Bạn có một công việc nhàn nhã và bình thường với số tiền lương đều đặn hàng tháng, Hay bạn nghèo kiết xác nhưng bạn hạnh phúc vì được làm những gì mình muốn làm, những thứ mình say mê? Thực tế cuộc sống đáng sợ như thế nào? Mơ ước cá nhân mạnh mẽ đến thế nào? Bạn có dám đánh đổi sự ổn định nhàm chán để trở thành một chú chim tự do bay cao? Câu chuyện về một cặp đôi trẻ, Inoue Meiko và Taneda Shigeo, sáng tác của một trong những mangaka nổi tiếng nhất về thể loại seinen – Asano Inio.
Solanin là một tác phẩm tiêu biểu của Asano Inio bên cạnh Oyasumi Punpun – slice of life/drama manga nổí tiếng bậc nhất thế hệ ngày nay mà hình như hay bị đùa là “dành cho edgy teenager”, chắc là vì dark quá =))) đây có lẽ là một cuộc khởi động ngắn trước khi tiến hành viết và vẽ Oyasumi Punpun, bởi hai manga này có rất nhiều điểm tương đồng: từ cách dẫn truyện đậm chất tự sự qua những khung hình only text đan xen để dẫn lại suy nghĩ của các nhân vật về.. mọi thứ; cốt truyện đặc trưng xoay quanh những biến động thực tế của cuộc sống cá nhân thường ngày, và art work rất chau chuốt, tỉ mỉ. Nói là vậy, nhưng mình sẽ không xếp Solanin như một phiên bản yếu kém hơn của Oyasumi Punpun chỉ vì nó không đồ sộ hay phức tạp bằng. Solanin có giá trị thiết thực cho riêng mình. Nó dành cho thế hệ trẻ gần và trên đôi mươi chúng ta – những người có lẽ vẫn đang vật lộn với cuộc sống thực tại để mưu sinh và luôn đau đáu với câu hỏi “mình là ai trong xã hội này?”, “đời là gì?”, “mình đang có ước mơ cháy bỏng này, nhưng bận đi làm đi học như này mình có nên bỏ nó?”, “chết tiệt, đời mình đang như cái l*n thế này, phải làm sao bây giờ, điên quá!”
Đó cũng chính là những tâm sự của hai nhân vật chính Meiko và Taneda – một cặp đôi mới tốt nghiệp đại học đang tự lập mưu sinh ở đất đô thị Tokyo – nơi phồn hoa bận bịu bậc nhất thế giới. Chúng ta đã được nghe kể rất nhiều về những mặt tối của đời sống tại Nhật Bản: mọi người đi qua đi lại và làm việc một cách vô thức đến khi về nhà, căng thẳng và trầm cảm ập đến thường xuyên; nếu như không có thú vui lâu dài hay mối quan hệ xã hội làm nương tựa thì chuyện tự vẫn là đương nhiên. Và điều này chẳng khác gì một cú sốc đối với giới trẻ đôi mươi, những người đang chuẩn bị hoặc vừa mới tốt nghiệp đại học với những hoài bão, ước mơ to lớn về cuộc đời và sự nghiệp. Với Meiko, công việc văn phòng ban đầu cô nhận được là một sự nhàm chán, tẻ nhạt và nỗi thất vọng tràn trề. Cô tự chất vấn bản thân vì vẫn không thể hiểu (hay không chịu hiểu và chấp nhận) cách mà xã hội của “người lớn tuổi” vận hành – hãy làm việc, làm cho ngon lành, cấm thắc mắc, cấm thái độ rồi sẽ có tiền. Đã qua đi những ngày tháng háo hức về một cuộc sống mới ở nơi đô thị, cô tự hỏi, chỗ của mình trên thế gian này là nơi đâu. Bên cạnh đó, gã bạn trai Taneda cũng phải chịu đựng áp lực vì mâu thuẫn giữa việc đi làm trang trải cho bản thân và bạn gái và dẫn dắt band nhạc bạn bè. Anh vẫn còn vương vấn giấc mơ “hoang đường” về việc chơi nhạc rồi nổi tiếng khắp thế giới hồi còn đi học, và những khó khăn gian nan khi phải sống tự lập liên tục đập vào mặt khiến cho Taneda suýt phải giải tán band nhạc, mặc cho sự ủng hộ nhiệt liệt của bạn bè và người yêu, mặc cho niềm tự hào về một sự nghiệp toàn vẹn khi anh từ chối đề nghị làm backing band cho một cô ca sĩ pop lạ hoắc nào đó để có tiền. Cho dù đã nhận thức được điều này sẽ xảy đến với mình từ trước, nhưng anh vẫn bướng bỉnh vừa làm bán thời gian, vừa nuôi mộng tưởng và đi chơi nhạc với hai ông bạn Jirou và Katou ngoài giờ để giết thời gian. Taneda, mắc kẹt trong cái mớ hỗn độn tư tưởng của riêng mình, mà cứ thế tiếp tục cuộc sống, vì anh nghĩ rằng “có lẽ như thế này là đủ tốt rồi”, nhưng thẳm sâu bên trong anh lại không chấp nhận, vẫn khó chịu và gào thét một lối đi khác cho bản thân.
Hai người có những rắc rối tưởng chừng riêng cho bản thân nhưng cả hai, hay thậm chí cả nhân vật Jirou và Katou, đều tự vấn mình hai câu hỏi: “Mình có hạnh phúc không?”, “Liệu mình có thể thay đổi cuộc đời này hay không ?”. Meiko không chắc chắn về quyết định bỏ việc của mình, vì bên cạnh đó cô không hề có một lý tưởng, mục đích thiết thực nào khác để làm cho cuộc sống thiết thực hơn, chưa kể những khó khăn về tài chính mà cô tự lừa dối bản thân rằng nó không quan trọng bằng hạnh phúc. Cô hỏi bản thân, hỏi người bạn Ai của mình rất nhiều lần mình nên làm gì. Cuối cùng cả hai đều chẳng có câu trả lời thỏa mãn cho riêng mình. Taneda cũng vậy. Anh mắc kẹt vào sự tù túng của công việc bán thời gian, cật lực với nó để một phần trốn tránh thực tại rằng mình đang giày vò với ước mơ có sự nghiệp âm nhạc. Khi con người ta tự lừa dối bản thân quá lâu, thì đồng nghĩa với việc những câu hỏi cho những cảm xúc, suy nghĩ riêng cho bản thân sẽ mãi không bao giờ được giải đáp một cách thật lòng và thẳng thắn, ngay cả khi bị bạn gái mình yêu thương hét thẳng vào mặt “Anh thật hèn nhát, tại sao anh vẫn có thể biện hộ cho bản thân như vậy?” Jirou và Katou may mắn hơn hai nhân vật chính này; bởi Jirou dù bị mắc kẹt với công việc bán hàng của gia đình, ngày qua ngày tự hỏi mình có thể phá vỡ cái định luật tuần hoàn tự nhiên của cuộc đời hay không, anh cũng đã chấp nhận được cuộc sống sẽ có những thứ nhỏ nhoi đẹp đẽ khi nhận được lời cảm ơn từ một ông lão vì đã giúp ông gửi thư cho người vợ đã khuất bao năm qua; còn Katou, với tình trạng bị đúp đại học và tự vấn về giấc mơ band nhạc chẳng kém gì Taneda, đã có sự ủng hộ nhiệt liệt từ cô bạn gái tốt bụng Ai và đàn em Ritsuko.
Bạn bè cũng chỉ là bạn bè. Bạn bè không giải quyết được những khúc mắc trong sâu thẳm Meiko và Taneda, họ chỉ có thể góp phần làm cho cuộc sống của hai người dễ chịu, vui vẻ và ý nghĩa hơn. Họ đi nhậu, đi hát, xem pháo hoa, ắt cũng chỉ để hai người nhận ra mình vẫn có những thứ có thể tận hưởng trong cuộc sống mới ngột ngạt và khó chịu như thế này, dù là nhỏ bé đến đâu. Nếu không có Jirou, Katou hay Ai, có lẽ Meiko và Taneda đã chia tay từ lâu, bỏ về quê gặm nhấm nỗi thất bại cuộc đời, hoặc là cùng nhau tự vẫn như bao người trẻ Nhật Bản khác đã làm. Nhưng từng ấy cũng chỉ kéo dài thời gian mà thôi.
(Spoiler alert)
Rồi bi kịch xảy ra. Ai đó đã chết, chết một cách tức tưởi vì tai nạn giao thông khi vừa đi xe máy, vừa khóc vừa tự hỏi bản thân “Mình có đang hạnh phúc?” Việc người mình yêu thương ra đi là giọt nước tràn ly sau bao nhiêu đắng cay từ cuộc sống của tuổi mới lớn. Thất nghiệp, hay có việc làm, không có ước mơ hay có ước mơ đều chẳng là cái vẹo gì cả khi giờ đây không còn ai trong cuộc sống tinh thần mình có thể dựa vào hoàn toàn. Đó là Meiko. Điều tệ hơn nữa là chính cô cũng tự nhận ra, hay tự chất vấn bản thân, rằng mình đã gây ra cái chết cho Taneda.
Một người vừa mới ra ngoài đường đời có lẽ sẽ không thể hình dung được những khó khăn, đau khổ và sự lạc lõng mà Meiko đã phải chịu đựng. Vậy trong tình cảnh ấy lối thoát nào sẽ dành cho chúng ta ? Meiko đã lựa chọn trở thành Taneda, bước tiếp giấc mơ âm nhạc của anh cho dù chưa bao giờ học đánh guitar hay hâm mộ một band nhạc rock nào trong đời. Cô vui vẻ trở lại, mặc cho bạn bè ai cũng nghĩ cô bị dở hâm. Rồi dần đà Katou và Jirou nhận ra hình bóng của Taneda trong Meiko, ủng hộ nhiệt liệt việc cô là trưởng nhóm mới của Rotti và được tiếp sức vô hình với sự nhiệt huyết luôn thường trực bên cô mỗi khi cả nhóm chơi nhạc. Và như vậy, sự ra đi của Taneda đã vô tình tạo động lực sống cho Meiko, cho dù chính điều đó đã làm cho cô đau khổ đến nhường nào. Nó cũng vô tình khiến cho Katou và Jirou có nhiệt huyết với band nhạc trở lại, cho dù hai người này cũng đã lạc lõng chẳng kém gì Meiko. Sự tương phản tuyệt vời này khiến chúng ta phải nghĩ lại mỗi khi mong muốn rằng mình hối tiếc vì đã làm, hay không làm một điều gì đó; liệu có đáng để day dứt và dằn vặt quá nhiều về điều đó hay không?
Bởi vì cái khoảnh khắc Meiko cùng Rotti chơi bản tình ca “Solanin” hết mình cho khán giả đã khiến mình vỡ òa: “Quào! Nhìn họ kìa! Meiko sẽ ổn thôi, tất cả rồi sẽ ổn thôi.” Và đúng là như vậy, khi Meiko nhận ra mặc cho dù thế giới này có tận diệt đi chăng nữa, cô đã có bạn bè luôn bên cạnh mình và ủng hộ.
Cuối cùng, bên cạnh việc Asano Inio đã làm rất tốt trong việc chau chuốt phần vẽ ngoại cảnh và biểu cảm nhân vật, cùng với lối dẫn truyện tường tận đan xen những khung hình non-text và only-text, phần cốt truyện của tác giả đã khắc họa rất chân thực, xúc động về những khó khăn, vui buồn, khát vọng của tuổi trẻ đôi mươi khi bước vào cuộc sống tự lập. Ai đó ngoài kia đang buồn rầu vì gửi CV mãi không có người nhận, túng thiếu, hay những trắc trở khác giữa guồng xoay mới mẻ của cuộc đời này, hãy ghé lại và tìm chút đồng cảm, buồn vui và bình yên với Solanin, nhé
Quèo, ngâm giấm hơn tuần nay vì ko biết nên viết review Solanin như nào nữa vì cái mớ cảm xúc nó đem lại vẫn luẩn quẩn trong Mây. Chống chỉ định những ai đang buồn chán, u sầu mà đọc bộ này =))
Nếu bạn mong muốn 1 bộ nói về tuổi thanh xuân rực rỡ của 1 cặp đôi yêu nhau suốt 6 năm thì dẹp ngay suy nghĩ ấy đi, Solanin là 1 bầu trời có phần u ám về cuộc sống của đôi bạn trẻ mới ra trường. Inoue Meiko là 1 nữ nhân viên văn phòng nhưng vì còn trẻ nên cô có vô vàn bất mãn với “người lớn” và xã hội. Những bất mãn đó chẳng giải quyết được nên cứu tích tụ lại thành những suy nghĩ độc hại, tiêu cực trong người. Và vào 1 ngày đẹp trời, Meiko đã quyết định nộp đơn xin nghỉ việc, ở nhà tận hưởng cuộc sống với anh chàng Taneda thân yêu.
Taneda vốn là 1 anh chàng hiền lành đam mê đàn hát (có lập ban nhạc với đám bạn của mình) đã nhanh tay “vớt được” cô bé Meiko ngay từ hồi năm nhất. Một người Nam, một người Bắc chân ướt chân ráo đến chốn Tokyo đông đúc, xô bồ, cả 2 đều nghĩ rằng mình sẽ có một cuộc sống tốt nơi chân trời mới. Nhưng là “chiếc chiếu mới mua” chưa từng trải nên cả 2 đều bị những bộn bề của cuộc sống táp thẳng vào mặt, “lật chiếu lên xuống” nhiều lần.
Taneda cố gắng ra mắt 1 chiếc đĩa CD cùng với ban nhạc của mình và điểm nhấn chính là bài Solanin. Việc ra CD thất bại, Taneda quyết định nói lời chia tay với Meiko vì muốn trở về quê phụ việc cho bố. Sau đó anh đã bỏ đi biệt tăm suốt 5 ngày. Trong thời gian đó, Meiko đã lắng nghe bài Solanin và cảm nhận lời bài hát chính là lời chia tay của Taneda gửi đến cho cô. Meiko đã rất suy sụp.
5 ngày sau, Taneda gọi điện, động viên Meiko cùng cố gắng bước tiếp nhưng đó là lần cuối cùng anh có thể gọi cho cô, lần cuối chúng ta thấy nhân vật Taneda còn sống bởi sau đó anh đã bị tai nạn (ko biết là chủ ý tự sát hay do bị tai nạn thật) và qua đời.
Meiko 1 lần nữa rơi vào trạng thái suy sụp tinh thần. Sau những lời động viên của bạn bè và đặc biệt là bố của Taneda, Meiko đã cố gắng vực dậy, tập chơi đàn, hát lại bài Solanin như muốn nói rằng Taneda sẽ sống mãi trong lòng cô và mọi người.
Phần kết, Meiko dọn nhà đi, để lại những kỉ niệm đẹp tại căn hộ 2DK, nhận ra rằng Solanin thực chất là lời chia tay của Taneda với chính bản thân mình chứ ko phải là lời chia tay với cô. Phần ngoại truyện nói đến 1 gia đình khác chuyển đến sống tại căn nhà cũ của Meiko và câu chuyện về Meiko năm 31 tuổi.
Câu chuyện có diễn biến ko quá nhanh, vẫn đan cài đc những câu chuyện cảm động về ông cụ luôn gửi thư đến cho người vợ đã mất của mình, câu chuyện xoay quanh 2 người bạn Billy (Jamada Jiro) thầm thương trộm nhớ Meiko và cậu bạn Kato 6 năm chưa tốt nghiệp, để lại cho người đọc những khoảng lặng suy tư về cuộc đời.
“Solanin” là 1 loại Glycoalkaloid có trong thực vật họ Cà, xuất hiện nhiều trong mầm khoai tây. Solanin có vị đắng, độc, gây ngộ độc thực phẩm với các biểu hiện như đau bụng, choáng… và đúng như tên gọi, Solanin manh trong mình nét nghĩa ẩn dụ về cuộc sống: những gì bất mãn, ko giải quyết được, những dằn vặt ko tìm đc lời giải đáp cứu tích tụ lại mãi sẽ như củ khoai mọc mầm kia, chứa đầy chất độc, chứa đầy những suy nghĩ độc hại và tiêu cực. Taneda và Meiko đã phản chiếu hiện thực nghiệt ngã của con người khi mới bước chân vào “trường đời, chịu sự dồn nén xô đẩy của cuộc sống mà gục ngã. Dù sau này có đứng dậy được thì vết thương lòng cũng sẽ ko bao giờ phai.
Bài review cũng dài rồi, có những ý, lớp nghĩa Mây muốn nói thêm lắm nhưng ko biết diễn tả kiểu gì nữa, nên thôi mọi người hãy tự đọc và cảm nhận nhé. 1 bộ rất đáng mua đấy nhưng lưu ý đừng có đọc lúc đang buồn =)))
Ps: Về hình thức thì đã có 1 bài review rồi nên Mây nhắc qua lại thôi
– Truyện dày dặn (dày bằng 2 cuốn rưỡi “Cô dâu pháp sư”), chắc chắn, khổ 14.5 x 20.5 cm, in 5000 bản
– Bìa trước, sau ghép lại thành 1 bức ảnh
– Giấy bãi bằng và tất nhiên vẫn xuyên thấu rồi =))
– Clear file xin xò, bé hơn khổ A5 chút
– Tên phủ nhũ xanh sáng loáng, hợp tone màu của bìa (Mây cảm thấy chữ hơi bé), gáy truyện không phủ nhũ
– Trên Tiki sale còn 60k nên Mây thấy như vậy là ổn
Mời các bạn đón đọc Thực Tế Cuộc Sống của tác giả Asano Inio.
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn