Cùng với công cuộc đổi mới đất nước, sử học Việt Nam hơn 10 năm qua đã có những chuyển biến sâu sắc trên con đường đổi mới tư duy và phương pháp nghiên cứu. Bên cạnh mảng đề tài truyền thống chống ngoại xâm, truyền thống đấu tranh cách mạng vẫn tiếp tục được triển khai theo chiều sâu, giới sử học tập trung nhiều hơn sự quan tâm đến những vấn đề về kinh tế- xã hội, văn hoá…, nhìn nhận và đánh giá lịch sử đất nước toàn diện hơn, khách quan hơn và ngày càng tiệm cận với chân lý lịch sử. Nhiều sách giáo khoa, giáo trình đã phản ánh được những thành tựu mới của sử học và đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục truyền thống trong nhà trường.
Trên cơ sở rút kinh nghiệm và cải tiến các bộ giáo trình lịch sử Việt Nam trước đây cho phù hợp với yêu cầu mới, Đại học Quốc gia Hà Nội đã quyết định xây dựng môn học Tiến trình lịch sử Việt Nam thành môn học chính thức thuộc khối kiến thức chung cho sinh viên nhóm ngành VI.
Cuốn sách được soạn thảo theo tinh thần bám sát đề cương Tiến trình lịch sử Việt Nam đã được Đại học Quốc gia Hà Nội thẩm định và thông qua, bảo đảm cung cấp cho sinh viên những kiến thức vừa cơ bản, vừa hệ thống về quá trình phát triển liên tục của lịch sử Việt Nam từ khi có con người xuất hiện trên đất nước ta cho đến ngày nay. Cuốn sách cố gắng phản ánh những thành tựu mới của khoa học lịch sử trong nước và trên thế giới cũng như những nghiên cứu chuyên sâu của mỗi tác giả và được trình bày theo quan điểm chính thống, trên tinh thần kết hợp chặt chẽ, hài hòa truyền thống và hiện đại. Tuy nhiên trong khuôn khổ của một cuốn giáo trình giản yếu, các tác giả mới chỉ chú trọng cung cấp cho sinh viên một bức tranh tổng quan về diễn tiến lịch sử với những đặc điểm chủ yếu, những quy luật phát triển cơ bản của lịch sử đất nước mà chưa thể đi sâu, trình bày, lý giải một cách đầy đủ, cặn kẽ các vấn đề, các sự kiện.
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com