LỜI GIỚI THIỆU
「日本語10」là sách giáo khoa tiếng Nhật dành cho đối tượng là học sinh lớp 10 trung học phổ thông.「日本語10」nhằm giúp học sinh tiếp tục nâng cao năng lực tiếng Nhật, bồi dưỡng cho các em năng lực giao tiếp bằng tiếng Nhật nói riêng, năng lực giao tiếp xã hội nói chung, đồng thời tạo cho các em sự hứng thú và thái độ tiếp nhận đối với nền văn hoá khác – một yếu tố quan trọng trong quá trình hội nhập và giao lưu quốc tế.
I. Đặc điểm và cấu trúc chung của 「日本語10」
Sách được biên soạn theo nguyên tắc tiếp nối với các cuốn sách giáo khoa tiếng Nhật dành cho học sinh trung học cơ sở, đảm bảo tính thống nhất về mục tiêu đào tạo xuyên suốt cả bộ sách.
Nội dung giao tiếp, từ vựng, cấu trúc ngữ pháp, chữ Hán trong 「日本語10」 được lựa chọn dựa trên các nội dung đã học trong chương trình tiếng Nhật trung học cơ sở và mục tiêu cần đạt sau khi hoàn thành chương trình tiếng Nhật 7 năm.
Chủ đề của các bài học gần gũi với lứa tuổi học sinh lớp 10. Nội dung của các bài học được xây dựng với mục đích trang bị cho học sinh khả năng sử dụng tiếng Nhật trong một ngữ cảnh cụ thể nào đó. Các ngữ liệu (cấu trúc ngữ pháp, từ vựng và chữ Hán v.v.) cũng được lựa chọn trên cơ sở này và phù hợp với khung chương trình tiếng Nhật ở trường trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2006, đồng thời phù hợp với danh mục các cấu trúc ngữ pháp, từ vụng và chữ Hán có trong chương trình cấp độ 4 (4 kyu) và cấp độ 3 (3 kyu) của là kì thi năng lực tiếng Nhật do Nhật Bản quy định.
「日本語10」 gồm 14 đơn vị bài học, mỗi bài học ứng với 6 tiết học trên lớp. Riêng Bài 7 và Bài 14 là hai bài ôn tập.
II. Cấu trúc của từng bài học trong 「日本語10」
Mỗi bài học trong「日本語10」có cấu trúc như sau:
1. Mở đầu mỗi bài là mục 「話しましょう」. Đây là mục đóng vai trò dẫn nhập, nhằm hướng sự chú ý của học sinh vào nội dung chung của cả bài học. Việc thảo luận sẽ gây hứng thú cho các em đối với nội dung của bài học. Ngoài ra, phần này cũng có tác dụng trong việc tạo thói quen suy nghĩ của học sinh, rèn luyện năng lực phân tích vấn đề dựa trên sự liên hệ, so sánh giữa những kinh nghiệm của bản thân có được trong thực tế cuộc sống với những điều sẽ học trong bài.
2. Sau mục「話しましょう」 là mục giới thiệu về nội dung chính của bài học. Mục này chỉ ra mục tiêu giao tiếp cần đạt, cấu trúc ngữ pháp và các chữ Hán sẽ được học trong bài.
3. Sau hai mục trên, dựa trên mục đích giao tiếp cần đạt, các cấu trúc ngữ pháp hoặc cách diễn đạt mới trong bài được chia thành 2 phần là「パートA」và「パートB」.Trong mỗi phần gồm có các mục như sau :
(1) 「聞きましょう ・ 読みましょう」 : Phần này giúp các em làm quen về mặt hình thức, ý nghĩa và phạm vi sử dụng, chức năng của các cấu trúc ngữ pháp mới thông qua các ngữ cảnh phù hợp.
(2) 「れんしゅうしましょう」: Giúp các em nắm chắc cách cấu tạo của các cấu trúc ngữ pháp mới và sử dụng được các cấu trúc này nhằm đạt được mục tiêu giao tiếp đặt ra trong bài.
(3)「タスク」:Là phần luyện tập nâng cao đối với các cấu trúc đã học.
4.「言ばをふやしましょう」:Phần này trang bị thêm cho các em một số từ vựng liên quan đến chủ đề của bài học và cách sử dụng các từ vựng đó thông qua các bài luyện tập.
5.「やってみましょう」: Đây là phần luyện tập ứng dụng, phối hợp các cách diễn đạt đã học trong cả hai phần 「パートA」và「パートB」.
6.「かんがえましょう」: Đây là mục để các em học sinh trao đổi ý kiến về một số đặc trưng văn hoá hay phong tục, tập quán của các dân tộc trên thế giới, của Nhật Bản và Việt Nam, nhằm trang bị cho các em một số kiến thức về văn hoá nói chung, văn hoá Nhật Bản nói riêng. Đồng thời, mục này cũng giúp các em rèn luyện năng lực giao tiếp thông qua hình thức trao đổi ý kiến.
7.「かん字れんしゅうしましょう」 : Phần giới thiệu và luyện tập các chữ Hán được học trong bài.
8.「もう少しやってみましょう」 : Phần này nhằm giúp hoc sinh cúng có các cấu trúc ngữ pháp đã học, tăng vốn từ và kiến thức văn hoá – xã hội nói chung và kiến thức về văn hoá – xã hội Nhật Bản nói riêng, đồng thời rèn luyện kĩ năng đọc hiểu thông qua các bài đọc liên quan đến chủ đề của bài.
9.「ふりかえリましょう」 : Giúp học sinh ôn lại cách diễn đạt cơ bản được học trong bài và tự đánh giá mức độ đạt được của mình về kiến thức, kĩ năng đã học. Thông qua đó, học sinh biết được mình đã nắm chắc phần nào và cần củng cố thêm phần nào trong mỗi bài học.
III. Một số vấn đề khác cần lưu ý khi sử dụng 「日本語10」
1. Ở đầu sách có bảng giới thiệu chung về cấu trúc của sách và nội dung của từng bài bằng tiếng Việt. Các em học sinh nên tham khảo để nắm được một cách tổng quát nội dung mà các em sẽ học trong một năm học và nội dung sẽ học trong từng bài. Việc tham khảo này cũng giúp các em dễ dàng hơn khi ôn tập cuối học là hoặc cuối năm học. Bảng này cũng có thể dùng như mục lục của sách.
2. Trước các bài học có bảng giới thiệu một số chỉ thị, yêu cầu thường được dùng trong sách kèm theo ý nghĩa trong tiếng Việt. Trước khi học, các em học sinh cần tham khảo bảng này.
3. Khác với các cuốn sách giáo khoa tiếng Nhật của các lớp dưới,「日本語10」không có mục “Giải thích cấu trúc ngữ pháp” ở từng bài. Đổi lại, trong mục「れんしゅうしましょう」 của mỗi bài đều có các câu hỏi về cách cấu tạo, cách dùng hoặc ý nghĩa của cấu trúc ngữ pháp hay cách diễn đạt mới trong bài. Việc tự phân tích, suy nghĩ để tìm ra câu trả lời sẽ giúp các em nắm chắc hơn và ghi nhớ được cách cấu tạo, cách sử dụng cũng như ý nghĩa của các cấu trúc mới, cách diễn đạt mới. Các em cũng có thể tìm đáp án cho các câu hỏi ở mục này qua việc tham khảo phần giải thích cấu trúc ngữ pháp ở cuối sách. Tuy nhiên, các em nên tự tìm câu trả lời trước khi tham khảo phần đó.
4. Ngoài các bài luyện tập được tiến hành trên lớp cùng với sự tham gia hoặc hướng dẫn của giáo viên, với mỗi cấu trúc, cách diễn đạt mới của từng bài đều có thêm các bài luyện tập, được đặt ở cuối sách. Các bài luyện tập này chủ yếu để các em học sinh làm ở nhà. Tuy nhiên, tuỳ theo tình hình của lớp học, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh làm một số bài ở trên lớp.
5. Mỗi bài trong cuốn「日本語10」đều có mục chữ Hán riêng. Câu hỏi đầu tiên trong mục này giúp các em ghi nhớ cấu tạo của chữ Hán dựa trên sự liên tưởng giữa hình thức cấu tạo của chữ Hán với ý nghĩa được biểu đạt. Bài luyện tập tiếp theo nhằm luyện cho các em cách đọc các chữ Hán đó. Để nắm chắc cách viết chữ Hán, các em cần hoàn thành đầy đủ bài luyện tập ở phần bài tập cuối sách.
6. Phần giải nghĩa từ mới được đặt ở cuối sách, tro đó các từ mới được bố trí theo thứ tự của các bài và các từ của mỗi bài được sắp xếp theo thứ tự của bảng chữ cái tiếng Nhật. Bảng giới thiệu các chữ Hán mới theo âm Hán – Việt cũng được bố trí ở cuối sách. Các em học sinh có thể tham khảo phần này khi học.
Trong quá trình biên soạn, nhóm tác giả đã tham khảo nhiều sách giáo khoa của Nhật Bản và một số nước khác, trong đó có bộ tài liệu hướng dẫn biên soạn sách giáo khoa tiếng Nhật『教科書を作ろう』của Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản. Chúng tôi đã nhận được sự chỉ đạo của Vụ Giáo dục trung học – Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà sư phạm trong Hội đồng thẩm định, sự giúp đỡ nhiệt tình của Đại sứ quán Nhật Bản, Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản, Trung tâm tiếng Nhật quốc tế Urawa và sự cộng tác của một số giảng viên tiếng Nhật thuộc khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Phương Đông – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội. Nhóm tác giả xin chân thành cảm ơn sự chỉ đạo và hợp tác của các cơ quan và các cá nhân dành cho công tác biên soạn 「日本語10」nói riêng và bộ sách giáo khoa tiếng Nhật đầu tiên dùng trong trường trung học của nước ta nói chung.
Nhóm biên soạn sách giáo khoa「日本語10」