Vương An Ức chọn cách miêu tả hình tượng người phụ nữ như biểu hiện tràn đầy sung mãn của đời sống bình thường, niềm hạnh phúc sâu xa của tồn tại cá nhân.
Trở lại với cuốn tiểu thuyết mới – Thắm sắc hoa đào – sau thành công vang dội của Trường hận ca, Vương An Ức một lần nữa khẳng định bút lực vượt trội của mình so với các nhà văn Trung Quốc đương thời, bằng một ngôn ngữ kể chuyện hiện đại, đa chiều, và quan niệm nhân sinh phóng túng, xa rời những thứ luận lý sẵn có.
Không còn bận tâm đến những thua thiệt, bất hạnh mà người phụ nữ trong một xã hội hậu Nho giáo phải gánh chịu, như các đồng nghiệp của mình: Tô Đồng, Dư Hoa, Giả Bình Ao…, Vương An Ức chọn cách miêu tả hình tượng người phụ nữ như biểu hiện tràn đầy sung mãn của đời sống bình thường, niềm hạnh phúc sâu xa của tồn tại cá nhân.
Câu chuyện xoay quanh những biến cố đời sống của hai mẹ con: Minh Minh (vốn là một diễn viên hài kịch) – Úc Hiểu Thu và những người thân quen khác: Úc Tử Hàm, chồng cũ của Minh Minh; anh chị cùng mẹ khác cha của Hiểu Thu; Dân Vỹ, bạn học của Hiểu Thu, cũng là người yêu đầu đời; Dân Hoa, người chị gái đầy lòng đố kỵ và thành kiến của Dân Vỹ; anh rể của Hiểu Thu, người sau này sẽ mang lại những bất ngờ…
Bằng cách đó, người phụ nữ trong Thắm sắc hoa đào vượt khỏi mọi thành kiến, đố kỵ, ngộ nhận của đám đông xung quanh, thỏa mãn cá tính độc lập và độc đáo của bản thân, cũng như mang lại điều tốt lành từ nội tâm mình tới cho đời sống. Cũng bằng cách như vậy, người phụ nữ-bình-thường nhưng mang đầy nét khác lạ mãnh liệt của cá nhân, đã bình thản vượt qua những oan khốc nặng nề, những gian lao và nguy biến tưởng chừng không thể vượt, của một thời đại lầm lạc, một dân tộc đau thương. Để chỉ còn lại những niềm vui bình dị, những cảm xúc từ nhiều phía, niềm kinh ngạc về một cuộc sống đời thường ẩn chứa xiết bao bất ngờ, khác biệt, không ai có thể dự đoán nổi, mà nhà văn đang mở ra trước mắt chúng ta.
Vương An Ức sinh năm 1954 tại Nam Kinh, là con gái của nữ nhà văn nổi tiếng Như Chí Quyên. Bắt đầu sáng tác vào năm 1976, sự nghiệp cầm bút của bà rất đáng chú ý với nhiều giải thưởng uy tín: năm 1999, Trường hận ca được tạp chí Asian bình chọn là một trong 100 tiểu thuyết Trung Văn thế kỷ 20, tác giả giải thưởng văn học Mao Thuẫn lần thứ 5 năm 2000, nhà văn xuất sắc trong năm giải Truyền thông Văn học Hoa ngữ 2008.
Mẹ của Minh Minh là diễn viên hài kịch – ai cũng nói như thế, nhưng không biết rằng, từ trước đấy rất lâu bà là diễn viên kịch hiện đại – năm mười ba tuổi theo một ông chú họ làm chân hát đế, sắm vai trẻ con trong một ban kịch diễn ở Đại Thế Giới. Minh Minh có khuôn mặt xinh xắn, cặp lông mày thanh tú, mắt rất đẹp, đuôi mắt dài hơi vểnh lên. Nhưng không phải là mắt xếch, mà như ta vẫn nói, mắt phượng, lúc cười cặp mắt cong xuống rồi lại uốn lên. Làn môi mỏng, môi trên hơi cong. Thời ấy, người đẹp Chu Tuyền mới xuất hiện, ai cũng gọi Minh Minh là Chu Tuyền. Vì giống người đẹp Chu Tuyền, lại biết hát, nhưng giọng không thanh, không sang như Chu Tuyền, mà hơi the thé, trong ban kịch ai cũng bảo nàng có cái họng “vòi nước”, đanh đá, không phù hợp với vẻ mặt. Điều đáng quý là, Minh Minh biết hát các điệu dân ca các miền, biết nói tiếng các vùng. Hát Thân Khúc, Than Hoàng, Trích Đốc, Nhiệt Hôn, Bình Đàn, Hoài Dương, giọng ông già trong Kinh kịch; biết nói tiếng Tô Châu, Vô Tích, Hàng Châu, Ninh Ba, Thiệu Hưng, Thượng Hải, Sơn Đông, Quảng Đông… Cái giọng the thé, lúc lên cao vút, lúc xuống thật thấp, mới nghe phải giật mình, nghe nhiều cảm thấy hay, không mệt. Hơn nữa khẩu hình đẹp, nhả chữ rõ, người xem rất thích. Năm mười lăm tuổi, nghe nói có một trường kịch chiêu sinh, cô rủ mấy bạn cùng lớp đi thi. Ở cái tuổi ấy, bất cứ lúc nào, đi đến đâu cũng đều chú ý cơ hội, không bằng lòng với hiện trạng. Như Minh Minh, cũng đã từng gặp may, tự giác quen với nghề son phấn, cần thử cứ thử một phen. Hồi ấy, đang phổ biến phong cách học sinh, cô cắt tóc ngắn, đuôi tóc uốn cuộn vào trong. Đeo cái kính gọng đen, mặc váy liền áo kiểu phương Tây, lụa xanh màu táo, tay bồng, thêu hoa, đi giày da đen mõm vuông, cài khoá ngang, giống như cô tiên Bồ Đào học sinh vẫn diễn trên sân khấu. Cổ tay quàng cái ví hạt cườm màu trắng, trong để khăn tay, phấn son, cây bút máy, một con dấu xương khắc tên, thêm một bao thuốc lá. Tất cả những thứ đó cũng không làm cô già đi, mà trông rất nhí nhảnh ngây thơ. Vốn người nhỏ nhắn, ngồi với đám học sinh mười hai, mười ba tuổi cùng dự thi trông cô cũng không lớn hơn mấy. Trong số các thầy giám khảo có một người mặc đồ Tây màu kem, giày da bóng loáng, nhưng tay cầm ống điếu thuốc lào rất quê, trông như cái tẩu hút thuốc phiện, rít thuốc kêu lọc xọc, đi dọc theo đám học sinh đang ngồi thành hàng ngang. Khi đến trước mặt cô, người này hỏi bằng cái giọng Tô Châu: cô tên cái chi? Cô trả lời cũng bằng tiếng Tô Châu: con chó con mèo cũng có tên, sao hỏi tên cái chi là mần răng? Vị giám khảo nhìn cô, nhìn một lúc rồi bỏ đi chỗ khác. Vì trường kịch thực chất là trường dạy Kinh kịch, chiêu sinh Kinh kịch, cho nên cô không đỗ, nhưng vị giám khảo hỏi “tên cái chi” làm quen với cô từ đấy. Không ngờ họ lại gặp nhau, lần ấy, hai người gặp nhau đúng với nghĩa ân nhân cứu mạng.
Một dạo mọi người gọi cô là Chu Tuyền, sau lại gọi cô là Bạch Quang, rồi Điền Lệ Lệ. Cô bắt chước ai cũng giống, nhưng rốt cuộc chỉ là theo đuôi người ta, nhìn cho vui mắt. Trông cô rất non nớt, mười bảy mười tám tuổi vẫn có thể sắm vai trẻ con, nhưng đã có phần miễn cưỡng. Cô cũng muốn đổi nghề, tìm được sư phụ mới, tự đặt cho mình một cái tên, tên gọi Tiếu Minh Minh. “Tiếu” gần với âm “tiểu”, lại có ý nghĩa vui vẻ, còn là danh nghĩa chính truyền, vì trong đó có cả chữ tên của sư phụ. Cô ra khỏi đoàn kịch hiện đại đi diễn kịch độc diễn. Thời ấy kịch độc diễn đang thịnh hành, kịch hiện đại càng ngày càng mờ nhạt. Trong ban kịch độc diễn, cô vẫn là diễn viên mặc áo rồng, nhưng không được nổi như trước. Kịch độc diễn “cười” sang trọng, cô còn trẻ đẹp, trong thâm tâm không muốn đem mình ra làm trò cười, không thể hy sinh bản thân để “cười”. Tuy có tên, nhưng không nổi danh, tất nhiên cũng cảm thấy buồn. Còn may đang thời tuổi trẻ, có nhan sắc, lại thêm chút tiếng tăm trong quá khứ, nên cũng nổi trội trong con mắt người đời, có thể cân bằng được mất. Có một khán giả quen thuộc rất chung tình kể từ ngày Minh Minh vào nghề, tưởng chừng chờ cô lớn lên, chờ cho cô gặp điều không may, lúc ấy mới xuất hiện. Đương nhiên Minh Minh không nghĩ đấy là chuyện nghiêm túc, không phải vì không ưng anh ta, mà vì không thể dễ dãi quyết định chuyện lớn trong đời. Tương lai của nữ diễn viên vừa mờ mịt lại vừa có chút hy vọng, tóm lại chưa biết ra sao, không hiểu phía trước là những gì đang chờ đón. Tuy vậy, mỗi tối tan diễn đều có người gọi xe kéo chờ sẵn ở cửa sau nhà hát, mời đi ăn đêm, chủ nhật đưa đi mua vải may xường xám, trả hộ mấy khoản nợ nần, cùng đi xem phim, ăn kem, nghe cô nói xấu vai nữ chính, tóm lại toàn những chuyện có thể diện. Cho nên, hai người cũng tốt với nhau một độ. Trong mênh mông biển người, hiếm được người nhắm vào mình, trung thành với mình, khó mà nói không sinh lòng yêu thương. Nhưng nhiều lắm chỉ là ôm nhau, không làm điều gì quá. Thực ra, nữ diễn viên không phải ai cũng nhẹ dạ như mọi người vẫn tưởng, ngược lại, họ giữ mình như giữ ngọc. Ở chốn nam nữ lẫn lộn, lại quen với trăng gió yêu đương từ lời kịch, chuyện đó chẳng có gì là lạ, nhưng ai cũng hiểu số phận nằm ở chính bản thân, không thể sa sẩy, khinh suất, vậy nên rất mực gìn giữ. Vị khán giả được hưởng tài sản của ông cha – phàm tài sản ông cha đến đất Thượng Hải là cứ co dần, càng co càng ít đi, lớp con cháu hậu thế không có bản lĩnh chăm lo gia sản, lúc nào cũng túng tiền – rất tận tâm tận lực đánh đổi tấm lòng chân thành của một nữ minh tinh. Cả hai đều là người bình thường, đều phải tuân theo nhân tình thế thái, không có tham vọng gì lớn, cùng cảm thấy được như thế là tốt lắm rồi. Cho nên, đó là giai đoạn lãng mạn yên bình, cảm thông và chăm sóc cho nhau. Giai đoạn lãng mạn này kết thúc vào lúc Minh Minh đi Hồng Công.
Công ty điện ảnh Vĩnh Hoa của Hồng Công đến Thượng Hải tuyển diễn viên, mấy chị em trong đoàn kịch cùng đi dự thi. Nơi tuyển sinh đặt tại một nhà xe ô tô trong con hẻm đường Trường Đua. Nhà xe một nửa thấp dưới mặt đường, một nửa ngang với mặt đường, cửa sổ có song sắt tựa như nắp đậy cống ngầm. Ngồi trong đấy nhìn qua cửa sổ chỉ thấy chân người đi lại làm ánh sáng loang loáng, mặt người bên trong loang lổ. Ba vị người Hồng Công, chen lẫn giữa đám trai tài gái sắc đang ngồi chật căn phòng, không nhìn rõ mặt. Người đông, cũng không kịp nói chuyện, chỉ trao một tấm ảnh, đi qua trước mặt người Hồng Công như lướt qua sân khấu rồi ra ngoài. Ra ngoài, đứng dưới nắng thu bốn giờ chiều, trên tường in bóng gầy guộc mờ nhạt, tưởng như trở về cõi nhân gian. Vòng hai ít người hơn, người đến đều nhận được giấy báo, nữ nhiều nam ít, ngồi thành vòng tròn trong nhà. Đạo diễn, một trong số mấy người Hồng Công, bảo mọi người chơi trò trẻ con, ném khăn tay. Hát xong một bài hát, khăn tay trong tay ai, người ấy phải đứng dậy trình bày một tiểu phẩm. Lúc bắt đầu, đôi bên còn thiếu tự nhiên, vào cuộc thì thoải mái hẳn. Có người giả tiếng mèo kêu, có người bắt chước chó nhảy, cũng có người làm trò ảo thuật, diễn tạp kỹ. Minh Minh nhận ra một nữ diễn viên của một công ty điện ảnh, từng sắm vài vai phụ. Còn một đôi trai gái là học sinh trường kịch công lập, đang lúc chiến tranh, nghe nói nhà trường sắp đóng cửa. Vào cái thời loạn lạc, thanh niên không biết đi đâu, làm gì, dù là sinh kế hay sự nghiệp thảy đều mờ mịt. Chiếc khăn đến tay Minh Minh, cô lập tức đứng dậy biểu diễn màn kịch vui nổi tiếng “Đánh mạt chược”, một người cùng lúc đóng bốn vai Thiệu Hưng, Ninh Ba, Giang Bắc, Tô Châu, vô cùng sinh động và vui nhộn. Hai trong số ba người Hồng Công kia vốn là người vùng Giang Tô-Triết Giang, cho nên nghe hiểu, còn một người tuy nghe không hiểu, nhưng trông cách diễn vui vẻ hoạt bát, rất hứng thú, nên cũng tâm phục khẩu phục. Thế là, Minh Minh may mắn trở thành một trong bốn nữ một nam thi được vào công ty điện ảnh Vĩnh Hoa, chỉ ít ngày sau thì lên đường đi Hồng Công. Thời ấy, Hồng Công trong con mắt người Thượng Hải là một vùng hoang vu, lạc hậu. Những người như Minh Minh, chỉ loanh quanh nơi bến tàu Thượng Hải, cho rằng ngoài Thượng Hải ra còn nữa đều là nông thôn, nghĩ Hồng Công vô cùng quê mùa. Cho nên, cô chuẩn bị hai va li to áo quần, vì phải chờ may xong mấy chiếc xường xám, đành đi chuyến tàu sau, trơ trọi một mình. Nhưng vì cô đi làm sớm, từng tiếp xúc với đủ người đủ việc, không còn lạ lẫm gì, nên cứ thản nhiên lên đường. Một cô gái trẻ xinh đẹp ra đường tự khắc có người ân cần giúp đỡ, cô lên khoang hạng ba, cơ hồ không phải đụng tay vào hai cái va li to. Có hai sinh viên đi Hồng Công để rồi tới Hawai học tập, một thương nhân, thậm chí cả một người Bồ Đào Nha da trắng thay phiên nhau ăn cơm, nói chuyện, ngắm mặt biển, xem phim trên tàu cùng cô. Một tuần trên đường không những không cô đơn mà còn rất vui. Có điều, càng đến gần Hồng Công không khí càng nóng ẩm, toàn thân nhớp nháp tưởng như trong nhà tắm, rất khó chịu. Lên bến, hai cái va li to cho vào cốp taxi, cô nhanh nhẹn ngồi vào ghế sau, vẫy tay chào tạm biệt những người bạn đường. Một người bạn đường đóng cửa xe, làm xong nghĩa vụ cuối cùng. Xe đi vào phố phường Hồng Công.
Dù là thời chiến, Hồng Công về đêm vẫn rất đẹp. Đường phố lên xuống quanh co theo triền núi, nhà cửa lúc ẩn lúc hiện, đèn lúc sáng lúc tối, đẹp một cách kỳ ảo. Quen dần với ánh sáng và cảnh vật xung quanh, phố xá hai bên hiện rõ và cụ thể hơn, trông cũng rêu phong cũ kỹ, nhà gác làm nhô ra lối đi giống như đường Tứ Mã của Thượng Hải, phía dưới tối tăm, bốc mùi tanh tưởi của cá và các thứ khác. Theo ý khách, xe dừng lại trước một tòa chung cư. Minh Minh xuống xe, lấy hành lý, lúc này chỉ còn lại một mình. Cô không sợ, mỗi tay xách một va li, bước vào chung cư. Bất kỳ ai nếu trông thấy một cô gái đi giày cao gót, ăn mặc mốt như vậy, mà hai tay rất nhẹ nhàng xách đống hành lý nặng, ắt đều phải giật mình. Cô bước vào sảnh, một bác già ngăn lại. Bác già mặc áo đồng phục ngắn tay màu ghi nhạt, quần cộc, chân đi guốc mộc gõ lộc cộc trên nền gạch, hỏi cô tìm ai ở phòng nào. Minh Minh nghe hiểu một ít tiếng Quảng Đông, thậm chí ứng phó được đôi câu, bảo với bác già tìm công ty nào, ở phòng nào, tầng nào. Sau đấy thì nghe không hiểu nữa, phải đợi hỏi lại mấy lần, bác già còn giải thích thêm mấy lần nữa, đầu óc Minh Minh ù lên, không hiểu gì. Một tuần trên biển không say sóng, vậy mà lúc này không chịu nổi. Cô đặt va li xuống, ngồi lên đấy định thần lại. Bác già đi vào rồi quay ra, tay cầm hộp dầu Vạn Kim đưa cho Minh Minh. Cô gạt đi, chỉ xin ông một ly nước. Nước đưa ra, cô ngửa cổ uống cạn, rồi hỏi gần đây có khách sạn nào không. Bác già chỉ chỗ, cô đứng dậy, xách hành lý, gót giày nhọn gõ lên nền gạch, chỉ giây lát đã không thấy đâu.
…
Mời các bạn đón đọc Thắm Sắc Hoa Đào của tác giả Vương An Ức.
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn