Đọc “Thông Thái và Số Phận” của Maurice Maeterlinck như đi vào một vườn mê cung. Nếu ta chỉ chú ý đi tìm lối ra hay con đường chính xác để giải thoát thì sẽ không thể cảm nhận được vẻ đẹp của nó.
Hãy cứ bước đi thong thả, cứ rẽ vào con đường mà bạn muốn, mỗi con đường đều không thẳng tắp mà có rất nhiều khúc quanh mở ra một con đường khác, và đương nhiên sẽ có lúc gặp phải ngõ cụt, vậy thì hãy quay trở lại chọn lối rẽ khác, hoặc bạn cũng có thể tự mình đào sâu, hay phá bỏ nó để đi xuyên qua, dù thế nào nó sẽ lại mở ra một con đường mới để ta khám phá.
Và mê cung ấy có nhiều lối ra, có lối dẫn đến sự thông thái, có lối dẫn đến số phận, lý trí, tình yêu, hạnh phúc, khổ đau, niềm vui, nỗi buồn… đích đến nào cũng sẽ khai mở hoặc làm sáng tỏ con đường trong chính bản thân bạn.
Khi chia sẻ thông tin về buổi tọa đàm về cuốn sách này trên một group rất thú vị và sôi nổi trên Facebook, có bạn chia sẻ khi đọc cuốn “Thông Thái và Số Phận” của Maurice Maeterlinck do dịch giả Nguyễn Trí Dũng chuyển ngữ và nhận xét là khó đọc, có vẻ như dịch giả dịch chưa chuẩn, chưa hay. Bản thân tôi cũng có cảm giác như vậy khi bắt đầu đọc, vì thế tôi có giới thiệu các bạn nên đi dự tọa đàm sách để có thể nghe dịch giả chia sẻ quan điểm, suy nghĩ cũng như khó khăn, tìm tòi trong quá trình dịch. Chắc chắn nó cũng sẽ giúp bạn hiểu hơn về tác phẩm.
Thực tình tôi mới tò mò, quan tâm đọc thể loại sách triết học, tiểu luận, khảo luận… và cũng thấy là nhiều cuốn viết lan man, có mỗi cái đề tài thôi mà sao viết gì mà lắm thế, khó hiểu thế. Vậy nhưng khi đọc “Thông Thái và Số Phận” thì tôi lại không có những suy nghĩ như vậy, bởi vì đây là “Sách đọc chậm”, ngay trên trang bìa NXB đã ghi dòng chữ này để “cảnh báo” với độc giả đừng đọc nhanh, đọc liền một mạch, hãy đọc từng trang hoặc từng chương, có khi là từng đoạn, từng câu… thậm chí bạn có thể mở một chương bất kỳ và đọc vẫn có điều để bạn chiêm nghiệm, suy ngẫm. Tất nhiên, mỗi người sẽ có quyền tự chọn cách đọc của mình, nhanh-chậm, nhiều-ít tùy thích.
Cuốn sách này không phải thể loại đọc một hồi xong thốt lên tuyệt vời quá, hay quá, mà đọc xong muốn tranh luận hoặc thậm chí là cãi nhau với chính mình, đọc xong chỉ cần “khai mở” hoặc có thể “phá hủy” và “tái tạo” lên trong đầu độc giả một cái nhìn mới, một con đường mới trong tư duy và nhận thức, đó là một thành công rồi, còn nếu không thì cũng không sao cả, chỉ là sách thôi mà.
Theo loicuagio.com
***
Maurice Maeterlinck (29/8/1862 – 6/5/1949) – nhà thơ, kịch tác gia, triết gia người Bỉ, giải Nobel Văn chương năm 1911. Vở kịch cổ tích “Con chim xanh” (L’Oiseau bleu) và vở “Aglavaine và Sélysette” của ông được giới phê bình xếp vào hàng những vở kịch hay nhất của thế kỷ XX. “Con chim xanh” được nhiều lần dàn dựng và biểu diễn ở Nga, Pháp, Mỹ, Nhật… Ngoài những tập thơ, kịch, M. Maeterlinck còn để lại cho văn chương, triết học thế giới những khảo luận, tiểu luận triết học vô cùng sâu sắc.
Chúng tôi hân hạnh giới thiệu với bạn đọc bản dịch tiếng Việt tiểu luận triết học đời sống tuyệt vời của M. Maeterlinck “Thông thái và số phận”. Phần cuối của bản tiếng Việt chúng tôi đưa thêm chương “Sự im lặng”, chương đầu trong tập tiểu luận “Kho báu của những kẻ nhẫn nhịn”. Sau khi chú tâm đọc, lắng nghe những lời bàn đầy minh triết của tác giả, thì cái vĩ thanh tuyệt vời nhất, có lẽ, nên là “Sự im lặng” để chúng ta cùng chiêm nghiệm về cuộc đời, về sự thông thái và số phận.
Trong “Thông thái và số phận” M. Maeterlinck có nhắc đến nhiều nhân vật, điển tích trong lịch sử, văn hóa, văn chương phương Tây. Trong thời đại cách mạng thông tin hiện nay việc tra cứu trở nên rất dễ dàng. Các chú thích có thể làm đứt mạch đọc tác phẩm của độc giả. Vì vậy, chúng tôi không làm chú thích về những nhân vật, điển tích được tác giả nêu ra trong tác phẩm. Thêm nữa, theo chúng tôi, khi tự tra cứu, bạn đọc sẽ mở rộng, làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân mình.
Chúng tôi cố gắng chuyển tải một cách chính xác nhất văn phong của M. Maeterlinck. Quá trình dịch tác phẩm này sẽ không tránh khỏi sai sót. Chúng tôi rất mong nhận được những ý kiến đóng góp chân thành và thiện ý của tất cả các bạn. Xin chân thành cám ơn!
Người dịch
***
Tôi dành tặng cuốn sách này cho em. Nó tựa như là tác phẩm của em vậy. Có sự hợp tác cao quý và giá trị hơn sự hợp tác của ngòi bút: đây là hợp tác về tư tưởng và sự mẫu mực. Tôi không phải khó nhọc để nghĩ ra những quyết định và hành động xứng đáng với lý tưởng về đạo lý; tôi không phải rút ra từ con tim mình đạo lý của một ước mơ tuyệt vời vì sự cần thiết còn đôi chút mơ hồ. Tôi lắng nghe những lời nói của em, và chăm chú dõi theo em trong cuộc đời – thế là đủ. Đó cũng là lúc tôi dõi mắt theo các chuyển động, cử chỉ và thói quen của chính sự thông thái.
Mời các bạn đón đọc Thông Thái Và Số Phận của tác giả Maurice Maeterlinck.