Lê và Hoàng tần ngần trước một quán ăn… Chúng nó nhìn bảng giá ghi ở ngoài: “Bún bò Huế: 4.000 đồng – 5.000 đồng/tô – Hủ tiếu 5.000 đồng”… Lê quay sang Hoàng:
– Tao còn đúng năm ngàn, mày còn bao nhiêu?
Thằng Hoàng lục túi, đếm đi đếm lại, rồi giao cho thằng Lê:
– Còn đúng bốn ngàn.
Đôi mắt Lê sáng lên:
– Thế là tao và mày đủ tiền mua hai đứa hai tô bún bò, còn một ngàn uống trà đá, vừa đẹp.
– Lỡ họ ghi như vậy , mà bán cao hơn thì tiền đâu mà trả… tao đã bị một lần rồi… Ớn lắm.
– Thì mình hỏi kỹ rồi mới ăn.
Lê và Hoàng rụt rè bước vào quán, hai đứa khép nép ngồi vào chiếc bàn cạnh cửa…
Bà chủ quán nhìn hai đứa, đôi mắt dò xét:
– Hai đứa bay có tiền không mà vào đây?
– Bác bán cho tụi cháu hai tô bún, mỗi tô bốn ngàn đồng…
– Có chắc tụi bay có tiền không, hay ăn xong rồi bỏ chạy.
Thằng Lê lôi tiền trong bọc ra, đếm đủ tám ngàn, rồi giao cho bà chủ quán:
– Tụi cháu còn một ngàn, bác bán cho hai ly trà đá.
– Trà đá thì ly nhỏ thôi đấy nhé.
– Dạ.
Bấy giờ là một trưa mùa hè… Suốt buổi sáng hai đứa cùng nhóm bạn khu phố tập dượt bóng đá ở một sân nhỏ gần trụ sở khu phố. Chỉ còn một tuần nữa, đội bóng thiếu nhi khu phố A sẽ gặp đội bóng thiếu nhi khu phố B để chọn cầu thủ cho đội bóng thiếu nhi Phường tranh giải đội bóng vô địch thiếu nhi Quận.
Trong đội bóng chỉ có Lê và Hoàng là nghèo nhất. Lê sống với bà ngoại sau khi mẹ đi lấy chồng khác. Lê chưa bao giờ gặp cha… Theo lời bà ngoại kể, cha Lê là một ông Mỹ đen, làm hãng thầu của Mỹ tại Sài Gòn, cha Lê về Mỹ khi Lê còn nằm trong bụng mẹ… Ngày Lê chào đời, Sài Gòn giải phóng đúng một tháng… Ngày Lê lên năm, mẹ Lê gởi Lê cho bà ngoại rồi về Đà Nẵng… Một năm sau mẹ Lê có gia đình khác… Mười năm rồi Lê sống trong tình thương của bà ngoại. Mẹ Lê là con đầu. Lê còn một người cậu làm công nhân cao su ở Sông Bé, đã lập gia đình. Hai bà cháu sống trong căn nhà nhỏ trong hẻm. Một khoảng đất rộng không quá mười mét vuông trở thành địa điểm bán cà phê vợt buổi sáng. Từ bốn giờ sáng. Lê thức dậy để đun nước sôi, dọn hàng… Năm giờ thức ngoại dậy, hai bà cháu mở quán bán cho bà con lao động trong xóm khoảng tám giờ thì nghỉ. Đến trưa, sau khi ăn cơm xong, Lê ghé nhà chú Mẫn – thầu vé số – nhận một xấp vé số đi bán dạo. Mỗi ngày nếu bán hết tiền lời chỉ đủ mua gạo trong ngày cho hai bà cháu. Buổi tối Lê học bổ túc văn hóa ở trường cấp hai gần khu phố.
Còn Hoàng, mẹ nó mất sớm, ở với cha… Hai cha con sống với gia đình nội, cha Hoàng làm nghề thợ điện cho một xí nghiệp ở Biên Hòa. Sáng đi thật sớm, tối mới về. Hoàng cũng đi bán vé số như Lê và học cùng lớp bảy bổ túc văn hóa như Lê.
Trưa nay, bà ngoại Lê đi ăn giỗ, bà nội Hoàng bệnh, hai đứa có dịp ăn quán với số tiền eo hẹp.
Thằng Lê ăn rất khỏe, ăn xong tô bún vẫn muốn ăn thêm nữa, nhưng không còn tiền, thằng Hoàng nhìn bạn, nó hiểu những mong ước của Lê.
– Để hôm nào kiếm được nhiều tiền hai đứa đi xuống tiệm bà Ba Huế ăn bún bò Huế cho đã…
– Thôi, có tiền mua đôi giày Bata để đá banh.
– Mày khỏi mua, tao nghe nói bác Hai trưởng khu phố sẽ sắm cho mỗi đứa một đôi.
– Tiền đâu mà mua ?
– Nghe nói khu phố có quỹ do bà con đóng góp.
– Lê, giá mà mười một đứa đều có giày Bata đá thì hay quá.
– Tao không thích giày, chỉ thích có áo đồng phục thôi. Chớ không lý khi ra đá, mặc áo mai-dô không giống ai… nhiều khi phải cởi trần để khỏi lầm với đội bóng của tụi khu phố khác.
– Bữa nào đá với tụi kia, thằng Minh sắp tao đi hàng giữa, còn mày đi hàng trên nhưng hai đứa đều góc mặt.
– Mày có cái tật hay lừa, có banh là tìm cách giao ngay tao sút mới ăn được, mày lừa lên đến gần gôn mà sút khó ăn lắm.
Câu chuyện bóng đá trên bàn ăn kéo dài hơn nửa tiếng, nếu bà chủ không nhắc khéo, có lẽ chúng ngồi còn lâu hơn nữa.
Hai đứa chia tay nhau tại hẻm phố. Lê về đến nhà, bà ngoại vẫn chưa về. Căn nhà tôn vào trưa quá nóng, hình như bao nhiêu sức nóng của mặt trời trút hết xuống mái tôn nhà nó. Nóng quá không chịu nổi, Lê cởi trần nằm trên sàn nhà. Nó nhớ lại một lần ghé nhà thằng Minh cũng vào một buổi trưa, ngôi nhà mát rượi, nền gạch, phòng nào cũng có quạt, quạt trần, quạt đứng, nghĩ đến mà thèm. Nó mơ ước có tiền để mua một cái quạt cũ. Tội nghiệp cho ngoại, buổi trưa nào ngoại cũng chịu cực với cái nóng nung người như thế này… Nó ít khi có mặt buổi trưa, giờ đó nó đi lòng vòng vào các quán cà phê mời khách mua vé số. Đến ba giờ, bán không hết vé, phải đem trả lại cho đại lý, nếu ham lời bán rán thêm, bán không hết chỉ còn khóc vì lỗ. Lê không dám chơi liều, thà lời ít chắc ăn hơn. Có hôm, bán hết, trên đường về Lê ghé ngang tiệm bánh mua gói kẹo nhỏ cho bà ngoại – loại kẹo chanh – để bà ngậm lúc ho. Tuổi già sức yếu, nhiều đêm ngoại ho sặc sụa. Những lần như thế, Lê đến bên ngoại, đỡ ngoại dậy,vuốt ngực cho ngoại, mếu máo: “Ngày mai ngoại nghỉ bán, ngoại đi khám bác sĩ, ngoại mà chết bỏ con ai nuôi”. Những lần đó Lê nghĩ đến mẹ, người mẹ mà mỗi năm nó chỉ gặp một lần, vào ngày giỗ ông ngoại nó .
Sáng nay, cả đội bóng tập dợt đến trưa, Lê nghỉ không bán vé số, thế là tiền thu nhập hôm nay giảm đi. May mà hai hôm trước cậu Ba nó ở Sông Bé về mang theo một bao gạo và đưa cho ngoại nó số tiền vài chục ngàn, hai bà cháu cũng đỡ lo cảnh bữa đói bữa no…
Chưa bao giờ thằng Lê cảm thấy thích thú như sáng nay. Trong số những người uống cà phê có chú Nhân vừa ở xa về, sau hai năm ra miền Trung làm ăn. Điều Lê thích nhất là được nghe chú Nhân kể chuyện bóng đá và đánh quyền Anh. Qua lời kể, chú đã từng đá cho đội tuyển hạng A ở Đà Nẵng và cũng từng lên đài tranh giải vô địch. Nghe chú Nhân trò chuyện với bác Năm, vừa phụ bán cà phê Lê vừa mơ ước một ngày kia sẽ được như chú Nhân. Chú kể lại lần đội bóng đá của chú thi đấu với một đội bóng đá tỉnh khác. Hai bên huề nhau sau chín mươi phút thi đấu, phải đá thêm giờ. Chính chú là người ghi bàn ở phút thứ một trăm mười chín. Nếu không nhờ chú, có lẽ hai đội bóng phải đá luân lưu, phạt đền và chưa chắc đội chú thắng. Trận đó, đội chú được vào bán kết bóng đá khu vực miền Trung. Câu chuyện nghe hấp dẫn quá… Khi quán chỉ còn lại chú Nhân, Lê ngồi bên chú nghe chú kể tiếp về trận đấu quyền Anh, mà chú đã thắng sau năm hiệp đấu.
– Cháu biết không, sau bốn hiệp đối thủ của chú vẫn chưa thấm đòn mặc dù chú đấm nhiều quả trúng đích, nhưng anh ta khỏe lắm.
– Ở hiệp năm làm sao chú thắng được? Chắc chú có bùa?
Nghe Lê nói, chú Nhân cười lớn:
– Cái thằng này không biết gì về võ cả, làm gì có bùa. Đấu võ hơn nhau ở sức và cả trí nữa.
– Thế sao con nghe nói đấu võ tự do, có nhiều người có bùa ngải nên đánh mấy cũng không bị hạ mà bất thình lình đánh lại một cú bên kia thua.
– Cháu nghe họ đồn tầm bậy… Đấu võ là sự thi thố giữa tài năng, giữa cái nhanh nhẹn, sức vóc.
– Cháu hiểu rồi, thế chú kể cháu nghe trận chú thắng đi.
– A, cái trận đó chú phải dùng trí, qua hiệp năm chú chuyển về thủ, ông kia cứ tấn công, chú đỡ… Thình lình, chú phản công bằng một cú đia-réc, đánh ngay vào mặt thật mạnh, ông kia nằm lăn cù, bị nốc ao, thế là chú thắng.
– Đia-réc, nốc ao là sao hả chú?
– Đia-réc là trực tiếp, nốc-ao là đo ván.
– Đo ván là sao chú?
– Cái thằng này, thắc mắc quá, thôi được, để chú giảng cho cháu nghe. Đo ván là đối thủ nằm ngay đơ không dậy nổi để đấu tiếp.
Nghe chú Nhân giải thích, Lê phục chú Nhân quá. Nó nhìn kỹ chú Nhân, thấy chú to quá, bàn tay rắn chắc, nó tưởng tượng nếu chú Nhân đấm nó một quả, chắc nó đi chầu trời. Như chợt nhớ ra điều gì, Lê hỏi chú Nhân:
– Chú vào ở đây luôn hay lại ra Đà Nẵng?
– Chú vào chơi vài tháng rồi lại ra.
– Thế chú có còn đá cho đội bóng hạng A ngoài đó không?
– Chú nghỉ đá vì hơn ba mươi tuổi, chạy không được nhanh .
– Còn đấu quyền Anh thì sao chú?
– Thỉnh thoảng chú cũng lên đài, nhưng không còn chuyên như trước nữa.
– Những chuyện chú kể là xảy ra năm nào?
– Mới năm ngoái thôi.
– Ước gì năm ngoái cháu ở Đà Nẵng xem chú đá bóng và đấu quyền Anh… À, có chuyện này hay lắm… Ở khu phố tụi cháu có lập đội bóng để chuẩn bị đấu với khu phố khác, nếu chú rảnh chú tập cho tụi cháu.
Chú Nhân cười:
– Hôm qua, bác Hai trưởng khu phố có nói chuyện đó với chú, nhưng chú vào đây bận chuyện làm ăn. Chú chỉ dám hứa sẽ dành một buổi chiều tập cho các cháu trước khi thi đấu với khu phố B.
– Thích quá, thế hôm nào chú?
– Nghe bác Hai nói, chủ nhật các cháu thi đấu, chú sẽ luyện cho các cháu vào chiều thứ bảy. Hôm nay thứ năm, vậy là ngày mốt, chú sẽ tập cho các cháu.
– Thích quá, cháu thương chú quá… Thôi, chú khỏi trả tiền cà phê.
– Tầm bậy, để chú trả, quán cháu nghèo ai lại nỡ uống không trả tiền.
– Nhưng nghe chú kể nãy giờ cháu thích quá, cháu xin đãi chú một ly cà phê.
– Cháu có lòng tốt, chú cám ơn, nhưng để dịp khác. Cháu tính tiền đi chú còn phải về.
Khi chú Nhân ra khỏi quán, Lê vẫn nhìn theo với cái nhìn kính phục, nó ước ao chú Nhân sẽ vào Sài Gòn hoài để được nghe chú Nhân kể chuyện, để nhờ chú huấn luyện cho đội bóng thiếu nhi khu phố.
Cái tin chú Nhân sẽ huấn luyện cho đội bóng khu phố trước khi ra quân được Lê loan đi rất nhanh. Ngay hôm đó cả đội bóng mười một cầu thủ nhóc đều hay tin. Trên đường đi bán vé số, Lê đã ghé ngang nhà các bạn để thông báo tin tức quan trọng này. Đứa nào cũng mừng rơn, riêng thằng Minh vẻ mặt quan trọng:
– Để tao đề nghị chú Nhân chỉ tụi mình vài ngón đặc biệt… Tao nhờ chú chỉ cách huấn luyện để tao huấn luyện tụi bay.
Còn thằng Phan thủ môn thì hỏi Lê:
– Liệu chú Nhân có biết giữ gôn không?
Lê làm ra vẻ thành thạo:
– Đá banh cỡ Quốc tế như chú Nhân cái gì cũng phải biết, không giỏi thì cũng phải khá.
– Mày có chắc không?
– Tao đọc trong báo, tao thấy mấy cầu thủ giỏi quốc tế đá vai nào cũng được.
– Chưa chắc đâu con, nhưng để hôm nào hỏi thì biết.
Ngày mong đợi đã đến, trên một sân cỏ ở sau ngôi trường cấp hai của phường, chú Nhân hướng dẫn đội bóng thiếu nhi khu phố. Cả đội rất phấn khởi. Mới đầu chú hướng dẫn cách chạy, từ chạy nước rút đến chạy hàng ngang, rồi đến bài học giao bóng, sút bóng… Chú vừa giảng vừa biểu diễn, cả đội nhìn chú với đôi mắt thán phục. Riêng về vai trò thủ môn, chú hướng dẫn thằng Phan cách đón bóng, cách ra vào đúng lúc để khỏi bị hố. Chú lại chỉ cách té. Một giờ tập dợt trôi qua, mười một cầu thủ nhóc cảm thấy khoái chú Nhân. Thằng Minh chạy ra quán mua một chai nước ngọt có đá mời chú. Nó có vẻ hãnh diện với đám bạn khi chú Nhân vừa cầm ly nước vừa xoa đầu nó:
– Ừ, thằng này ngoan quá, tướng cháu làm thủ quân được đấy.
Thằng Phan chen vào:
– Chú thấy cháu giữ gôn có được không?
– Cháu còn yếu điểm là bắt bóng bay chưa chắc, nhưng nếu cố gắng cháu sẽ khá.
Lê hỏi chú Nhân:
– Sao hồi trước chú không giữ gôn mà đi hàng trên?
Chú Nhân cười, nhìn đám học trò mới của mình, chú nói:
– Ừ thì khi mới đá bóng ai cũng khoái giữ gôn vì giữ gôn dễ nổi bật giữa sân cỏ… Nhưng mỗi người có một khiếu riêng… Với chú, mới đầu chú cũng giữ gôn như cháu Phan, nhưng sau đó chú được chuyển lên đá hàng trên, khi thì đá hàng giữa, khi thì đá góc, khi thì trung phong…
Thằng Hùng lùn suốt buổi tập dợt không nói một tiếng, im lặng nhìn chú Nhân với cái nhìn thán phục, bây giờ mới lên tiếng:
– Thưa chú, theo chú trong đội bóng vai trò nào quan trọng nhất?
– Vai trò nào cũng quan trọng ngang nhau cả, hàng trên hay nhưng hàng giữa yếu thì sẽ không nhận được bóng để sút, hàng giữa hay mà hàng dưới yếu thì đối phương sẽ tha hồ làm mưa làm gió.
Thằng Minh muốn tỏ cho đám bạn biết mình cũng thạo về bóng đá, nó cãi lại chú Nhân:
– Theo cháu, hai người quan trọng nhất đó là trung phong và thủ môn. Thủ môn hay có thể cứu thua các bàn trông thấy. Trung phong giỏi có thể lật ngược thế cờ…
Nghe Minh nói, chú Nhân gật gù:
– Cháu Minh giỏi lắm, cháu nhận xét đúng nhưng không hẳn hoàn toàn như thế, trong một đội bóng có mười một người đều như nhau vẫn mạnh hơn một đội bóng có trung phong giỏi, thủ môn khá còn các vai khác yếu.
Cuộc tranh luận bóng đá kéo dài hơn nửa tiếng, nếu chú Nhân không ngăn lại có thể sẽ tranh luận đến tối.
– Thôi nhé, chiều mai chúc các cháu đá tốt và thắng lợi.
Nghe chú Nhân nói thế, cả độ nhao nhao:
– Ngày mai chú nhớ đến, nhất định ngày mai chú phải có mặt…
– Cám ơn các cháu, nhưng ngày mai chú phải về Vũng Tàu có việc nhà, chú tin các cháu sẽ giành thắng lợi trước đội bạn. Chúc các cháu thắng.
Sáng chủ nhật, cả đội bóng tập dượt dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên “Minh lùn”. Khi sắp xếp lại đội hình, Minh lùn điều Lê từ hàng giữa về vị trí hậu vệ, đổi thằng Hòa mắt lồi thay Lê ở tuyến giữa. Hoà rất thích vị trí mới, nhưng Lê nhăn nhó:
– Tao đi giữa quen rồi, đổi vậy khó đá lắm.
Hòa mắt lồi nhìn Lê từ đầu đến chân, rồi nói:
– Huấn luyện viên Minh lùn sắp mày đúng quá, mày cao lều khều, đá hàng dưới thì được, còn hàng giữa chưa được banh chắc sẽ té.
Lê nổi quạu:
– Sao mày dám chê tao, mày cũng như tao, mày hơn gì tao?
– Nhưng tao đá vai nào cũng được… đáng lý mày cũng không được đá nữa, mày vào sân chỉ làm trò cười cho tụi nó.
Lê sấn đến ngay trước mặt Hòa:
– Mày nói sao, tại sao mày dám nói tao vào sân thì làm trò cười cho thiên hạ.
Hòa cười ngạo mạn:
– Mày là thằng Mỹ đen lọt vô đội bóng không giống ai.
Cả đội cười ồ lên khi nghe Hòa nói, chỉ có Hoàng là lặng thinh, chúng nó tàn nhẫn với Lê quá.
Chưa buông tha. Hòa còn nói tiếp:
– Cái thứ Mỹ đen cho đi chỗ khác chơi là vừa.
Một cú đấm ngay vào mặt Hòa, nó ngã xuống chưa kịp đứng dậy đã bị Lê bồi tiếp một cú nữa…
Hoàng ôm chặt lấy Lê, kéo nó đi sang nơi khác. Lê vùng ra khỏi tay Hoàng:
– Tao không chịu nổi nữa rồi, nó còn nói tao là Mỹ đen tao đánh cho nó một trận nên thân.
Hòa lủi thủi đứng dậy, nhìn Lê với đôi mắt thù hận, nó nói trong nước mắt:
– Để rồi mày coi, mày nhớ đó, mày đánh tao, rồi có ngày mày lãnh đủ…
– Mày đừng dọa tao, tao cóc sợ thằng nào.
Minh lùn làm thủ quân, nãy giờ chứng kiến màn giao đấu giữa hai võ sĩ nhóc, bây giờ lên tiếng:
– Thôi, tao can tụi bây, hai đứa tụi bây đều ẩu cả, thằng Hòa chọc thằng Lê quá, không được. Còn thằng Lê cũng quá nóng, tụi bây đi quá mức, tao cúp, không cho hai đứa đá nữa, tao cho hai đứa trong hẻm nhà tao đá thay, hai đứa nó mới dọn về đây, trước đá cho đội banh trường Cửu Long.
Lời dọa của Minh có kết quả ngay, cả Hòa lẫn Lê đều im thin thít, có lẽ chúng sợ thằng Minh loại hai đứa ra khỏi đội bóng thì uổng công tập dượt, và ước mơ trở thành các siêu sao khu phố Bà Chiểu cũng tan theo mây khói… Thôi nhịn là ăn tiền, đợi đá xong rồi hãy tính.
Đội bóng tan hàng trong nỗi ấm ức của Lê, của Hòa, trong nỗi buồn và lòng thương bạn của Hoàng… Hoàng và Lê về sau cùng. Trên đường về, Lê phân trần:
– Không phải tao ỷ to con hơn thằng Hòa mà đánh nó, nhưng nó nói tao là Mỹ đen, tao tức lắm.
– Mày giận nó không đúng, thằng Hòa hay nói ẩu, đứa nào cũng biết, mày đánh nó lỡ tay, nó bị gì là mày phải bồi thường, phải đi ở tù, lấy ai giúp bà ngoại mầy?
– Tao cũng biết tao nóng, nhưng nó làm nhục tao, tao phải đánh nó.
Chia tay với Hoàng. Lê về đến nhà thì đã gần mười một giờ.
Vừa đến sân, Lê đã thấy bà ngoại đợi sẵn:
– Nãy giờ ngoại trông con về để ngoại lên thăm cậu Minh, cậu bị bệnh nằm nhà thương.
Lê giật mình:
– Ngoại nói sao? Cậu Minh bị bệnh, có nặng không ngoại?
– Nghe nói cậu bị ung thư, bệnh không chữa được. Ngoại để sẵn cơm ở nồi, ăn xong trông nhà, đừng đi đâu, khoảng hai ba giờ ngoại về.
Mời các bạn đón đọc Thằng Pele Bà Chiểu của tác giả Thương Ánh.