Lịch sử của dân tộc Việt Nam là lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Trải qua hàng ngàn năm đấu tranh, bằng truyền thống đoàn kết và ý chí quật cường mà một nước nhỏ như Việt Nam ta đã lần lượt đánh bại những thế lực ngoại xâm sừng sỏ nhất đương thời, cắm những mốc son trong phong trào đấu tranh giành độc lập trên thế giới. Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, mở ra bước ngoặt lịch sử vĩ đại cho cách mạng nước ta, đánh dấu một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên của thời đại Hồ Chí Minh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam nhất tề đứng lên đánh Pháp, đuổi Nhật, lật đổ chế độ phong kiến, lập ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, Đảng tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của mình, dẫn dắt cả dân tộc tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng, đánh thắng hai đế quốc là Pháp và Mỹ, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, đưa nước Việt Nam thống nhất tiến lên con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa theo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đấu tranh chống gián điệp là một bộ phận không tách rời của sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong suốt những chặng đường lãnh đạo của mình, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm chỉ đạo hệ thống chính trị của Đảng cùng toàn thể nhân dân, xây dựng nền an ninh nhân dân vững mạnh, xây dựng thế trận “phòng và chống” phản cách mạng hoàn chỉnh, đánh bại âm mưu, hoạt động của các cơ quan gián điệp, phục vụ đắc lực cho cuộc chiến tranh giải phóng và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Lực lượng chống gián điệp thuộc Công an nhân dân Việt Nam là lực lượng chuyên ngành, giữ vai trò nòng cốt, ra đời, trưởng thành mọi mặt từ cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt và lâu dài đó.
Trải qua 60 năm đấu tranh cách mạng, khi đất nước có chiến tranh hay khi đất nước đã hoà bình thì trận tuyến đấu tranh chống gián điệp vẫn không ngơi nghỉ, vẫn vô cùng gay go, quyết liệt. Đối tượng đấu tranh của ta là cơ quan tình báo gián điệp của các thế lực ngoại xâm, bọn phản động quốc tế, các thế lực thù địch hòng thực hiện âm mưu thôn tính và xâm lược. Điệp viên của địch không chỉ có vỏ bọc chắc chắn, trà trộn trong xã hội, lẩn khuất quanh ta mà chúng còn được các lực lượng vũ trang xâm lược và bọn phản động hỗ trợ, được trang bị các loại phương tiện hoạt động hiện đại và tinh vi. Nhưng cuối cùng, chúng ta đã giành thắng lợi vẻ vang, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc. Nguồn gốc để giành thắng lợi trên mặt trận đấu tranh bí mật này được khởi nguồn từ tư tưởng chỉ đạo, quá trình hoàn thiện đường lối, phương châm, nguyên tắc đấu tranh chống phản cách mạng của Đảng; là chủ trương xây dựng thế trận “phòng và chống” gián điệp, phát triển thành nền an ninh nhân dân vững mạnh; là quyết sách trong tổ chức lực lượng đấu tranh, phát huy cao độ tinh thần yêu nước và ý thức cảnh giác cách mạng của nhân dân, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan đơn vị với nghiệp vụ phản gián sắc bén của cơ quan chuyên môn thành sức mạnh tổng hợp; là tinh thần chiến đấu mưu trí, sáng tạo, quyết đoán và quyết thắng của các thế hệ An ninh nhân dân trước mọi kẻ thù.
Tổng kết lịch sử đấu tranh chống gián điệp là thông qua hệ thống các sự kiện lịch sử để làm rõ quá trình hình thành, phát triển về đường lối, sự lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước và của Bộ Công an; làm rõ quá trình tổ chức lực lượng tham gia đấu tranh và xây dựng thế trận “phòng chống” gián điệp; làm rõ cách thức triển khai các biện pháp đấu tranh của lực lượng nòng cốt trong cuộc đấu tranh này. Qua đó rút ra những bài học lịch sử có giá trị áp dụng vào thực tiễn sinh động đang diễn ra, góp phần hoàn chỉnh hệ thống lý luận chuyên ngành để các thế hệ mai sau chiêm nghiệm và kế thừa.
Tác phẩm “Tổng kết lịch sử đấu tranh chống gián điệp (1945-2005)”, được hoàn thành với sự hướng dẫn tận tình về phương pháp luận Tổng kết của Viện lịch sử Công an và các nhà sử học uy tín; kiến thức thực tiễn phong phú và vô cùng quý báu của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt trên lĩnh vực đấu tranh chống gián điệp của lực lượng An ninh qua các giai đoạn lịch sử. Đội ngũ nghiên cứu đã cố gắng khai thác các nguồn tư liệu để nhận thức lịch sử một cách trung thực, khách quan với mong muốn sẽ là tác phẩm hữu ích cho công tác nghiên cứu khoa học cũng như vận dụng vào thực tiễn của mặt trận đấu tranh bí mật vô cùng khó khăn, gian khổ, nhiều yếu tố nhạy cảm và khó lường.
Xin được trân trọng cảm ơn Viện Lịch sử Công an, các đồng chí nhân chứng lịch sử, các nhà nghiên cứu trong và ngoài ngành đã hướng dẫn, cung cấp tư liệu và đóng góp ý kiến quý báu cho tác phẩm.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
TỔNG CỤC AN NINH
***
ĐẤU TRANH CHỐNG GIÁN ĐIỆP GÓP PHẦN BẢO VỆ CHÍNH QUYỀN CÁCH MẠNG VÀ ĐÁNH THẮNG THỰC DÂN PHÁP
(1945-1954)
Lịch sử đấu tranh chống gián điệp thời kỳ từ năm 1945 đến năm 1954 là bộ phận của lịch sử đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ và chống thực dân Pháp xâm lược dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Là giai đoạn hình thành đường lối, phương châm, nguyên tắc, đối sách, sách lược và tổ chức lực lượng cũng như biện pháp nghiệp vụ đấu tranh chống gián điệp. Tương ứng với những bước phát triển của lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp, lịch sử đấu tranh chống gián điệp cũng có ba bước phát triển rõ ràng. Mỗi bước là một dấu mốc phát triển về đường lối chỉ đạo, tổ chức lực lượng đấu tranh, xây dựng thế trận phòng ngừa và đánh địch.
Giai đoạn này, Trung ương Đảng lãnh đạo cả dân tộc tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; đề ra chủ trương “hoà để tiến” nhằm loại dần kẻ thù và lãnh đạo tiến hành thắng lợi giai đoạn đầu tiên của cuộc chiến tranh nhân dân chống thực dân Pháp xâm lược.
Thời kỳ tiến hành tổng khởi nghĩa tháng 8 nám 1945, trên đất nước ta đồng thời tồn tại hai thế lực ngoại xâm là Pháp và Nhật. Mặc dù Pháp phải dâng ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia cho Nhật nhưng vẫn nuôi tham vọng thiết lập lại quyền thống trị ở Đông Dương. Pháp giữ nguyên mạng lưới gián điệp, chỉ điểm đã có, tiếp tục thu thập tin tức của Việt Minh cũng như các đảng phái phản động nhằm chuẩn bị sẵn điều kiện thực hiện âm mưu đó: đám tàn quân do A-lếch-xăng-đờ-ri cầm đầu chạy sang Trung Quốc tìm cách liên lạc với cơ quan tình báo chiến lược OSS của Mỹ để nương náu và tung tay chân về Việt Nam hoạt động. Văn phòng cơ quan đại diện của Pháp tại 53 Trần Hưng Đạo (Gabetta) và nhà riêng của Sanh-tơ-ni tại 18 Nguyễn Chế Nghĩa biến thành trụ sở điều hành hoạt động bí mật của Pháp kiều cùng bọn Việt gian, chỉ điểm. Tuy Nhật nắm quyền thống trị ở Đông Dương nhưng vì phải tập trung lực lượng cho cuộc chiến tranh nên Nhật vẫn phải dựa vào Pháp, đặc biệt là đối với các cơ quan tình báo gián điệp của Pháp. Do đó, khi Nhật đầu hàng đồng minh, Pháp sử dụng ngay mạng lưới tay sai sẵn có từ trước, ráo riết triển khai các hoạt động nhằm thiết lập lại quyền thống trị.
Để tổ chức quần chúng đấu tranh đập tan bộ máy thống trị của kẻ thù, ngay từ tháng 5-1945, trong Chỉ thị “Sửa soạn tổng khởi nghĩa”, Tổng bộ Việt Minh chỉ đạo các lực lượng cách mạng thành lập “Đội tự vệ”, “Đội ám sát” (AS) làm nhiệm vụ trừng trị bọn mật thám, tay sai của Pháp, Nhật. Thực hiện chỉ đạo của Tổng bộ Việt Minh, các địa phương trong cả nước đều lập những tổ chức vừa mang tính chất vũ trang, vừa mang tính chất chính trị nhằm trừng trị bọn Việt gian và dẫn dắt quần chúng đấu tranh. Nhờ đó, trong tháng 8-1945, Pháp tung nhiều toán tình báo, hoạt động ở khắp ba kỳ nhưng đều bị lực lượng cách mạng phát hiện và bắt gọn: Toán biệt kích thủy quân do Bơ-lang-sa cầm đầu xâm nhập vào Hải Phòng; Mét-me nhảy dù xuống Bắc Ninh; Ca-tê-na cùng năm sĩ quan tình báo nhảy dù xuống Thừa Thiên… Khai thác bọn này ta nắm được chúng thực hiện lệnh của Chính phủ Đờ-gôn liên lạc với các đảng phái phản động cũ và bọn tay sai, quan lại như Phạm Quỳnh, Nguyễn Tiến Lãng,… để: “khi có thời cơ sẽ lập lại nền cai trị của Pháp ở Dông Dương”.
Đồng thời bắt các toán tình báo hoặc vô hiệu hoá hoạt động của chúng, Đảng chỉ đạo các Uỷ ban khởi nghĩa trong toàn quốc trấn áp mạnh bọn mật thám, gián điệp, các phần tử Việt gian phản quốc, đập tan mọi hoạt động chống đối của chúng. Trước, trong tổng khởi nghĩa, lực lượng cách mạng trên toàn quốc đã bắt và diệt 535 tên gian ác, trong đó có 126 tên mật thám, gián điệp của Pháp, Nhật: Nguyễn Văn Chung, Ngô Xuân Điền, Đỗ Đức Phin, Hoàng Sĩ Nhu, Trương Anh Tự, Nga Thiên Hương, Nguyễn Thế Nghiệp, Nguyễn Ngọc Sơn… Riêng tỉnh Nam Định bắt và diệt 20 tên mật thám Pháp. Những toán gián điệp bị bắt, những cuộc trấn áp bọn mật thám, tay sai của Pháp và Nhật vào thời điểm lịch sử này có tác dụng quan trọng vì nó vừa phá tan âm mưu của Pháp, vừa làm mất chỗ dựa của bọn Việt gian phản quốc, đẩy chúng vào tình thế tê liệt và mau chóng tan rã trước làn sóng cách mạng của quần chúng.
Thời điểm lịch sử này, lực lượng Công an chưa được thành lập, vì vậy công tác trấn áp phản cách mạng, bọn gián điệp và mật thám được thực hiện bởi các lực lượng cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, do các tổ chức nòng cốt dẫn dắt như “Tự vệ Việt Minh”, “Tự vệ thành”, “Hộ lương gian ác”, “Trinh sát Việt Minh”. Do trấn áp mạnh, đúng và trúng nên đã góp phần làm tê liệt hoạt động chống đối của kẻ thù, tạo điều kiện cho quần chúng đứng lên đánh đổ chế độ thống trị cũ, trừng trị và đập tan các thế lực phản cách mạng, thiết lập thành công hệ thống chính quyền dân chủ nhân dân từ Trung ương đến cấp cơ sở.
Tại mỗi địa phương, ngay sau khi giành chính quyền, thiết lập chính quyền cách mạng, Đảng đều chỉ đạo thành lập ngay cơ quan Công an (thực chất là lực lượng An ninh) – công cụ nòng cốt trấn áp phản cách mạng. Do diễn biến mau lẹ của tình hình nên Đảng cho phép tạm sử dụng mô hình tổ chức của các cơ quan Liêm phóng địch làm mô hình cơ quan Công an (Quốc gia tự vệ cuộc, Trinh sát, Liêm phóng); lưu dụng số nhân viên cũ ở những bộ phận không quan trọng để triển khai ngay công tác bảo vệ an ninh trật tự. Nhằm đảm bảo cho cơ quan chuyên chính phục vụ cách mạng tốt nhất, Đảng điều động các đồng chí là đảng viên trung kiên lãnh đạo những bộ phận quan trọng và tuyển chọn những thanh niên ưu tú, bổ sung cho các bộ phận làm nhiệm vụ trấn áp phản cách mạng. Như vậy, tuy ta kế thừa mô hình tổ chức và công sở, lưu dụng một số nhân viên của chính quyền cũ nhưng bản chất cơ quan Công an từ đây là cơ quan chuyên chính của cách mạng, do Đảng và Chính phủ lâm thời trực tiếp chỉ đạo với nhiệm vụ: bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ nhân dân.
Từ sau cách mạng tháng 8-1945, cuộc đấu tranh chống phản cách mạng chuyển sang bước ngoặt lịch sử mới: Cuộc đấu tranh được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, trong điều kiện ta nắm chính quyền; được sự ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân, sự phối hợp của các lực lượng cách mạng khác. Trong khi đó, bọn mật thám gián điệp, bọn Việt gian phản quốc bị tan rã, bị đẩy vào tình thế cô lập và không còn điều kiện để dựa dẫm. Tuy nhiên, do tình hình diễn biến mau lẹ, khí thế cách mạng lên cao, lực lượng cách mạng còn nhiều ấu trĩ nên có lúc, có nơi ta trừng trị tràn lan hoặc để sót lọt những đối tượng nguy hiểm như: thả Giăng-xê-di, Phan Văn Giáo, Ngô Đình Diệm, Phạm Quỳnh, Trương Tử Anh… Sau này chúng gây hại cho cách mạng không nhỏ. Trong quá trình trấn áp, cũng chưa nhận thức được đối tượng là gián điệp hay phản động, mà chỉ nhận thức chúng là bọn phản cách mạng. Song dù công tác đấu tranh trấn áp phản cách mạng trong thời kỳ này hoàn toàn mới mẻ, lực lượng nòng cốt từ phong trào cách mạng mà thành nhưng đây là thời kỳ trấn áp mạnh, làm tan rã một bộ phận không nhỏ lực lượng phản cách mạng nguy hiểm nhất lúc dó. Vì vậy, cuộc đấu tranh chống gián điệp đã góp phần to lớn vào nhiệm vụ chiến lược của cách mạng là: “Đập tan chính quyền địch, tiễu trừ Việt gian, thiết lập chính quyền nhân dân”1 (Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, H. Chính trị quốc gia, 1996).
Thời gian hoà bình để củng cố hệ thống chính quyền cách mạng chưa đầy một tháng, đất nước lại phải đương đầu với những thử thách cực kỳ nghiêm trọng. Với danh nghĩa đồng minh, quân Tưởng kéo vào nước ta, chiếm đóng từ vĩ tuyến 16 trở ra. Tưởng câu kết với Mỹ, âm mưu độc chiếm miền Bắc Đông Dương. Quân Anh đổ bộ lên Sài Gòn, chiếm đóng từ vĩ tuyến 16 trở vào, âm mưu tranh giành ảnh hưởng với Mỹ và Tưởng bằng việc câu kết với Pháp tiến hành các hoạt động quân sự hòng độc chiếm miền Nam Đông Dương. Vì vậy, khi Anh đổ bộ lên Sài Gòn – Gia Định đã mang theo những trung đoàn lính Pháp, trong đó có hai tiểu đoàn biệt kích thuộc trung đoàn bộ binh thuộc địa số 5 (5e-RIC). Vừa đặt chân lên Sài Gòn, Anh và Pháp xúc tiến ngay âm mưu xâm lược; Anh tạo điều kiện cho Pháp vũ trang đánh chiếm Nam Bộ. Ngày 23-9-1945, quân và dân Nam Bộ mở đầu cuộc kháng chiến cục bộ chống thực dân Pháp xâm lược. Pháp huy động hơn 4.000 lính cùng Pháp kiều có vũ trang với sự tiếp sức của lữ đoàn Anh – Ấn và chừng 5.000 lính Nhật, mở cuộc tấn công bất ngờ, âm mưu thiết lập lại quyền thống trị ở Sài Gòn trong vòng 18 ngày. Trước sức tấn công của liên minh các thế lực ngoại xâm, quân và dân Sài Gòn – Gia Định đã anh dũng chiến đấu bằng mọi loại vũ khí có trong tay, cầm chân quân giặc, quyết đánh bại kế hoạch thôn tính Sài Gòn trong vòng 18 ngày của Lơ-cléc.
Cuộc kháng chiến cục bộ của quân và dân Nam Bộ mở rộng, lực lượng vũ trang chủ yếu lúc này là các trung đoàn Cộng hoà vệ binh và Quốc gia tự vệ cuộc. Nhưng vào thời điểm này Đảng chưa nắm được lực lượng Cộng hoà vệ binh, hơn nữa kỷ luật của lực lượng vũ trang Cộng hoà vệ binh rất yếu kém. Trước đó, cơ quan gián điệp Pháp cài được nhiều điệp viên vào hoạt động trong các trung đoàn, đã tác động làm cho nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng, vì thế lực lượng vũ trang này nhanh chóng tan rã. Một bộ phận đầu hàng Pháp, quay trở lại tấn công ta. Trước tình hình đó, Quốc gia tự vệ cuộc Nam Bộ trở thành lực lượng vũ trang nòng cốt trong những ngày đầu kháng chiến. Để đảm bảo vũ trang đánh địch, chặn bước tiến của chúng và trấn áp phản cách mạng, Quốc gia tự vệ cuộc chia làm hai bộ phận: Một bộ phận phát triển thành Bộ đội Hiệp Hoà, tiến hành vũ trang đánh địch; một bộ phận tiếp tục trấn áp phản cách mạng và bảo vệ cơ quan đầu não kháng chiến. Như vậy, ngay từ những ngày đầu kháng chiến, cuộc đấu tranh chống phản cách mạng đã có bước chuyển kịp thời, đáp ứng nhiệm vụ quan trọng bậc nhất lúc này là vừa vũ trang đánh địch vừa lùng bắt bọn Việt gian, bọn tay sai thân Pháp, vừa bảo vệ cơ quan đầu não của cách mạng rút ra căn cứ an toàn.
Cùng với việc sử dụng binh lực đánh chiếm, thực dân Pháp ráo riết triển khai hệ thống mật thám, gián điệp để chuẩn bị mở rộng chiến tranh. Chúng khôi phục Sở Mật thám Nam Kỳ, tăng cường nhân viên; thiết lập các quận cảnh sát, đồn cảnh sát, tổ chức mạng lưới Recherche (truy tìm) và Indicateur (chỉ điểm), trà trộn trong nhân dân, theo dõi, bắt cán bộ và cơ sở cách mạng. Pháp củng cố Phòng Nhì (2e Bureau), tuyển mộ thêm nhân viên để đảm nhiêm vai trò thu thập tin tình báo phục vụ cho yêu cầu quân sự. Vì vậy, lực lượng quân sự của Pháp chiếm đóng đến đâu thì mạng lưới Phòng Nhì phát triển đến đó. Nhân viên Phòng Nhì rải dọc theo hệ thống ba cấp của quân chiếm đóng: Tiểu khu (Secteus), chi khu (Sous Secteus) và cấp xã (Quariter). Mặc dù danh nghĩa là cơ quan tình báo quân sự nhưng chức năng của Phòng Nhì rất rộng. Nhiệm vụ chính của chúng là tổ chức cài điệp viên vào cơ quan kháng chiến, lực lượng vũ trang của ta; tung do thám, gián điệp, xây dựng mạng lưới chỉ điểm để thu tin và phá hoại. Cùng với cơ quan tình báo quân sự, Pháp tăng cường củng cố chi nhánh tình báo chiến lược SEH (cơ quan Nghiên cứu lịch sử) thực hiện các kế hoạch tình báo chiến lược ở Nam Bộ phục vụ Cao uỷ Pháp trong các kế hoạch mang tầm chiến lược.
Mời các bạn đón đọc Tổng Kết Lịch Sử Đấu Tranh Chống Gián Điệp 1945-2005 của tác giả Nhiều Tác Giả.