Cinque Terre

Tiểu sử Leonardo Da Vinci PDF EPUB

Tác giả :
Thể Loại : Hồi kí
EPUB MOBI PDF Đọc Online


Leonardo da Vinci – sinh tại Vinci, ngôi làng bé nhỏ cô tĩnh nằm bên sườn đồi giữa hai tỉnh Florence và Pistoia của Ý, là con ngoài giá thú, thuận tay trái, đồng tính, ăn chay, ưa phục trang rực rỡ với sở thích là màu tím hồng, được vinh danh và trở thành huyền thoại ngay từ khi còn sống. Cho tới ngày nay, gần năm thế kỷ sau cái chết của mình, ông vẫn được coi là hiện thân cho một trí tuệ xuất chúng, là sự tổng hòa độc nhất vô nhị các vai trò họa sĩ, nhà thơ, triết gia, nhà văn, nhà tổ chức biểu diễn và lễ hội, nhà khoa học, kỹ sư, nhà sáng chế, nhà giải phẫu học, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhà quy hoạch đô thị, nhà thực vật học và nhạc sĩ. Ông được coi là hình mẫu lý tưởng và biểu tượng tiêu biểu của con người thời Phục hưng, một thiên tài toàn năng, triết gia nhân văn, người quan sát và thực nghiệm bằng trực giác thiên phú và trí tò mò đi đôi với năng lực sáng tạo vô hạn.

Danh tiếng của ông được công nhận trước hết trong vai trò họa sĩ. Hai kiệt tác Mona Lisa và Bữa tối cuối cùng nổi tiếng khắp thế giới, thường bị sao chép và nhái lại, bức vẽ Người Vitruvius gợi cảm hứng cho vô số những tác phẩm phái sinh sau đó. Leonardo chỉ chính thức để lại mười lăm tác phẩm có thể được coi là hoàn thiện, các tác phẩm này, cùng với những cuốn sổ tay chứa đầy các hình vẽ, ghi chú, các sơ đồ khoa học và các chiêm nghiệm về bản chất của hội họa, chính là di sản quý giá mà ông đã để lại cho các thế hệ nghệ sĩ sau này. Trong vai trò là kỹ sư và nhà sáng chế, Leonardo phát triển các ý tưởng cấp tiến vượt xa thời đại của mình. Ở vai trò nhà khoa học, ông đúc kết nhiều kiến thức tiến bộ trong các lĩnh vực giải phẫu, kỹ thuật dân dụng, quang học và thủy-động lực học.

Walter Isaacson – nhà báo, tác giả người Mỹ đã dành ba năm khảo cứu tỉ mỉ trên 7.200 trang ghi chép các ý tưởng và phác thảo của Leonardo đồng thời tham khảo hàng loạt những phân tích của các nhà nghiên cứu khác để có thể hoàn thành cuốn tiểu sử đồ sộ về cuộc đời và sự nghiệp của Leonardo da Vinci. Bằng những phân tích khúc chiết và thấu đáo, Isaacson đã phác họa bức tranh toàn cảnh, dựng nên hình ảnh tổng thể xuyên suốt về hành trình sống, lao động và diễn biến nội tâm của nhân vật kiệt xuất, họa sĩ thiên tài người Ý này, ở nhiều góc độ, giai đoạn thời gian, và bối cảnh khác nhau. Theo một cách nào đó, cuốn sách sẽ giúp cho cá nhân mỗi người đọc, chuyên hay không chuyên, tùy theo trình độ, tuổi tác và thể tạng tinh thần, tâm thế khác nhau có thể hình dung thông qua ngôn ngữ theo cách riêng biệt để tự mình mường tượng và cảm nghiệm về chân dung của Leonardo da Vinci, đồng thời như thể dự phần cùng ông trong hành trình khám phá những điều kỳ diệu của vũ trụ, kiếm tìm chìa khóa của sự sáng tạo, trong quá trình phát triển và nuôi dưỡng trí tưởng tượng phong phú với tư duy đa dạng và độc đáo đã khiến ông trở nên một trí tuệ thiên tài với những thành tựu nghệ thuật và khoa học xuất chúng.

Điểm thú vị khác biệt ở cuốn sách nằm ở cách Isaacson đưa ra thông tin và diễn giải khiến hiển lộ hình ảnh về một Leonardo – con người thuần túy, với nhiều tầng bậc đa dạng trong tâm hồn, cảm xúc, tính cách một cách đơn sơ, gần gũi, chân thực và sống động. Nó giúp giảm thiểu đi sự thần thánh hóa hoặc toàn hảo hóa hình tượng về Leonardo, khiến ông trở nên trần tục và bớt xa vợi, tạo cảm giác dễ dàng đồng cảm hơn, để rồi nhận thấy ông thực ra còn có phần đáng yêu mến, nể phục, gây kinh ngạc, độc đáo một cách thú vị và đôi khi… ngộ nghĩnh hơn cả những gì chúng ta đã từng hình dung trước đó.

Cuốn sách sẽ cho ta thấy chân dung Leonardo, một con người thuần túy với những mâu thuẫn đa dạng và trái ngược trong chính nội tâm, tư duy, cảm xúc và tính cách… đồng thời lại luôn tự tìm ra cho mình giải pháp để cân bằng và dung hòa. Ông nặng tình, nhưng đôi khi cũng rành mạch quyết liệt, cầu toàn chi tiết nhưng vẫn phóng khoáng và không cố chấp, độc lập, tĩnh tại nhưng không tự cô lập mà thân thiện quảng giao, tự tôn có ngạo khí mà không hống hách độc đoán và không ngại phủ định chính mình, dám chấp nhận sửa đổi, làm lại từ đầu nếu tự nhận thấy mình sai, tò mò ham học hỏi, kiên trì, cầu thị nhưng lại cũng thất thường, đôi lúc thực dụng, tính toán, phù phiếm, bộc trực mà vẫn giữ được sự nhã nhặn tinh tế, đại đa phần tỏ ra nghiêm túc nhưng cũng không giấu được bản chất hóm hỉnh trào phúng…

Isaacson cũng tổng hợp và cung cấp những dữ liệu về cách thức và tiến trình tư duy bếp núc trong nghề nghiệp của Leonardo để khiến chúng ta hiểu rõ hơn những yếu tố nào đã khiến ông trở nên một cá nhân kiệt xuất độc đáo dị thường đến vậy, các chi tiết này sẽ mang giá trị tham khảo thú vị cho những độc giả quan tâm. Chẳng hạn, Leonardo sẽ mở tiệc mời nhiều người ở các thành phần địa vị xã hội và tuổi tác khác nhau tới nhà và kể cho họ nghe đủ loại câu chuyện khiến cho họ cười hoặc sợ hãi để có thể nắm bắt được những chuyển động khác nhau trong tâm hồn và cảm xúc trên khuôn mặt của họ để rồi sau đó có thể ứng dụng vào tranh. Hoặc ông sẽ ra đường, dành cả ngày chỉ để theo dõi một người có những đường nét khuôn mặt mà ông quan tâm hay thấy thú vị. Trong mỗi trang sổ tay của ông, bên cạnh các hình vẽ phác họa đủ các hình thù khuôn mặt, hình dáng, mô hình từ người, động vật cho đến đồ vật, thiên nhiên phong cảnh là chen chúc các câu hỏi đang chờ ông tìm ra lời giải hay những câu nhắc nhớ ông phải đi tìm câu trả lời ở ai hay ở đâu đó, hoặc liệt kê các gợi ý cho việc tìm ra lời giải cho các câu đố toán học, có khi đơn giản chỉ là dòng ghi chú về việc quan sát sự vận động lưỡi của chim gõ kiến. Một cách nhẫn nại, ông có thể dành hàng giờ ngồi trước dòng sông để nghiên cứu các chuyển động của dòng nước, cặm cụi giải phẫu tử thi, hay miệt mài nghiên cứu cấu tạo cơ thể của động vật,… nhưng cũng rất tùy hứng khi có thể chỉ tỉa tót một vài nét cho một bức tranh, để rồi bỏ đó hoặc không vẽ gì thêm nữa cả. Những đặc tính rất đặc trưng cho nghệ sĩ này không chỉ khiến cho cha của ông, Piero da Vinci, hay những nhà bảo trợ – khách hàng của ông thời bấy giờ phiền lòng, dù rằng ông là một họa sĩ danh tiếng được trọng vọng, và dù rằng họ đã cố ràng buộc ông bằng đủ thứ giấy tờ cam kết (nhưng không thành). Ngày nay, thậm chí người ta vẫn còn bày tỏ sự tiếc nuối cho tính cách thất thường và thời gian bay bổng mà ông đã phung phí, người ta ước giá mà Leonardo dành thời gian để hoàn thành những nghiên cứu lý thuyết, những thiết kế kỹ thuật hay hoàn thiện các tác phẩm hội họa còn dang dở thì có phải hậu thế chúng ta đã được giàu có thêm bao nhiêu về nghệ thuật và khoa học kỹ thuật.

Isaacson cũng ít nhiều chỉ ra phẩm chất và tinh thần của một nghệ sĩ đích thực nơi Leonardo, những chi tiết chứng tỏ cách thức hành động theo bản năng, trực giác và việc đi theo tiếng gọi của trái tim. Leonardo theo đuổi bất kỳ nguồn sáng nào lọt vào tầm mắt ông, từ khoa học cho tới hội họa. Không ít lần, vì tôn trọng cảm xúc cá nhân mà ông từ chối việc vẽ tranh theo đặt hàng dù cho lúc đó đang túng thiếu, hoặc bỏ dở giữa chừng nhiều tác phẩm, nhưng lại nhận vẽ những đơn hàng cho những nhân vật kém nổi tiếng và ít thế lực hơn nếu khơi gợi được nơi ông cảm hứng sáng tác, và có thể ông sẽ không bao giờ giao trả tác phẩm mà sẽ chỉ giữ nó cho riêng mình, đơn cử như bức Mona Lisa, dù rằng ông đã được đặt hàng cho việc thực hiện nó. Những lựa chọn này của ông hiển nhiên là ích kỉ và tuyệt đối cá nhân khi ông có thể chỉ xem những đơn đặt hàng như cái cớ để theo đuổi nhu cầu khám phá và giữ tình yêu thuần túy với cái đẹp cho riêng mình. Tình yêu nơi ông là sự trọn vẹn đi hết một hành trình, nếu ông nhận thấy điều gì thực sự có giá trị đối với mình, ông sẽ không buông rời chừng nào ông còn thấy chưa đi đến tận cùng giới hạn của nó, dù như thể ông luôn hứng khởi và khát khao những đỉnh cao mới. Ông luôn không thỏa mãn khi đứng trước mẫu hình hoàn hảo của tự nhiên – cũng bởi vậy, ông dành rất nhiều thời gian để liên tục chỉnh sửa và hoàn thiện các tác phẩm mà ông tâm đắc cho tới khi ông cho rằng nó đã hoàn hảo, cho tới tận những giờ phút cuối đời. Nếu coi những tác phẩm đã được hoàn thiện, đóng gói và giao hàng là tiêu chuẩn của một nghệ sĩ thực thụ, thì hẳn Leonardo như thế sẽ chỉ được xếp vào hàng tài tử. Nhưng thực tế, chỉ với khoảng mười lăm bức tranh hậu thế còn lưu giữ lại được của ông (mà còn chưa chắc đã được ông thực sự coi là hoàn thiện) – đó đã là cả một kho tàng cho hậu thế.

Có thể bạn thích sách  Catalonia - Tình yêu của Tôi PDF EPUB

Leonardo luôn tự vấn bản thân chính mình, trong sổ tay, nhiều lần: “Nói ta nghe. Nói ta nghe. Nói ta nghe ngươi đã làm được gì chưa…”. Hơn ai hết, ông ý thức rõ ràng về sự thất thường hay bỏ dở giữa chừng của mình, những bức tranh đặt hàng không bao giờ được giao trả hoặc giao trả đúng hạn và nhiều thứ khác bị bỏ ngang, ông hẳn cũng ý thức được về sự phù phiếm, bất lực hay đồng bóng, những giây phút khát khao được vinh danh, được tôn kính và trọng vọng. Sau tất cả, những chi tiết đó chỉ khiến chúng ta cảm thấy gần gũi, đồng cảm hơn với ông, một trí tuệ vô tiền khoáng hậu được xây dựng nên bằng nỗ lực và đam mê, được nuôi dưỡng bằng trí tò mò, khả năng quan sát, sự nhẫn nại bền bỉ và ý chí mạnh mẽ với sự hỗ trợ của năng lực tưởng tượng vô song; và hơn hết, ông chứng thực năng lực ý chí tôi rèn của một con người chứ không phải như một năng lực có được nhờ vào ân sủng thánh thần, hay thuần túy từ một trí tuệ thiên phú.

Có thể nói, cuốn sách này sẽ khiến cho người đọc nhận thấy được sự vĩ đại và giá trị thực thụ nơi con người Leonardo da Vinci, không phải là Mona Lisa hay Bữa tối cuối cùng, càng không phải là hàng ngàn những trang sổ tay ghi chép cùng chú thích chi tiết hay những danh xưng cao quý mà hậu thế dành tặng cho ông, hoặc những màn trình diễn công phu ông tạo ra mà sử sách đã ghi chép lại, mà đơn giản, đó là cách ông đã hết mình sống và làm việc một cách chân chính và trọn vẹn với đam mê, lý tưởng của mình tới tận những phút giây cuối cùng của cuộc đời.

Cuốn sách sẽ cung cấp những thông tin hữu ích giúp cho nghệ sĩ nói riêng và công chúng yêu mỹ thuật – khoa học nghệ thuật nói chung tại Việt Nam có thể hình dung và tự mình chiêm ngẫm về hành trình sống như một con người thuần túy và lao động như một người nghệ sĩ – nhà khoa học, cũng để phần nào cảm nghiệm về giá trị thực sự kiến tạo nên hình tượng vĩ đại về Leonardo da Vinci, qua đó ít nhiều rút ra cho chính cá nhân mỗi người những thông tin mới mẻ, những bài học về kinh nghiệm hay tri thức hoặc biết đâu sẽ giúp khơi gợi, củng cố sự quan tâm với hội họa, khoa học, hay mở rộng ra những tư duy mới nào đó, hoặc chỉ đơn thuần là tạo nên một cảm xúc khác trong hành trình đọc của mình.

Xin trân trọng giới thiệu tới quý vị độc giả, cuốn sách tiểu sử về Leonardo da Vinci của Walter Isaacson bản dịch tiếng Việt, được dịch giả Nguyễn Thị Phương Lan chuyển ngữ từ nguyên gốc tiếng Anh.

Hà Nội, 24/09/2018 – PHẠM DIỆU HƯƠNG
—-
GIỚI THIỆU – TÔI CÒN CÓ THỂ VẼ
Quanh quãng thời gian khi vừa bước qua cái dấu mốc đáng sợ của tuổi ba mươi, Leonardo da Vinci đã viết một lá thư gửi cho vị quân vương của công quốc Milan, kể ra những lý do khiến ông xứng đáng có được một công việc trong triều đình của ông ta. Khi ấy, ở thành Florence quê nhà, ông đã có chút thành công khiêm tốn trong vai trò một họa sĩ, nhưng lại không thể hoàn thành các đơn đặt hàng vẽ tranh và đang tìm kiếm những chân trời mới. Trong mười đoạn đầu tiên của lá thư, ông giới thiệu kiến thức về cơ khí của mình, trong đó có khả năng thiết kế cầu, đường vận tải thủy, đại bác, các loại xe bọc thép, và cả các tòa nhà lớn. Chỉ đến cuối cùng, đoạn thứ mười một, ông mới bổ sung thêm rằng mình cũng là một nghệ sĩ. “Cũng tương tự như vậy trong lĩnh vực hội họa, tôi có thể vẽ mọi thứ,” ông viết[1].

Vâng, đúng là ông có thể. Sau này ông đã sáng tạo nên hai tác phẩm hội họa nổi tiếng nhất trong lịch sử, Bữa tối cuối cùng và Mona Lisa. Nhưng trong thâm tâm, ông vẫn luôn cho mình là môn đồ không kém nhiệt thành của khoa học và kỹ thuật. Với niềm say mê vừa vui thú vừa ám ảnh, ông đã theo đuổi những nghiên cứu đột phá về giải phẫu, hóa thạch, các loài chim, quả tim người, các thiết bị bay, quang học thị giác, thực vật học, địa lý, dòng chảy của nước và vũ khí. Bởi vậy, ông đã trở thành hình mẫu tiêu biểu của một Con người Phục hưng, một niềm cảm hứng cho tất cả những ai tin rằng “hằng hà sa số các công trình của tự nhiên,” như ông gọi nó, được dệt lại với nhau trong một thể thống nhất chứa đầy những mẫu hình tuyệt đẹp.[2] Khả năng kết nối nghệ thuật và khoa học, kết tinh ở bức vẽ một người đàn ông với các tỷ lệ cân đối hoàn hảo, đang dang rộng chân tay bên trong một hình tròn và một hình vuông, còn được gọi là Người Vitruvius, đã khiến ông trở thành thiên tài sáng tạo nhất trong lịch sử nhân loại.

Ở ông, những khám phá khoa học giúp làm giàu thêm cho nghệ thuật. Ông tách bỏ lớp da thịt trên mặt các tử thi, chỉ ra các múi cơ khiến đôi môi chuyển động, và rồi vẽ nên nụ cười đáng nhớ nhất thế giới. Ông nghiên cứu sọ người, vẽ các hình nhiều lớp thể hiện xương và răng, và rồi truyền tải lên tranh cơn đau đớn tột độ về thể xác trong bức Thánh Jerome ở chốn hoang vu. Ông khám phá các nguyên tắc toán học trong quang học thị giác, chỉ ra đường đi của các tia sáng chiếu vào giác mạc, và rồi tạo nên những ảo ảnh kỳ diệu về sự thay đổi phối cảnh trên bức tranh tường Bữa tối cuối cùng.

Bằng cách kết nối các nghiên cứu về ánh sáng và quang học thị giác và đưa chúng vào nghệ thuật, ông đã trở thành bậc thầy sử dụng bóng và phối cảnh để thể hiện các vật thể sao cho chúng nổi khối ba chiều trên một mặt phẳng hai chiều. Chính Leonardo đã nói rằng, khả năng “làm cho một mặt phẳng thể hiện được một vật thể như thể được dựng lên và tách biệt hẳn ra khỏi mặt phẳng đó chính là ý định đầu tiên của người họa sĩ.”[3] Phần lớn là nhờ tác phẩm của ông, các chiều kích của không gian mới trở thành sáng tạo cao nhất của nghệ thuật Phục hưng.

Có thể bạn thích sách  Nicôlai Cudơnétxốp - Người Tình Báo Anh Hùng PDF EPUB

Theo thời gian và tuổi tác, ông đào sâu vào các vấn đề khoa học không chỉ để phục vụ nghệ thuật mà còn vì một bản năng vui sướng được thăm dò những vẻ đẹp sâu sắc nhất của sáng tạo. Khi ông tìm cách lý giải tại sao bầu trời lại có màu xanh, câu trả lời đã không chỉ làm giàu thêm cho các bức họa của ông. Ông có một trí tò mò thuần khiết, rất riêng tư và vô cùng mãnh liệt.

Nhưng ngay cả khi ông đang nghĩ về bầu trời xanh, khoa học của ông cũng không hoàn toàn tách biệt khỏi nghệ thuật. Cùng với nhau, chúng dẫn dắt niềm đam mê luôn thôi thúc ông là tìm hiểu mọi thứ cần biết về thế giới, trong đó có cả cách thức con người chúng ta hòa nhập vào trong nó. Ông sùng kính sự toàn vẹn của tự nhiên và cảm nhận rất rõ sự hài hòa trong các mẫu hình mà ông thường xuyên thấy chúng lặp lại trong các hiện tượng lớn nhỏ khác nhau. Trong các trang sổ tay của mình, ông ghi lại những lọn tóc xoăn, những dòng nước xoáy và những lớp không khí cuộn bốc lên, cùng những công thức toán học có thể là ẩn số đằng sau những mẫu hình cuộn xoắn này. Trong thời gian ở Lâu đài Windsor, chiêm ngưỡng vẻ đẹp và sức mạnh toát ra từ những xoáy nước trong “các hình vẽ về trận Đại hồng thủy” mà Leonardo ghi lại lúc gần cuối đời, tôi đã hỏi giám tuyển Martin Clayton là ông cho rằng Leonardo đã sáng tạo nên chúng như những tác phẩm nghệ thuật hay như những công trình khoa học? Còn chưa dứt lời, tôi đã nhận ra rằng, đó là một câu hỏi ngớ ngẩn. “Tôi không nghĩ Leonardo lại tách bạch chúng ra như thế,” ông trả lời.

Tôi bắt tay vào viết cuốn sách này bởi Leonardo da Vinci chính là ví dụ xác đáng nhất về chủ đề xuyên suốt trong các cuốn tiểu sử của tôi: làm thế nào mà khả năng kết nối đa ngành – nghệ thuật và khoa học, nhân văn và công nghệ – lại trở thành chìa khóa làm nên sáng tạo, tưởng tượng và thiên tài. Benjamin Franklin, nhân vật trước đây của tôi, là một Leonardo trong thời đại của ông: không được học hành bài bản, ông đã tự học để trở thành một học giả với sức sáng tạo phong phú, một nhà khoa học, phát minh, ngoại giao, nhà văn, và nhà chiến lược kinh doanh xuất sắc nhất của Hoa Kỳ thời kỳ Khai sáng. Nhờ thả diều trong cơn bão, ông đã chứng minh được sét là điện, và ông phát minh ra cây cột thu lôi để thuần hóa nó. Ông chế tạo các kính mắt hai tròng, những nhạc cụ làm mê đắm lòng người, lò sưởi trong nhà tiết kiệm nhiên liệu, bản đồ dòng hải lưu Gulf Stream từ vịnh Mexico qua Đại Tây Dương, đồng thời cũng là cha đẻ của phong cách hài hước bộc trực rất riêng đã trở thành một phần của tính cách Mỹ. Albert Einstein, mỗi khi gặp trở ngại trên hành trình theo đuổi thuyết tương đối sẽ lấy cây đàn violin ra và dạo một bản nhạc của Mozart. Ada Lovelace, nhân vật trong một cuốn sách về các nhân vật tiên phong, đã kết hợp được sự nhạy cảm thi ca của người cha, Lord Byron, và tình yêu của người mẹ với vẻ đẹp của toán học, để hình dung về một chiếc máy tính phổ thông. Còn Steve Jobs thường đưa các bài thuyết trình sản phẩm mới của mình lên cao trào bằng hình ảnh một tấm biển chỉ đường thể hiện nút giao giữa khoa học nhân văn và công nghệ. Leonardo là người hùng của ông. “Ông ấy nhận ra cái đẹp trong cả nghệ thuật lẫn kỹ thuật,” Jobs nói, “và khả năng kết hợp chúng lại với nhau của ông ấy chính là điều khiến ông ấy trở thành thiên tài.”[4]

Vâng, ông là một thiên tài: năng lực tưởng tượng không giới hạn, trí tò mò không ngơi nghỉ, cùng sức sáng tạo không biên giới. Nhưng chúng ta cũng nên thận trọng khi dùng từ đó. Dán nhãn “thiên tài” cho Leonardo cũng có thể đồng nghĩa với một sự hạ thấp khi khoác lên ông một sức mạnh thần thánh nào đó. Nhà viết sử đương thời, Giorgio Vasari, một nghệ sĩ của thế kỷ XVI, đã mắc phải sai lầm này: “Đôi khi, trong thế giới siêu nhiên, một sinh linh được ban xuống từ thiên đường kỳ diệu với vẻ đẹp, sự duyên dáng và tài năng phong phú đến nỗi mỗi hành động của người đó đều trở thành thần thánh và mọi thứ người đó làm rõ ràng đều đến từ Chúa Trời chứ không phải nghệ thuật của con người.”[5] Trên thực tế, tài năng của Leonardo là tinh hoa của con người, có được nhờ ý chí và tham vọng của chính ông. Giống như Newton hay Einstein, nó không xuất phát từ một ân điển thần thánh hay một trí tuệ với quá nhiều sức mạnh mà người trần mắt thịt như chúng ta không thể hiểu được. Leonardo hầu như không đi học, khó mà đọc được bằng tiếng Latin hay làm một phép chia dài. Tài năng của ông là thứ mà chúng ta có thể cảm nhận, thậm chí học hỏi được từ đó. Nó dựa trên những kỹ năng mà chúng ta có thể tự củng cố, chẳng hạn như trí tò mò hay óc quan sát. Trí tưởng tượng của ông quá mạnh mẽ đến nỗi nó hòa vào với thế giới huyễn tưởng, cũng là thứ mà chúng ta có thể luôn cố gắng gìn giữ cho bản thân và gieo mầm trong con cái chúng ta.

Những tưởng tượng huyền hoặc của Leonardo tràn ngập mọi thứ mà ông chạm tới: những vở kịch mà ông sản xuất, kế hoạch nắn dòng chảy các con sông, thiết kế thành phố lý tưởng, các thiết bị bay, và hầu hết mọi khía cạnh khác trong nghệ thuật cũng như kỹ thuật. Lá thư gửi nhà cầm quyền Milan là một ví dụ, bởi hiểu biết về kỹ thuật quân sự khi ấy là điều chỉ tồn tại trong tâm trí ông. Vai trò đầu tiên của ông trong triều đình Milan không phải là tạo ra các thứ vũ khí mà là tổ chức các buổi trình diễn và lễ hội. Ngay cả khi ở đỉnh cao sự nghiệp, hầu hết các thiết bị bay và chiến đấu của ông cũng đều chỉ là một tầm nhìn chứ không phải một công trình thực tế.

Ban đầu tôi cho rằng sự nhạy cảm trước những điều huyền hoặc của ông là một thất bại, thể hiện tính vô kỷ luật và thiếu thận trọng, khiến ông luôn có thiên hướng bỏ dở các tác phẩm nghệ thuật và các công trình lý thuyết, ở một mức độ nào đó thì điều đó đúng. Tầm nhìn mà không có thực hiện thì chỉ là ảo ảnh. Nhưng tôi cũng tin rằng, khả năng xóa nhòa đường ranh giữa hiện thực và huyễn tưởng, y như kỹ thuật sfumato (phủ mờ) để làm nhòa mờ các đường nét trên một bức tranh, là chìa khóa làm nên sức sáng tạo của ông. Có kỹ năng mà không có tưởng tượng sẽ chỉ là một thứ thô kệch. Leonardo biết cách kết hợp quan sát với tưởng tượng, và chính điều đó đã khiến ông trở thành bậc trí tuệ sáng tạo đột phá tài tình nhất trong lịch sử.

Điểm khởi đầu của tôi với cuốn sách này không phải là các kiệt tác nghệ thuật của Leonardo mà là các trang sổ tay của ông. Tôi cho rằng, trí tuệ của ông được thể hiện rõ nhất trong hơn 7.200 trang giấy chứa những ghi chép cùng chú thích của ông mà kỳ diệu thay, vẫn còn lại tới tận ngày nay. Giấy hóa ra lại là công nghệ lưu trữ thông tin siêu việt, vẫn còn đọc được sau năm trăm năm, trong khi những dòng trạng thái trên mạng xã hội của chúng ta có lẽ sẽ không thể tồn tại lâu đến vậy.

May thay, Leonardo không đủ giàu có để phung phí giấy viết, vậy nên ông chèn vào từng chỗ trống nhỏ những hình vẽ đa dạng cùng những dòng chữ viết theo lối chữ gương, trông có vẻ như chỉ là ngẫu nhiên nhưng lại gợi ý cho chúng ta về những diễn biến tâm lý chóng vánh của tác giả. Tràn ra bên lề, vô tình hay hữu ý, là những phép tính, hình vẽ phác cậu trai trẻ xinh đẹp tinh quái mà ông yêu quý, những chú chim, các thiết bị bay, dàn cảnh sân khấu, các xoáy nước, mạch máu, những cái đầu kỳ quái, thiên thần, thiết bị dẫn nước, cành lá, hình sọ người đã cưa mở ra, mẹo vẽ tranh dành cho các họa sĩ, ghi chú về mắt người và quang học thị giác, vũ khí chiến tranh, ngụ ngôn về loài vật, các câu đố và cả hình nghiên cứu cho các bức tranh. Sự xuất sắc trong nhiều lĩnh vực của ông trải ra trên khắp các trang giấy, cho ta một trình bày hấp dẫn về một trí tuệ đang bắt nhịp cùng tự nhiên. Các trang sổ tay của ông chính là dữ liệu đồ sộ nhất về một trí tò mò có một không hai trong lịch sử, một chỉ dẫn tuyệt vời tới người mà nhà lịch sử nghệ thuật lừng danh Kenneth Clark gọi là “người đàn ông tò mò nhất trong lịch sử.”[6]

Có thể bạn thích sách  Hồi Ký Chính Trị - Dr Mahathir Moham PDF EPUB

Chi tiết mà tôi ưa thích trong các trang sổ tay của ông là danh sách những việc cần làm, thứ phản ánh rõ nhất trí tò mò của ông. Một trong số đó, ra đời từ những năm 1490 ở Milan, là danh sách những thứ mà ông muốn học trong ngày. “Diện tích của Milan và vùng ngoại ô của nó,” là mục đầu tiên. Nó có một mục đích thực tế, như được hé lộ trong các dòng sau: “Vẽ Milan.” Những danh sách khác cho thấy ông không ngừng tìm kiếm những người mà ông có thể thu thập được kiến thức từ họ: “Kiếm một bậc thầy về toán học để nhờ chỉ cho phép cầu phương một hình tam giác… Hỏi Giannino người Bombardier xem người ta đã xây lại các bức tường của tháp Ferrara như thế nào… Hỏi Benedetto Protinari xem ở xứ Flanders người ta đi bộ trên băng ra sao… Kiếm một bậc thầy về thủy lực để ông ta chỉ cho cách sửa đồng hồ, kênh đào và cối xay theo kiểu Lombard… Lấy kích thước của Mặt Trời mà Quý ông Giovanni Francese người Pháp đã hứa cung cấp cho.”[7] Ông chẳng bao giờ thấy thỏa mãn.

Hết lần này đến lần khác, năm này qua năm khác, Leonardo liệt kê ra những thứ ông phải làm và học. Một số đòi hỏi sự quan sát kỹ càng mà hầu hết chúng ta đều hiếm khi dừng lại để thử. “Quan sát chân của ngỗng: Nếu nó luôn mở hoặc luôn khép thì con vật sẽ không thể nào chuyển động được.” Những thứ khác, trong đó có câu hỏi vì sao bầu trời lại xanh, là về những hiện tượng quá phổ biến tới nỗi chúng ta hiếm khi dừng lại mà thắc mắc về chúng. “Tại sao cá ở trong nước lại vận động nhanh hơn chim ở trên trời trong khi đáng lẽ phải ngược lại bởi vì nước nặng hơn và đặc hơn so với không khí?[8]

Xuất sắc nhất là những câu hỏi dường như hoàn toàn ngẫu nhiên. “Mô tả lưỡi của chim gõ kiến,” ông nhắc mình.[9] Liệu có bất kỳ ai trên Trái Đất này, một ngày nọ, không có lý do gì, lại quyết định rằng mình muốn biết lưỡi của con chim gõ kiến trông ra sao? Làm thế nào bạn có được câu trả lời? Đó không phải thứ Leonardo cần để vẽ tranh hay thậm chí là hiểu về cơ chế bay của loài chim. Nhưng có một, và như chúng ta sẽ thấy, có nhiều điều hấp dẫn để học về cái lưỡi của một con chim gõ kiến. Và lý do chính khiến ông muốn biết, là bởi ông là Leonardo: tò mò, say mê, và luôn thu vào trong mắt những điều kỳ diệu của thiên nhiên.

Kỳ dị nhất có lẽ là dòng chữ: “Tới nhà tắm nước nóng mỗi thứ Bảy để xem đàn ông khỏa thân.”[10] Chúng ta có thể hình dung Leonardo muốn làm điều đó là vì những lý do liên quan tới cả giải phẫu lẫn thẫm mỹ. Nhưng ông có thực sự cần phải tự nhắc nhở mình làm việc đó hay không? Mục tiếp theo trong danh sách là “thổi phồng phổi của một con lợn và quan sát xem liệu có phải cả chiều rộng lẫn chiều dài của nó sẽ cùng tăng, hay chỉ chiều rộng mà thôi.” Như nhà phê bình nghệ thuật Adam Gopnik của tờ New Yorker từng viết, “Leonardo vẫn luôn kỳ lạ, kỳ lạ vô song mà chẳng thể nào khác đi được.”[11]

Trong khi vật lộn với những câu hỏi, tôi đã quyết định viết một cuốn sách về ông, sử dụng những ghi chép này của ông làm nền tảng. Tôi bắt đầu làm một cuộc hành hương để xem các bản gốc ở Milan, Florence, Paris, Seattle, Madrid, London, và Lâu đài Windsor. Tôi tuân theo huấn thị của chính Leonardo là bắt đầu mọi điều tra từ nguồn: “Những người có thể đi tới vòi nước sẽ không lấy nước từ vại chứa.”[12] Tôi cũng đắm chìm vào những phát hiện ít người biết đến từ những bài báo khoa học và luận án tiến sĩ về Leonardo, mỗi công trình đều là những nghiên cứu tỉ mỉ trong nhiều năm về một chủ đề cụ thể nào đó. Trong vòng vài thập kỷ qua, đặc biệt là từ khi hai cuốn sổ tay được đặt tên là Codices Madrid của ông được tìm lại vào năm 1965, đã có rất nhiều bước tiến trong phân tích và dịch thuật các ghi chép của ông. Cũng tương tự như vậy, công nghệ hiện đại đã làm hé lộ những thông tin mới về các tác phẩm và kỹ thuật vẽ tranh của người họa sĩ bậc thầy.

Sau khi đắm chìm vào Leonardo, tôi cũng cố hết sức có thể để quan sát kỹ lưỡng hơn những hiện tượng mà tôi thường bỏ qua, nỗ lực đặc biệt hòng nhìn nhận sự vật như nó vốn có. Khi tôi nhìn ánh sáng mặt trời chiếu vào các nếp vải, tôi tự nhủ phải dừng lại và quan sát xem những mảng tối đang mơn trớn các nếp gấp ra sao. Tôi cố nhìn xem ánh sáng phản chiếu từ một vật sẽ nhẹ nhàng nhuộm màu lên bóng của vật khác như thế nào. Tôi để ý xem những tia sáng lấp lánh trên một bề mặt bóng chuyển động như thế nào khi tôi từ từ nghiêng đầu. Khi nhìn vào một cái cây ở xa và một cái ở gần, tôi cố hình dung ra các đường phối cảnh. Khi nhìn một xoáy nước, tôi so sánh nó với một lọn tóc xoăn. Khi không hiểu một khái niệm toán học, tôi cố hết sức để có thể diễn giải nó bằng hình ảnh. Khi nhìn mọi người ăn tối, tôi nghiên cứu mối quan hệ giữa cử chỉ và cảm xúc của họ. Khi bắt gặp dấu vết một nụ cười thoáng hiện trên môi ai đó, tôi cố nắm bắt lấy những điều đang ẩn giấu bên trong.

Không, tôi chẳng thể nào là Leonardo được khi cố nắm bắt chút hiểu biết hay lượm lặt đây đó chút tài năng của ông. Tôi chẳng tiến thêm một milimét nào để tới gần với một người có khả năng thiết kế tàu lượn, sáng tạo ra cách vẽ bản đồ mới, hay vẽ bức Mona Lisa. Tôi phải cố ép bản thân thì mới thực sự tò mò về cái lưỡi của con chim gõ kiến. Nhưng tôi đã học được một điều từ Leonardo, đó là, mong muốn được chiêm ngưỡng và được kinh ngạc trước thế giới mà chúng ta đối diện hằng ngày có thể khiến mỗi khoảnh khắc trong cuộc đời trở nên phong phú hơn biết bao.