Bạn đã biết tiền cần thiết như thế nào rồi. Bạn vẫn thấy bố mẹ hằng ngày cần tiền đổ xăng, mua đồ ăn, hay trả tiền điện nước. Và bạn cũng biết từng đồng tiền tiêu vặt của mình được tiêu, hay để dành, hay dùng theo đủ cách ra sao. Nhưng bạn có biết đất nước nơi mình sống cũng cần tiền không? Cần khá nhiều tiền đó!
Mỗi nước lớn nhỏ khác nhau lại cần một lượng tiền khác nhau. Nước càng lớn càng cần nhiều tiền. Nhưng cũng có nhiều nước rộng mênh mông mà lại chẳng mấy thành phố hay thị trấn có người sống. Mặt khác, có nước tuy chỉ nhỏ xíu bằng hòn đảo nhưng lại rất đông dân.
Số tiền mỗi nước cần là lượng tiền đủ để mọi thứ phục vụ cho cư dân nước đó đều “chạy” tốt.
Để mọi thứ đều chạy tốt trong cả một nước, có bao nhiêu là việc cần đến tiền. Mọi người ai cũng phải đi lại khắp nơi, nên phải xây đường bộ, đường sắt và sân bay cho họ. Hàng hóa làm ra trong nhà máy và trang trại cần phải được chuyển đi, nên cảng biển và sông ngòi cũng quan trọng nữa.
Ngoài ra, người dân cần được đi học ở trường phổ thông và cao đẳng đại học, và được chăm sóc khi già yếu hay ốm bệnh.
Cần có luật pháp để bảo vệ mọi người và tài sản của họ. Cần có cảnh sát để giữ trật tự, tòa án để định tội, và nhà tù để trừng phạt những kẻ phạm tội.
Và đất nước có thể cần quân đội để bảo vệ biên giới – hay thậm chí là giúp các nước khác.
Và rồi lại còn cần người để điều hành các thứ ấy, các cơ quan để họ làm việc, một tòa nhà chính phủ thật lớn để làm nơi họp hành…
Không phải nước nào cũng dùng tiền giống nhau, nhưng có một số món nước nào cũng phải nhớ:
An sinh xã hội có nghĩa là giúp đỡ những người kém may mắn – người nghèo, người bệnh, người khuyết tật, người già và người thất nghiệp, đôi khi lo cả nhà ở cho họ. Cũng có nước trợ giúp cả người làm bố/mẹ đơn thân, người vô gia cư hay người bị bệnh thần kinh.
Chính phủ nào cũng muốn càng nhiều người có việc làm càng tốt. Nhà nước có thể trợ cấp cho những ai muốn đi học, hay trợ giá cho nông dân trồng một số loại cây. Hoặc giúp nền công nghiệp bằng cách giảm thuế, hỗ trợ tiền xây dựng nhà xưởng và nghiên cứu.
Đa số các nước đều đặt giáo dục lên trên hết. Giáo dục tất cả mọi người cũng rất tốn tiền. Phải xây trường học và mua đủ mọi thiết bị dạy học nữa. Lại phải đào tạo và trả lương cho thầy cô giáo.
Ai cũng muốn cảm thấy an toàn khi ra đường. Các nước thường có lực lượng cảnh sát để bảo đảm bạn được an toàn nhất có thể. Khi đó cần tiền để huấn luyện, trả lương, xây văn phòng và mua xe cộ cho họ.
Chúng ta thỉnh thoảng vẫn ốm đau, cần đi khám ở phòng khám hay bệnh viện. Nhiều nước có chương trình y tế quốc gia để trả hết chi phí bệnh viện, phòng khám và y tá, bác sĩ, cũng như các trang thiết bị hiện đại để khám chữa bệnh. Ở vài nước, cả tiền thuốc bạn cũng được trả giúp.
Muốn đất nước hoạt động hiệu quả thì hàng hóa và con người cần phải di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Nghĩa là cần xây đường bộ, đường sắt và sân bay.
Mỗi nước đều cần bảo vệ biên giới, nhất là nếu lại sống cạnh một ông láng giềng hung hăng. Thế nghĩa là phải có tiền nuôi quân đội: lục quân, không quân, và cả hải quân nếu có biên giới biển. Quốc phòng có thể là món tốn kém nhất trong ngân sách của một nước, vì phải mua vũ khí và các phương tiện vận chuyển hiện đại đắt tiền.
Một trong những bài toán lớn nhất với mỗi chính phủ là xây đủ nhà ở cho dân số ngày càng tăng, nhưng vẫn đảm bảo không làm hại môi trường. Nhà nước có thể giúp các công ty tư nhân xây nhà giá rẻ với chi phí thấp, hay chính quyền địa phương tự xây nhà cho dân thuê.
Đa số tiền của chính phủ lấy từ thuế của những người sống và làm việc trong nước. Nhưng đôi khi thuế ấy không đủ trả cho mọi thứ. Chính phủ phải mượn tiền ngân hàng và trả lãi cho các khoản vay hay món nợ ấy. Cộng cả gốc lẫn lãi, khoản tiền phải trả có thể rất khủng khiếp.
Mời các bạn đón đọc Tiền Của Quốc Gia.
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn