Giới thiệu :
Trích “Tuổi trẻ chủ nhật”.
TTCN – Sau Trên dấu chim di thê dọc ngang châu Âu, Văn Cầm Hải cho ra đời Tây Tạng-giọt hoa trong nắng(*) như một thứ rượu tsampa của xứ tuyết mà anh dành để thết đãi nhân gian sau chuyến đi Tây Tạng.
Từ Thành Đô (Trung Quốc) tác giả đã bay qua đỉnh Himalaya để đi vào đô thành Lhasa, thủ phủ của Tây Tạng, xứ sở ngự trị cao nhất hành tinh, từ đó người ta có thể nhìn ngắm cả nhân loại hình như đang cười nói ở phía dưới.
Văn Cầm Hải đã có dịp ngắm màu trắng của tuyết vĩnh hằng trên đỉnh Qomolangma, trên núi Kailâsa, nơi xuất phát những dòng sông vĩ đại của thế giới; ngắm sông Yarlung Tsangpo chảy triền miên qua kinh thành Lhasa như một dòng trường ca; ngắm màu nắng vàng chan hòa, trong mắt như một thứ ánh sáng của thiền định…
Và cảm xúc huyền bí với nhiều thánh tích linh thiêng trong chùa Đại Chiêu 1.300 năm tuổi, trong cung Potala, tu viện Tashilhunpo nằm trên hoa chantai nở bạt ngàn dưới mặt đất bao la mây gió.
Ở đây không có những cái gọi là “danh lam thắng cảnh” mà du khách thường gặp nhan nhản khắp thế giới; tất cả đều hiện ra trong một không khí tĩnh lặng như vô ngôn, và một thứ ánh sáng trong veo làm bằng ánh sáng từ mặt trời chiếu hắt lên màu tuyết ngàn năm của dãy Hi Mã. Tây Tạng không phải là một quang cảnh, mà là một cảnh giới sắc không khiến con người như đang từ bỏ cõi trần gian này để đến một cõi khác.
Toàn bộ thế giới ấy đã hiện ra như hình ảnh nhất quán của một nền văn hóa khác biệt: “Văn hóa ánh sáng. Giá trị ánh sáng được khẳng định trong mọi gam màu cuộc sống, từ lời kinh rơi đầu lưỡi cho đến ngọn địa y hát xanh núi tuyết! Ánh sáng trở thành ngôn ngữ triết học đối thoại vô tiền khoáng hậu trên miền đất Tây Tạng”.
Văn Cầm Hải không sa đà theo những cái lạ mắt của người du lịch. Anh luôn luôn để cái nhìn dừng lại trên những biểu tượng của nền văn hóa ấy, ví dụ những bảo tháp đang được thờ kính, những dây cờ phướn sặc sỡ la liệt tận trong núi, những vị lạtma ở các đền chùa, những người ngồi thiền định trong vách núi, vị âm công chuyên mổ xác theo phép “điểu táng”, hoặc như nàng kỹ nữ Yarlung ở nhà thổ Lhasa, đồng hóa với Yeshe Tsogyel “đi vào vực sâu núi thẳm, sống một đời mưa nắng, ăn hết hoa cỏ, nàng chuyển sang ăn không khí cho đến khi xương trán nhô ra trên đỉnh mày nhưng nàng vẫn nhân nại đợi ngày hóa thành Phật nữ”. Cùng với những sự vật thiêng liêng mà tác giả đã gặp và thu vào nội tâm, Văn Cầm Hải đã hình thành trong chuyến đi này một tour du lịch mới, gọi là “du lịch tâm linh”.
Điều sau cùng, là tôi đã xao xuyến nghĩ về chính tác giả cuốn sách này. Rằng, qua một chuyến đi ngắn ngủi, anh đã miêu tả lại cuộc viễn du mang tính chất hành hương, và giới thiệu với bạn đọc toàn bộ cuộc sống tâm linh của Tây Tạng.
Anh luôn luôn thao thức với những kỷ niệm sống chết thời thơ bé để tự giải thích về những người, những vật mà anh thấy trước mắt, bằng “con mắt thứ ba” của huyền thoại Tây Tạng như anh nói “trong những ngày lang thang xứ tuyết, tôi đều bị hút hồn trong cái nhìn sâu sắc quét ra từ đôi mắt Phật khác thường xuất hiện khắp nơi trên xứ Tạng”.
Như họa sĩ Đại Sĩ đời Tống thường xuyên ngồi trên mỏm đá để nhìn dòng sông, quên cả mưa bão nhưng bút lực lại cuồn cuộn như mưa bão, đã nói rằng: “Làm thế nào để trở thành một nghệ sĩ nếu người ta không từng đọc một vạn cuốn sách, và đi một vạn dặm sông núi?”.
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com