Có nhiều cách để các nhà khoa học tiếp cận với chân lý. Trao đổi và tranh luận cũng là một cách tiếp cận. Do vậy, trao đổi về học thuật nghiêm túc, không vụ lợi là một sinh hoạt lành mạnh và bình thường trong nghiên cứu khoa học. Trong trao đổi và tranh luận có những ý kiến và quan điểm khác nhau về vấn đề này vấn đề nọ âu cũng là một lẽ thường tình. Nhưng nếu trao đổi và tranh luận xuất phát từ những động cơ không vì khoa học đích thực, trong khi tư liệu, luận cứ và lý lẽ khoa học không chuẩn xác, minh bạch, thì không những không làm cho khoa học phát triển mà còn làm ô nhiệm bầu không khí nghiên cứu khoa học, làm cho đối tượng tìm hiểu khoa học bối rối khi tìm chân lý đích thực và họ không còn tin vào những nghiên cứu của các nhà khoa học nữa.
Trong quý I vừa qua, Nhà xuất bản Thanh niên đã cho ấn hành cuốn sách Đối thoại sử học của các tác giả Bùi Thiết, Đinh Văn Nhật, Đỗ Văn Ninh, Lê Trọng Khánh, Lê Trọng Hoàn, Trần Thanh Lâm, Trần Văn Quý, đã gây trong dư luận bạn đọc trong và ngoài nước những phản ứng không bình thường, làm nhiều nhà nghiên cứu sử học bất bình và có tác động không tốt đến thanh thiếu niên là những đối tượng đang được truyền thụ bộ môn lịch sử nước nhà.
Sau khi Đối thoại sử học ra mắt bạn đọc được một thời gian, Nhà xuất bản Thế giới đã nhận được một tập bản thảo gồm những bài viết của 29 tác giả, có những bài đã được công bố từ lâu trên các tạp chí chuyên ngành, có những bài mới viết khi đọc xong Đối thoại sử học.
Để cho độc giả tự rút ra kết luận đúng sai một cách minh bạch và công bằng, các sinh viên, học sinh đang học sử Việt Nam không hoang mang, càng tin tưởng vào những sách chính thống của ta và góp phần làm lành mạnh hoá sinh hoạt học thuật, Nhà xuất bản Thế giới cho ấn hành cuốn sách Thực chất của “Đối thoại sử học”.
Nhà xuất bản xin giới thiệu cuốn sách và rất mong được sự góp ý của bạn đọc gần xa.
NHÀ XUẤT BẢN THẾ GIỚI
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com