A-na-tô-li I-va-nốp (sinh năm 1928) – nhà văn Nga nổi tiếng, người được giải thưởng Quốc gia Liên Xô, đã hoạt động trong nền văn học Xô-viết hơn 30 năm. Tên tuổi ông gắn liền với việc khai thác dưới góc độ văn học vùng Xi-bi-ri cùng với lịch sử và hiện tại của nó. I-va-nốp sinh ra và lớn lên tại làng Sê-mô-na-i-kha thuộc miền đông Ca-dắc-xtan. «Ở đó đời sống Xi-bi-ri và con người Xi-bi-ri vẫn đi theo nề nếp của mình», – sau này ông đã viết về làng quê của mình như vậy. Năm 1950, sau khi tốt nghiệp khoa báo chí trường đại học tổng hợp, ông đã làm việc một số năm tại các tòa soạn các báo huyện ở vùng Xi-bi-ri, Viễn Đông và đã từng đi nhiều nơi.
Tập truyện ngắn đầu tiên của ông xuất bản năm 1956. Tiếp đó là các tiểu thuyết lớn: «Bóng đen biến mất giữa ban ngày», «Tiếng gọi vĩnh cửu» (1970) rất nổi tiếng ở Liên Xô và ở nước ngoài. Hầu hết các tác phẩm của ông đều được đưa lên màn ảnh, các bộ phim vô tuyến truyền hình nhiều tập dựa theo cốt truyện các tiểu thuyết của ông đã đạt được thành công lớn.
Sự việc diễn ra trong cuốn sách này bao gồm gần nửa thế kỷ cuộc sống của một làng quê Xi-bi-ri-từ đầu thế kỷ đến năm 1942, năm thứ hai trong cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại của nhân dân Liên Xô chống bọn phát-xít Hít-le.
A-lếch-xan-đrơ Ốp-tsa-ren-cô, một nhà ngữ văn học lớn của Liên Xô đã viết về cuốn tiểu thuyết «Tiếng gọi vĩnh cửu»:
«…chúng ta ngập vào trong thế giới của những xung đột cực kỳ gay gắt, những tình huống vô cùng căng thẳng, những đụng độ về trí tuệ, tinh thần và thể lực ác liệt nhất. Ở đây những khát vọng sôi lên sùng sục, những con người của những niềm tin khác nhau mâu thuẫn với nhau phải dùng đến cả đại bác, tiểu liên, súng máy, súng ngắn, súng lục, nắm đấm và cả hàm răng nữa. Ở đây người ta cũng cảm thấy hơi thở của sự diệt vong gần ngang như hơi thở của sự sống… bởi vì có một thế giới đang sụp đổ và một thế giới khác đang ra đời…»
Vào một ngày tháng Sáu năm 1908, trong phòng hỏi cung của sở hiến binh thành phố Tôm-xcơ có hai người: dự thẩm La-khơ-nốp-xki, chừng ba mươi lăm tuổi, chiếc mũi tẹt lúc nào cũng như láng mỡ, và cai ngục Cô-xô-rô-tốp, một gã đàn ông vẻ ngoài khó coi với chiếc quai hàm bạnh ra bè bè.
La-khơ-nốp-xki ngồi sau bàn làm việc uống nước chè, mình chỉ mặc một chiếc sơ-mi lót trong. Trời nóng nực, áo khoác ngoài nhà binh treo trên lưng ghế tựa. Cô-xô-rô-tốp đứng phục dịch, khăn vắt ngang tay, trông hắn chẳng khác gì một tên hầu bàn ở các quán ăn.
La-khơ-nốp-xki đặt chiếc cốc không xuống khay, lên tiếng:
– Ta có xem bản báo cáo của anh gửi cấp trên. Anh muốn xin về nhà tù trung ương A-lếch-xan-đrốp-xki phải không?
– Thưa ngài, đó là điều con vẫn mơ ước từ thời trẻ đấy ạ.
– Mơ ước – đó là điều rất tốt. Mơ ước của con người cần phải được thực hiện.
– Dạ, ngài có lần đã hứa, nếu con lập được công, ngài sẽ giúp.
– Được, được, ta sẽ nói hộ. Cho anh đi thì hơi tiếc, nhưng cũng phải khen thưởng anh vì sự phục vụ tận tụy và trung thành. – La-khơ-nốp-xki đẩy chiếc khay với bộ ấm chén sang một bên. – Thôi, bây giờ ta lại bắt đầu với mấy người đồng hương từ Nô-vô-nhi-cô-lai-ép-xcơ của anh… Làm thế nào mà anh chộp được chúng thế?
– Dạ, thưa ngài Ác-nôn-đơ Mi-khai-lô-vích, hôm đó con đang đi đến rạp xem xi-nê. Khi đi ngoài phố, bao giờ con cũng chú ý quan sát xung quanh, xem có gì đáng khả nghi không? Con đang nhìn thì bỗng thấy từ một ngõ hẹp ngay trước mặt có hai người bước ra, rồi vội vã đi thẳng. Con nghĩ: có cái gì đáng nghi lắm… Vừa lúc đó, một đứa ngoái nhìn lại. Con ngạc nhiên nhận ra đó là Pi-ốt Pô-li-pốp. Đồng hương! Thế còn người đi với hắn là ai? Thôi đúng là An-tôn Xa-vê-li-ép rồi! Hai đứa hồi năm chín trăm linh năm, linh sáu đã bị giam ở nhà tù Nô-vô-nhi-cô-lai-ép-xcơ. Lúc đó con làm cai ngục ở đấy. Con nghĩ, không biết chúng đến Tôm-xcơ để làm gì? Và thế là con thổi còi…
– Thôi, được rồi, khá lắm. Dẫn từng đứa một vào đây.
La-khơ-nốp-xki khoác chiếc áo nhà binh lên vai, châm lửa hút. Khói thuốc bay ra ngoài phòng theo lỗ thông hơi của chiếc cửa sổ bịt bằng lưới thép.
Chưa đầy hai phút sau, Cô-xô-rô-tốp đã đẩy An-tôn Xa-vê-li-ép vào phòng. An-tôn mặc chiếc áo vét-tông nhàu nát, mấy túm tóc màu bạch kim rủ lòa xòa trước trán dưới vành mũ lưỡi trai. Đôi mắt trong và rất sáng nhìn La-khơ-nốp-xki đầy vẻ hằn học, cau có.
Tên dự thẩm rít một hơi thuốc, bước đến bên cạnh An-tôn, hất đầu chỉ hai cặp giấy dày cộp nằm trên bàn, cười gằn:
– Tôi vừa mới hỏi xin hồ sơ cá nhân của anh và Pô-li-pốp ở sở hiến binh Nô-vô-nhi-cô-lai-ép-xcơ về đấy. Thế nào, bây giờ thì còn khăng khăng ngoan cố nữa không?
* * *
Gần một tháng trước đây, An-tôn Xa-vê-li-ép vừa tròn 18 tuổi. Và cũng đúng vào ngày sinh, anh tổ chức lễ cưới. Vợ anh là Li-da Da-kha-rô-va, con gái ông Nhi-can-đrơ Da-kha-rốp, một đảng viên Đảng xã hội, quê ở Nô-vô-nhi-cô-lai-ép-xcơ. Ông đã hy sinh hồi tháng Ba năm 1905 trong một chuyến vượt ngục từ nhà tù trung ương A-lếch-xan-đrốp-xki.
An-tôn, sinh ra và lớn lên ở làng Mi-khai-lốp-ca nhỏ bé thuộc xã San-ta-ra, cách Nô-vô-nhi-cô-lai-ép-xcơ chừng trăm rưởi véc-xta1. Cha của cậu, Xi-lan-chi Xa-vê-li-ép, rất nghèo, như ở Mi-khai-lốp-ca người ta thường nói, «nghèo hơn cả con chó của cố đạo». Câu đó có nghĩa gì, không bao giờ An- tôn có thể hiểu được, vì ở Mi-khai-lốp-ca vốn không có nhà thờ, không có cố đạo, và lẽ dĩ nhiên, không có cả chó của cố đạo.
An-tôn lớn lên như một đứa trẻ lêu lổng, thường hay đánh đập hai em trai là Phê-đô và I-van. Tất cả trẻ con làng Mi-khai-lốp-ca đều sợ cậu chết khiếp. Chưa ai biết An-tôn rồi sẽ lớn lên thành người như thế nào, thì mùa xuân năm 1904, Mi-tơ-rô-phan, em ruột của Xi-lan-chi, làm nghề thợ mộc, từ Nô-vô-nhi-cô-lai-ép-xcơ về thăm làng Mi-khai- lốp-ca.
– Này chú Mi-tơ-rô-phan, chú đưa thằng An-tôn ra thành phố một thời gian nhé? – người anh hỏi. – Có thể chú dạy nghề cho nó. Ở nhà tôi và mẹ nó chịu không làm sao bảo được nó. Thằng bé sẽ hỏng mất thôi. Nghe nói hình như còn kết bạn với bọn chuyên ăn trộm ngựa, được chúng dạy cho cờ bạc.
Ở Nô-vô-nhi-cô-lai-ép-xcơ An-tôn rất thích, nhưng không chịu học nghề thợ mộc. Suốt ngày cậu lang thang khắp các phố, làm quen với bọn du côn, đánh bạc với chúng, tìm cách móc túi những người say rượu nằm lăn lóc các quán, và nhiều lần bị đánh nhừ tử. Rồi bỗng nhiên cậu bỏ tất cả những trò đó và trở nên say mê bẫy chim ở các cánh rừng xung quanh thành phố, đưa ra chợ bán hoặc đổi lấy bánh quế cho Pi-ốt Pô-li-pốp, con trai một chủ hiệu buôn ở gần đấy. Bản thân An-tôn không ưa của ngọt, bao nhiêu bánh cậu đều cho Li-da có đôi chân thon thả, «con lão khổ sai» – như người ta thường gọi cô.
Cô bé Li-da này, người gầy đét như một bộ xương, đầu gối nhọn hoắt và cặp lông mày đen rất dài, lúc đó chừng mười bốn tuổi, nhà ở cùng phố với chú Mi-tơ-rô-phan. Bà mẹ cô hình như bị bệnh lao, ho quanh năm suốt tháng, làm việc ở nhà máy xà-phòng. An-tôn quan tâm đến Li-da chỉ vì cô là con gái của một người tù khổ sai. «Cũng hay, không biết vì sao mà người ta bắt ông ta đi đày, – cậu nghĩ, – chắc có lẽ vì đâm chết ai đó».
Một lần, An-tôn đem điều này ra hỏi Gri-gô-ri, con trai cả của chú Mi-tơ-rô-phan làm nghề đốt lò ở đề-pô xe lửa. Anh cao lớn, xương xẩu, đôi mắt to, người bao giờ cũng sặc mùi khói và bồ hóng. Gri-gô-ri là một thanh niên rất vui nhộn, thường hay cho An-tôn đi theo câu cá, và nói chung, đối xử với cậu thân mật, bình đẳng như với một người bạn cùng lứa tuổi.
– Con người muốn tìm sự thật nên bị tống đi đày khổ sai, – Gri-gô-ri nói. Anh chăm chú nhìn An-tôn rồi tiếp thêm: – Ông ấy, cha của Li-da, là đảng viên Đảng Xã hội.
– Đảng Xã hội là cái gì?
– Là cách mạng.
– Thế cách mạng là cái gì?
Gri-gô-ri phá ra cười, và không hiểu sao, anh lại nháy mắt nhìn An-tôn:
– Thế nào, lạ lắm phải không? Rồi anh cũng sẽ biết được thôi. Mọi cái đều có lúc của nó.
Ít lâu sau, An-tôn biết được rằng cả Gri-gô-ri, cả chú Mi-tơ-rơ-phan, thậm chí cả bà thím U-li-a-na Phê-đô-rốp-na cũng là những người cách mạng, mặc dù họ tìm mọi cách để giấu kín, không cho An-tôn biết điều này. Và khi thấy An-tôn đã biết hết mọi chuyện, suýt nữa họ bắt cậu phải trở về với bố mẹ ở làng Mi-khai-lốp-ca. Găng nhất là thím U-li-a-na Phê-đô-rốp-na. Nếu không có Gri-gô-ri, chắc chắn An-tôn đã phải về rồi.
– Cha ạ, con thật không hiểu cha muốn gì?! – một lần, Gri-gô-ri đã to tiếng với cha. Anh túm lấy bộ quân bài của An-tôn vừa bị thím U-li-a-na tước được vứt trên bàn, lắc lắc trong không khí. – Cha muốn để cho An-tôn cứ đi theo con đường này à? Càng để lâu thì càng khó chữa đấy. Cha phải hiểu rằng, vào cái tuổi này, ma quỷ nào biết nó muốn gì. Toàn những chuyện khác thường! Cho nên, cần phải tìm cách giúp đỡ An-tôn!
Và ngay trong ngày hôm đó, chỉ nửa giờ sau, trong lúc nhận tài liệu bí mật từ tay liên lạc viên tại một ga xép ở ngoại ô thành phố, Gri-gô-ri – anh thanh niên Gri-gô-ri bao giờ cũng sôi nổi, không biết chán nản là gì, người đã phản đối việc gửi trả An-tôn về làng Mi-khai-lốp-ca, – đã bị cảnh sát bắn trọng thương. Chiều hôm đó anh tắt thở trên tay An-tôn, chỉ kịp nói mấy lời:
– An-tôn, nếu anh đi tìm sự thật, thì nhà tù, khổ sai và, có thể, cả cái kết cục như thế này… sẽ đợi anh… Anh có dám đi không?
– Đi!
– Không sợ à?
– Không!
– Tốt lắm…
– Tôi cũng sẽ trở thành người như chú!
– Tôi tin…
Chẳng bao lâu sau, An-tôn đã được nếm mùi tù ngục lần đầu tiên. Cả anh, cả Li-da, cả Pi-ốt Pô-li-pốp, – mặc dù Pi-ốt là con trai của một chủ hiệu khá giàu có.
Dần dần, An-tôn và Pi-ốt trở nên thân nhau. Tình bạn của họ chỉ bị có một điều duy nhất làm cho vẩn đục: từ bao giờ không biết, cả hai người đều đã thầm yêu Li-da. Không hiểu cô gái có cái gì làm cho anh chàng Pi-ốt phải say mê? Li-da không xinh, chỉ có đôi mắt của cô là đẹp, đôi mắt hơi xanh như làn nước suối, bao giờ cũng lấp lánh một thứ ánh sáng vừa sống động, vừa bồn chồn. An-tôn yêu cô vì sự táo bạo đến liều lĩnh của cô, mặc dù nhìn bề ngoài thì không thể kết luận như vậy được. Mới 14-15 tuổi, cô đã nhiều lần đến Tôm-xcơ và chuyển tài liệu mật, thậm chí cả vũ khí nữa, từ đấy về.
Về phía Li-đa, cô đối xử với An-tôn và Pi-ốt bao giờ cũng như nhau; và mãi cho tới tận thời gian gần đây cũng không biết được là cô thích ai hơn. Trong thâm tâm, An-tôn cho Pi-ốt có nhiều lợi thế và triển vọng hơn, đặc biệt là từ sau ngày ở tù ra. Họ bị bắt vào cuối tháng Mười năm 1905, tất cả gồm bốn người: An-tôn, Li-da, Pi-ốt và I-van Mi-khai-lô-vích Xu-bô-tin – người lãnh đạo tổ chức Đảng Công nhân Xã hội Dân chủ Nga ở thành phố Nô-vô-nhi-cô-lai-ép-xcơ, một nhà hoạt động cách mạng có nhiều kinh nghiệm. Cùng với cha của Li-da, ông vừa mới vượt ngục từ nhà tù trung ương A-lếch-xan-đrốp-xki về mấy tháng trước đây. Các đồng chí kiếm cho ông được giấy tờ hợp pháp mang tên Cu-dơ-ma Tsúc-kin, và bố trí cho làm chân rửa bát ở bếp nhà lao Nô-vô-nhi-cô-lai-ép-xcơ. Làm việc ở đây, ông tích cực chuẩn bị cho những người tù chính trị vượt ngục. Vào một ngày tháng Mười, trong thời gian bãi công, những người công nhân đường sắt, – sau cái chết của Gri-gô-ri, tổ chức ở đây do cha anh, Mi-tơ-rô-phan, lãnh đạo, – đã tổ chức một cuộc biểu tình chính trị lớn chưa từng thấy và phá được nhà tù. Những đại đội Cô-dắc và quân đội chính quy chỉ mấy phút sau được điều đến để giải tán đám biểu tình, và toàn bộ những người tổ chức cuộc phá ngục đã bị bắt.
Ngày hôm đó, Tsúc-kin – Xu-bô-tin trao cho An-tôn và Pi-ốt Pô-li-pốp một nhiệm vụ chiến đấu thật sự. Từ sáng, An-tôn cần phải đến một ga xép vắng vẻ để nhận từ tay ông già công nhân đường sắt một túi đạn và trước mười giờ phải mang đến chỗ hẹn trong rừng ở ngoại ô thành phố. Đây là số đạn dự trữ. Trong trường hợp cần thiết, Pi-ốt Pô-li-pốp sẽ chuyển số đạn đó vào thành phố cho tổ xung kích. Pô-li-pốp là học sinh trung học. Mặc bộ đồng phục học sinh, anh dễ dàng mang đạn đi trong thành phố mà không gây sự nghi ngờ. Nhưng An-tôn lại tự ái vì anh không những không được chọn vào tổ xung kích đi phá nhà tù, người ta cũng không tin tưởng giao cho anh mang đạn vào thành phố. Vì vậy, từ ga xép, anh đến thẳng địa điểm tập trung của tổ xung kích.
Mời các bạn đón đọc Tiếng Gọi Vĩnh Cửu của tác giả Anatoli Ivanốp.
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn