Vùng trung du miền núi phía Bắc là địa bàn sinh sống của đông đảo nhiều dân tộc thiểu số trong tổng số 54 dân tộc Việt Nam. Đây là địa bàn có ý nghĩa chiến lược về an ninh kinh tế, chính trị và quốc phòng của đất nước trong quá khứ, hiện tại cũng như tương lai lâu dài. Sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của khu vực này là một đảm bảo vững chắc cho ổn định an sinh xã hội, chính trị và quốc phòng của đất nước.
Do điều kiện địa lý, khí hậu nên ở đây đã hình thành các tiểu vùng sinh thái khác nhau và sản xuất nông lâm nghiệp được xác định là ngành sản xuất chính. Trong đó, chăn nuôi gia súc nhai lại cùng các loài vật nuôi bản địa là thế mạnh góp phần phát triển kinh tế xã hội cho người dân khu vực này. Đây cũng là vùng có sự đa dạng, phong phú về hệ thống cây tự nhiên và cây trồng có khả năng thích ứng cao với điều kiện khí hậu tự nhiên, khả năng chống chịu tốt, là nguồn thức ăn chủ yếu cho gia súc, gia cầm.
Trong nhiều năm qua, tập thể các nhà khoa học Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên đã dành nhiều công sức tập trung nghiên cứu về nguồn cây thức ăn tự nhiên và cây trồng tại khu vực. Với 693 mẫu thuộc 9 nhóm thức ăn trên khắp các địa phương trong vùng đã được thu thập, nghiên cứu, phân tích thành phần hóa học và dinh dưỡng. Cuốn sách “Thức ăn vật nuôi vùng trung du miền núi phía Bắc Việt Nam” là tập hợp các kết quả nghiên cứu về thành phần hóa học và tiềm năng nguồn thức ăn vật nuôi trên địa bàn. Bằng các kỹ thuật phân tích hiện đại tại các phòng thí nghiệm của Trường Đại học Nông Lâm và Viện Khoa học sự sống, các kết quả nghiên cứu sẽ là các tài liệu có giá trị đóng góp vào tiến trình phát triển chăn nuôi của khu vực.