Trào phúng là một tình tự cố hữu của người Việt-Nam, tồn tại qua bao nhiêu đời, ăn sâu vào con người sống trên mảnh đất này, và đã thành một dân-tộc tính. Cũng nhờ truyền thống dân tộc đó, nhờ tinh thần trào phúng mà con người Việt luôn luôn vẫn duy trì được bản sắc nòi giống qua bao nhiêu thăng trầm, biến đổi của đất nước trước những nguy cơ đô hộ, đồng hóa, tiêu diệt.
Tinh thần trào phúng là một lợi khí sắc bén giúp cho con người Việt vui vẻ, tin tưởng, phấn đấu. Tiếng cười ở ngoài đời đã chuyển sang địa hạt nghệ-thuật, kết tinh nên một kho tàng vô giá của dân tộc : văn chương trào-phúng Việt-Nam.
Văn chương trào phúng Việt-Nam tập hợp tất cả những tiếng cười tiêu biểu của các tầng lớp xã-hội : từ tiếng cười hồn nhiên, chất phác của người nông dân đến tiếng cười mỉa mai, sâu sắc của kẻ sĩ. Những tiếng cười đã kích áp bức, giễu cợt giả dối, châm biếm hủ lậu, chê bai gian-tà… những tiếng cười ấy xuất phát từ một tư tưởng lạc quan, một tinh thần phê phán, trào lộng để sửa đổi, đả phá để xây dựng, cười cợt để giáo dục, đấu tranh. Dưới hình thức văn chương, những tiếng cười ấy nhằm vào các đối tượng thường thấy trong xã-hội : bọn cướp nước, bọn tay sai của giặc, bọn quan lại thối nát, bọn cường hào ác bá, bọn giầu sang xu thời, hãnh tiến, bọn đội lốt tu hành, dị đoan mê tín, bọn đồi phong bại tục, bọn đạo đức giả…
Văn chương trào phúng do đó mà hết sức phong phú, mang nhiều hình trạng, nhưng tựu trung vẫn là biểu lộ một tinh thần dân tộc, nói lên thái độ của tác-giả trước những cảnh nhân tình thế thái, những trò đảo điên ở đời.
Những tác-giả của văn-chương trào phúng, có tên tuổi hoặc vô danh, đều thường bộc lộ tiếng cười của mình bằng cách nói xa xôi kín đáo (ám dụ), nói thẳng (tả chân), nói ngay chính mình để giễu đời (tự trào).
« THI CA CHÂM BIẾM và TRÀO LỘNG VIỆT NAM », mà ông Hoàng-trọng-Thược đã nhiều công sưu tập, gom góp được những phần tiêu biểu nhất và giá-trị nhất từ xưa tới nay về tiếng cười trào lộng của dân tộc.
Soạn-giả lại khéo trình bày thêm phần chú dẫn, xuất xứ của nhiều bài thơ, khiến người đọc càng thích thú thêm trong khi thưởng thức giá trị nổi bật của ý nghĩa tiếng cười trong thơ.
Đang lúc chúng ta sống giữa một thời kỳ hỗn độn, quay cuồng, căng thẳng, những tiếng cười trong « THI CA CHÂM BIẾM và TRÀO LỘNG VIỆT NAM » chắc chắn đem lại cho người đọc những giây phút sảng khoái, thích thúc, đồng thời làm cho chúng ta càng tin tưởng và tự hào ở sức mạnh tinh thần của dân tộc.
Sàigòn cuối Xuân I969 NHÂN VĂN
Mời các bạn đón đọc Thi Ca Châm Biếm và Trào Lộng Việt Nam của tác giả Hoàng Trọng Thược.
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn