong hai ngày 13 và 14, mọi người có thể đến thăm căn nhà và xem trước đồ đạc.
Vốn là người yêu thích những đồ vật quý hiếm, tôi tự nhủ sẽ không bỏ qua dịp này, nếu không mua gì thì cũng đến để xem.
Ngày hôm sau, tôi đến ngôi nhà số 9 đường Anti. Còn sớm lắm, thế nhưng nhiều người đã có mặt trong phòng. Họ ăn mặc nhung lụa đẹp đẽ, có xe song mã sang trọng dừng đợi trước cửa, nhưng vẫn ngắm nhìn sự xa hoa tráng lệ đang trải ra trước mắt một cách ngạc nhiên, có thể nói có ý thán phục nữa là khác.
Lát sau, tôi hiểu sự thán phục và ngạc nhiên ấy. Bởi vì khi đã xem xét kỹ, tôi nhận biết một cách rõ ràng: đây là căn phòng của một người đàn bà chuyên sống với tình nhân. Nay, nếu có một điều mà các bà phong nhã muốn xem – và ở đây có những bà phong nhã – thì đó chính là tư thất của người đàn bà phóng đãng, mà cách phục sức hàng ngày dám cạnh tranh với các bà. Những người đàn bà này, cũng như các bà, thuê những lô riêng ngay bên cạnh các bà trong các nhà hát; và ở Paris, họ cũng phô bày một cách xấc xược cái nhan sắc hào nhoáng, đồ nữ trang và những vụ tại tiếng.
Người đàn bà trước kia là chủ căn phòng này đã chết rồi. Những người đàn bà khác, những con người đạo đức nhất, có thể đi sâu vào bên trong căn phòng của người đã khuất. Cái chết đã thuần khiết hoá không khí cái hang ổ uế tạp lộng lẫy này. Hơn nữa, nếu cần, các bà vẫn có lý do để tự biện hộ: các bà đến đây để mua đồ đạc và không cần biết đây là nhà của ai. Các bà đã đọc yết thị, để có thể lựa chọn trước. Thật là đơn giản. Điều này không thể ngăn cản các bà tìm kiếm, giữa tất cả những cái đẹp đẽ đó, những dấu vết đời tư của cô gái giang hồ sang trọng mà những kẻ khác, chắc chắc, đã từng truyền tụng cho nhau nhiều mẩu chuyện lạ lùng, đặc sắc.
Khốn thay! Những bí mật đã chết cả rồi cũng với nữ thần của nó. Vì vậy, dù với tất cả thịên chí, các bà cũng chỉ có thể bắt gặp được nhưng thứ được bày bán sau khi người chủ đã chết và không bắt gặp một cái gì được bán lúc người chủ còn sống. Vả lại, lắm thứ có thể mua được: bàn ghế rất đẹp, những đồ đạc bằng gỗ quý, những chậu sành sứ Xevơ, Trung Quốc, những tượng nhỏ ở Xâcxơ, xatanh, nhung, đăng ten, không thiếu thứ gì.
Tôi đi dạo trong căn phòng, theo chân những bà quý tộc tò mò đã đến đó trước tôi. Các bà đi vào một gian phòng căng đầy rèm vải Ba Tư. Tôi sắp bước vào thì bắt gặp các bà đang bước vội ra, miệng tủm tỉm cười. Hình như các bà hơi thẹn vì sự tò mò mới mẻ của mình.
Tôi như bị kích thích, lòng ham muốn được vào xem càng mạnh hơn. Đó chính là phòng trang sức đầy những chi tiết tỉ mỉ, mà tất cả đã biểu lộ đến cao độ sự hoang phí của người chủ đã chết.
Trên một cái bàn lớn kê sát vách, rộng ba thước, dài sáu thước (thước Anh) tất cả những bảo vật Ocôc và Ôđiôt sáng rực lên. Đó là một bộ sưu tập cực kỳ phong phú. Không một vật nào trong số hàng ngàn vật đó – những thứ rất cần cho sự trang sức của một người đàn bà như người chủ căn nhà này – được làm bằng một kim loại nào khác hơn vàng và bạc. Bộ sưu tập này chỉ có thể được hình thành dần dần, và chắc chắn không phải chỉ do riêng một tình nhân nào tạo lập được.
Không chút ngại ngùng, tôi đứng nhìn phòng trang sức của một kỹ nữ. Tôi thích thú quan sát từng chi tiết dù nó thế nào chăng nữa. Tất cả những vật này được chạm khắc rất đẹp và đều mang chữ đầu của những tên họ khác nhau.
Tôi nhìn tất cả những vật đó, mỗi vật biểu trưng cho một sự “bán mình” của cô gái đáng thương. Tôi tự nhủ, Thượng Đế đã khoan hồng đối với nàng; vì đã cho nàng được chết trong xa hoa và sắc đẹp, không để nàng phải chịu sự trừng phạt thông thường; nhìn thấy tuổi già của mình – tức cái chết đầu tiên đối với những cô gái giang hồ.
Thực vậy, còn gì buồn hơn là phải nhìn thấy sự già nua của tội lỗi, nhất là nơi người đàn bà? Nó không giữ được phẩm giá và cũng không gây được sự hấp dẫn. Sự hối hận cứ triền miên, không phải họ hối hận vì đã đi theo con đường xấu, mà vì những tính toán sai lầm đã có và vì những đồng tiền đã không dùng đúng chỗ. Đó là điều đáng buồn nhất mà người ta thường được nghe nói. Tôi được biết một người đàn bà, ngày trước lẳng lơ đã sinh được một cô bé. Theo lời những người cùng thời cô bé này đẹp không kém gì người mẹ xưa. Với đứa con khốn nạn này, chẳng bao giờ người mẹ đó bảo: “Con là con gái của mẹ”, trừ phi để ra lệnh cho cô phải nuôi bà lúc già yếu, như ngày trước bà phải nuôi cô, lúc cô còn thơ ấu. Cô bé khốn khổ tên là Luidơ, vâng lời mẹ làm việc hiến thân lấy tiền, không dục vọng, không đam mê, không thích thú; như cô đã chọn một cái nghề, nếu người ta nghĩ đến việc dạy cho cô một nghề.
Bắt buộc hàng ngày phải chứng kiến cảnh ăn chơi sa đoạ ngày từ lúc còn qúa trẻ, cộng thêm vào đó là tình trạng bện hoạn triền miên, cô gái đã đánh mất ý thức về thiện và ác mà Thượng Đế đã phân phát cho cô, nhưng chẳng một ai để ý giữ gìn và phát triển cái ý thức ấy cả.
…
Mời các bạn đón đọc Trà Hoa Nữ của tác giả Alexandre Dumas.