Võ thuật truyền thống Trung Quốc có lịch sử từ trước triều đại nhà Tần (221-207 trước Công nguyên). Hàng trăm năm trước thời nhà Tần, nhiều nhà quý tộc đã sẵn sàng bỏ tiền thuê những tay giết người chuyên nghiệp để bảo vệ cuộc sống cá nhân hoặc xâm chiếm lãnh thổ của kẻ thù. Về sau, tương tự như ở Rome, một số gia đình giàu có bắt đầu đào tạo đấu sĩ, yêu cầu họ tham gia những trận chiến để “mua vui” trên các đấu trường.
Trước nhất chúng tôi xin bàn về danh từ “Kung Fu”. Hai chữ “Kung Fu” là phiên âm của hai chữ Gongfu, theo tiếng Hán-Việt là “công phu”.
Theo tiếng Quan Thoại, từ “công phu” thường có những nghĩa như: biệt tài, kỹ thuật đặc biệt của môn phái, hay một công việc đòi hỏi nhiều thời giờ và năng lực.
Theo tiếng Quảng Đông, danh từ “đả công phu” được dùng để chỉ sự luyện tập võ thuật. Vì người tỉnh Quảng Đông sống rất nhiều tại ngoại quốc, và là những người đầu tiên dạy võ Trung Hoa cho người Tây Phương, cho nên ở ngoài Trung Quốc, đặc biệt tại Mỹ, danh từ “công phu” nầy thường sử dụng để chỉ võ thuật Trung Hoa.
Nhưng tại Trung Quốc, ta dùng danh từ Võ Thuật (Wushu), danh từ này đúng hơn vì bao gồm quyền thuật và binh khí.
Người Trung Hoa còn gọi võ thuật của họ bằng những danh từ như: Quốc thuật, Quyền thuật, Kỹ kích.
Còn người Nhật thì dùng hai chữ Kempo (cách đọc theo tiếng Nhật của hai chữ quyền pháp) để chỉ môn võ từ Trung Quốc nhập vào nước họ. Nhưng phải nhắc là phần nhiều những môn võ Kempo hiện nay tại Nhật Bản không có liên hệ với những môn võ đang thịnh hành tại Trung Quốc.
Vết tích khảo cổ xưa nhất về quyền thuật Trung Hoa là một cây lược bằng gỗ; trên cây lược nầy có khắc hình hai người, mình trần, đang ôm vật dưới sự giám định của một trọng tài. Cây lược này được tìm thấy vào năm 1975 trong ngồi mộ thời triều đại nhà Tần (221-207 trước CN).
Thời nhà Hán (206 trước Tây Lịch-220 sau CN), môn vật lấy tên là Tương Phốc (Xiangpu) (Tương Phốc có nghĩa là xô đẩy lẫn nhau). Hai chữ Xiangpu đọc theo tiếng Nhật là Sumo, như vậy môn Sumo hiện nay có thể cho ta một khái niệm về môn vật của Trung Hoa thời nhà Hán. Vả lại những lực sĩ môn Tương Phốc thời nhà Đường (618-907) mang y phục của những lực sĩ môn Sumo hiện nay.
Dưới thời nhà Tống (960-1279), những võ sĩ mới bắt đầu mang áo để tiện níu kéo. Như vậy những kỹ thuật đấu vật thời đó từ từ biến đổi và giống những kỹ thuật đấu vật hiện nay.
Quyền thuật dưới triều đại nhà Minh
Mãi cho tới triều đại nhà Minh (1368-1644) quyền thuật mới thịnh hành và phát triển nhờ có phong trào mại võ: trường võ dạy lấy tiền được mở ra cho công chúng.
Trước đó quyền thuật chỉ dành riêng cho những người sống về nghề võ: võ sư, quân lính, hiệp sĩ, tiêu sư,…
Văn nhân, nhà sư trước đó ham chung múa võ khí, lúc này lần lần học quyền thuật.
Vào khoảng 1550, một trong ba đại văn hào thời đó, Đường Thuận Chi (1507-1560) soạn quyển Võ Biên, một phần ghi lại những môn quyền thuật phổ biến lúc đó. Khoảng mười năm sau, vào 1562, Thích Kế Quang (1528-1588) một trong những đại danh tướng của lịch sử Trung Hoa, xuất bản quyển Kỷ Hiệu Tân Thư, trong đó cả một chương được dành để ghi lại môn quyền thuật của ông.
Thích Kế Quang có công đánh đuổi bọn cướp biển Nhật Bản (được gọi là Nụy Khấu) hoành hành dọc bờ biển Trung Hoa. Để huấn luyện quân sĩ, ông lựa chọn những đòn thế đơn giản, nhưng rất hữu hiệu. Quân của ông có tiếng là trăm trận trăm thắng !
Cùng một thời, danh tướng Du Đại Du (1503-1579) ghi lại trong quyển “Kiếm kinh”, xuất bản năm 1565, nguyên tắc chiến đấu côn pháp; hầu hết môn phái hiện đại đều lấy lại nguyên tắc đó để áp dụng vào quyền thuật.
Khoảng năm1600, quyền thuật chùa Thiếu Lâm bắt đầu danh tiếng. Trước đó chùa chỉ nổi tiếng về côn pháp.
Từ thế kỷ thứ 17 tới thế kỷ thứ 19
Thế kỷ thứ 17 là một thời kỳ hưng thịnh của quyền thuật Trung Hoa, nhiều danh tài xuất hiện:
– Trần Vương Đình (1600-1680), chỉ huy dân quân của huyện Ôn, thuộc tỉnh Hà Nam, sáng lập Thái Cực Quyền.
– Cơ Tế Khả (1602-1683), thuộc tỉnh Sơn Tây, lập ra Tâm Ý Quyền, sau được gọi lại là Hình Ý Quyền.
– Phương Thất Nương, một cô gái người tỉnh Phúc Kiến, sau khi nhìn một con hạc trắng bay nhảy, chế ra Bạch Hạc Quyền, và dạy môn này tại huyện Vĩnh Xuân.
Rồi có những nhân vật như:
– Ngô Chung (1712-1802), người Hồi Giáo thuộc tỉnh Hà Bắc, lập Bát Cực Quyền.
– Trần Hưởng, người tỉnh Quảng Đông sống vào thế kỷ thứ 19, sáng lập lúc ông chỉ 30 tuổi, môn Thái Lý Phật Quyền.
– Đổng Hải Xuyên (1797-1882) truyền bá môn Bát Quái Chưởng tại Bắc Kinh…
Vào năm 1894, tại Bắc Kinh, bốn võ sư đề nghị hợp những môn võ họ đang dạy lại thành một môn mà họ gọi là Nội Gia. Bốn người đó là:
– Trình Đình Hoa (?-1900) thuộc Bát Quái Chưởng,
– Lưu Vĩ Tường thuộc Hình Ý Quyền,
– Lưu Đức Khoan (?-1911) thuộc Dương gia Thái Cực Quyền,
– Lý Tồn Nghĩa (1847-1921) thuộc Hình Ý Quyền và Bát Quái Chưởng.
Loạn Quyền Phỉ
Vào cuối thế kỷ thứ 19, Nghĩa Hòa Đoàn là một hội có chủ trương giải thoát nước Trung Hoa khỏi sự xâm chiếm của ngoại quốc. Hội viên là những người trẻ tuổi đầy nhiệt huyết, được huấn luyện cấp tốc vài thế võ. Phần đông đều học qua môn Thần Quyền. Môn quyền nầy nhờ sự cầu thần nhập vô người hội viên để che chở họ, dao đâm không lủng, súng bắn không trúng… Diễn biến cho thấy là sự thật nghịch hẳn với sự chờ đợi của họ ! Những phần tử nầy được trang bị côn, đao, kiếm và sau đó được thêm một ít súng đạn.
Vào tháng 6 năm 1900, một số đông hội viên với sự trợ giúp của quân đội nhà Thanh, vây khu sứ quán (Đông giao dân hạng) tại Bắc Kinh. Cho tới 55 ngày sau, nhằm ngày 15 tháng 8, quân đi của tám nước (đó là Bát Quốc Liên Quân gồm: Anh, Mỹ, Đức, Pháp, Nga Sô, Nhật Bản, Ý Đại Lợi và Áo) chiếm thành Bắc Kinh, dẹp tan những người nổi loạn. Giai đoạn nầy của lịch sử Trung Hoa có tên là Loạn Quyền Phỉ.
Mời các bạn đón đọc Tinh Hoa Võ Thuật Trung Hoa của tác giả Kim Long.