Cuốn tiểu thuyết tình báo Thanh kiếm và lá chắn của nhà văn – phóng viên chiến trường Vadim Kozhevnikov nói về số phận chìm nổi của Aleksandr Belov – một chiến sĩ tình báo Xô Viết từng hoạt động ở Đức trong những năm chiến tranh Thế giới II.
Thanh kiếm và lá chắn là bộ tiểu thuyết có chủ đề sắc bén viết về thời kỳ chiến tranh Liên Xô – Đức (1941-1945), khi Đức Quốc xã đang ở đỉnh cao sức mạnh quân sự của chúng, sau khi đã chiếm đóng hầu hết châu Âu và lăm le tấn công lấn chiếm Liên Xô từ phía Đông, trong tác phẩm có xung đột kịch tính cao độ khắc họa những mâu thuẫn sâu sắc giữa hai thế giới đối kháng nhau. Một bên là những người lính trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, một bên là bọn đế quốc phát xít, những kẻ xâm lược.
Người chiến sĩ tình báo xô-viết không chỉ phải vượt qua ranh giới về mặt địa lý để tiến sâu vào lòng địch mà còn phải vượt qua cả ranh giới vô hình, những khác biệt về văn hóa, tâm lý, phải hóa thân thành kẻ thù đối mặt với Tổ quốc, đồng bào mình. Anh đã phải vượt qua những thử thách ấy như thế nào, bằng cách nào, khi những tin tức của anh chuyển về có ý nghĩa trọng đại với Tổ quốc?
Thanh kiếm và lá chắn là một tác phẩm đặc sắc của văn học Nga mà chúng tôi muốn giới thiệu đến các bạn.
Trước ngày nổ ra cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, chiến sĩ tình báo Xô Viết Alexander Belov không những chỉ vượt qua biên giới địa lý giữa hai nước mà còn vượt qua cả giới tuyến vô hình ngăn cách thế giới của chủ nghĩa xã hội với bọn đế quốc phát xít đế chế thứ ba. Người chiến sĩ Xô Viết sẽ phải trở thành một người Đức tên là Johann Weiss: Và không phải là một người Đức bình thường. Nhiệm vụ của Belov là phải đeo cái mặt nạ của kẻ thù đối với Tổ quốc mình. Lối sống và cách suy nghĩ của anh về bề ngoài không được khác với lối sống và đạo đức của bọn kẻ cướp lớn hoặc nhỏ của nước Đức Hitler. Đây là một thử thách nặng nề đối với Belov, nhưng anh đã biết khắc phục và vượt qua được những thử thách đó. Những tin tức của anh đã có nhiều ý nghĩa trọng đại đối với Tổ quốc. Weiss Belov đã lần lượt sống qua những cuộc sống của các tầng lớp xã hội quốc xã.
“Thanh kiếm và lá chắn” là một tác phẩm đặc sắc. Đây là bộ tiểu thuyết tâm lý xã hội có chủ đề sắc bén, có xung đột kịch tính cao độ, khắc họa nên những mâu thuẫn sâu sắc giữa hai thế giới đối kháng.
“Thanh kiếm và lá chắn” đã được dựng thành phim cùng tên và đã được khán giả Việt Nam nhiệt liệt hoan nghênh.
Xin trân trọng giới thiệu với toàn thể bạn đọc.
Các cán bộ công an điều tra của Latvia xác định rằng: kẻ giết người đã dùng một loại súng đặc biệt có lắp các ống đựng chất kali xyanua, khi các ống bị vỡ sẽ xuất hiện một loại hơi tập trung làm chết người ngay tức khắc và không gây tiếng nổ.
Mặc dù nhiều đồ vật quý giá của nạn nhân như nhẫn cưới, đồng hồ, tiền bạc bị cướp mất, nhưng sau đó người ta tìm thấy một số các đồ vật đó gói lại quẳng xuống đáy cống. Điều này gạt bỏ giả thuyết cho rằng đây là một vụ giết người cướp của.
Thế là chỉ ít lâu sau có thể đoán được ngay là một thủ đoạn khủng bố có tổ chức. Nạn nhân là kỹ sư Rudolf Schwarzkopf, một chuyên gia nổi tiếng trong ngành vô tuyến điện.
Con trai nạn nhân là Heinrich Schwarzkopf, sinh viên trường Đại học Bách khoa Riga, bàng hoàng trước cái chết của cha, không cung cấp một dẫn chứng nào cả.
Johann Weiss, thợ nguội kiêm thợ máy xưởng sửa chữa ô tô của Friedrich Kunz, bị gọi đến cơ quan công an điều tra.
Theo các tài liệu điều tra vào ngày xảy ra vụ án mạng, Weiss đã có mặt rất lâu trong nhà Schwarzkopf để chữa những dụng cụ gì đó của kỹ sư đặt làm. Ngoài ra Weiss còn có quan hệ bạn bè với con trai Schwarzkopf đang rất ham mê môn đua mô tô. Weiss là một thợ máy có tài, đã giúp Heinrich hoàn thiện chiếc mô tô nhãn hiệu Zundap, nên mới đây Heinrich đã đoạt giải. Người ta còn biết rằng Weiss đã nghiêm chỉnh tham dự các cuộc họp của “Hội liên hiệp kiều dân Đức vùng Baltic” đã sửa chữa không công một chiếc xe hơi của luật sư Sebastian Funk, liên khu trưởng Hội này, thời giờ nhàn rỗi Weiss còn làm lái xe cho viên luật sự này nữa.
Trong thời gian bị hỏi cung, Weiss tỏ ra biết kiềm chế mình, và trả lời hơi lung tung. Khi anh cán bộ công an Latvia bực tức trách Weiss là không muốn giúp đỡ việc điều tra, mặc dù nạn nhân là người cùng dân tộc với anh, Weiss đáp là không có gì đáng ngạc nhiên cả vì nạn nhân lại là người Đức như anh. Bởi vì bây giờ người Latvia đối xử với người Đức không có gì là thân thiện cả.
Điều này làm người thẩm phán tức giận. Anh trách Weiss là một công nhân trẻ mà lại không thấy xấu hổ khi nói năng như vậy. Lẽ nào Weiss lại không hiểu rằng lúc này hơn lúc nào hết tình đoàn kết vô sản phải liên hiệp tất cả mọi công nhân lại không kể dân tộc nào hay sao?
Weiss nghiêm chỉnh, chăm chú ngồi nghe, nhưng qua nét mặt lạnh lùng và bình thản của anh, khó mà hiểu nổi anh tiếp thu những lời người thẩm phán vừa nói như thế nào. Thẩm phán cũng là một công nhân trẻ, mới trở thành nhân viên cơ quan công an. Tổ chức Đảng nhà máy thủy tinh đã cử anh đến đây, mặc dù đối với nghề nghiệp mới mẻ này anh không có một bằng cấp nào cả, mà cũng không có khả năng gì! Về vấn đề này anh cũng nóng nảy nói với Weiss, nhưng vẫn không làm cho Weiss thông cảm.
Ở cơ quan công an ra, Weiss đi đến hiệu cà phê. Anh mua bia, xúc xích rồi từ tốn ngồi ăn sáng. Cũng với dáng điệu bình tĩnh đó anh đi ra bến xe, bỏ lỡ một chuyến tàu điện và lên chuyến sau, dọc đường anh chỉ lãnh đạm nhìn qua cửa kính tàu điện. Tàu còn chưa chạy tới bến đỗ ở phía nhà luật sư Funk, trưởng khu “Hội liên hiệp kiều dân Đức vùng Baltic”. Weiss đã xuống và vội vã chạy về phía trước.
Sebastian Funk là một người mập mạp, vai rộng, thân hình gần như vuông, bụng nở căng, đôi má nặng trễ xuống, sốt ruột dậm chân ở bên cửa ra vào nhà mình. Khi Weiss đánh chiếc xe “Adler” kiểu cổ đến cổng chính, Funk khó nhọc ngồi vào ghế sau và tức giận hỏi:
– Tại sao tôi phải chờ xe mà xe không chờ tôi?
Weiss trả lời ngắn gọn:
– Xin lỗi ngài Funk, vì tôi có những chuyện không may.
– Anh mà còn có những chuyện không may nữa kia à? – Funk lầu bầu khinh bỉ rồi bảo: – Hay là hôm nay tôi làm anh không may mắn? – Sau đó hắn động lòng thương hại hỏi Weiss: – Thế có chuyện gì xảy ra với anh?
Nghe Weiss kể lại tỉ mỉ việc anh bị hỏi cung ở cơ quan điều tra, nét mặt Funk dần dần khoan dung hơn. Lão vỗ vai Weiss bảo:
– Cũng không sao đâu nếu như họ có bỏ tù anh. Vì họ cần một thủ phạm người Đức. Mà anh là người Đức.
– Nhưng, thưa ngài Funk, chắc ngài đã hiểu tôi. Tôi rất muốn nhờ ngài một việc, nếu cần xin ngài làm luật sư cho tôi.
– Cũng chẳng cần đâu. – Funk chẳng cần suy nghĩ nói luôn – Anh là công nhân, mà họ thì không nghi ngờ công nhân đâu.
– Công nhân cái gì ở tôi cơ chứ? – Weiss nóng nảy phản đối. – Ngài đã biết, tôi đang tính toán để trở thành một chủ trại. Tôi còn chưa rõ là trang trại có thuộc về cô tôi nữa hay không?
– Phải, vì chính anh không biết điều đó nên suốt mấy tháng anh lo lắng chăm sóc bà cô ốm đau của mình khiến cả xã người ta khen ngợi anh là một thanh niên vô cùng đứng đắn. Đừng có ngạc nhiên, Weiss ạ. Tôi là khu trưởng, tôi có trách nhiệm phải biết tất cả về anh, thậm chí cả những điều bản thân anh cũng không biết về mình.
– Nhưng tôi cũng yêu quý cô tôi, mặc dù tất nhiên thôi, chỉ rất giận một điều là chẳng nhận được của thừa tự gì cả.
Funk lắc đầu.
– Tôi cho rằng ở nghĩa địa anh đã khóc vì thương bà cô ngang với tiếc của thừa kế… – Rồi lão xẵng giọng. – Anh vẫn còn dao động chứ? Anh định về nước hay ở lại với bọn Bolshevik?
– Thưa ngài, Weiss nói tiếp: – Bây giờ tôi đã quyết định trở về Đức càng sớm càng tốt.
– Tại sao bây giờ mà không phải trước đây?
– Hôm nay ở cơ quan điều tra tôi đã hiểu rằng, ở đây người ta đối xử với người Đức không tốt. Ngài Kunz hứa để lại cho tôi xưởng của mình để tôi trở thành chủ nhân hờ của xưởng. Tôi đã nghĩ là ở đây tôi có triển vọng lớn hơn ở bên nước. Nhưng bây giờ thì tôi đã rõ rồi, xưởng sẽ bị tịch thu. Và tôi buộc sẽ phải vào nhà máy như một công nhân bình thường. Tôi cho rằng làm một người lính ở bên nước mình còn hơn làm công nhân ở đây.
– Cho tới bây giờ tôi mới nghe thấy giọng nói mang dòng máu Đức của anh: – Funk tán thưởng gật đầu.
Chiều hôm đó, rửa xe xong, Weiss đang lau cửa kính xe bằng miếng da hươu, bỗng nhiên Funk đến gara (trước kia không bao giờ lão đến đây) và hỏi:
– Hôm nay anh sẽ đến chia buồn với con trai ông Schwarzkopf chứ?
– Vâng, ông Schwarzkopf đối xử với tôi rất tốt.
– Điều đó tôi biết, – Funk tức giận nói tiếp, – nhưng tôi không thể hiểu nổi tại sao lại như vậy?
– Bao giờ tôi cũng nghiêm chỉnh hoàn thành những việc làm theo yêu cầu của ông ấy.
– Còn gì nữa?
– Trong những lúc rỗi rãi tôi có giúp ông ta đôi chút, vì ông ấy là nhà phát minh.
– Rất tiếc là tôi không đủ trình độ để hiểu nổi ông ấy nghiên cứu gì.
– Phải, đầu óc anh thật ngốc nghếch, – Funk hạ thấp giọng nói với vẻ cương quyết và chắc chắn – Còn bây giờ thì thế này Weiss ạ, mặc dù anh đã quyết định về nước, song hoàn toàn chưa có nghĩa là anh sẽ được về, vì rằng chúng tôi còn chưa quyết định. Chúng tôi quyết định anh sẽ được về Đức nếu Heinrich về theo. Và muốn cho Heinrich về nước thì phải cho cậu ta biết rằng cha cậu ta cũng đã dự định như vậy.
– Chẳng lẽ Heinrich lại không biết điều đó?
– Cho đến nay cậu ta vẫn chưa biết. Cậu ta cũng chưa biết là mới đây ông Rudolf có gửi cho tôi một bức thư… Anh hãy bảo với Heinrich rằng tôi có bức thư đó.
– Như vậy cho Heinrich xem bức thư đó thì tốt hơn, vì cậu ta vẫn thường làm những điều bố mình muốn.
Funk nhăn trán, nhưng rồi dịu giọng ngay:
– Weiss, tôi tin anh như tin đứa con trai tôi. Bức thư này tôi đánh mất rồi và tôi nghĩ là các tình báo Bộ nội vụ Liên Xô đã lấy cắp mất. Chúng cần Schwarzkopf vì ông ta là một kỹ sư có tài, hiểu biết rất sâu về kỹ thuật thông tin quân sự. Khi chúng biết Schwarzkopf chuẩn bị về nước, chúng bèn giết kỹ sư. – Funk cất giọng huênh hoang – Bây giờ nghĩa vụ của chúng ta phải đưa con trai Schwarzkopf trở về Tổ quốc. Chú của Heinrich hiện giờ mà một nhân vật quan trọng ở Đức. Ông ta muốn giang tay ôm chặt anh trai và cháu mình vào ngực, và tôi đã hứa với ông ta rằng sau khi về Đức gia đình Schwarzkopf sẽ có địa vị đặc quyền hơn chúng ta nhiều. Anh hiểu tất cả chứ?
– Vâng, tôi sẽ nói với Heinrich rằng tôi sẽ là người trung thành nhất với anh ta nếu như anh ta đồng ý về nước trong một ngày gần đây.
– Vấn đề là như thế, nhưng anh còn có nhiệm vụ đối với tôi, – Funk nhắc lại – Không được sự đồng ý của tôi anh không được bỏ nơi này.
Những người Đức sống ở Riga hồi đó không mến phục Schwarzkopf vì tính tự cao đối với đồng bào bởi uy thế của mình, và vì sự thể hiện quá kính trọng giáo sư Goldblatt.
Kết bạn với một người Do Thái, dù cho người này có tài đi nữa, cũng là một sự khiêu khích đối với xã hội.
Mời các bạn đón đọc Thanh Kiếm Và Lá Chắn của tác giả Vadim Kozhevnikov.
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn