John Stuart Mill là nhà triết học và kinh tế chính trị học người Anh.
Ngoài Thuyết công lợi – một tác phẩm kinh điển về lý thuyết đạo đức, John Mill còn viết Bàn về tự do (On Liberty, 1859) cổ vũ cho tự do cá nhân, nhất là về hai phương diện tư tưởng và ngôn luận.
Đi tìm một quy luật đạo đức hoàn vũ
LTS: “Utilitarianism” – tác phẩm kinh điển về lý thuyết đạo đức của John Stuart Mill (1806 – 1873), một nhà triết học và một nhà kinh tế chính trị học người Anh – vừa được Domino Books và NXB Văn hóa – Văn nghệ TP.HCM phát hành đầu năm 2019 với bản dịch tiếng Việt “Thuyết Công Lợi” của Đặng Đức Hiệp. Người Đô Thị trân trọng chuyển đến độc giả bài giới thiệu tác phẩm này của nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Liêm (tiến sĩ luật khoa, tiến sĩ triết học, hiện đang là giáo sư chủ nhiệm khoa triết ở San Jose City College, Mỹ).
Utilitarianism, ở đây được dịch là “Thuyết Công Lợi”. Cụm từ “Công Lợi,” theo dịch giả Đặng Đức Hiệp, đã được sử dụng rộng rãi trong sách báo tiếng Việt ngay từ đầu thế kỷ XX. Ít nhất thì điều này cũng đã được ghi nhận như một hóa thạch ngôn ngữ trong các tập sách như “Xã hội luận” và “Lược sử các học thuyết kinh tế” (được xuất bản trong những năm 1925 – 1928) của Phan Đăng Lưu – một nhân vật cộng sản thế hệ đầu tiên – mới được tập hợp lại trong cuốn sách “Phan Đăng Lưu: Thân thế, sự nghiệp và sưu tập tác phẩm” và được NXB Tri Thức ấn hành trong năm 2017 gần đây.
Đây là một cách thức chuyển ngữ căn cứ vào ý nghĩa của học thuyết, trong khi từ Utility thì tiếng Việt thường được dịch là “Tiện ích”. Vậy, Utilitarianism có thể dịch là “Thuyết Tiện Ích”, hay như ở đây, “Thuyết Công Lợi” khi nội dung của học thuyết này chủ trương đánh giá đạo đức bằng lợi ích mà nó có thể tạo ra cho xã hội.
Thuyết Công Lợi được Mill viết theo thể Anh ngữ cổ điển ở đầu thế kỷ 19, với một phương cách hành văn rất khó đọc. Nhiều đoạn văn rất dài, chủ từ và các thuộc từ thường đan cài trộn lẫn vào nhau với nhiều những hàm nghĩa khác nhau. Ngay cả những giáo sư triết học ở Hoa Kỳ nhiều lúc cũng vấp phải sai lỗi khi phiên giải ý nghĩa của tác phẩm này sang tiếng Anh ngày nay.
Chuyển ngữ sang tiếng Việt lại càng khó khăn hơn. Nhưng ở đây, dịch giả đã hoàn tất bản dịch một cách chu đáo, bằng một văn phong dễ hiểu, nhưng vẫn chặt chẽ và giữ được thể trạng diễn đạt của nguyên tác.
Bối cảnh lịch sử của Thuyết Công Lợi
Cuốn Thuyết Công Lợi của Mill (1863) là một trong hai tác phẩm cơ bản, từ nguồn gốc lịch sử đến nội dung học thuyết, của trường phái đạo đức học nầy.
Trước sách nầy là cuốn Giới thiệu những Nguyên tắc của Đạo đức và Lập pháp (Introduction to the Principles of Morals and Legislation. 1789) của Jeremy Bentham (1748 – 832), một triết luật gia và là một lãnh tụ của phong trào cải cách xã hội và pháp chế ở Anh vào cuối thế kỷ 18 – đầu thế kỷ 19. Cha của John Stuart Mill là James Mill (1773 – 1836) vốn là một cộng sự của Bentham. Khi chàng trai trẻ Mill lớn lên, cũng giống như cha mình, đã đọc và tham khảo học thuyết Công Lợi mà Bentham đề ra, và viết cuốn Utilitarianism nầy để cổ võ và ủng hộ cho học thuyết của Bentham.
Ngoài tác phẩm ngắn nầy, Mill còn viết cuốn Bàn về tự do (On Liberty. 1859) cổ võ cho tự do cá nhân, nhất là về hai phương diện tư tưởng và ngôn luận, và Về sự Đàn áp Phụ nữ (On the Subjection of Women. 1869) trong đó Mill chỉ trích và phê phán nặng nề việc phụ nữ Anh quốc bị giới hạn tự do trong vai trò xã hội và quốc gia, và một số tác phẩm khác về chính trị và xã hội.
Ở giai đoạn cuối thế kỷ 18 – đầu thế kỷ 19, ở Anh quốc, cũng như khắp Âu châu, bình đẳng giai cấp và giới tính vẫn chưa được công nhận một cách phổ quát. Vì thế, học thuyết Công lợi của Bentham và Mill được xem như là cơ sở tư tưởng cách mạng cho phong trào tranh đấu cho bình đẳng của nhân dân Anh quốc lúc đó.
Mill vốn chống lại chính sách nô lệ khắp nơi, nhưng khi đề cập đến vấn đề chủ nghĩa thực dân, nhất là của Anh quốc ở Ấn độ, thì Mill, vốn là một nhân viên của Công ty Đông Ấn của Anh (British East India), lại cho rằng chính sách của đế quốc Anh ở Ấn Độ là một thể loại “benevolent despotism” (độc tài làm phước) vì cho rằng Ấn độ là một quốc gia man rợ, chưa khai hóa, do đó, không thể áp dụng nguyên tắc bình đẳng của Anh quốc cho dân Ấn được. Mill còn cho rằng những ai lên án việc đế quốc Anh cai trị thô bạo người Ấn thì kẻ ấy không hiểu gì về vấn đề đó cả.
Thuyết Công Lợi nhấn mạnh đến nguyên lý dân chủ khi coi mọi người, bất kể giai cấp, giới tính, trình độ, đều được đánh giá ngang nhau, khi cứu xét lập pháp và chính sách quốc gia và xã hội.
Bentham đã đưa ra câu khẩu hiệu nổi tiếng, “Everyone to count for one, no one to count for more than one”. (Mỗi người được coi như là một, không ai được coi hơn là một). Thuyết nầy nhấn mạnh rằng hạnh phúc và lạc thú của mỗi cá nhân đều bình đẳng. Do đó, khi hoạch định chính sách, hay đề xuất lập pháp, phải xem xét hậu quả của từng vấn đề. Và nguyên tắc cơ bản phải là, hạnh phúc nhiều nhất cho nhiều người nhất (greatest happiness to the greatest number of people).
Đây là một thể loại đạo đức học dựa trên nguyên lý hậu quả (consequentialism). Nó đồng thời cũng là một học thuyết hành vi trên cơ bản cứu cánh luận (mục đích luận, mục đích cuối cùng, mục đích tối hậu = teleology). Hãy xét lấy hậu quả tối cùng để đánh giá hành động hay chính sách. Không có hành động hay chính sách nào tự nó mang tính đạo đức hay vô đạo đức khi tách rời nó ra khỏi những hệ quả mà nó tác động và ảnh hưởng đến.
Nguyên Tắc Công Lợi là gì?
Đó là nguyên tắc Tiện ích (utility) qua công thức “Hạnh phúc lớn nhất” cho nhiều người nhất. Nguyên tắc nầy có thể công thức hóa qua nhiều cách.
Bentham, người đi tiên phong, đã giải thích rằng, “Nguyên tắc tiện ích có nghĩa rằng nó sẽ đồng thuận hay phản bác một hành động, trên bất cứ phương diện nào, căn cứ nơi câu hỏi rằng hành động nầy sẽ gia tăng hay làm giảm sút hạnh phúc của những ai bị ảnh hưởng”. Bởi vì mỗi hành động đều có thể gây ra nhiều hệ quả, xấu hay tốt, hoặc cả hai, vì thế, Henry Sidgwick (1838 – 1900), một triết gia nổi tiếng khác thuộc trường phái nầy nêu lên rằng, khi nghĩ đến hậu quả xấu hay tốt, hãy tính toán để có được một con số đo lường cuối cùng, gọi là “hạnh phúc lời” hay “tiện ích lời” (net happiness, net utility). Nguyên tắc nầy có thể được công thức hóa theo dạng thức mệnh lệnh, “Hãy hành động khi tác hành của nó sẽ đem lại hạnh phúc cao nhất cho nhiều người nhất”.
Như vậy, nguyên tắc nầy đòi hỏi sự đánh giá mỗi hành động trên hậu quả hạnh phúc, không những từ bản chất của hành động nầy, mà còn phải được so sánh với những hành động khác có thể được thi hành trong cùng một hoàn cảnh.
Câu hỏi phải được nêu lên ở đây là, Hạnh phúc là gì?
Cả Bentham và Mill đều định nghĩa hạnh phúc bằng tiêu chuẩn khoái lạc, hay hoan lạc (pleasure). Đây không phải là lần đầu mà hạnh phúc được đo lường bằng niềm hoan lạc. Triết học đạo đức của Aristotle (384 – 322 TCN), được biết đến là luân lý đức hạnh (virtue ethics), cũng lấy hạnh phúc làm cơ sở cho cứu cánh (hay là mục đích tối hậu) của cuộc đời và hành động.
Bentham, người đi tiên phong, đã giải thích rằng, “Nguyên tắc tiện ích có nghĩa rằng nó sẽ đồng thuận hay phản bác một hành động, trên bất cứ phương diện nào, căn cứ nơi câu hỏi rằng hành động nầy sẽ gia tăng hay làm giảm sút hạnh phúc của những ai bị ảnh hưởng”. Bởi vì mỗi hành động đều có thể gây ra nhiều hệ quả, xấu hay tốt, hoặc cả hai, vì thế, Henry Sidgwick (1838 – 1900), một triết gia nổi tiếng khác thuộc trường phái nầy nêu lên rằng, khi nghĩ đến hậu quả xấu hay tốt, hãy tính toán để có được một con số đo lường cuối cùng, gọi là “hạnh phúc lời” hay “tiện ích lời” (net happiness, net utility). Nguyên tắc nầy có thể được công thức hóa theo dạng thức mệnh lệnh, “Hãy hành động khi tác hành của nó sẽ đem lại hạnh phúc cao nhất cho nhiều người nhất”.
Như vậy, nguyên tắc nầy đòi hỏi sự đánh giá mỗi hành động trên hậu quả hạnh phúc, không những từ bản chất của hành động nầy, mà còn phải được so sánh với những hành động khác có thể được thi hành trong cùng một hoàn cảnh.
Câu hỏi phải được nêu lên ở đây là, Hạnh phúc là gì?
Cả Bentham và Mill đều định nghĩa hạnh phúc bằng tiêu chuẩn khoái lạc, hay hoan lạc (pleasure). Đây không phải là lần đầu mà hạnh phúc được đo lường bằng niềm hoan lạc. Triết học đạo đức của Aristotle (384 – 322 TCN), được biết đến là luân lý đức hạnh (virtue ethics), cũng lấy hạnh phúc làm cơ sở cho cứu cánh (hay là mục đích tối hậu) của cuộc đời và hành động.
Thêm một thí dụ khác. Cô Lệ Đắng, một người con gái thuộc nhà trâm anh thế phiệt, muốn kết hôn với người mình yêu, anh Mạc Chua, một thi sĩ, nghèo khổ, xuất thân từ một gia đình nông dân vô sản. Gia đình của cô đã chọn được một người chồng tương lai, anh Lý Giàu, con trai của một gia đình giàu có, danh vọng, đúng với quan niệm môn đăng hộ đối.
Theo Thuyết Công Lợi thì cô Lệ Đắng phải chọn lựa hành động nào: Vì chữ hiếu với cha mẹ mà lấy chồng đại gia, hay vì tình yêu mà lấy chồng thi sĩ nghèo? Nếu lấy chồng đại gia, thì sẽ có nhiều người hoan hỷ, vui mừng, từ cha mẹ đến bà con cô bác. Nếu lấy thi sĩ nghèo, cô và người yêu sẽ thoả mãn được tình yêu, nhưng cả đại gia đình sẽ thất vọng, đau buồn.
Nếu xét về lượng, như Bentham đã cổ võ, thì hành động của cô phải căn cứ trên số nhiều của hạnh phúc mang đến – tức là lấy chồng đại gia. Nhưng cô và chàng thi sĩ sẽ khổ đau. Nhưng làm sao có thể đánh giá mức độ và bản sắc hạnh phúc, hay khổ đau, mà cô Lệ Đắng phải chọn lựa cho mình? Hạnh phúc của cô khi lấy người mình yêu sẽ mang cường độ (intensity) cao hơn là gia đình cô có được nếu cô lấy đại gia. Và còn nhiều câu hỏi khác, cả hiện tại, lẫn tương lai – làm sao để biết hệ quả nào sẽ xẩy ra và theo bản sắc nào?
Biết đâu khi lấy thi sĩ, cô sẽ giúp chồng mình thay đổi tư duy, biết đi vào con đường thực tế làm ăn, nghề nghiệp, và do đó cả hai người chính họ sẽ tự vươn lên, vượt thắng hoàn cảnh, tự mình xây dựng tương lai hạnh phúc, không lệ thuộc vào gia đình chồng. Hay là, theo một đường hướng khác, lấy đại gia, dù lúc đầu không yêu, nhưng khi đã có con cái, cô sẽ sống với chồng trong tình nghĩa vợ chồng, và cũng thấy rất hạnh phúc khi đã làm cho cha mẹ được hạnh phúc, hãnh diện về mình. Ta có thể nêu lên rất nhiều vấn đề, câu hỏi cho nhiều trường hợp cụ thể như thế.
Trong hai trường hợp của anh Nguyễn Văn Cộ và cô Lệ Đắng nêu trên,Thuyết Công Lợi đã đặt hai người vào nguyên tắc thứ nhất của cái gọi là Act Utilitarianism (Công lợi Hành động): rằng họ sẽ chọn hành động nào, mà trong bối cảnh đó, sẽ đem đến nhiều hạnh phúc, lạc thú, tiện ích, cho nhiều người nhất.
Vậy, theo Bentham và Mill, hối lộ và lấy chồng đại gia có thể là chọn lựa mang giá trị đạo đức tối ưu cho họ (điều nầy thì cả Bentham và Mill chắc sẽ không chấp nhận). Tuy nhiên, nếu họ suy nghĩ (theo Kant) rằng, nếu người ta ai cũng hối lộ cho xong chuyện, hoặc phụ bạc tình yêu để kết hôn vì yếu tố kinh tế, địa vị xã hội, vì chiều lòng cha mẹ, bà con, thì đâu còn gì là luật pháp? Đâu là giá trị tình yêu, tự do, tự chủ, nhân phẩm cá nhân, của những người như anh Cộ và cô Đắng? Đây là lúc mà hai người phải chọn theo công thức thứ hai, gọi là Rule Utilitarianism (Công lợi Quy tắc) để giả định rằng hành động của mình có thể được đưa lên làm mẫu thức cho đạo đức xã hội hay không.
Vì thế, tự trong mỗi hành động, lý thuyết Công lợi đã đi vào những chọn lựa mâu thuẫn, nếu như không đưa ra một trật tự ưu tiên cho giá trị, cho các thể loại hạnh phúc, khoái lạc được chấp nhận một cách khách quan và phổ quát. Đây chính là mối xung đột giữa nhu cầu đại thể tính đối với cá thể tính trong mọi hoàn cảnh của chọn lựa và hành động – nhất là ở Việt Nam hiện nay.
Khuyết điểm và thực tế lý thuyết
Từ khi Bentham và Mill, và sau đó là Sidgwick, đưa ra nguyên tắc đạo đức Công lợi, đã có nhiều triết gia ủng hộ, tu chính, cũng như chỉ trích, phê phán, bác bỏ.
Mill, trong cuốn nầy, cũng đã trả lời một số những tiền đề tranh biện đó. Câu hỏi Hạnh phúc là gì? Làm sao để tính toán được hậu quả khi hành động, khi bản chất con người là vô minh, đầy khuyết điểm, và bị điều kiện hóa bởi nhiều yếu tố khác nhau? Có thật chăng Hạnh phúc là cái đáng mưu cầu. Mill biện luận rằng: Hãy nhìn vào thực tế. Bằng chứng cho giá trị của thuyết Công lợi là sự thật hiển nhiên mà ai cũng thấy. Nhân loại, bất cứ ở đâu và nơi nào cũng mưu cầu Hạnh phúc, vì chỉ có Hạnh phúc mới là một cứu cánh, một mục đích tối hậu, tối thượng tự chính nó (intrinsic value), mọi thứ khác, dù được mong muốn, như tiền bạc, danh vọng, quyền lực, sức khoẻ, cũng chỉ là phương tiện để đem đến hạnh phúc mà thôi.
Điều nầy thì Mill rơi vào mâu thuẫn: Cái mà nhân loại muốn chưa chắc là cái mà nhân loại nên theo đuổi. Nói như David Hume (1711 – 1776) rằng ta không thể suy ra cái “phải như thế” (ought) từ cái “đang là như thế” (is). Bởi vì công việc của Mill ở đây là muốn thiết lập một quy luật “phải là” mang tính mệnh lệnh đạo đức cho con người khắp nơi, cho con người phổ quát, ông không thể lấy cái “đang là” mà ông quan sát từ thực nghiệm để rút ra quy tắc đạo đức “sẽ phải là.”
Khi chúng ta thấy một thực trạng, ví dụ, ở nông thôn, bọn trẻ nít trai thích chơi với bùn đất, điều đó không có nghĩa rằng bùn đất là cái mà bọn trẻ nít trai nên theo đuổi. Hay là khi cả nhân loại chạy theo tiền bạc, điều đó không có nghĩa là tình trạng nầy mang tính mệnh lệnh đạo lý.
Bentham và Mill cũng không phân biệt đẳng cấp của Hạnh phúc theo tiêu chuẩn Khoái lạc một cách rõ ràng và hợp lý. Tức là, học thuyết Công lợi không có một bản thể luận (ontology) về khoái lạc. Dù Mill có đề cập đến sự thể rằng phẩm chất hoan lạc tri thức, tâm linh hay thẩm mỹ, ví dụ, có giá trị hơn là khoái lạc thân xác, nhưng cả hai triết gia nầy, trong giới hạn thực nghiệm của triết học Anh quốc, đều không phân biệt rõ ràng giữa khoái lạc thân xác từ cảm quan cơ thể (bodily pleasures), so với đẳng cấp cao hơn của hoan lạc tri thức (intellectual joy), đến tối hậu là hạnh phúc, cực lạc tinh thần (spiritual bliss). Như Thánh Augustine cũng như Bồ tát Long Thọ đã nhiều lần nhắc nhở rằng những ai đã từng trải nghiệm (thần nghiệm / đốn ngộ) một khoảnh khắc của giác ngộ tôn giáo thì tất cả những hoan lạc trần gian, kể cả tri thức và thân xác, chỉ đáng như là rơm rác.
Gần đây, các triết gia đạo đức học, theo khuynh hướng công lợi, như John Rawls (1921 – 2002), trên góc độ lý thuyết về công lý và chính trị, chẳng hạn, đưa ra nhiều công thức khác, một trong đó, nguyên tắc so sánh đề chọn một hành động hay chính sách tối ưu, gọi là Preference Utilitarianism (Công lợi Ưu tiên) là một phiên bản tương đối khá phổ thông.
Một hành động mang giá trị cao nhất về đạo đức là khi bản sắc, cấp độ, sự được chấp nhận bởi số đông, phải được đánh giá công bằng trên cơ sở tự do, nhân phẩm cá nhân được tôn trọng, và khi ưu tiên chính trị và công lý được đặt làm nền tảng đạo đức và cứu cánh – ví dụ, hy sinh quyền lợi của giai cấp giàu có để nâng đỡ giai tầng cô thế, nghèo khổ.
Từ những lý thuyết nầy, đạo đức học trên một góc độ nào đó đã trở thành chính sách học, hay kinh tế xã hội học. Khi áp dụng nguyên tắc tính toán, đo lường, nhận định hậu quả, thì Thuyết Công lợi đã sử dụng nguyên tắc kinh tế Cost-benefit analysis (Phân tích thiệt-hơn / lỗ-lãi). Và theo tinh thần của truyền thống triết học thực nghiệm Anh quốc, tất cả mọi Hạnh phúc, hoan lạc đều có thể được đánh giá theo tiêu chuẩn hiện kim. Làm sao để có thể đánh giá một mạng người? Điều nầy không khó. Cứ y theo chỉ số kinh tế mà suy luận. Ví dụ, ngành bảo hiểm nhân thọ, chẳng hạn, có thể ước tính giá trị một mạng sống theo tiền bạc là bao nhiêu.
Nhu cầu nghiên cứu lý thuyết đạo đức
Học thuyết Công lợi, dù chưa hoàn hảo, nhưng nó là một trường phái đạo đức học có ảnh hưởng lớn lao trong truyền thống giá trị học của Âu Mỹ. Bản chất của đạo đức là một đề tài phức tạp, mang nhiều yếu tố văn hóa, tôn giáo, dân tộc và thời đại. Không có lý thuyết đạo đức nào mà không tự nó chứa đựng những mâu thuẫn, khuyết điểm khi được phân tích từ nhiều góc độ khác nhau.
Phần đông người Việt chúng ta, hầu hết có gốc gác nông thôn, đều đánh giá đạo đức qua truyền thống và văn hóa như là một nề nếp và thói quen. Lịch sử Việt Nam trong cả thế kỷ qua là cả một quá trình va chạm của các giá trị về đúng / sai, đạo đức / vô đạo đức, thiện / ác giữa các luồng văn minh và văn hóa khác nhau, từ trong lòng quốc gia, đến khi đối diện với văn minh bên ngoài. Khi mà giá trị đạo đức qua trực giác bị phai mờ, thì đây là lúc mà ý thức và cảm nhận đạo đức phải được vun đắp bằng giáo hóa trên cơ sở lý trí.
Có lẽ đã đến lúc người Việt chúng ta sẽ phải làm quen, ít nhất là trên phương diện lý thuyết, với những trường phái đạo đức học, giá trị luận của thế giới, nhằm đánh thức dậy tiềm năng lý tính trong xung cảm đạo đức, về cái đúng / sai, thiện / ác, hay / dở tự chính trong mỗi cá nhân – để đem ánh sáng lý trí soi rõ động cơ cũng như làm bản đồ hướng dẫn cho hành vi, nhất là trong các lãnh vực công quyền, kinh doanh, và ngay cả giáo dục và tôn giáo.
Khuynh hướng và khả năng đạo đức cá nhân, nhất là của con người Việt Nam trong giai đoạn nầy – xin phép được nói – phải được giáo huấn – như Aristotle đã phải nhắc nhở giới trẻ Hy Lạp từ thượng cổ – từ gia đình, đến luật pháp, học đường, đến sách vở, nhất là các tác phẩm đạo đức luận kinh điển.
Bản dịch Thuyết Công Lợi của Mill nầy là một nỗ lực đóng góp cho chiều hướng và lý tưởng đó. Chúng ta không thể đánh giá quá thấp những ảnh hưởng của lý thuyết về đạo đức từ sách vở, như chúng ta thường đã làm trong quá khứ. Tôn giáo, truyền thống đã cung cấp cho chúng ta ít nhiều những căn bản mang tính trực giác về đạo đức, về giá trị – nhưng tất cả đang bị sói mòn, băng hoại vì chủ nghĩa thực dụng thuần túy kinh tế, tiền bạc đang khiến cho xã hội và con người Việt Nam lạc mất hướng đi. Đây là lúc mà một phương cách tự giáo huấn lại đạo đức công dân bằng lý thuyết và kinh điển triết học nên, hoặc, hơn thế, phải được bắt đầu. Mặc dù như như Mill nói:
Năng lực đạo đức của chúng ta, theo tất cả những người có thẩm quyền diễn dịch nó – những người vốn được mệnh danh là các nhà tư tưởng – chỉ cung cấp cho chúng ta những nguyên tắc phổ quát về những phán xét đạo đức; nó thích hợp với luận lý, với lý trí chứ không thích hợp với năng lực cảm nhận (sensitive faculty) của chúng ta; và cái mà chúng ta trông đợi, kỳ vọng từ nó là những học thuyết trừu tượng về đạo đức, chứ không phải là sự cảm nhận về đạo đức trong những tình huống riêng biệt cụ thể.
Nhưng ít nhất là từ những tác phẩm kinh điển như cuốn sách Thuyết Công Lợi nầy của Mill, chúng ta cũng sẽ dần tìm ra, trên cơ sở trí năng, một số những nguyên lý phổ quát về giá trị làm người.
Trong tinh thần đó, trân trọng giới thiệu với bạn đọc bản Việt ngữ công phu nầy của dịch giả Đặng Đức Hiệp.
Nguyễn Hữu Liêm
Trân trọng giới thiệu !
Trong tất cả các thời đại của suy đoán tư biện [tức là sự suy đoán thuần túy không dựa vào kinh nghiệm hoặc thực tế], một trong những trở ngại gai góc nhất đối với việc tiếp nhận học thuyết về Tính tiện ích (Utility = tiện dụng và hữu ích) hoặc Hạnh phúc (Happiness) là tiêu chí về cái đúng và cái sai được xây dựng dựa trên ý niệm về công lý (the idea of justice). Cảm xúc mạnh mẽ này và sự nhận thức hết sức rõ ràng mà từ ngữ này gợi ra trong trí não với một tốc độ và một sự chắc chắn giống với một bản năng, đối với đại đa số các nhà tư tưởng, dường như đã chỉ ra một phẩm chất cố hữu trong mọi sự vật sự việc (an inherent quality in things); nó đã chỉ ra rằng cái mà là công lý (just) thì phải tồn tại trong Tự nhiên (in Nature) như một cái gì đó tuyệt đối, khác biệt một cách căn bản với tất cả mọi thứ của cái mà mang tính thủ lợi, thủ đoạn, mưu mô (the Expedient). Và một ý niệm về công lý như thế xung đột với khái niệm về tính tiện dụng (expediency), như người ta thường nghĩ, xét cho cùng, trên thực tế, công lý (justice) và tính tiện dụng (expediency) không bao giờ tách rời nhau.
Trong trường hợp đối với niềm tin, cảm giác, ý thức, cảm xúc đạo đức này (moral sentiment), cũng như đối với các cảm xúc đạo đức khác của chúng ta, không có một mối liên hệ thiết yếu nào giữa nguồn gốc với năng lực ràng buộc của nó. Cảm thức (feeling) mà Thiên nhiên đã ban cho chúng ta, không nhất thiết hàm ý rằng chúng ta luôn luôn phải thực hiện cái mà nó (feeling) thúc giục chúng ta thực hiện. Cảm thức về công lý có thể là một bản năng đặc biệt và được tiếp nhận, như tất cả các bản năng khác của chúng ta, nó đòi hỏi phải được kiểm soát và được khai hóa bởi lý tính cao hơn (higher reason). Nếu chúng ta có các bản năng trí tuệ dẫn dắt chúng ta suy nghĩ theo một phương thức đặc thù, và bản năng động vật thúc đẩy chúng ta hành động theo một cách nào đó, thì các bản năng trí tuệ không nhất thiết là cái ít sai lầm hơn trong phạm vi, lĩnh vực của chúng, so với các bản năng động vật trong phạm vi, lĩnh vực của chúng; cũng có thể có những phán xét sai lầm xuất phát từ trí tuệ, cũng như hành vi sai lầm xuất phát từ bản năng động vật. Nhưng mặc dù có suy nghĩ rằng chúng ta có những cảm thức tự nhiên về công lý, nhưng điều đó không có nghĩa thừa nhận chúng như một tiêu chí tối hậu của hành vi (ultimate criterion of conduct), hai ý kiến này trên thực tế lại liên quan rất chặt chẽ với nhau. Con người luôn có xu hướng suy nghĩ, tin tưởng (to believe) rằng bất kỳ một cảm giác, ý thức chủ quan nào (subjective feeling) mà nếu không được giải thích theo một cách khác thì đều là một khải thị (revelation) của một thực tế khách quan nào đó. Cái mà chúng ta cần làm hiện nay là xác định xem liệu cái hiện thực (the reality) mà cảm thức công lý hướng đến có là cái cần được mặc khải theo một phương thức đặc biệt như vậy hay không; có phải (tính chất) công bằng hay bất công của một hành động là một thứ tự nó là đặc thù, và khác biệt với tất cả các phẩm tính khác; hoặc là nó chỉ là một sự phối kết hợp của một số những phầm tính khác được nhìn nhận hoặc được tư duy theo một phương thức đặc biệt. Bởi vì mục đích của công trình nghiên cứu này có một tầm quan trọng thực tiễn đối với việc cân nhắc, suy xét xem cảm thức công lý hoặc bất công liệu có phải là một thể loại đặc thù (sui generis) giống như những cảm giác của chúng ta về màu sắc và hương vị hay không, hay chỉ là một cảm thức tiếp dẫn (derivative feeling) được hình thành bởi sự kết hợp của những cảm giác, ý thức khác. Và điều đặc biệt quan trọng là phải điều tra, xem xét vấn đề này, vì con người ta, nói chung là, sẵn lòng đồng ý rằng các mệnh lệnh của công lý (dictates of justice) trùng khớp với một phần của phạm vi của Tính tiên dụng Phổ quát (General Expediency); nhưng nhiều khi vì cảm thức chủ quan về công lý là khác biệt với cái cảm nhận thông thường đối với sự giản tiện đơn thuần vậy nên, ngoại trừ những trường hợp cực đoan về sự giản tiện đơn thuần, cảm thức về công lý mang nhiều tính mệnh lệnh hơn (more imperative) trong những yêu cầu, đòi hỏi của nó. Vì thế, con người ta khó lòng nhìn nhận công lý chỉ như một dạng, loại cụ thể, đặc biệt hoặc một nhánh của cái tiện ích phổ quát (general utility), và họ cho rằng cái sức mạnh ràng buộc lớn hơn của nó đòi hỏi nó phải có một nguồn gốc hoàn toàn khác biệt. Để làm sáng tỏ vấn đề này, chúng ta cần phải cố gắng làm rõ vấn đề cái gì là tính chất phân biệt, khu biệt của công lý hoặc của bất công: phẩm tính của nó (quality) là gì, hoặc có phẩm tính nào không, cái được quy gán chung cho các phương thức hành xử được xác định là không công bằng (bởi vì công lý, công bằng, cũng giống như nhiều những phẩm tính đạo đức khác, được xác định một cách tốt nhất bằng cái đối lập với nó), và phân biệt, khu biệt chúng với các phương thức hành xử vốn bị bác bỏ, nhưng không có một tính ngữ, một biểu hiện đặc biệt nào (particular epithet) từ việc không chấp nhận này đã được áp dụng cho chúng. Nếu trong mọi vấn đề mà con người đã quen mô tả, khắc họa như một sự công bằng hoặc bất công, luôn luôn tồn tại một phẩm tính chung, hoặc một tập hợp các thuộc tính (collection of attributes), chúng ta có thể đánh giá, phán xét xem, thứ nhất, một phẩm tính hoặc một tập hợp của chúng liệu có khả năng thu thập, tập hợp xung quanh nó một dạng, loại cảm xúc (sentiment) có tính chất và cường độ đặc biệt bởi do hiệu lực của những quy luật chung của thể trạng cảm xúc (emotional constitution) của chúng ta hay không, hoặc thứ hai, liệu cảm xúc có là một cái gl đó không thể giải thích được hay không, và đòi hỏi phải được xem xét, nhìn nhận như một điều khoản, một sự quy định đặc biệt của Thiên nhiên (special provision of Nature). Nếu chúng ta nhìn nhận rằng cái thứ nhất là sự thật, thì bằng cách trả lời câu hỏi này, chúng ta cũng đã giải quyết được cả vấn đề chính: nếu chúng ta nhìn nhận cái thứ hai là sự thật, thì chúng ta sẽ phải tìm kiểm một phương thức giải quyết vấn đề khác.
Để tìm ra các thuộc tính chung (the common attributes) của nhiều những đối tượng khác nhau, điều cần thiết là chúng ta phải bắt đầu bằng việc khảo sát chính các đối tượng một cách cụ thể. Do đó chúng ta phải chú ý theo sát các phương thức khác nhau của hành động và những cách thức sắp xếp, tổ chức các công việc của con người mà vốn được khắc họa một cách phổ quát hay rộng rãi, như là Công lý hoặc Bất công (as Just or as Unjust). Những gì được biết là gây ra các cảm xúc này, vốn gắn liền với các thuộc tính này thì rất đa dạng. Tôi sẽ xem xét chúng một cách nhanh chóng mà không sa đà vào việc nghiên cứu bất cứ một sự xếp đặt đặc biệt nào.
Thứ nhất là, hầu hết mọi người đều cho là bất công khi tước đoạt quyền tự do cá nhân, tài sản, hoặc bất kỳ một cái gì khác vốn thuộc về một ai đó theo luật pháp. Do đó, điều này mang lại cho chúng ta một ví dụ về việc áp dụng các thuật ngữ về công lý và bất công trong một ý nghĩa xác định hoàn hảo, cụ thể là, công lý là tôn trọng, và bất công là vi phạm, các quyền hợp pháp của một người nào đó. Nhưng phán đoán này cũng có một vài những trường hợp ngoại lệ phát sinh từ các hình thức khác mà trong đó chính các ý niệm về công lý và bất công nêu ra. Ví dụ, người bị tước đoạt có thể (như họ vẫn nói) đã bị mất các quyền (have forfeited the rights) mà người đó đã bị tước đoạt: chúng ta sẽ trở lại với trường hợp này ngay sau đây.
Thứ hai là, khi các quyền hợp pháp của người đó mà bị tước đoạt, đó có thể là các quyền không nhất thiết thuộc về người đó; nói cách khác, luật pháp mà đã trao cho người đó những quyền này có thể là một hệ thống luật pháp tệ hại. Khi luật pháp ấy là tệ hại, hoặc khi (cũng là Điều tương tự đối với mục đích của chúng ta) luật pháp ấy được giả định là tệ hại, thì các ý kiến sẽ khác nhau khi đề cập đến tính công bằng hay bất công của việc vi pháp ấy. Một số người thì khẳng định rằng công dân không được bất tuân luật pháp, cho dù là luật pháp tệ hại; nghĩa là, nếu một công dân bày tỏ sự chống đổi đối với luật pháp ấy, thì người đó phải thực hiện bằng nỗ lực làm cho luật pháp ấy được thay đổi bởi những người, những cơ quan có thẩm quyền. Quan điểm này (vốn kết án nhiều nhà hảo tâm nổi tiếng nhất của nhân loại, và thường bảo vệ các thể chế nguy hại chống lại những thứ vũ khí duy nhất, những thứ vũ khí mà trong những hoàn cảnh, điều kiện có bất kỳ một cơ hội thành công nào đó trong việc chống lại họ) được bảo vệ dựa trên những cơ sở của tính tiện dụng (expediency); chủ yếu là dựa vào tầm quan trọng đối với lợi ích chung của nhân loại trong việc duy trì niềm tin, cảm giác, ý thức bất khả xâm phạm (inviolate the sentiment) của việc tuân thủ pháp luật. Một số người khác thì lại có quan điểm hoàn toàn ngược lại, cụ thể, họ cho rằng bất kỳ một hệ thống luật pháp nào mà bị đánh giá là tệ hại đều có thể không được tuân thủ mà không thể bị chê trách vào đâu được (blamelessly disobeyed), thậm chí ngay cả khi nó không bị đánh giá là bất công (unjust), mà chỉ bị cho rằng nó tệ hại bởi vì không tiện dụng (inexpedient); trong khí đó những người khác lại cho phép sự bất tuân chỉ đối với các luật lệ bất công (unjust laws); nhưng cũng có một số người lại nói rằng tất cả các luật lệ mà không có tính tiện dụng đều là bất công (unjust); bởi vì mỗi luật lệ đều áp đặt một số hạn chế đối với quyền tự do tự nhiên của nhân loại, và vì thế, sự hạn chế là bất công, trừ khi được hợp thức hóa bằng cách hướng tới lợi ích của con người. Trong số những ý kiến đa dạng này, có vẻ như mọi người đều thừa nhận rằng có thể có những luật lệ bất công và do đó luật lệ không phải là tiêu chí tối hậu của công lý. Luật pháp có thể mang lại điều lợi cho người này, hoặc áp đặt điều hại cho người kia, điều mà công lý lên án. Tuy nhiên, khi luật pháp bị nhìn nhận là bất công, nó dường như luôn bị lên án như vậy, giống như trường hợp mà trong đó việc vi phạm pháp luật là bất công, tức là khi vi phạm quyền hạn của một cá nhân nào đó; bởi vì trong trường hợp này nó không thể là quyền hợp pháp được, do đó nó nhận được một danh xưng khác biệt (receives a different appellation) và được gọi là quyền đạo đức. Do đó, chúng ta có thể nói rằng trường hợp thứ hai về bất công bao gồm việc tước đoạt hoặc ngăn cản những gì của bất kỳ ai mà người đó có quyền đạo đức (moral right) đối với cái đó. Thứ ba là, điều được mọi người rộng rãi công nhận là công lý (just) khi cá nhân nhận được cái mà người đó xứng đáng nhận được (cho dù tốt hay xấu); và là bất công (unjust) khi người đó nhận được, hay bị trừng phạt, cái mà người đó không xứng đáng nhận. Đây có lẽ là hình thức rõ ràng nhất và được nhấn mạnh nhất mà trong đó ý niệm về công lý được nhận thức, được tiếp nhận bởi một trí tuệ chung. Bởi vì nó liên quan đến khái niệm về sự thích đáng (notion of desert), cho nên phát sinh câu hỏi rằng, vậy thì cái gì cấu thành sự thích đáng? Nói một cách tổng quát, một người được hiểu là xứng đáng được hưởng điều tốt nếu người đó làm đúng, xứng đáng phải chịu điều xấu nếu người đó làm không đúng; và trong một ý nghĩa đặc biệt hơn, xứng đáng nhận được những điều tốt đẹp từ những người mà người đó đang làm hoặc đã làm điều tốt đối với họ, và xứng đáng phải chịu điều ác từ những người mà người đó đang làm hoặc đã làm điều ác đối với họ. Lời giáo huấn về việc lầy Điều thiện trả cho điều ác (lấy ân báo oán) không bao giờ được xem như là một trường hợp thực thi công lý, mà phải được xem như là công lý bị gác sang một bên do phải tuân theo những cân nhắc, suy xét khác.
Thứ tư là, điều được công nhận là bất công khi đánh mất niềm tin (break faith) của một ai đó: vi phạm cam kết, công khai hoặc ngấm ngầm, hoặc hành vi của chúng ta gây thất vọng cho những kỳ vọng, ít nhất cũng là trong những trường hợp nếu chúng ta đem đến những kỳ vọng đó một cách có chủ ý tự nguyện. Giống như các nghĩa vụ công lý khác đã được để cập đến, điều này không được coi là tuyệt đối, mà chính xác hơn là một khả năng có thể bị bác bỏ bởi một nghĩa vụ công lý mạnh mẽ hơn từ một phía khác; hoặc khi mà một người khác có liên quan đã hành động theo một cách thức làm cho ta được thoái thác khỏi nghĩa vụ đối với người đó, và tạo ra một sự tước đoạt các lợi ích mà người đó kỳ vọng.
Mời các bạn đón đọc Thuyết Công Lợi của tác giả John Stuart Mill & Đặng Đức Hiệp (dịch) & Nguyễn Hữu Liêm (hiệu đính).
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn