Thế giới tuổi nhỏ được gọi về và làm sống lại trong văn chương và tiểu thuyết chúng ta, ở một tác phẩm này, là những sợi dây lả tả rời đứt của một gốc nguồn đã lạc. Ở một tác phẩm khác, là những ngón tay cuống quýt thất đảm gõ đập liên hồi vào một cánh cửa quá khứ bằn bặt đóng kín. Cánh cửa dầy, nặng, không mở. Phía bên kia, căn phòng thơ ấu tối đen, lạnh tanh, không hơi thở, bởi tuổi vàng kia tuổi vàng ấy đã bay xa, vĩnh viễn không còn nghe thấy nữa những tiếng kêu tuyệt vọng của người.Chín trong mười trường hợp những người viết truyện tuổi nhỏ của chúng ta đều viết từ một tâm trạng tiếc thương ngậm ngùi lũy tiến phóng lớn theo từng bước chân trên con đường trở lại. Con đường ấy xa thẳm. Cuộc hành trình muôn vàn cực nhọc. Con đường ấy mịt mùng. Bên kia những núi nhớ. Trên một lối hồi tưởng mưa bay, tiểu thuyết và thơ truyện về những tháng năm đẹp nhất một đời người của chúng ta phần lớn đã như thế. Đã ghé vào một bến tuổi hồng, như một bờ bãi mù sương. Đã chạm đụng lại một tuổi ngọc, một tuổi ngọc chỉ còn là hình bóng.
Hành động và ý hướng trở về tuổi nhỏ, với văn chương hiện đại, nói chung, do đó đã được giải thích như biểu hiện cho một nhu cầu tâm linh xao xuyến cần một điểm tựa, một trú ẩn, kẻ đi đường không có một điểm ánh sáng nào dẫn tới chân trời trước mặt, phải nhận đường bằng điểm lửa xa chiếu về từ một phía sau lưng. Từ liên hệ và nhu cầu này, cuộc sống của người lớn, với hiện đại y, được coi như một thất bại, một ngờ vực, một thua trận, một cùng đường. Trở về với cái cấu thành với cái từ đầu của mình, hàm chứa hy vọng lấp đầy một hụt hẫng và một mất mát lớn, sống lại một phần đời đã sống bằng một lần sống thứ hai. Những kiếm tìm ấy cuối cùng chỉ đưa tới con số thành này là tuổi trẻ đã bị đổi thay từ hình dáng đến thể chất. Những tháng năm đẹp nhất của một đời người đã trở thành những tháng năm hắt hiu buồn thảm nhất của một đời người với Le Petit Chose, của Daudet, với Những Ngày Thơ Ấu, của Nguyên Hồng. Giam nhốt trong tiềm thức người như một ám ảnh siêu hình, tuổi nhỏ chỉ còn là một vang vọng buốt lạnh. Và cả một thế hệ người lớn bây giờ, bước nối hàng theo một hành lang hồi tưởng xám, đã về cùng tuổi thơ như nhẩy qua một vực thẳm, chui vào một hầm đá tối. Và, ở cuối đường hầm kia, tuổi nhỏ hiện ra, hoang đường và xa lạ buồn, mang cái hình ảnh tôi vừa dùng : một bờ bãi mù sương. Cái ga tuổi vàng tới rồi. Nhưng người chỉ tới khi buổi chiều đã xuống.
Bằng một bắt gặp khác biệt, riêng Duyên Anh đã về tới tuổi vàng mình vào khoảng bảy giờ sáng. Một buổi sáng tháng giêng, xanh trời, một buổi sáng mùa xuân lộng lẫy. Ga tuổi vàng hiện ra, rực rỡ. Cái mái nó đỏ chói từng hòn ngói lên tám. Trường nó mở toang khắp bốn phía những khung cửa lên mười. Kim đồng hồ trước cửa ga chỉ đúng vào con số giờ óng ánh nhẩy múa của một ngày vừa dựng. Nắng đã lên, lồng trong như hạt sương là ngọc. Nắng đã dấy, trên mầm thật nan, trên búp thật mới, trên những đầu cành rung rinh, trên những thân lá phơi phới. Tầu tới, còi hú từng hồi tu tu, bánh lăn từng vòng tươi cười, cỏ giậm chân bịch bịch, đất vỗ tay làm nhịp, đá lăn mình rượt kịp, cây vui nghiêng theo tầu, tầu đầy một chuyến gió. Và từng chuyến tầu chở tuổi nhỏ đến cùng tuổi nhỏ ấy, bánh chưa ngừng lăn, thằng Côn đã nhẩy xuống. Côn tới. Từ phút này, cái thế giới nghiêm trang, đầy đặc những nếp nhăn buồn bã những khoảng trũng của người lớn đã mất Côn rồi. Mất, mất hẳn. Côn đã đi thật xa, bay thật cao, trên những đường đồng, trên những con suối, hóa thân làm bướm, bốc thoát thành nắng. Côn sống làm cho người lớn hoa mắt, Côn chạy làm cho người lớn chóng mặt. Khoảng khắc, từ cái ga bình minh của một tuổi vàng gặp lại, Côn và chúng bạn, tay trong tay nắm, tuổi lá non kề tuổi hàm tiếu, đã ở thật xa, giữa trung tâm một thế giới hồng.
Không trò chơi văn chương nào tuyệt vời bằng trò chơi của trí nhớ. Đời sống là giới hạn, lệ thuộc, và tâm thức : một cái lồng giam nhốt quằn quại ngột ngạt. Riêng trí nhớ bay bổng không cùng, trí nhớ hoàn toàn tự do, hiện năng và vận dụng của hồi tưởng vô cùng vô tận, trí nhớ đích thực là một kho tàng nguyên vẹn, nó là tư hữu duy nhất toàn viẹn mỗi phút sống một phong phú hơn mãi của người, trí nhớ có đôi cánh thần tiên, mỗi khi muốn, là lượn bay cùng khắp tới những đáy trời huyền ảo. Chỉ cần nhớ lại. Là đủ. Không cần tưởng tượng. Chỉ cần nhớ lại. Là thừa. Không cần thêu dệt. Chỉ cần một ngụm gió nhớ thổi lên, một hạt lửa nhớ nhen hồng, là đã những thời gian bắt kịp, những không gian chụp gọn, không cần tìm kiếm. Và thế là, đã điệp điệp trùng trùng, đã tuôn tuôn nối nối thành những xâu chuỗi tình tự hồi phản dằng dặc – nếu như trí nhớ muốn sắp xếp – và thế là đã từng nhánh xum xuê, từng chùm chồng chất – nếu như hồi tưởng muốn thả lỏng dây cương – những cõi hình ảnh lớp lớp, những cõi mầu sắc từng từng, bất tuyệt, miên man, tràn đầy, đồng thời sống lại. Cỏ của trí nhớ xanh ngắt ngay từ thước đường thứ nhất. Và trí nhớ chỉ cần nghiêng thân, đã một trời kỷ niệm đậu xuống bờ vai, chỉ khẽ cúi đầu, đã những sợi tóc quá khứ buông rủ một vầng trước mặt.
Tuổi nhỏ với Duyên Anh, với cái thế giới hồn nhiên, sáng láng, nhấp nhổm, tinh quái của Duyên Anh, chính là hiện tượng thích thú sảng khoái nhất cái trò chơi tuyệt vời của văn chương vừa nói. Được mùa, nó đựng đầy trong một bao bố lớn. Trong căn phòng có nắng múa trên từng thành cửa sổ của Duyên Anh, ấu thơ, lên tám, lên mười, những tóc như tơ, những trán như gương, những chân sáo nhẩy, những mắt thỏ non, đã lũ lượt về, chất ngất một rương đầy. Viện bảo tàng tuổi nhỏ của tác giả thằng Vũ, thằng Côn, có hàng nghìn cái giá treo cao, hàng nghìn ngăn đựng mở rộng, thò tay vào đã lấy đủ một nhánh hồng, vục tay xuống, đã đầy tay những chùm biếc, và như thế, liền kế, dễ dàng, không phải vén một tấm rèm, đuổi một lớp khói, đi hết một đường hầm, nhẩy qua một vực thẳm nào. Nhiều nhà văn viết truyện tuổi nhỏ, chỉ quy định và chụp bắt được ấu thơ trong từng khu vực một. Gặp con suối thì lỡ thấy cánh rừng. Nhặt được hòn bi lại bỏ rơi cục tẩy. Thấy được con chào mào mỏ đỏ trên cành, lại quên cây súng cao su gạc ổi cầm tay. Tuổi nhỏ chỉ được dừng lại, trên từng cạnh khía rời lẻ, như một ngọn đèn pha xe hơi di động trong đêm tối đường trường, ánh sáng dọi tới một vùng cỏ lá mới thì cũng lại có nghĩa là vùng cỏ lá sáng rõ một giây trước đó đã chìm vào tối đen. Tuổi thơ được làm sống lại bởi vậy chỉ là những mảnh vụn, những phiến nhỏ, mà không phải là cái toàn thể cái toàn diện bát ngát của tuổi vàng. Giữa những hòn đảo ấy lác đác nổi hình của một hồi tưởng đứt đoạn thả từng giọt một từ một hình kỷ niệm đã nhạt nhòa trừu tượng, cho một nối tiếp, một lấp đầy, trí nhớ phản phúc yếu hụt không hòa nhập được tận cùng vào cái trò chơi kỳ diệu, đành phải điền vào những khoảng trống bằng những vá chắp người lớn, những vá chắp này không đồng chất chỉ là những đột nhập phá rối.
Với Duyên Anh, không thế. Thế giới tuổi nhỏ bằng tiểu thuyết Duyên Anh, được tạo dựng thuần bằng những chất liệu đích thực, nguyên khối, không pha phách chế biến. Khí hậu, thời tiết, mưa nắng, gió tới từ phía tả như mưa bay từ phía hữu, không khí, rung động, giòng sông, ngọn cỏ, khuôn mặt của buổi sáng, cảnh tượng của buổi chiều, đến cả những sự việc của thế giới và xã hội người lớn như đổi rời, cách mạng, đói kém, mất mùa, chân phù lính Tầu và lưỡi lê Nhật, hết thảy đều được nhìn, sống, nhận thức phán đoán, tiếp thu, bằng những khối óc lên tám, bằng những trái tim lên mười. Qua cái lăng kính luân lý, đạo đức phơi phới hồn nhiên, trong vắt và đôn hậu nhất của tuổi thơ.
Không có trò chơi nào của văn chương tuyệt vời bằng trò chơi của trí nhớ. Trí nhớ của Duyên Anh có một trăm ngăn đựng sáng láng, một nghìn ngăn đựng tươi hồng. Trước thằng Vũ, thằng Côn, sau thằng Côn, thằng Vũ, bằng ngòi bút viết về những tháng năm đẹp nhất của một đời người phong phú và sinh động nhất của văn chương tuổi nhỏ hiện nay, trò chơi tuyệt vời kia với Duyên Anh, vẫn còn tiếp tục.
MAI THẢO