Thư kiếm ân cừu lục là một tiểu thuyết võ hiệp của nhà văn Kim Dung, được đăng trên Tân vãn báo của Hồng Kông từ ngày 8 tháng 2 năm 1955 đến ngày 5 tháng 9 năm 1956. Đây là tác phẩm đầu tay trong thể loại tiểu thuyết võ hiệp của nhà văn này mở đầu cho một loạt tác phẩm nổi danh sau này.
Hồng Hoa Hội, một bang hội có tổ chức vô cùng rộng lớn với tôn chỉ “phản Thanh phục Minh”. Sau khi lão hội chủ chẳng may qua đời, mọi người đều đồng lòng tôn Trần Gia Lạc lên làm hội chủ. Trần Gia Lạc, một bậc tài hoa vô song nhưng thân thế lại vô cùng bí ẩn
Tứ đương gia của Hồng Hoa Hội Bôn Lôi Thủ Văn Thái Lai vì mang trong mình một bí mật vô cùng trọng đại nên bị triều đình truy nã ráo riết…
Thân thế của Trần Gia Lạc như thế nào và Văn Thái Lai nắm giữ bí mật gì mà lại bị truy tầm gắt gao như vậy?
Núi hoang hào kiệt trừ ưng cẩu
Dọc đường tỷ kiếm gặp anh hùng
Lúc này đang là mùa hè nóng nực, tứ bề im phăng phắc, không một chút gió. Cô bé đi đến phía ngoài thư phòng, sợ thầy ngủ trưa chưa dậy nên không dám gõ cửa ngay. Cô nhẹ nhàng vòng ra cửa sổ, lấy cây trâm vòng trên tóc xuống, khoét một lỗ nhỏ trên cửa sổ dán giấy, áp mắt vào đó mà nhìn.
Cô bé thấy thầy giáo đang ngồi xếp bằng trên ghế, mặt hơi mỉm cười. Thầy nhẹ vẫy tay phải, một tiếng “tạch” nhẹ nhàng vang lên như có một vật gì đó bắn dính lên vách. Cô bé nhìn về hướng phát ra âm thanh, thấy trên tường đối diện có mấy chục con ruồi xanh đang nằm yên không động đậy. Cô ngạc nhiên, chăm chú nhìn kỹ, lại thấy trên lưng mỗi con ruồi đều ghim một mũi kim châm rất mảnh, mảnh như sợi tóc. Kim cực kỳ nhỏ, khoảng cách lại xa như thế, đáng lẽ khó mà nhìn rõ được, nhưng bây giờ đã là giờ mùi, ánh sáng mặt trời rọi chênh chếch từ cửa sổ vào, nên những mũi kim châm bằng vàng đó phản chiếu ánh sáng lấp lánh.
Đám ruồi trong thư phòng vẫn bay qua bay lại, phát ra những tiếng vo ve khó chịu. Tay của thầy giáo lại vẫy một cái, nghe một tiếng “tạch”, một con ruồi nữa ghim lên vách.
Cô bé cảm thấy trò chơi này thú vị vô kể, bèn chạy vào cửa lớn, vừa đẩy cửa vào vừa kêu thật to: “Thầy ơi! Thầy dạy con chơi với!”
Cô bé này tên là Lý Nguyên Chỉ, là con gái duy nhất của quan tổng binh Lý Khả Tú. Lý tổng binh sinh con trong thời gian làm tham tướng ở biên ải phía tây, nên đặt tên như thế để kỷ niệm nơi có dòng Nguyên Giang, mọc nhiều cây bạch chỉ.
Còn thầy giáo Lục Cao Chỉ là một bậc túc nho chừng năm bốn năm lăm tuổi. Thường ngày hai thầy trò bàn luận cổ kim rất hợp ý nhau. Chiều nay Lục Cao Chỉ không chịu nổi đám ruồi xanh quấy rầy, bèn phóng kim châm ghim chết mấy chục con, nào ngờ bị cô bé học trò lấp ngoài cửa sổ nhìn trộm được.
Ông đã nhìn thấy gương mặt trái xoan thanh tú hồng hào của Lý Nguyên Chỉ ra vẻ rất hưng phấn, nhưng vẫn giả vờ thản nhiên nói: “Sao con không đi chơi với đám bạn gái đi? Lại muốn nghe tiếp chuyện Gia Cát Lượng ba lần trêu tức Chu Du hay sao?”
Lý Nguyên Chỉ nài nỉ: “Thầy ơi! Thầy dạy cho con chơi trò này đi.”
“Trò chơi gì?”
“Trò chơi dùng kim châm phóng chết ruồi đó.” Cô bé vừa nói xong đã khiêng một cái ghế tới chỗ vách tường, nhảy phắt lên đứng nhìn. Nhìn tỉ mỉ một hồi, cô bèn rút kim châm trên mình lũ ruồi xuống, lấy giấy lau chùi sạch sẽ, trả lại cho thầy giáo rồi nói: “Thưa thầy! Con biết rồi, đây không phải trò chơi gì đâu, mà là một loại võ công rất cao minh. Thầy phải dạy cho con thôi.” Cô cũng thường theo cha ra võ trường luyện phép cưỡi ngựa bắn cung, biết qua chút ít võ nghệ.
Lục Cao Chỉ mỉm cười: “Nếu con muốn học võ công, thì trong vòng mấy trăm dặm quanh thành Phù Phong này, còn ai giỏi võ hơn gia gia của con đâu?”
Lý Nguyên Chỉ cãi: “Gia gia chỉ biết dùng cung tên để bắn chim ưng, chứ không biết dùng kim châm để bắn ruồi. Nếu thầy không tin, thì đi với con mà hỏi gia gia, thử xem ông ấy có biết hay không.”
Lục Cao Chỉ im lặng hồi lâu, biết cô học trò này thông minh lanh lợi, lại quen được nuông chiều nên hành động có thiếu phần suy nghĩ. Tuổi của cô chưa đủ lớn nhưng cũng không còn nhỏ, nên mỗi khi nhõng nhẽo thì khó mà đối phó được. Ông đành gật đầu bảo: “Được rồi! Sáng mai con đến đây, thầy sẽ dạy cho. Còn bây giờ thì con đi chơi đi, tuyệt đối không được nói cho ai biết chuyện bắn ruồi này. Nếu bất luận là ai biết được, thầy sẽ không dạy cho con nữa.”
Quả thật Lý Nguyên Chỉ không kể ai nghe chuyện này. Cô bé háo hức suy nghĩ cả đêm, nên mới sáng sớm hôm sau đã chạy ngay vào thư phòng của thầy giáo. Nhưng khi đẩy cửa vào thì cô không thấy bóng dáng thầy đâu, chỉ thấy trên bàn có một tờ giấy được chặn lại đàng hoàng, bèn cầm lên xem. Trên tờ giấy viết:
Đệ tử Nguyên Chỉ! Con thông minh, lanh lợi, hiếu học, ham hỏi. Được một học trò như thế này, kẻ làm thầy không đòi hỏi gì hơn nữa. Nhưng mặc dù con có tấm lòng rộng, ta lại không có kiến thức nhiều. Ba năm tạm trú nơi này mạo nhận làm thầy, ta hổ thẹn không dạy được con gì cả. Duyên của chúng ta có thể đến đây là hết, hẹn ngày sau gặp lại. Con thông minh ứng biến có thừa, nhưng định lực còn chưa đủ, sau này phải tu tâm dưỡng tánh cho nhiều. Việc này con phải nhớ kỹ. Thầy Lục Cao Chỉ viết.
Lý Nguyên Chỉ đọc xong lá thư, ngẩn ra không biết nói gì. Khóe mắt cô bé đã ứa lệ, trong lòng giận dỗi chỉ muốn la lên: “Con bị thầy gạt rồi! Con không chịu đâu!”
Đúng lúc đó, đột nhiên cửa phòng mở ra, một người lảo đảo tiến vào, bước chân không vững. Đó chính là người đã để thư lại rồi bỏ đi, Lục Cao chỉ tiên sinh. Sắc mặt ông trắng xanh, cả người vấy máu, cố gắng bước tới một cái ghế, lảo đảo mấy cái rồi vịn ghế ngồi phệt xuống đất.
Lý Nguyên Chỉ kinh hãi kêu lên: “Thầy!”
Lục Cao Chỉ nói nhỏ một câu: “Đóng cửa lại, đừng lên tiếng!” rồi nhắm mắt lại, không nói năng gì nữa.
Dù sao thì Lý Nguyên Chỉ cũng là con nhà võ, quen sử đao thương, tuy đang sợ mất hồn nhưng vẫn nghe lời thầy, đóng chặt cửa lại.
Lục Cao Chỉ cố hít một hơi rồi nói tiếp: “Lý Nguyên Chỉ! Tình thầy trò giữa chúng ta đã hơn ba năm rồi, đối xử với nhau cũng không tệ. Ta cứ tưởng duyên phận đã hết, nào ngờ phải gặp lại nhau ngay tức khắc. Chuyện này có liên quan đến sinh mạng, con có thể giữ kín miệng, không nói ra một chữ hay không?” Nói dứt câu, ông đưa mắt nhìn chăm chú cô bé.
Lý Nguyên Chỉ đáp: “Thầy cứ dặn, con xin nghe.”
“Con hãy nói với gia gia là ta mắc bệnh, phải nghỉ ngơi nửa tháng.”
…
Mời các bạn đón đọc Thư Kiếm Ân Cừu Lục của tác giả Kim Dung.