Trong quá trình tổ chức Điều tra, sưu tầm tư liệu văn hiến Thăng Long, bên cạnh nguồn tư liệu từ các nước phương Tây, Nhà xuất bản Hà Nội quan tâm đến khối lượng lớn tư liệu từ các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc – quốc gia có lịch sử quan hệ lâu dài với đất nước ta. Một khối lượng lớn tư liệu từ Minh thực lục, Thanh thực lục đã được khai thác bổ sung cho nguồn sử liệu về văn hiến Thăng Long. Các tư liệu đã được tổ chức biên soạn thành hai đầu sách có giá trị: Minh thực lục – Quan hệ Trung Quốc – Việt Nam thế kỷ XIV – XVII và Thanh thực lục – Quan hệ Thanh – Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX.
Thanh thực lục là bộ sử liệu trường biên, viết theo thể biên niên do sử quan triều Thanh biên soạn. Cũng như Minh thực lục và các loại thư tịch khác trong kho tàng văn hiến Trung Hoa, Thanh thực lực chứa nhiều tư liệu trực tiếp hoặc gián tiếp đến lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, việc khai thác các tư liệu trong Thanh thực lục phục vụ nghiên cứu lịch sử Việt Nam của các học giả trong nước còn chưa nhiều do nhiều nguyên nhân khác nhau. Một trong các khó khăn chủ yếu là khối lượng tư liệu Thanh thực lục rất lớn, để đọc, dịch và lọc các tư liệu liên quan đến Việt Nam là một việc làm đòi hỏi nhiều thời gian, công sức. Dịch giả Hồ Bạch Thảo đã dành nhiều năm sưu tầm từ các bộ sử Cao Tông thực lục, Nhân Tông thực lục (thuộc Thành thục lục) các tư liệu liên quan đến Việt Nam biên dịch, tập hợp thành một bộ tư liệu. Năm 2007, Nhà xuất bản Hà Nội đã xuất bản cuốn “Thanh thực lục – Sử liệu chiến tranh Thanh – Tây Sơn” do dịch giả Hồ Bạch Thảo thực hiện. Cuốn sách đã nhận được sự quan tâm và hoan nghênh của đông đảo bạn đọc. Nhằm phục vụ cho bạn đọc và người nghiên cứu, Nhà xuất bản Hà Nội đã tổ chức hiệu đính bản thảo, chỉnh sửa trên cơ sở sách đã xuất bản để khai thác nguồn tư liệu này trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Sách được tái bản với tên gọi “Thanh thực lục – Quan hệ Thanh – Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX”. Lần xuất bản này, để đáp ứng các yêu cầu về chất lượng của Tủ sách, cuốn sách được chỉnh sửa rà soát kỹ lại phần dịch thuật, bỏ phần lời bình của người biên soạn đối với mỗi sự kiện, bổ sung thêm các chú giải, ông Phạm Hoàng Quân bổ chú, ông Trần Văn Chánh hiệu đính.
Nhà xuất bản Hà Nội chân thành cảm ơn Nhà sử học, PGS.TS Tạ Ngọc Liễn đã giúp Nhà xuất bản biên tập hiệu chỉnh nội dung cho cuốn sách.
Nhà xuất bản Hà Nội trân trọng giới thiệu cuốn sách với hy vọng giúp ích cho các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các giảng viên và học viên ngành sử và các ngành khoa học xã hội khác cùng toàn thể bạn đọc yêu sử.
Mặc dù các tác giả và Nhà xuất bản đã hết sức cố gắng trong các khâu dịch thuật, chú thích, hiệu đính và biên tập với mong muốn cung cấp cho bạn đọc một ấn phẩm chất lượng cao; song chắc chắn không thể tránh khỏi sơ sót. Rất mong được các đồng nghiệp và bạn đọc góp ý để sách có thể hoàn thiện hơn trong các lần xuất bản tiếp theo.
NHÀ XUẤT BẢN HÀ NỘI